Ta như voi giữa trận…
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở Kỳ Viên, trong trường hợp của chính Ngài.
Trong truyện tích Pháp Cú (179) đã đề cập đến trường hợp Màgandiyà bị Phật từ chối, và cô bị chạm tự ái nặng. Khi trở thành hoàng hậu, nàng quyết tâm trả thù Phật. Nàng tung tiền mướn cư dân thành, bảo họ rằng:
– Khi Sa-môn Cồ-đàm đến đây khất thực, các ngươi hãy tụ tập những người hạ tiện đi theo chửi mắng ông ta, đuổi ông ta đi.
Khi đức Phật và A-nan đi đến thành, dân cư không tin Tam Bảo đã đi theo Ngài, la hét.
– Ông là kẻ giặc cướp, ngu dốt, khùng, ông là lạc đà, bò, lừa, quỷ ở địa ngục, là súc sanh, không có hy vọng được cứu rồi, ông chỉ có nước chờ bị đọa thôi…
Như vậy, họ dùng mười cách mắng chửi để mắng chửi Phật. Nghe các câu mạ nhục, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, dân cư nơi này chửi mắng chúng ta, xin hãy đi nơi khác.
– Chúng ta sẽ đi đâu, A-nan?
– Ði đến thành phố khác, bạch Thế Tôn.
– Nếu như dân ở thành phố đó cũng chửi mắng ta?
– Thì chúng ta lại đi đến thành phố khác, bạch Thế Tôn.
– Nếu như đến nơi kia cũng bị mắng chửi?
– Ði đến chỗ khác nữa, bạch Thế Tôn.
– Này A-nan! Chúng ta không nên làm như thế. Bất cứ nơi nào có rắc rối, phiền não nổi lên, chúng ta nên ở lại đó cho đến khi chúng lắng dịu hẳn, và chỉ khi đó chúng ta mới nên đi nơi khác. Nhưng ai đã chửi mắng chúng ta?
– Bạch Thế Tôn, những kẻ hạ tiện, nô tỳ, tất cả đều chửi mắng.
– Này A-nan! Ta như con voi đã ra trận. Và như con voi giữa trận hứng chịu tên bay từ bốn phía, bổn phận ta phải nhẫn nại nghe những lời ác độc thốt ra.
Và Ngài lấy mình làm tiêu đề giảng pháp với các câu:
(320) Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng,
Ác giới rất nhiều người.
(321) Voi luyện, đưa dự hội,
Ngựa luyện, được vua cưỡi,
Người luyện, bậc tối thượng,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
(322) Tốt thay, con la thuần,
Thuần chủng loài ngựa Sindh [*]
Ðại tượng, voi có ngà,
Tự điều mới tối thượng.
[*] loài ngựa đẹp ở vùng sông Sindha, Ấn Ðộ
Nghe xong, quần chúng ở hai bên đường, ở ngã ba, ngã tư, những kẻ ăn tiền chửi mướn Phật đều chứng từ Sơ quả đến Tam quả.
Trích XXII. Phẩm Voi – Thienvienvienchieu dịch
http://phapbao.org/phat-bi-lang-nhuc/