Hành Trì Tịnh Hạnh Theo Lời Phật

Tịnh hạnh là khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong các hình thái tôn giáo và tín ngưỡng để chỉ lối sống ứng dụng đức tin hay thực hành các yếu chỉ đạo đức tôn giáo trong đời sống của các tín đồ. Trong giáo lý đạo Phật, tịnh hạnh (visuddhi- cariyà) là khái niệm chỉ các hành vi trong sáng thanh tịnh, được thể hiện qua thân, miệng, ý hay nếp sống chơn chánh hướng thiện, có khả năng giúp cho con người tiến bộ về mặt đạo đức tâm linh, thực nghiệm cuộc sống hạnh phúc an lạc. Trong một số hình thái tín ngưỡng khác, khái niệm này ngụ ý sự vận dụng đức tin tôn giáo vào cuộc sống, tức sự tuân thủ các hình thức lễ nghi tôn giáo hay thực thi các tín điều, thường được xem là những việc làm thiêng liêng có khả năng tẩy sạch tội lỗi của con người hay làm cho con người trở nên trong sạch. Ví dụ, các Bà- la- môn rao giảng đức tin rằng con người có thể làm cho mình trở nên thanh tịnh bằng cách dậy thật sớm rồi gieo mình chạm xuống đất, hoặc chạm phân bò ướt, hoặc chạm cỏ xanh, hoặc cúng dường lửa, hoặc chắp tay đảnh lễ mặt trời, hoặc xuống nước tắm ba lần trong một ngày. Các tín đồ Kỳ- na giáo thì tin tưởng vào chủ nghĩa khắc kỷ khổ hạnh, chủ trương cởi bỏ tất cả y phục vào ngày trai giới Uposatha và cho rằng làm như vậy là thực thi hạnh vô ngã và loại bỏ được ác nghiệp…

Mặc dù có lòng tôn trọng đức tin của người khác, Đức Phật không xem các hình thức hành trì mặc định như vậy là thiết thực lợi ích, vì chúng là những việc làm không rõ ràng, chỉ đề cao đức tin, thiếu thực tế, thiếu lý trí, thiếu trí tuệ. Kinh nghiệm tu tập một số pháp môn khổ hạnh trước lúc giác ngộ nói cho Ngài biết đức tin về các pháp môn tu tập không xác đáng chỉ tạo thêm cảm thức mơ hồ, không mang lại kết quả thiết thực lợi lạc, không giúp cho con người tiến bộ hơn về phương diện đạo đức tâm linh. Hơn thế, càng đi sâu vào thế giới tín điều thì con người càng dễ bị các tín điều mê hoặc trói buộc, tâm lý trở nên khô cứng, trì trệ, thiếu sáng suốt, cố chấp, không cởi mở, không giải thoát. Đạo Phật gọi sự trói buộc ấy là “giới cấm thủ” (sìlabbataparàmàsa), tức thái độ cố chấp, bảo thủ, đeo bám vào các tín điều và cho rằng chỉ có đường lối thực hành như vậy mới chân chánh, mới đưa đến giải thoát, ngoài ra đều là hư vọng. Đây là điểm cực đoan phiến diện, đáng phê phán của chủ nghĩa tín điều.

Đức Phật không tán thành những việc làm chỉ thuần dựa vào đức tin hay lời truyền tụng, thiếu cơ sở luận chứng xác thực. Trong đường lối tu tập, Ngài đề cao lý trí, chủ trương phương pháp xem xét phân tích các vấn đề rồi sau đó mới đi đến quyết định thực thi hoặc từ bỏ. “Này các kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; các phương pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này kàlàmà, hãy từ bỏ chúng. Nhưng này các kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc’, thời này các kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú”. Theo Đức Phật, vấn đề nhiễm ô hay thanh tịnh, tội hay phước, khổ đau hay hạnh phúc của con người không dính dáng gì đến thần linh, cũng không thể trông cậy vào thần chú hay tập tục lễ nghi mà giải quyết được. Chỉ có con người mới quyết định vấn đề tịnh hay bất tịnh, hạnh phúc hay khổ đau của chính mình bằng lối sống thiện hay bất thiện. Ngài xác nhận rất rõ:

“Tự mình làm điều ác,
Tự mình làm nhiễm ô;
Tự mình, ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai”.

Chính vì thế mà trong đạo giáo của Phật không hề có chuyện thần linh ban phúc hay giáng họa cho con người, cũng không hề có tín điều hay đức tin mơ hồ về cách thức rửa sạch tội lỗi. Phật chủ trương con người là chủ nhân của số phận mình và xem lối sống thiện hay bất thiện của mỗi cá nhân chính là cách khiến cho người ấy trở thành nhiễm ô hay thanh tịnh, đau khổ hay hạnh phúc. Nói khác đi, Phật chủ trương tịnh hay phương pháp tẩy trừ cấu uế bằng lối sống chơn chánh hướng thiện, từ bỏ điều ác, làm các việc lành, được thể hiện cụ thể qua các hành vi hiền thiện của thân, khẩu, ý. Ngài giảng giải cho cư sĩ Cunda về sự sai khác giữa phương pháp tịnh hạnh do các Bà – la – môn chủ trương và pháp môn tịnh hạnh do Ngài đề xướng:

Thế Tôn nói với Cunda, con người thợ rèn đang ngồi một bên:

– Này Cunda, trong những tịnh hạnh của ai, ông cảm thấy thích thú?

– Bạch Thế Tôn, các Bà – la – môn ở phương Tây, những người có mang theo bình nước, những người có đeo vòng hoa huệ, những người thờ lửa, những người đi xuống nước tắm, những vị này có tổ chức những lễ tịnh hạnh. Con ưa thích những lễ tịnh hạnh của những người ấy.

–      Này Cunda, các Bà – la – môn trú ở phương Tây… tổ chức những lễ tịnh hạnh như thế nào?

–      Ở đây, bạch Thế Tôn, những người Bà – la – môn trú ở phương Tây… khích lệ đệ tử như sau: “Hãy đến, này bạn. Hãy dậy thật sớm và từ nơi giường chạm xuống đất. Nếu bạn không chạm xuống đất thì chạm phân bò ướt; nếu bạn không chạm phân bò ướt thời bạn chạm cỏ xanh; nếu bạn không chạm cỏ xanh thời bạn hãy cúng dường lửa; nếu bạn không cúng dường lửa, thời bạn hãy chắp tay đảnh lễ mặt trời, nếu bạn không chắp tay đảnh lễ mặt trời, thời bạn hãy xuống nước lần thứ ba vào buổi chiều”.

–      Sai khác này Cunda, là những lễ tịnh hạnh do những Bà – la – môn chủ trương và lễ tịnh hạnh trong Luật của bậc Thánh.

–      Như thế nào, bạch Thế Tôn, là lễ tịnh hạnh trong Luật của bậc Thánh? Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho con về lễ tịnh hạnh trong Luật của bậc Thánh.

–      Vậy này Cunda, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

–      Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Cunda, con người thợ rèn vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Này Cunda, tịnh hạnh về thân có ba, tịnh hạnh về lời có bốn, tịnh hạnh về ý có ba. Này Cunda, thế nào là tịnh hạnh về thân có ba?

Ở đây, này Cunda, có người đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh, và loài hữu tình. Vị ấy đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho; bất cứ vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không phải của người ấy, người ấy không lấy với ý niệm trộm cắp. Vị ấy đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục, với hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, có pháp che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

Như vậy, này Cunda, tịnh hạnh về thân có ba. Và này Cunda, thế nào là tịnh hạnh về lời có bốn?

Ở đây, này Cunda, có người đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, đến chỗ tập hội hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì người biết”. Nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”. Nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết”. Hay nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”. Nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”. Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì. Vị ấy đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói, để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy đoạn tận lời nói độc ác; những lời nói nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người, người ấy nói những lời như vậy. Vị ấy đoạn tận lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói Pháp, nói Luật, nói những gì đáng được gìn giữ, nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có lợi ích.

Như vậy, này Cunda, tịnh hạnh về lời nói có bốn. Và này Cunda, thế nào là tịnh hạnh về ý có ba?

Ở đây, này Cunda, có người không tham ái, không tham lam tài vật kẻ khác, không nghĩ rằng: “Mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình”. Vị ấy không có sân tâm, không khởi lên hại ý, hại niệm, nghĩ rằng: “Mong rằng những loài hữu tình sống lo tự ngã, không thù hận, không nhiễm loạn, được an lạc”. Vị ấy có chánh kiến, không có tư tưởng điên đảo: “Có bố thí, có cúng thí, có tế lễ, các hành vi thiện ác, có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời có các Sa – môn, Bà – la- môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng, lại tuyên bố cho đời này và đời sau”.

Như vậy, này Cunda, tịnh hạnh về ý có ba.

Này Cunda, có mười thiện nghiệp đạo này. Này Cunda, ai thành tựu mười thiện nghiệp đạo này, có thể dậy sớm và từ giường chạm đất, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy không chạm xuống đất, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy chạm phân bò ướt, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy không chạm phân bò ướt, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy chạm cỏ xanh, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy không chạm cỏ xanh, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy thờ lửa, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy không thờ lửa, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy chắp tay đảnh lễ mặt trời, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vị ấy không chắp tay đảnh lễ mặt trời, vị ấy vẫn trong sạch. Nếu vào buổi chiều, vị ấy xuống nước lần thứ ba, vị ấy vẫn trong sạch. Vì sao? Này Cunda, mười thiện nghiệp đạo này là trong sạch, tác thành trong sạch. Do nhân thành tựu mười thiện nghiệp đạo này, chư Thiên được tuyên bố, loài Người được tuyên bố, hay bất cứ thiện thú nào khác.

Được nói vậy, Cunda, con người thợ rèn thưa với Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn … Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.

DIỆU THU – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 136

http://vanhoaphatgiaoblog.com/phatphap/hanh-tri-tinh-hanh-theo-loi-phat.html

________________________________________________________

Chú thích:

  1. Kinh Cunda, người thợ rèn, Tăng Chi Bộ.
  2. Kinh Các lễ Uposatha, Tăng Chi Bộ.
  3. Kinh Ví dụ tấm vải, Trung Bộ.
  4. Đại kinh Sư tử hống, Đại kinh saccaka, Trung Bộ.
  5. Kinh Các vị ở Kesaputta, Tăng Chi Bộ.
  6. Pháp cú, kệ số 165.
  7. Kinh Ví dụ tấm vải, Trung Bộ.
  8. Kinh Cunda, người thợ rèn, Tăng Chi Bộ.
This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.