Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương V

Chương 5 : Bản chất hạnh phúc

Ging ti Trường hạ chùa Phổ Quang, tháng 05-2004
Đánh máy: Thủy Tiên

Hạnh phúc chỉ là cảm xúc

Theo hóa học thì hạnh phúc là phản ứng hóa chất tác động đến thần  kinh dựa vào các giác quan tiếp xúc với đối tượng trần cảnh của nó.  Chẳng hạn mắt nhìn hình thái, màu sắc; tai nghe âm thanh; mũi ngửi mùi;  lưỡi nếm vị; thân với sự xúc chạm; ý với tất cả các ý tưởng, hình dung được lưu giữ trong não, lúc đó ý thức nhận định những sự kiện đã xảy ra  hoặc sẽ xảy ra trong tương lai. Phản ứng hóa học này làm con người đi  theo hai khuynh hướng thuận và nghịch.

Điều phù hợp với sở thích sẽ dẫn đến phản ứng thích thú, từ đó theo đuổi rồi chiếm hữu. Khi xuất hiện nhu cầu chiếm hữu, thái độ bảo thủ cũng bắt đầu có mặt. Đức Phật khẳng định “đó là đầu mối của sự khổ đau”. Ngược lại, điều không phù hợp với sở thích thì phản ứng tâm lý kéo theo là sự ruồng bỏ, chán nản. Thậm chí, nếu điều không phù hợp sở thích đó được tái xuất hiện lặp đi lặp lại, sẽ làm cho con người có thái độ tìm  cách đối lập, triệt tiêu.

Như vậy, dòng chảy cảm xúc hay hạnh phúc thực chất chỉ là những phản ứng hoá chất trên não trạng và ý thức của người nhận định dựa trên hai  khuynh hướng phản ứng trên. Một cơn mưa rào có thể tạo các phản ứng đối  lập. Nếu là người khá giả, di chuyển bằng ô tô thì mưa sẽ đem lại sự thích thú, mát mẻ. Họ mong muốn càng nhiều cơn mưa càng tốt. Nhưng với  người buôn gánh bán bưng, họ phải hấp tấp lấy màn che, mặc áo mưa. Mưa đối với họ là điều khó chịu, cảm giác buồn vì công ăn việc làm bị gián đoạn, thậm chí những sở hụi có được có thể tan biến. Như vậy, cũng một  sự kiện mưa nhưng xuất hiện hai trạng thái hoàn toàn trái ngược. Đứng  trước hoàn cảnh đó, người buôn gánh bán bưng cần làm thế nào để có hạnh  phúc?

Đây là cách thức tìm trạng thái an vui trong những hoàn cảnh không  như ý. Nếu làm được thì hạnh phúc thật sự sẽ có mặt và người đó trở thành hành giả, hành giả trong buôn bán, hành giả trong trú mưa, hành  giả trong đi đường và trong bất kỳ sinh hoạt nào. Sự buồn rầu lo lắng  không làm cho cơn mưa tạnh được, vì đó là quy luật vật lý. Thay vì buồn  rầu, hãy suy nghĩ rằng đây là dịp để nghỉ ngơi. Suy nghĩ đó làm tan tạm  thời thái độ buồn rầu bực dọc. Đó là một trong những cách thức quan niệm tích cực trước những hoàn cảnh không khả ý.

Nhận dạng bản chất khổ đau

Nếu không hiểu khổ đau thì cảm nhận về hạnh phúc sẽ không lớn. Người  sống trong hoàn cảnh lận đận, gian lao thử thách, chướng duyên, nghịch  cảnh càng nhiều thì giá trị của hạnh phúc lúc bấy giờ sẽ càng cao. Như vậy, nghịch cảnh là thước đo để giá trị hạnh phúc được chuyển nở và phát triển một cách lâu dài. Cho nên tìm hiểu bản chất khổ đau cũng là cách để có được hạnh phúc.

Một vị thiền sư nổi tiếng ở Nhật Bản, ngài luôn được các vị thương  gia đến thăm viếng và xin câu chúc phúc. Hôm nọ, một viên ngoại, ức  triệu lại thêm phong nhã, đến cúng dường và xin câu nào đó, chỉ khoảng  tám chữ, để treo trong nhà làm bảo vật trấn gia truyền xuống mấy đời con cháu. Vị thiền sư này có tài viết thư pháp lão luyện, ông lấy giấy viết liền một câu tám chữ. Khi đọc vào viên ngoại choáng váng, đó là “Cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết”. Khi viên ngoại hỏi, vị thiền sư bèn hỏi lại: “Nếu trong cuộc đời này cha ông chết trước ông, ông có buồn không?”. Viên ngoại trả lời “”. Vị thiền sư phân tích: “Nếu ông chết trước cha ông thì cha ông sẽ buồn hơn gấp nhiều lần. Xưa nay  trẻ khóc già, ít khi già khóc trẻ. Cái chết của những đứa con luôn làm  cha mẹ buồn đau gấp bội. Tương tự, nếu cháu chết trước con hoặc chắt  chết trước cháu thì không chỉ một thế hệ mà cả ba thế hệ cùng khóc. Khổ  đau cứ thế mà nhân lên. Do đó tôi cầu mong gia đình ông sẽ diễn ra theo đúng trình tự ông chết trước rồi đến con, cháu, chắt. Được như vậy thì  còn gì phúc bằng”.

Như vậy, nhìn rõ bản chất quy luật sinh tử là cách thức để tiếp cận  hạnh phúc, mặc dù điều này có thể khó được người đời chấp nhận.

Chuyện trong dân gian có hai vợ chồng nọ chung sống với biểu hiện bên ngoài rất hạnh phúc. Người chồng đến lúc già yếu bệnh nằm liệt giường,  dù bà vợ khóc thương, lo lắng, chăm sóc nhưng không thể giúp ông cải tử hoàn sinh. Cuối cùng ông qua đời. Suốt mấy mươi năm chung sống ông bà đã chia sẻ, cảm thông, chung thủy và tôn kính nhau. Người ngoài nhìn vào đôi khi cảm thấy ghen tỵ, và mơ ước có được hạnh phúc như họ. Sau ngày  chôn cất, bà vợ dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp ngăn nắp đồ đạc của chồng, bà  chợt thấy một cuốn sổ tay dầy đặc những lời yêu thương. Bà cảm động khi  nghĩ rằng ông đã dành cho bà tình yêu trọn vẹn nhất. Nhưng đến cuối  quyển sổ, bà bàng hoàng khi đọc dòng chữ: “Em yêu, lẽ ra anh phải  gặp em thường xuyên hơn nhưng bà vợ già của anh đã quản lý quá chặt, anh không thể đến với em như đã hẹn… Hãy tha lỗi cho anh về lần thất hứa đó”. Người vợ nổi giận quăng hết đồ đạc, đập bàn thờ, đốt hết tất cả những kỷ vật của người chồng.

Giả sử người vợ không có kiến thức về cuốn sổ tay ấy thì niềm hạnh  phúc khi nghĩ rằng chồng dành cho mình tình yêu trọn vẹn sẽ theo bà đời đời kiếp kiếp. Thế nhưng, sự kiện phũ phàng đã dập tắt tất cả. Câu  chuyện cho thấy kiến thức về khổ đau chưa hẳn sẽ đem lại hạnh phúc.  Nhưng nhìn từ góc độ nhà Phật, bản chất của khổ đau và sự nhìn nhận về nó giúp người đó khắc phục được khổ đau.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử viết:

Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ
.

Quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, cuộc đời Hàn Mặc Tử đó là tình yêu. Khái niệm “đi” không nhất thiết là qua đời, mà có thể là từ chối tình yêu. Câu thơ phản ánh mối tình giữa nhà thơ và người Phật tử mà ông yêu say đắm. Do  khác biệt tôn giáo nên cuộc tình đó không thành. Như vậy, hạnh phúc theo quan niệm của ông là tâm hồn, nếu tâm hồn được chia làm hai phần thì sự vắng bóng người yêu làm cho một nửa bị mất đi, và nửa còn lại nếu có  cũng trở nên vô dụng.

Quan niệm về tình yêu, khi không được đáp ứng sẽ mang lại khổ đau rất lớn. Tuy nhiên, đối với đạo Phật, nếu là người không chung thủy thì sự ra đi của người kia dù muộn hay sớm, tình cờ hay cố ý,… vẫn không thể làm mất hồn, ngược lại còn giúp tâm người còn lại được sáng ra. Đức Phật nói “Bản chất của những gì thuộc về hạnh phúc thế gian mang rất  nhiều chất liệu của giác quan. Điều gì thuộc về giác quan sẽ thuộc về  điều kiện. Nếu hội đủ điều kiện thì giác quan sẽ mang lại hạnh phúc,  ngược lại hạnh phúc sẽ xa lìa”. Vì vậy tính lâu dài của nó không  bền. Hơn nữa, đức Phật khẳng định trong cuộc đời, mọi thứ đều diễn ra  theo quy luật: Phát sinh, trưởng thành, biến hoại, huỷ diệt với cấu  trúc: “Sinh, Trụ, Dị, Diệt”, “Thành, Trụ, Hoại, Không”, “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, v.v… Đứng trước hoàn cảnh đó, người hiểu đạo hay người con Phật thật sự sẽ không bao giờ nao núng, không đặt nặng tình cảm như tối hậu của hạnh phúc trong cuộc đời. Nhờ vậy, sự chấp mắc không nhiều, nơi nào vắng sự chấp mắc nơi đó sẽ có hạnh phúc. Nói cách khác, trong bất kỳ tình huống  nào, người con Phật đều tạo cách đánh giá nhìn nhận vấn đề sao cho có  lợi, tránh những đánh giá mang tính chất an ủi vì an ủi, chỉ có tác dụng như thuốc an thần xoa dịu trong khoảnh khắc. Nhưng sau đó, khi sự xoa  dịu không còn tác dụng thì phản ứng phụ sẽ ảnh hưởng, chi phối và khống  chế như kinh điển Pàli nói “nó thiêu đốt ta”. Vì vậy, hiểu được bản chất của khổ đau và những gì dẫn đến khổ đau là cách thức để ta  tiếp cận và hưởng được các giá trị thật sự của hạnh phúc.

Vượt qua đau để không bị khổ

Khổ đau có hai dạng: Khổ về thân và khổ về tâm. Nói theo duy thức học là “Thân khổ thọ và tâm khổ thọ”. Hai loại khổ này dù độc lập nhưng lại có mối quan hệ hai chiều, loại  này ảnh hưởng loại kia và ngược lại. Tác dụng hai chiều của thân và tâm  gần như khống chế tất cả những người sống trong tình trạng mà kinh gọi  là “phàm phu”. Người vượt lên trên tình trạng phàm phu sẽ không bị tác động.

Dân gian thường sử dụng cụm từ “đau khổ”. Đau thuộc về thân, khổ thuộc về tâm. Người ta quan niệm khi nỗi đau của thân vật lý xuất  hiện thì lập tức nỗi khổ của tâm cũng kéo theo. Nhưng đối với người con  Phật, có những nỗi đau chỉ là đau nhưng không khổ, và có những nỗi khổ nhưng không đau. Người con Phật nên chấp nhận những cơn đau vật lý nhưng đừng bao giờ để cơn đau tâm lý khống chế. Quan Công thời Tam Quốc đã  thành công trong việc khống chế cơn đau vật lý, không để nó ảnh hưởng  tinh thần. Sử sách ghi rằng: Khi bị mũi tên bắn vào vai, người thường có thể rơi vào tình trạng đau đớn đến mất ăn mất ngủ, ngã quỵ không còn  khả năng làm bất cứ việc gì. Nhưng với Quan Công, ông tập trung tinh  thần một cách cao độ vào những quân cờ, thế cờ, thậm chí thắng cả đối  thủ tầm cỡ của mình. Khi tâm chuyên chú vào bàn cờ thì ý thức của tâm về cơn đau vật lý sẽ không xuất hiện. Duy thức học cho rằng: “Tâm con người chỉ tiếp xúc với đối tượng trần cảnh trong một sát na và chỉ một đối tượng duy nhất”. Nếu tâm thức đang chuyên chú vào một điều gì đó thì nỗi đau vật lý sẽ không có mặt. Hiện hữu như không hiện hữu, có như không có.

Các biểu hiện đau về thân thể như chảy nước mắt, dù được mô tả bằng hình ảnh “giọt châu” long lanh màu sắc thì đó vẫn là sắc màu của khổ đau đa dạng. Tuy nhiên, có những trường hợp giọt nước mắt không biểu hiện sự khổ đau, mà là của hạnh phúc vô ngần.

Một cầu thủ vui mừng chảy nước mắt khi sút được trái banh vào khung  thành đối phương, những diễn viên, nghệ sỹ bật khóc khi được xướng danh đoạt giải Oscar, Grammy hay giải thưởng danh dự nào đó. Nước mắt là một  phản ứng phức tạp mà dựa vào từng tình huống cụ thể, người ta có thể xác quyết rằng nó biểu hiện của hạnh phúc hay khổ đau. Đó cũng là một trong nhiều cách thức để nhận biết hay đánh giá các sự kiện trong cuộc đời.  Chỉ một sự kiện, nhưng dụng tâm theo cách này thì hạnh phúc còn, theo  cách kia thì đau khổ.

Một số biểu hiện đau khổ khác như nhíu mày, nhăn mặt, méo miệng, tay  chân run rẩy, nói lắp bắp, đôi mắt thất thần, người đờ đẫn,… tất cả những điều đó là ngôn ngữ để diễn tả nỗi đau, hay biểu hiện các tầng lớp khổ đau khác nhau. Người cố gắng nén cơn đau, không biểu hiện ra ngoài  là những người luôn hướng nội, có đời sống nội tâm lớn. Ngược lại, người có tính cách “ruột để ngoài da”, tình cảm, cảm xúc nhìn vào là biết ngay. Nếu so sánh hai loại người này thì với người có chiều sâu,  nỗi đau của tâm sẽ rất nguy hiểm. Theo vật lý, hóa học, cũng như y học,  con người cần phản ứng. Phản ứng là cách thức làm cho quá trình trao đổi chất, các phản ứng hoocmon được diễn ra một cách tốt đẹp. Phản ứng làm  cho người ta chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Do đó, phản ứng vật lý hoá học trong cơ thể rất cần thiết để con người thích nghi  với hoàn cảnh xung quanh.

Tắc kè, kỳ nhông được các nhà khoa học vạn vật khẳng định: “Đó là loài vật có tiềm năng thích ứng với môi trường cao nhất trong tất cả các loài vật trên thế giới”. Chẳng hạn khi bò trên tảng đá xám, da nó thể hiện màu xám, hoặc nếu đang bò trên cành lá xanh thẫm thì màu xanh thẫm này sẽ được hiển thị trên da. Chúng đổi màu sắc nhằm tránh những nguy khốn bị các loài động  vật khác phát hiện.

Con người cũng cần có những phản ứng tương tự. Khi bị tát, đứa bé sẽ khóc ngay, đặc biệt những đứa trẻ nhà giàu. Chẳng những chúng khóc mà  còn nằm vạ để mọi người xúm lại vuốt ve, vỗ về. Như vậy, một cái tát,  khổ đau nhỏ được đáp lại bằng sự chăm sóc lớn. Trong trường hợp này, dù  là phản ứng bình thường không dụng ý của đứa trẻ nhưng vẫn tạo cơ hội  thu hút nhu cầu hạnh phúc. Vì thế, phản ứng vật lý là cần thiết.

Quan sát các bệnh nhân ở bệnh viện, họ phản ứng co rút cơ bắp trước  cơn đau bệnh tật. Nếu thiếu những phản ứng này, sự phóng thích nỗi đau  bị kìm nén sẽ chuyển ngược vào tâm làm tâm trở nên khủng hoảng. Một tù  nhân bị chặt cánh tay, phản ứng đầu tiên của anh ta khi thấy con dao từ trên đưa xuống là nhắm mắt lại để quên nỗi đau đang tiếp cận với chính  mình. Kế đó, anh ta hét lên, co chân rút tay, giẫy giụa. Đó là những  phản ứng để phóng thích cơn đau ra bên ngoài.

Đôi khi nỗi đau chỉ có một nhưng nỗi sợ hãi về cơn đau làm cho cơn đau tăng lên với cường độ mà đôi lúc người đó không chịu nổi. Các nhà  tâm lý học Mỹ đã làm cuộc thử nghiệm với một người tử tội. Thay vì xử tử hình một cách nhanh chóng nhất, người ta thông báo với tử tội rằng họ sẽ dùng kim châm chích vào các mạch máu để cho máu chảy. Tử tội sẽ chết  khi máu đã chảy hết. Người tù nhân tưởng tượng đến hình phạt mà mình sắp phải chịu, anh ta lo lắng, sợ hãi, khủng hoảng. Đến khi tiến hành, để cường điệu sự tưởng tượng, người ta bịt mắt tù nhân lại. Lúc đó các nhà  tâm lý học hoàn toàn không châm chích gì vào mạch máu của anh ta, họ lát một ít lớp da thật mỏng để tạo cảm giác hơi đau rát, sau đó cho nước rỉ giọt qua vết xước da đó, đồng thời họ đặt một xô hứng lấy những giọt  nước rỉ xuống để tạo âm thanh của máu chảy vào xô. Người tù nhân tưởng  tượng máu mình đang chảy từng giọt xuống xô, cảm giác đau tăng lên tỷ lệ thuận theo từng tích tắc của đồng hồ. Chỉ sau ba mươi giây anh ta tắt  thở.

Sau đó, người ta tiến hành một thí nghiệm thứ hai, dùng máy giải phẫu mở bộ não và thấy rằng người tù nhân đó không chết vì mất máu mà vì các dây thần kinh bộ não trung ương bị co rút lại đến độ tắc nghẽn. Họ đi đến kết luận “nỗi sợ hãi khổ đau làm cho khổ đau tăng lên gấp bội”. Nói theo đạo Phật: “Bản chất của sự vật và sự kiện không có thuộc tính”. Tùy theo tâm của con người trong từng cảnh huống mà nó khác nhau, lớn  hoặc nhỏ, phức tạp hoặc đơn giản. Chính vì thế mà trong cuộc đời này có  nhiều người dửng dưng trước cái chết. Chết không phải là nỗi sợ hãi đối  với họ dù cái chết diễn ra dưới bất kỳ một tình huống nào, họ thản nhiên nên cơn đau không thể khống chế họ.

Khổ đau về tâm rất đa dạng, kinh điển Pàli thường gọi nó bằng một chuỗi năm từ có nghĩa khác nhau trọn vẹn: “Sầu, bi, khổ, ưu, não”. Đó là những từ diễn tả nỗi đau nội tâm theo cấp bậc tăng dần. Sầu phản ánh tâm lý buồn, đôi khi là nỗi buồn bâng quơ: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Mặc dù theo tâm lý học: Không có nỗi buồn nào là vô cớ. Tất cả mọi thứ  đều có nguyên nhân, và cấp độ của các nỗi buồn này khác nhau. Khi hiểu được bản chất của tâm trong trạng thái khổ, con người sẽ tìm được cách để khống chế nó. Trạng thái trầm cảm, lạnh nhạt với cuộc sống, các nhu  cầu, các mối quan hệ… khi tiếp xúc với nỗi mất mát quá lớn, tâm con  người gần như bị thu rút lại như con rùa rút vào mai. Cảm giác chán  chường thất vọng tràn đầy cả thân tâm theo như Nguyễn Du nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nó có thể là kết quả của phản ứng bị chối bỏ, bị phân biệt đối xử, không được tôn trọng, hay giá trị của mình không được đánh giá một cách đúng mức. Tất cả đều để lại những “sầu, bi, khổ, ưu, não”.

Một vị vua bỏ ngai vàng lên núi tu, vị thiền sư đã khuyên rằng: “Trên núi không có Phật, hãy trở về cung vàng điện ngọc sẽ thấy rất nhiều Phật ở đó”. Nếu nhìn đúng thì tất cả sự kiện đều là yếu tố giúp giác ngộ, thăng  hoa, còn nếu đánh giá sai sự kiện và nhìn không đúng thì dù cho hạnh  phúc có ở bên cạnh người ta vẫn xua đuổi nó.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.