Thanh Tịnh Đạo – Chương XI

THE PATH OF PURIFICATION – VISUDDHIMAGGA

Luận Sư: Bhadantacariya Buddhaghosa – Chuyển Dịch Từ Pàli Sang Anh Ngữ: Trưởng Lão Nanamoli

– Chuyển Dịch Từ Anh Ngữ Sang Việt Ngữ: Thích Nữ Trí Hải

PHẦN II – ÐỊNH

CHƯƠNG XI – MÔ TẢ ÐỊNH – KẾT LUẬN

(Samàdhi-hiddesa)

(Tưởng về Bất-tịnh trong thức ăn)

1. Bây giờ, đến phần trình bày về sự tu tập Bất-tịnh tưởng đối với thức ăn, được liệt vào “Một tưởng” tiếp theo các vô sắc xứ. (Ch. III, đ.105)

Ở đây, đồ ăn (àhàra) là cái gì nuôi sống (àharati: mang lại, phát sinh). Nó thuộc bốn loại: thức ăn vật lý (đoàn thực), xúc thực, hành thực (tư niệm thực), và thức thực.

2. Nhưng ở đây, cái gì nuôi cái gì? Ðoàn thực nuôi cái sắc chất gồm tám thứ mà dưỡng chất là thứ tám (Xem Ch.XVIII, đ.5 trở đi). Xúc thực nuôi ba thứ cảm thọ. Hành thực nuôi sự tái sinh trong ba loại hữu. Còn thức thực nuôi danh-sắc vào lúc tái sinh.

3. Khi có đoàn thực thì có chấp thủ (bám víu), đem lại nguy hiểm? Khi có xúc thực thì có ái, đem lại nguy hiểm? Khi có hành thực thì có tái sinh, đem lại nguy hiểm? Khi thức thực thì có kiết sanh (nối kết với sự tái sinh) đem lại nguy hiểm. Ðể chứng minh chúng gây ra sự khủng khiếp như thế nào, đoàn thực cần được sáng tỏ với ví dụ ăn thịt con,(S. ii, 98) xúc thực như bò cái bị lột da, (S. ii, 99),hành thực với ví dụ hố than hừng (S. ii, 99) và thức thực với ví dụ một trăm cái cọc nhọn (S. ii, 100).

4. Nhưng về bốn loại thức ăn này, thì chỉ có đoàn thực, những gì được ăn, uống, nhai, nếm, là được kể ở đây như là “thức ăn” trong ý nghĩa này. Tưởng khởi lên như là sự nhận rõ khía cạnh bất tịnh trong thứ đồ ăn này gọi là “tưởng về thức ăn bất tịnh”.

5. Một người muốn tu tập tưởng bất tịnh về thức ăn, cần phải học đề mục thiền và chắc chắn mình không còn nghi về một chữ nào trong những gì đã học. Rồi vị ấy nên đi vào độc cư và quán sát mười khía cạnh bất tịnh trong đoàn thực là về việc ra đi, tìm kiếm, sử dụng, sự tiết lậu, chỗ chứa, vật không tiêu hóa, vật được tiêu hóa, kết quả, sự tuôn ra, sự vấy bẩn.

6. 1. Ở đây, về việc ra đi: ngay cả khi một người đã xuất gia trong một giáo pháp vĩ đại như thế, mà sau khi đọc tụng kinh điển hoặc tu tập có thể là suốt đêm, sau khi dậy sớm làm các phận sự trong sân điện thờ, hay quét sân có cây bồ đề, lấy nước uống và nước rửa, sau khi làm vệ sinh cá nhân, rồi ngồi xuống mà quán đề mục thiền hai ba chục lần và đứng lên, thì lại phải lấy y bát, bỏ lại sau lưng núi rừng vắng vẻ của tu viện đem lại hạnh phúc độc cư, nơi có bóng mát, nước trong, với những chỗ sạch sẽ, im mát, khả ái, phải gác lại niềm ái lạc độc cư của các bậc thánh, để dấn thân đi vào làng mạc mà kiếm thức ăn, như một chú dã can (chồn hoang), hướng đến nghĩa địa.

7. Và khi vị ấy ra đi như vậy, từ lúc bước xuống khỏi giường hay ghế, vị ấy phải bước dẫm lên một tấm thảm đầy bụi và phân chim v.v… Tiếp đến, vị ấy phải coi chừng cái bậc cửa, còn bất tịnh hơn trong phòng, vì nó thường bị bẩn vì phân dơi, phân chuột v.v… Tiếp đến là cái sân dưới lại còn đáng tởm hơn sân phía trên, vì nó ngấm đầy những thứ phân cú, phân bồ câu, v.v… Kế đến là đất, còn ghê tởm hơn sân dưới vì nó đầy cỏ úa, lá rụng bay tứ tung, nước tiểu, phân, đờm dãi của những chú tiểu bị bệnh và về mùa nmưa thì nó dơ dáy vì nước và bùn, v.v… Và vị ấy phải xem con đường đến tu viện, lại còn đáng tởm hơn cái vườn.

8. Rồi, sau khi đảnh lễ Cây Bồ đề và điện Phật, khi đứng nơi mà hành giả thường đứng để suy nghĩ nên đi khất thực hướng nào thì hành giả khởi sự nghĩ: “Thay vì chiêm ngưỡng điện thờ như chòm ngọc trai này, và chiêm ngưỡng cây Giác ngộ khả ái như một chòm đuôi công này, và trú xứ đẹp như lâu đài chư thiên này, bây giờ ta phải quay lưng với một nơi mê hồn như vậy để ra đi vì miếng ăn”. Và trên đường đi đến làng, cảnh tượng một con đường đầy cả gai góc, con đường gập ghềnh vì nước xoáy, đang đợi hành giả.

9. Kế tiếp, sau khi vị ấy đã mặc áo trong như kẻ che đậy một mụt ghẻ, thắt dây ngang lưng như người băng bó một vế thương, m?c thượng y như người che dấu một bộ xương, lấy ra cái bình bát như người cầm đồ đựng dược phẩm, khi vị ấy đến gần cổng làng, thì có thể cảnh tượng một thi thể của voi, của ngựa, của trâu, của người, của rắn, của chó đang chờ đợi, và chẳng những phải nhìn thấy chúng, mà hành giả còn phải chịu cho lỗ mũi bị tấn công bởi mùi thối tha của chúng.

Kế tiếp, khi hành giả đứng nơi cổng làng, vị ấy còn phải dò xét những đường làng để tránh nguy hiểm của voi dữ, ngựa dữ v.v…

10. Như vậy, kinh nghiệm về bất tịnh này, khởi từ khi dẫm lên tấm thảm và kết thúc với đủ loại thây chết phải nhìn, phải ngửi, hành giả phải trải qua vì đoàn thực. “Ôi đoàn thực quả thực là một điều bất tịnh!”

Ðó là quán xét tính chất bất tịnh của đoàn thực về khía cạnh ra đi.

11. 2. Thế nào là về sự tìm kiếm? khi hành giả đã chịu đựng sự bất tịnh khi đi như trên, và đã vào đến làng, khoác tấm y bá nạp, vị ấy phải lang thang trên những đường làng từ nhà này đến nhà khác như một kẻ ăn mày với cái dĩa trong tay. Và về mùa mưa, bất kỳ đặt chân đến chỗ nào hành giả cũng bị ngập nước và bùn lên tới bắp chân. Phải cầm bát một tay, một tay vén y. Về mùa nóng, thì hành giả phải lang thang với thân thể lấm bụi, cỏ rác, phong trần (nghĩa là bụi do gió thổi). Khi đến một nhà nào đó, hành giả phải nhìn thấy, ngay cả phải bước vào những lỗ cống, và ao nước dơ đầy ruồi nhặng, nhung nhúc đủ loại sâu dòi, một thứ nước trộn lẫn nước rửa cá,nước rửa thịt, vo gạo, nước đờm, nước dãi, phân chó, phân heo, không thiếu thứ gì, từ đấy ruồi bay lên và đậu trên y, trên bát, trên đầu của hành giả.

12. Và khi vị ấy đi vào một ngôi nhà, thì có người cho, người không cho. Và khi cho, có người cho cơm nguội từ hôm qua, bánh thiu, nước lèo đã thối v.v… Có người không cho, bảo: “Xin đại đức cứ đi tới,” có người giữ im lặng, làm như không trông thấy ông ta. Có người tránh mặt. Lại có người đối xử bằng những lời gay gắt như “Ði đi, sa môn trọc đầu”. Khi đã lang thang trong làng kiểu ấy để khất thực như một kẻ ăn mày xong, hành giả phải rời khỏi làng.

13. Vậy, kinh nghiệm này, khởi đầu bằng sự đi vào trong làng và chấm dứt với sự ra khỏi làng, một kinh nghiệm đáng tởm do nước dơ, bùn v.v… phải dẫm lên, phải trông thấy, và chịu đựng, cái kinh nghiệm ấy phải được trải qua vì đoàn thực: “Ôi, đoàn thực quả thật là một chuyện đáng ghê tởm!”.

Ðó là sự ghê tởm (tính bất tịnh) cần được quán sát về phương diện tìm kiếm.

14. 3. Thế nào là về sử dụng? Sau khi đã kiếm đủ thức ăn đoàn thực theo cách ấy, ngồi thoải mái tại một nơi thoải mái ngoài khu làng, thì bao lâu hành giả chưa nhúng tay vào đó (ăn bốc) vị ấy có thể mời mọc một vị tỳ kheo khả kính hay một người đàng hoàng, nếu gặp, để san sẻ thức ăn ấy. Nhưng khi đã nhúng tay vào đó vì đói bụng, hành giả sẽ hổ thẹn nếu phải mời ai ăn. Và khi hành giả đã nhúng tay bóp nát thức ăn ấy, mồ hôi chảy xuống năm ngón tay vị ấy làm cho bất cứ loại đồ ăn khô nào cũng phải ướt đẫm.

15. Và khi vẻ ngoài tốt đẹp của nó đã bị hỏng vì sự bóp mát, làm thành nắm tròn cho vào miệng, thì khi ấy hàm răng dưới hoạt động như một cái cối, hàm răng trên như cái chày, lưỡi như bàn tay. Ðồ ăn ở đấy bị nghiền nát bằng chày răng giống như thức ăn trong máng ăn của chó, trong khi vị ấy đảo qua lại bằng cái lưỡi. Rồi nước bọt ở đầu lưỡi làm lấm nó, nước bọt đặc ở đằng sau lưỡi làm lấm nó, bẩn nơi chân răng chỗ tăm không xỉa đến, cũng làm lấm nó

16. Khi đã bị nghiền, bị lấm như vậy, hợp chất đặc biệt này bây giờ đã mất hết màu sắc mùi vị nguyên thủy của nó, trở thành một thức hoàn toàn làm nôn mửa như đồ chó nôn ra trong một cái máng ăn. Song mặc dù tình trạng nó là như vậy, nó vẫn có thể được nuốt xuống bởi vì đã khuất tầm con mắt thấy.

Trên đây là tính cách bất tịnh cần được quán về phương diện sử dụng.

17. 4. Thế nào là về sựtiết ra? Chư Phật, Ðộc-giác và Chuyển Luân Vương chỉ có một trong bốn thứ tiết lậu là mật, đàm, mủ và máu. Nhưng những người kém công đức thì tiết lậu cả bốn thứ. Bởi thế, khi đồ ăn đã đến giai đoạn được ăn và vào bên trong, và khi ấy, nơi một người tiết nhiều mật nó trở thành buồn nôn như trộn lẫn với dầu madhuka, nơi một người tiết đàm nhiều, nó giống như được lẫn với nước lá cây nàgabala, nơi một người tiết mủ nhiều, nó giống như lẫn với sữa thối và nơi một người tiết máu nhiều, nó như được nhuộm, hoàn toàn nôn mửa. Ðây là khía cạnh bất tịnh của tiết lậu cần được quán.

18. 5. Thế nào là về chỗ chứa? Khi thức ăn đã vào ở trong bụng và lẫn với một trong những thứ tiết lậu nói trên, thì cái chỗ chứa mà nó đi vào không phải là dĩa bằng vàng, đĩa bằng bạc hay đĩa bằng pha lê gì cả. Trái lại,nếu nó được nuốt vào bởi một người mười tuổi, thì nó được tìm thấy trong một lỗ chứa phân mười năm không rửa. Nếu nó được nuốt vào bởi một người hai mươi tuổi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi,sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, chín mươi, nếu nó được nuốt vào bởi một người một trăm tuổi, thì nó tự thấy được nằm trong một thùng phân một trăm năm không rửa. Ðây là khía cạnh bất tịnh về chỗ chứa cần được quán sát.

19. 6. Thế nào là về phương diện không được tiêu hoá? Sau khi thức ăn này đã đến một chỗ như thế làm chỗ chứa nó, bao lâu nó chưa được tiêu thì nó vẫn ở nguyên chỗ, được vây phủ bởi bóng tối mịt mờ, những luồng gió len lỏi vào nó, nhuốm đủ thứ mùi dơ uế hoàn toàn hôi thối buồn nôn. Và cũng như khi một đám mây trái mùa đổ mưa xuống vào thời hạn hán, các hồ đầy những thứ rác rưởi và xác chết, rắn, chó v.v..ở cổng làng tiện dân, bấy lâu nung nấu dưới sức nóng của mặt trời,bây giờ sủi bọt lên, cũng vậy, những gì đã được nuốt xuống hôm đó và hôm trước đó cứ ở lại đó với nhau, bị nhốt kín dưới lớp đàm, sủi bọt do sự lên men bởi sự nóng của hỏa đại trong cơ thể, thức ăn ấy trở thành một tập thể gớm ghiếc. Ðây là tính chất bất tịnh về phương diện cái khó tiêu.

20. 7. Thế nào là về khía cạnh những gì được tiêu hoá? Khi thức ăn nuốt vào, mà được nấu chín hoàn toàn bởi sức nóng trong cơ thể thì nó không biến thành vàng, bạc v.v… như quặng vàng, quặng bạc được nấu ra vàng bạc. Thay vì thế, nó sủi bọt, sủi bong bóng biến thành phân và chứa đầy chỗ chứa đồ ăn đã tiêu hoá, như đất sét nâu được ém đầy vào một cái ống bằng bay thợ nề, và nó biến thành nước tiểu chứa đầy bàng quang. Ðây là tính chất bất tịnh về phương diện đồ ăn được tiêu hoá cần phải quán .

21. 8. Thế nào là về phương diện kết quả? Khi nó được tiêu hoá, nó sản xuất đủ thứ dơ dáy gồm tóc, lông, móng, răng, và những thứ còn lại. Khi nó không được tiêu, thì nó phát sinh một trăm thứ bệnh khởi đầu bởi ngứa ngáy, sởi, đậu mùa, phung hủi, dịch, lao phổi, ho, tiêu chảy v.v…Ðấy là kết quả của nó. Ðây là tính chất bất tịnh cần quán sát về phương diện kết quả.

22. 9. Thế nào là về phương diện thoát ra? Khi nó được nuốt vào, nó vào bằng một cửa, mà sau đó khi đi ra nó tuôn ra bằng nhiều cửa theo cách khởi đầu là “ghèn từ con mắt, ráy tai từ lỗ tai” (Sn. 197). Khi nuốt xuống, nó được nuốt cùng với một đám đông người tụ họp. Nhưng khi chảy ra, khi đã biến thành phân, tiểu v.v..thì nó chỉ đuợc bài tiết trong quạnh quẽ cô đơn. Vào ngày thứ nhất, người ta khoái thích ăn nó, nở mặt nở mày, đầy hạnh phúc và hân hoan. Vào ngày thứ hai, người ta bịt hai lỗ mũi để tống nó ra, vẻ mặt nhăn nhó, nhờm gớm và buồn thảm. Vào ngày đầu, người ta nuốt nó xu?ng với sự thỏa mãn, thèm thuồng, tham ăn, say mê. Nhưng vào ngày thứ hai, chỉ sau một đêm trôi qua, người ta bài tiết nó với vẻ chán chường, hổ thẹn, sỉ nhục và nhờm gớm. Bởi vậy, Cổ Ðức có nói:

23.

“Thức ăn uống được đánh giá lớn lao
Thứ cứng để nhai, thứ mềm nhấm nháp
Tất cả đi vào bằng một cửa
Nhưng do chín cửa chúng ùa ra
Thức ăn uống quý giá như vậy
Thứ cứng để nhai, thứ mềm nhấm nháp
Người thích ăn có bạn sum vầy
Nhưng chỉ bài tiết trong cô độc.
Thức ăn uống quý giá làm sao
Thứ cứng để nhai, thứ mềm nhấm nháp
Khi ăn thì khoái thích lên cao
Khi bài tiết gớm nhờm câm lặng.
Thức ăn uống quý giá thế mà
Thứ cứng để nhai, thứ mềm nhấm nháp
Chỉ cần một đêm trôi qua cũng đủ
Biến chúng thành uế vật thối tha.

Ðấy là tính chất bất tịnh cần được quán sát về khiá cạnhtuôn ra.

24. 10. Thế nào là về khía cạnh vấy bẩn? Vào lúc xử dụng nó, hành giả làm bẩn tay, môi, lưỡi, lưỡi trong, và những thứ này trở nên gớm ghiếc vì dính đầy thức ăn. Và ngay cả khi được tẩy rửa, nó cũng phải được rửa nhiều lần để h?t mùi thối. Và cũng như khi cơm đang sôi, thì những trấu, bột bao bọc hạt gạo v.v… nổi lên trên và vấy bẩn cái miệng, cái vành, cái vung nồi, khi ăn cũng vậy, khi đồ ăn dâng lên trong khi nó được nấu và sục sôi bởi hỏa đại trong thân xác lan khắp châu thân, nó biến thành tét răng làm bẩn răng, biến thành nước miếng, đờm v.v..làm bẩn lưỡi, lưỡi trong, v.v..và nó biến thành ghèn, ráy tai, nước mũi, phân tiểu, làm bẩn mắt, tai, mũi, và các đường đại tiểu tiện. Và khi những cái cửa này bị nó làm cho dơ dáy, thì mặc dù tắm rửa hằng ngày, chúng cũng không trở nên sạch sẽ hay đáng ưa chút nào. Lại có vài chỗ trong số ấy, sau khi rửa nó xong, người ta phải rửa lại bàn tay, mà cũng không hết tính chất ghê tởm, dù có rửa hai, ba lần với đất sét, phân bò và bột trầm hương. Ðây là cách quán tính bất tịnh về khía cạnh vấy bẩn.

25. Khi hành giả quán sát tính chất bất tịnh ở mười khía cạnh như trên, đánh mạnh vào nó với tầm và tứ, thì đoàn thực hiện rõ tính chất đáng tởm đối với vị ấy. Hành giả tu tập tướng ấy nhiều lần, phát triển, làm cho nó sung mãn. Khi hành giả làm như thế, những triền cái được áp đảo, và tâm hành giả tập trung ở cận hành định, nhưng không đắc định an chỉ do bởi tính chất sâu xa của đoàn thực kể như một pháp có tự tánh riêng biệt. Nhưng tưởng được rõ rệt ở đây trong lúc quán khía cạnh bất tịnh, đó là lý do đề mục thiền này có tên gọi là “tưởng về bất tịnh trong thức ăn”

26. Khi một tỳ kheo tu tập tưởng về bất tịnh trong đồ ăn đoàn thực này, thì tâm vị ấy lùi lại, dội ngược trước lòng tham vị ngon. Vị ấy tự nuôi sống bằng thức ăn mà không kiêu xa, chỉ vì mục đích vượt qua biển khổ, ăn với tư thái của người phải ăn thịt con để đi qua sa mạc (S. ii, 98). Khi ấy lòng tham đối với ngũ dục được vị ấy hiểu một cách hoàn toàn, không khó khăn, nhờ đã hiểu thấu đoàn thực. Vị ấy hoàn toàn hiễu rõ sắc uẩn nhờ đã hiểu hoàn toàn năm dục công đức (năm dục lạc). Sự tu tập về thân hành niệm đưa đến viên mãn nơi vị ấy nhờ quán bất tịnh trong thức ăn. Vị ấy đã đi vào đạo lộ phù hợp với Tưởng về Bất tịnh. Và cứ đi trên đường ấy, thì dù hành giả chưa chứng được mục tiêu Bất tử ngay trong đời này, ít nhất vị ấy cũng hướng đến một thiện thú tốt đẹp.

Ðây là giải thích chi tiết về tu tập tưởng bất tịnh nơi thức ăn.

Phân Tích Bốn Ðại:

Ðịnh Nghĩa Danh Từ

27. Bây giờ, đến sự trình bày về tu tập Phân tích bốn đại, được liệt kê là”Một phân tích “kế tiếp bất tịnh tưởng về thức ăn.

Ở đây, phân tích (vavatthàna) là xác định bằng cách nói rõ tính chất cá biệt của nó. “Sự tác ý đến bốn đại” “đề mục thiền về bốn đại” hay “phân tích bốn đại” tất cả đều nói cùng một chuyện.

Sự phân tích này được trình bày theo hai cách: lược và chi tiết. Nó được trình bày lược thuyết theo kinh Ðại Niệm xứ (Mahàsatipatthàna, D. ii,294), và trình bày chi tiết trong ba kinh Mahàhatthipàdùpamà, (Tượng tích du đại kinh) (M. i,185), kinh Ràhulovàada (Giáo giới La Hầu La) (M. i,421) và kinhDhàtuvibhanga (Giới phân biệt) (M. iii,240).

Kinh văn và lược giải

28. Nó được trình bày vắn tắt trong kinh Ðại Niệm xứ, cho một người lợi tuệ (mau hiểu) có đề tài thiền quán là bốn đại chủng như sau: “Này các tỳ kheo, như một đồ tể thiện xảo hay đệ tử của người đồ tể, sau khi đã giết một con bò, và ngồi ở ngã tư đường, xẻ nó ra thành từng miếng, cũng vậy, này các tỳ kheo, một vị tỳ kheo quán sát thân này, dù đặt như thế nào, xử dụng thế nào cũng chỉ gồm có bốn đại: Trong thân này, đây là địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại.” (D. ii, 294)

29. Ý nghĩa như sau: (lược). Ðặt để như thế nào, xử dụng như thế nào: là dù ở trong uy nghi nào bất cứ đi, đứng, nằm hay ngồi.

30. Cũng như người đồ tể cho bò ăn xong, đem nó tới lò thịt, trói nó lại, làm thịt nó. Khi thấy nó đã bị giết, đã chết, người ấy vẫn không mất cái tưởng “bò” cho đến khi nó bị phanh ra chia thành từng phần. Khi người ấy đã chia con bò ra, khi ngồi đấy, nó mất cái tưởng “bò” và cái tưởng “thịt” phát sinh. Nó không nghĩ:” Ta đang bán bò” hoặc “Họ đang đem bò đi” mà nó nghĩ:”Ta đang bán thịt” hoặc “Họ đang mang thịt đi”. Cũng vậy, tỳ kheo này khi còn là phàm phu ngu si – dù đang làm cư sĩ hay đã xuất gia – không mất cái tưởng “chúng sinh”, hay “người”, hay “ngã tính”, bao lâu chưa quán sát thân này, bằng lối phân tích thành bốn đại chủng, dù ở trong tư thế nào, được sử dụng cách nào, đều chỉ gồm có tứ đại. Nhưng khi tỳ kheo ấy đã phân tích thân này là gồm tứ đại, thì vị ấy mất đi cái tưởng “chúng sanh”, và tâm vị ấy an trú trên bốn đại chủng. Bởi thế mà Ðức Thế Tôn dạy: “Này các tỳ kheo, như một người đồ tể thiện xảo…cũng thế, một tỳ kheo quán sát thân này…gồm có địa đại, thủy đại, hỏa đại, và phong đại”.

Chi tiết

31. Trong kinh Mahàtthipadùpamà Sutta (Tượng Tích Dụ) sự phân tích tứ đại được trình bày chi tiết, dành cho một người tuệ không bén nhạy lắm, và đề mục thiền c?a vị ấy là bốn đại chủng- và trong các kinh Ràhulavàda (Giáo giới La Hầu La)Dhàtuvibhanga (giới phân biệt) cũng vậy- như sau:

“Và này chư hiền, thế nào là địa đại ở bên trong? bất cứ gì ở nội thân thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù kiên cứng, bị chấp thủ, – đây gọi là nội địa giới”.(M. i,185)

“Và chư hiền, thế nào là Thủy giới ở trong? cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ như mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu, và bất cứ gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ. (như vậy gọi là nội thủy giới) (M. i,187).

“Và chư hiền, thế nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ, nghĩa là, cái gì khiến cho thân thể nóng lên, biến hoại, thiêu đốt, cái gì khiến cho những vật được ăn, uống, nhai nếm, có thể khéo tiêu hoá, hay tất cả những vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ – đây gọi là nội hỏa giới” (M. i, 188).

“Và này chư hiền, thế nào là nội phong giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc về động tánh, bị chấp thủ, nghĩa là gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong bụng, gió trong ruột, gió thổi qua các chân tay, hơi thở vô, hơi thở ra, hay bất cứ gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ – đây gọi là nội phong giới” (M. i, 188)

32. Ðây là một giải thích về những danh từ không rõ “Thuộc nội thân, thuộc cá nhân”: cả hai đều chỉ cái gì thuộc chính bản thân, vì cái gì thuộc bản thân được phát sinh ngay trong tự ngã (attani jàtam). Nghĩa là được bao gồm trong dòng tương tục của một người. Ðược gọi là “nội” vì nó phát sinh trong tự ngã, cũng như trong thế gian câu chuyện giữa phụ nữ với nhau đuược gọi là “chuyện đàn bà”. (lược)

33. Kiên cứng: cứng đơ, thô phù: nhám. Bị chấp thủ: bị tóm bắt một cách chặt chẽ (bởi nghiệp). Nghĩa là bị chấp chặt, ôm chặt, liên kết chặt chẽ xem như “tôi” và của “tôi”.

34. (lược) Ở đây não cần được thêm vào, vì địa giới cần được hiểu là gồm có hai mươi phần tử.

35. Nước (àpo) là cái chảy (appoti) chảy liên tục, (pappoti) đến một chỗ nào để thành một tình trạng là dòng nước. Chất lỏng (àpogata) là cái gì đi (gata) trong các loại nước (àpo) như nước do nghiệp sinh v.v..Ðó là cái có tính chất “dính liền” của liền” của thủy đại. thủy đại.

36. Lửa là hâm nóng. Chất nóng là cái gì đi trong các loại lửa, là cái có đặc tính của hơi nóng. Cái gì khiến cho cơ thể nóng lên: nghĩa là khi bị kích động, nó nóng như bởi lên cơn sốt một ngày v.v… biến hoại: là già đi, đạt đến sự tàn tạ của các căn, mất sức khoẻ, da nhăn, tóc trở màu tiêu muối v.v..Thiêu đốt:là làm cho thân thể nóng lên, khiến người ta phải kêu: “nóng quá, nóng quá” muốn tắm rửa cả trăm dạo, muốn bôi dầu hương gesìsav.v… và muốn làn gió mát của một cây quạt. Cái gì được ăn uống nhai nếm, được hoàn toàn tiêu hoá: nhờ hỏa giới bên trong, mà những gì ta ăn uống vào được tiêu, nghĩa là được ép ra nước. Và ở đây, ba loại đầu của hỏa giới, nghĩa là “được hâm nóng” “biến hoại” “thiêu đốt” thuộc cả bốn nguồn gốc (xem Ch.XX, 27) còn cái cuối cùng “được tiêu hóa” là do nghiệp sanh.

37. Gió được định nghĩa là thổi. Ðộng tánh là cái gì đi vào trong các loại gió, có đặc tính của gió, như gió thổi lên: những luồng gió (năng lực) đưa lên phía trên gây ra sự mửa, ợ v.v… Gió thổi xuống: những năng lực đi xuống tống ra ngoài phân và tiểu. Gió trong bụng: những năng lực phía ngoài ruột. Gió trong ruột: những năng lực ở bên trong ruột. Gió đi qua tay chân: những năng lực phát sinh sự co duỗi, và được phân phối qua tứ chi và toàn thân bởi hệ thần kinh.Hơi thở vô: Gió từ mũi đi vào. Hơi thở ra: Gió từ mũi thoát ra. Và ở đây, năm thứ gió đầu thuộc cả bốn nguồn gốc. Hơi thở vô ra là do tâm sinh.

Trong mỗi trường hợp, câu “và bất cứ cái gì khác”, là bao gồm thủy, hoả, hay phong giới có ở trong ba phần kia (ví dụ” địa giới cũng ở trong thủy hoả và phong giới. Các giới kia cũng vậy).

38. Bởi vậy, cả bốn giới đã được kể chi tiết thành 42 khiá cạnh, địa giới có 20, thủy 11, hoả 4 và phong 6.

Phương Pháp Tu Tập Vắn Tắt

39. Về phương pháp tu tập ở đây, sự phân biệt bốn đại một cách chi tiết như “Tóc là địa đại, lông là địa đại” (hay địa giới) có vẻ nhàm đối với một tỳ kheo mau hiểu. Ðề mục thiền trở nên sáng tỏ đối với vị này nếu tác ý đến nó như sau: “Cái gì có đặc tính cứng là địa đại, có đặc tính dính là thủy đại, có đặc tính làm chín mùi là hỏa đại, có đặc tính duy trì là phong đại”. Nhưng khi một người không quá mau hiểu (lợi tuệ) mà tác ý đề mục theo cách này, thì nó mờ mịt và không hiện rõ cho vị ấy. Nó chỉ trở nên rõ rệt với vị ấy nếu ông tác ý đến nó theo cách trước. Tại sao?

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.