Cuộc Đời Đức Phật

Đức Phật thường được ca tụng như một bậc vĩ nhân. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi vì vĩ nhân thường được hiểu như những bậc kỳ tài xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó, hoặc có thể là nhiều lĩnh vực, mang lại lợi lạc cho con người trong một mức độ nào đó. Có thể là một vĩ nhân ở phương Đông nhưng chưa hẵn là kỳ tài ở phương Tây. Nhưng Đức Phật Thích-Ca hoàn toàn khác, trước hết Ngài đã làm lợi lạc không những cho cả loài người ở cả Đông lẫn Tây, cả Âu sang Á, mà còn làm lợi ích cho cả những loài không phải là loài người: Thiên nhơn chi đạo sư (Thầy của trời người), không những đời này mà còn nhiều nhiều kiếp về sau. Như thế, là những người con Phật, những người Phật tử chúng ta không những chỉ biết được về cuộc đời của Ngài và hơn thế nữa chúng ta cần phải biết rõ, để xưng tụng và để đi theo con đường cao quí mà đức Phật đã từng đi

Thông thường khi tìm hiểu về một con người, một bậc vĩ nhân nào đó, chúng ta cần hiểu rõ lai lịch và hoàn cảnh xã hội con người ấy đang ở. Thiết nghĩ, chúng ta cũng phải tìm hiểu hoàn cảnh xã hội trong thời điểm Đức Phật ra đời. Xã hội đó là Ấn Độ, chiếc nôi của nền văn minh phương Đông.

I/ XÃ HỘI ẤN ĐỘ TRƯỚC VÀ TRONG THỜI KỲ ĐỨC PHẬT RA ĐỜI:

Nói đến Ấn Độ cổ đại, chúng ta quan tâm đến nền văn minh sớm nhất của nhân loại, nói đến những trường phái triết học, đề cập đến lĩnh vực Tôn giáo, tất cả chúng như một vườn hoa, có đầy đủ hương sắc tranh nhau nở rộ. Bên cạnh, là những đô thị hình thành thật sớm, những chính thể nhà nước sớm nhất, những pháp tắc để trị dân, khuôn phép sống cho con người, những lời thơ, tiếng hát đã trở thành bất hủ, tất cả những tiền đề này góp phần xây dựng nền văn minh cho nhân loại phát triển về sau.

A-  Tư tưởng triết học và tôn giáo trước khi Đức Thế Tôn xuất thế:

Vào khoảng 3.000 năm trước kỷ nguyên, giống người du mục Aryan cư trú tại miền Trung ương Á-Tế-Á, họ đã vượt qua dãi núi Hindukusk di chuyển xuống vùng Đông nam Á-Tế-Á, và một phần khác của họ thẳng tiến đến Tây nam thuộc Ba Tư (Iran), một phần khác thì tràn xuống Đông nam, xâm nhập vào phía Tây bắc nước Ấn Độ, đánh đuổi người bản xứ, chiếm lĩnh vùng Panjab (Ngũ Hà địa phương) thuộc lưu vực sông Indus, và cuối cùng sự lan truyền rộng lớn của giống người này được gọi là dân tộc Aryan Ấn độ.

Dân tộc này chiếm cứ và cư trụ vùng Panjab, họ trở nên phồn thịnh mỗi ngày, không những về mặt kinh tế, lẫn cả về mặt tư tưởng họ cũng phát triển. Bộ sách đầu tiên do dân tộc này chế tác chính là Kinh điển Rig-Veda ( Lê-câu phệ-đà ) 40 quyển, là nguồn tư tưởng văn hóa đầu tiên trong thời kỳ thứ nhất của Bà-la-môn giáo, từ khỏang năm 1.500-1.000 trước kỷ nguyên.

Nội dung kinh điển Rig-Veda ban đầu đơn thuần chỉ là những bài thi ca có tính cách thần thoại, trong đó bao hàm nhiều tư tưởng nói về vũ trụ và nhân sinh quan. Và về sau chính tư tưởng này đã làm nền tảng để khai triển cho những trào lưu tư tưởng hậu lai.

Hệ tư tưởng ở thời kỳ thứ hai của Bà-la-môn giáo là thời đại Brahmana (Phạm thư), trong khoảng 1.000-800 năm trước kỷ nguyên. Trong thời kỳ này, tộc Aryan tiến dần về phía Đông, chiếm cứ khu đất đồng bằng phì nhiêu trên bờ sông Hằng (Gange), lấy nghề canh nông làm mục tiêu, đặt ra chức tước vua quan, bắt những người khác giống làm nô lệ, chia xã hội thành bốn giai cấp khác nhau: Giai cấp Bà-la-môn ( Brahmanah) chủ trương việc nghi lễ tôn giáo; giai cấp Sát-đế-lợi (Ksatriya) là giai cấp vua quan nắm quyền cai trị; Giai cấp Tỳ-xá (Vaisya) là giai cấp bình dân, nông, công, thương; Giai cấp Thủ-Đà-la (Sudra) là giai cấp tiện dân, đời đời làm nô lệ.

Nội dung của sách Brahmana hoàn toàn như một pho sách có tính cách Thần học. Trong đó bản ngã làm trung tâm. Brahman và Atman tên tuy khác nhưng có cùng một bản thể. Brahman thuộc về phương diện vũ trụ và Atman thuộc về phương diện tâm lý chi phối toàn bộ tư tưởng của con người lúc bấy giờ. Atman thuộc về phương diện tâm lý thì linh hồn được xem như là bất diệt, nghĩa là Atman khi lìa thể xác thì linh hồn quy thuộc về Brahman.

Nội dung tư tưởng thứ ba của Bà-la-môn giáo là triết học Upanishad (Áo nghĩa thư), được hình thành khoảng thời gian 800-600 trước công nguyên. Nội dung tư tưởng triết học này chủ trương thuyết Phạm ngã đồng nhất, và Lý tưởng giải thoát. Tư tưởng này trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn một là đi tìm con đường giải thoát, nhưng giải thoát phải đi tìm tự nơi chính bản thân mình, không phải tìm ở bên ngoài, do đó nhân của giải thoát là tự giác, nhân của luân hồi là bất giác. Giai đoạn thứ hai là, muốn thoát luân hồi phải an trụ vào bản tính, và bồi dưỡng trí tuệ. Giai đoạn thứ ba là noi theo phương pháp tu trì, để mong đạt đến trực quán trí, tức là qua phép tu Yoga.

B-   Tư tưởng Triết học và Tôn giáo ở thời kỳ Đức Thế Tôn xuất thế:

Tư tưởng trong ba thời kỳ: Rig Veda- Brahman và Upanishad đều là những tư tưởng căn bản của Bà-la-môn giáo. Bắt đầu từ năm 600 B.C trở về sau, tư tưởng Ấn Độ không ngừng tiếp tục phát triển những tư tưởng mới lần lược ra đời. Như Kỳ na giáo, Phật giáo, Lục sư ngoại đạo và Sáu phái triết học. Ở đây chúng ta không học về triết học và tôn giáo Ấn Độ, cũng không phải là lịch sử Phật giáo Ấn Độ, do đó chúng ta chỉ tìm hiểu sơ lược danh xưng, nội dung của chúng sẽ nằm vào thời học khác:

Kỳ na giáo (Jaina):. Giáo phái này chủ trương về Vật hoạt luận. Tư tưởng triết học căn bản của giáo phái này là thực thể (Dravaya). Thực thể chia làm hai trạng thái là sinh mệnh yếu tố và sinh mệnh phi yếu tố. Sinh mệnh yếu tố thì gồm đủ cả hai phần lý trí và tình cảm, phi sinh mệnh yếu tố được chia ra làm năm yếu tố: Không (Akasa), Pháp (Dharma), Phi pháp (Adharma), Vật chất (Pudgala) và Thời gian (Kala). Vì mong giải thoát luân hồi nên giáo phái này chủ trương tu khổ hạnh làm mục đích tối cao.

Lục sư ngoại đạo phái (Sat- tirthakarah): Trong sáu phái ngoại đạo mỗi phái đều chủ trương khác nhau. Tên của những phái như sau:

1-   Phái Purana Kassapa (Phú nan đà ca diếp).

2-   Phái Makkhali Gosala (Mạt già lê câu xá lợi)

3-   Phái Ajitakesa Kambali (A di da Thuý – Xá khâm bà la).

4-   Phái Pakudha Katyayana (Bà Phù Đà Ca Chiên diên).

5-   Phái Sanjaya Belatthiputta (Tán Nha Gia Tỳ la Lê Tử).

6-   Phái Nigantha nataputta (Ni kiền đà nhã đề tử).

Sáu phái triết học: Sáu phái triết học có ảnh hưởng hệ tư tưởng Bà-la-môn hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, tên của chúng như:

1-    Phái Nyaya (Chính lý phái). Thủy tổ là Akasapada (Túc mục).

2-    Phái Vaisesika (Thắng luận pháp).

3-    Phái Samkhya (Số luận pháp).

4-    Phái Yoga (Du già phái).

5-    Phái Mimamsa (Nhĩ man tát phái).

6-    Phái Vedanta (Phệ đà đa phái).

C-  Trạng thái chính trị và xã hội trong thời Đức Thế Tôn:

Trước khi Đức Thế tôn xuất thế, bộ máy chính quyền được tổ chức theo chính thể cộng hòa, đến thời kỳ Đức Thế Tôn chế độ đó tan rã và được thay thế bằng chính thể quân chủ chuyên chế. Cũng trong thời kỳ này, dân tộc Ấn Độ rất tôn trọng nghi thức tế tự, tôn trọng thần linh. Mặc khác, theo sự tiến triển của xã hội, phát sinh ra bốn chức nghiệp: Sĩ, Nông, Công và Thương, dần dà nghề nghiệp này đã hình thành sự phân chia những giai cấp rõ rệt và lớn mạnh, đứng đầu là giới Tăng lữ Bà-la-môn. Những giai cấp này được tồn tại bởi hình thức thế tập, cha truyền con nối, nên giai cấp nô lệ, cứ đời đời làm nô lệ tạo thành một tổ chức xã hội bất công (Con quan rồi lại làm quan, con sải ở chùa lại quét lá đa ). Để duy trì sức mạnh bền vững của mình, nương vào tư tưởng của bốn giai cấp ấy. Bà-la-môn giáo cũng hình thành bốn thời kỳ tu hành của mình:

1-  Phạm tri kỳ: Thời kỳ sinh hoạt của tuổi thiếu niên, ở tuổi này phải học tập kinh điển Vệ Đà. Tới khi học nghiệp thành tựu thì trở về nhà.

2-  Gia cư kỳ: Thời kỳ sinh hoạt gia đình tuổi tráng niên, lập gia đình, xây dựng người thừa kế.

3-  Lâm cư kỳ: Kỳ sinh hoạt xuất gia cho những người làm xong nghĩa vụ gia đình, vào rừng để tu tập thiền định.

4-  Du hành kỳ: Thời kỳ du hành của thời đại lão niên, thời kỳ này mong cầu cho sự tu hành được thành tựu.

Do vậy, chúng ta thấy rằng đây chẳng phải là một xã hội lý tưởng, mặc dầu sức mạnh của giai cấp cầm quyền có thống lĩnh đến đâu chăng nữa. Xã hội này sẽ không có an lành và hạnh phúc cho quần chúng nhân dân. Sự khinh bỉ và phân liệt, sự nghèo đói và lầm than trong tư tưởng tất cả đều là những nỗi khổ mà bất cứ con người nào ở mọi thời đại đều muốn thoát khỏi. Từ đó, ước vọng có một nhà lãnh đạo tinh thần tài ba xuất hiện, để cứu giúp cho con người ra khỏi đen tối là điều tất yếu.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.