Đạo Phật Và Hoà Bình

Vào giữa thiên kỷ thứ I trước Công Nguyên, ở Ấn Độ đã xuất hiện một số dòng tư tưởng chống lại đạo Bà la Môn. Đạo Phật là một trong những dòng tư tưởng ấy. Người sáng lập ra đạo Phật là Siddharta Gautama (Tất-Đạt Đa, họ Cồ Đàm), con của vua Suddhodana (Tịnh Phạn) nước Sakya nằm về phía Nam của dãy núi Hymalaya (Hy-Mã-Lạp-Sơn), miền đất bao gồm một phần miền Nam nước Népal và một phần của Ấn Độ ngày nay. Năm 29 tuổi, Thái tử Tất-đạt-Đa xuất gia đi tu để tìm con đường cứu vớt những nỗi khổ của loài người. Đến 35 tuổi, sau 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ Đề với tâm trong sáng như gương, Ngài đã được giải thoát, đã giác ngộ và đã thành tựu đạo vô thượng: thành Phật (Rằm tháng Chạp năm 589 trước Công Nguyên).

Với tinh thần Từ Bi-Bình Đẳng-Giác Ngộ-Giải Thoát, đạo Phật đã truyền bá khắp nơi thật nhanh mà khởi đầu là Ấn Độ. Hai bộ mặt lớn của Phật giáo phía Bắc và phía Nam Ấn Độ bắt đầu phân hoá vào thế kỷ thứ  I sau Công Nguyên, chủ yếu là thế kỷ thứ III, đã khẳng định được hai hình thức lớn của Phật giáo là Tiểu Thừa (Hinayana) và Đại Thừa (Mahayana). Giáo phái Tiểu Thừa được bá rất sớm sang đảo Sri Lanka (Tích Lan), rồi truyền qua các nước Myamar (Miến Điện), Thái Lan, Lào, CamPuChia… Trong khi đó, giáo phái Đại Thừa, hay còn gọi là Phật giáo Bắc tông, thì được truyền qua Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Dù là Tiểu Thừa (cỗ xe nhỏ) hay Đại Thừa (cỗ xe lớn), tuy quan niệm có khác nhau nhưng hai tông phái này vẫn không xa rời những giáo lý căn bản của Phật Thích Ca Mâu Ni về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo… và luôn luôn lấy Trí Tuệ-Từ Bi làm đầu. Ngày nay, Phật giáo đồ không còn quan niệm Đại Thừa hay Tiểu Thừa nữa, mà chỉ gọi là Bắc Tông (hay Phật Giáo Phát Triển) và Nam Tông (hay Phật Giáo Nguyên Thủy)!

Đạo Phật là một đạo bất biến, nhưng cũng là một đạo tuỳ duyên. Khi được truyền bá đến bất cứ nước nào, mặc dù phát nguyên từ Ấn Độ, đạo Phật cũng đều dễ dàng hoà nhập và lan toả để chung sống với dân tộc đó. Như đạo Phật đã cảm hoá được những người Trung Quốc vốn đã thấm nhuần đạo lý Khổng, Mạnh từ bao đời; cũng như đã cảm hoá được những người Nhật Bản vốn mang tinh thần võ sĩ đạo đầy cứng cỏi khí phách. Đạo Phật đã không chỉ cảm hoá được những người Việt Nam, Lào, CamPuChia vốn nhu hiền chất phác mà còn thu phục được nhân tâm của những người Mông Cổ, Tây Tạng nổi tiếng hung hãn bạo ngược. Điểm nổi bật của đạo Phật là trong suốt 49 năm hoằng pháp độ sanh, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đi qua nhiều xứ sở trên đất Ấn Độ để hàng phục rất nhiều ngoại đạo, tà giáo chỉ bằng Lẽ Phải và lòng Từ Bi. Rồi sau khi Ngài nhập diệt, các đêï tử và hậu duệ của Ngài đã truyền bá chánh pháp trong suốt gần 3.000 năm qua nhiều quốc gia mà không để xảy ra một cuộc chiến tranh tôn giáo nào. Ông Jadish Kasyapa đã viết trong cuốn Dharma du Bouddha: “Đạo Phật được truyền bá khắp hoàn cầu không phải nhờ súng đạn khói lửa, cũng không phải nhờ sự áp bức khủng bố nào. Đạo Phật được truyền rộng khắp nơi, chỉ nhờ giá trị chân thật của Đạo Phật và nhờ tinh thần vô thượng của Phật dạy!” Với số Phật tử hiện nay trên khắp thế giới vào khoảng trên 500 triệu người, đạo Phật đã góp phần rất đắc lực trong công cuộc xây dựng nền văn hoá, cũng như kinh tế, chính trị, văn học nghệ thuật của nhiều quốc gia…

Có một điều thấy như nghịch lý, tuy đạo Phật suy tàn ở ngay đất nước Ấn Độ- nơi phát sinh ra đạo Phật- nhưng lại được phát triển phần lớn ở Châu Á và đã trở thành quốc giáo, trở thành nền đạo lý của dân tộc ở một số nước như: Tây Tạng, Sri Lanka, Myamar, Lào, Thái Lan, Cam Bốt… Riêng với nước Việt Nam ta, đạo Phật đã được lưu truyền từ 2000 năm qua. Dân ta là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, mà đạo Phật vốn là một đạo hoà bình lấy Từ Bi làm gốc, mà Từ Bi là lòng thương bao la cứu khổ đem vui cho mọi người, nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ta biết phần đông những người Việt Nam (67% dân số) đều là Phật tử thuần thành, và chùa chiền thiền tự ở Việt Nam có rất nhiều từ Bắc chí Nam, trong đó có rất nhiều ngôi chùa cổ mang giá trị văn hoá rộng lớn.

Tinh thần Phật giáo được truyền lên hướng Bắc đến khu tự trị Tây Tạng và Mông Cổ nhiều nhất, khi mà tín ngưỡng của dân vùng sa mạc nắng nóng khô khan này còn nhiều hồ mị hoang đường, chỉ biết tôn thờ một số thầy phù thuỷ (pháp sư). Đạo Phật cũng gặp nhiều trắc trở sóng gió khi mang ánh sáng của Đạo Vàng soi chiếu đến vùng đất có khí hậu khắc nghiệt này, phải trải qua hai triều vua vô đạo, chủ trương cực đoan phá chùa, giết sãi, đốt kinh… thật khổ nhọc gian truân. Đến đời vua Bilamgour (khoảng năm 970) độ lượng khoan hồng, cho xây dựng lại 8 ngôi chùa tháp, chư tăng đi ẩn dật bấy lâu bèn trở về nước giúp vua chấn hưng Phật Giáo. Cũng trong thời kỳ yên bình này, Phật giáo Mật tông được truyền bá tự do thu phục được nhiều tín đồ. Cho đến thế kỷ thứ 14, Phật giáo Tây Tạng và Mông Cổ xảy ra một cuộc cải cách quan trọng do đức Tông-Cáp-Ba (Tsongkhapa) chủ xướng, công kích cái tệ tục ham mê phù phép hơn việc giữ gìn đạo hạnh, đả phá những sư sãi chỉ mong biết phép thuật lạ để loè dân ngu, buộc tăng giới phải tuân theo giới luật nghiêm túc… Khi đức Tông-Cáp-Ba viên tịch, chư đệ tử vừa theo Chánh lý của Ngài vừa lập ra Lạt -Ma Giáo và lưu truyền đến bây giờ.…

 Trái với Mông Cổ và khu tự trị Tây Tạng, đất nước Trung Hoa trước khi có Phật giáo truyền vào đã là một cõi có đủ văn minh và đạo đức do hai đạo của Khổng Tử và Lão Tử truyền bá rồi. Trải qua nhiều năm thăng trầm, đến đời vua Minh Đế thì đạo Phật mới dần dần được mở mang vững vàng nhờ công của nhiều vị sư tăng đã lặn lội khổ nhọc tầm đạo, dịch kinh từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, mang Đuốc Tuệ của đức Thích Ca Mâu Ni bên đất nước Ấn Độ xa xôi rọi chiếu cho đồng bào mình. Đến đời Đường, ngài Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh về dịch, góp công rất lớn trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp, được vua kính trọng như một đại công thần. Từ đó đến nay, Phật giáo thâm nhập tận gốc rễ ở đất nước quê hương của hai nhà hiền triết Khổng Tử và Lão Tử, với đại đa số người Hoa là Phật tử. Nếu có dịp đi du lịch tham quan đất nước Trung Quốc, đừng quên rằng đất nước này hiện đang có đến bốn vùng gọi là “Thánh Địa Của Phật Giáo”, đó là: Cửu Hoa Sơn ở An Huy, Ngũ Đài Sơn ở Sơn Tây, Nga Mi Sơn ở Tứ Xuyên, và núi Buddha ở Triết Giang.

 Đạo Phật truyền đến “Đất Nước Mặt Trời Mọc” khi Nhật Bản đã có ba tôn giáo: Khổng, Lão và Thần giáo. Ban đầu, Phật giáo bị Thần giáo phản kháng kịch liệt, trải qua mấy trăm năm thì hai đạo mới hoà hợp thân thiện nhau, hiểu nhau, và phân chia trách nhiệm cùng nhau để làm cho dân chúng vừa trở thành Phật tử vừa sùng bái linh thần. Phật giáo ở Nhật Bản từ đó đến nay có đến 12 tông, gồm: Câu-Xá (Koucha), Thành Thật (Jo-jitsouhu), Tam Luận (Sanron), Pháp tướng (Hosso), Luật (Ritsoushu), Hoa Nghiêm (Kégon), Thiên Thai (Tendai), Chân ngôn (Shingon), Thiền (Zen), Pháp- Hoa (Nitchiren) và Tịnh-Độ tông (Jodo). Tông nào cũng tôn thờ noi gương Phật Thích Ca Mâu Ni để tu hành, cốt được an lạc thân tâm, thoát vòng tục luỵ khổ não.

Myamar (Miến Điện) đón nhận đạo Phật khi họ đã tôn thờ một vị thần có tên là “Nát” từ lâu lắm rồi, cũng như người Nhật Bản tôn thờ thần “Kamis” vậy. Cho nên ở đất nước này người ta vừa thờ Phật vừa thờ thần, có khi thờ cả thần trong chùa. Qua bao thăng trầm, mãi về sau, đến khoảng đầu thế kỷ thứ XI, đạo Phật mới dần dần trở nên cường thịnh và trở thành quốc giáo của nước này. Đó được gọi là thời kỳ Pagan, thời kỳ xây dựng lại các công trình tôn giáo vĩ đại có một không hai trong lịch sử Myamar. Chỉ riêng ở Pagan đã có đến 13.000 công trình lớn nhỏ, và trải qua nhiều thiên tai địch hoạ đến nay vẫn còn gần 5.000 chùa tháp, thế nên người ta thường gọi Myamar là Đất Nước Chùa Vàng. Dân Myamar rất tôn kính nhà sư, và mỗi gia đình có con đều cho con xuất gia vào chùa tu học một thời gian, giữ gìn giới luật, mãn hạn một vài năm thì trở về nhà, nếu muốn ở lại chùa làm tăng ni thì càng quý. Vị Tăng Thống đứng đầu giáo hội được tôn sùng như vị Phật sống, khi đến viếng vua thì được vua nhường ngai vàng để Ngài ngự, còn vua thì xuống ngồi ngai thấp hơn. Ảnh hưởng của đạo Phật ở Myamar rất rộng lớn, người dân thấm nhuần giáo lý nhà Phật nên tính tình hiền lành vui vẻ, cuộc sống thật thanh thản yên vui.

Phật giáo truyền đến Cam Bốt cùng lúc với Ấn Độ giáo. Trong  suốt thời kỳ Angkor do những vị vua thờ linh tượng Linga (tượng trưng cho vương quyền) trị vì, Phật giáo tồn tại song song với tôn giáo Thần-Vua. Bắt đầu từ thời Jayavarman VII (1181-1219), đạo của đức Thích ca Mâu Ni mới hoàn toàn thay thế Ấn Độ giáo và trở thành quốc giáo của người Khơ-me. Ngày nay, Phật giáo Nguyên Thủy là tôn giáo chính của Cam Bốt. Đức Phật Thích Ca là vị thần tối cao thay thế cho Vua-Thần của cả tầng lớp quý tộc lẫn dân chúng, mỗi làng đều có một ngôi chùa riêng để thờ Phật và trở thành trung tâm văn hoá của các bản làng gần xa……

Tương tự như Myamar, vương quốc Thái Lantiếp nhận đạo Phật khi dân nước này đã thờ thần “Phis” từ xa xưa. Ở miền Trung Thái Lan, đặc biệt là ở Nakhon Pathom đã phát hiện được nhiều di tích Phật giáo cổ như bánh xe luân hồi bằng đá, các tấm thờ có hình Phật bằng đất nung. Ngoài ra ở Nakhon Rachasima, Sungai Kolôc… cũng tìm được những hình Phật cổ có niên đại từ thế kỷ I -III, chứng tỏ Phật giáo Nguyên Thủy có mặt từ rất sớm. Trên đất nước lấy đạo Phật làm quốc giáo như Thái Lan này, theo thống kê sơ bộ có trên 4.000 trường Phật học, trên 17.000 ngôi chùa rải khắp nước, độ khoảng cứ 800 dân thì có một ngôi chùa.

Phật giáo truyền đến nước Lào từ khoảng thế kỷ VII-VIII, nhưng đến thời Pha Ngừm mới chính thức trở thành quốc giáo của vương quốc Lanxang. Người dân nước Lào nhờ đuốc Từ Bi nhà Phật soi tỏ mà trở nên một dân tộc thuần thục hiền lành, yêu chuộng những vẻ đặc sắc tươi xinh… Hai nước Lào và Cam Bốt khi chưa có Phật giáo Đại Thừa truyền đến thì họ theo phái Nguyên Thủy do xứ Magadha bên Ấn Độ truyền sang. Đến khi phái Đại Thừa lan rộng ra từ xứ Sumatra bên Indonesia, vào khoảng giữa thế kỷ thứ X thì ở cả hai nước này chùa chiền tráng lệ được mọc lên rất nhiều. Qua đến thế kỷ thứ XIII, Phật giáo Nguy Tiểu Thừa bên Thái Lan (gốc Sri LanKa) tràn sang mạnh mẽ, được dân tin theo mà bỏ tu hành theo phái Đại Thừa. Từ đó, ở các chùa không còn thờ chư Thánh và Bồ Tát, mà chỉ có mỗi đức Phật Thích Ca Mâu Ni to lớn an vị trên chính điện.…

Đạo Phật không chỉ phát triển mạnh lớn ở các nước Châu Á mà còn được các nước phương Tây nghiên cứu, tu học sau một thời kỳ nổi lên phong trào Tìm Hiểu Nghiên Cứu Về Phương Đông. Rất nhiều trường đại học ở các nước như Pháp, Bỉ có thành lập ban khảo cứu về đạo Phật, có giáo sư chuyên môn về chữ Phạn (Sanscrit), hoặc chuyên dạy về lịch sử các tôn giáo phương Đông trong đó nổi bật lên là Phật giáo. Ở Nga, có nhiều nhà văn chuyên về Phật học, có những nhà Phật học biết rành tiếng Phạn, mộ đạo Phật và dịch kinh điển nhà Phật sang tiếng nước của họ, đặc biệt họ rất tôn trọng Thiền tông (Zen) của Nhật Bản. Nước Mỹ, một nước nổi tiếng xem trọng vật chất vinh hoa, nhưng rồi họ cũng tìm đến với đạo Phật, vậy là mọc lên nhiều chùa, thiền viện, Phật học viện để cả người phương Tây lẫn người châu Á nghiên cứu và tu tập giáo lý của Phật.

 Xin mượn lời của ông Nehru – cựu Chủ tịch Hoà Bình Thế Giới- thay cho phần kết của bài viết này: “Nhân loại ngày nay phải chọn một trong hai con đường. Một là nguyên tử và khinh khí là con đường diệt vong; một nữa là lòng Từ Bi của đạo Phật là con đường sống còn!”

TÂM KHÔNG – VĨNH HỮU

http://buddhahome.net/phatphap/tongquat/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.