Mẹ

Mẹ! Cái âm hưởng thơ mộng, trong suốt như chân không, không gì ngăn ngại được, âm hưởng đó đã tự động ghi lại trong ký ức của tất cả mọi người. Cho dù mỗi ngôn ngữ có một ký hiệu riêng, một tiếng gọi Mẹ khác nhau, nhưng bản chất của tiếng Mẹ hay nói cách khác là những gì bộc phát ra tiếng Mẹ từ mỗi người con là không thể khác nhau được. Theo thống kê, trên thế giới có rất nhiều ngôn ngữ diễn đạt tiếng Mẹ đều dùng chữ M đầu tiên. Như Mère, Marâtre, Maman (Pháp), Mat (Nga), Mutter (Đức), Mater (Latinh), Madre (Tây Ban Nha,Ý), May (Bồ Đào Nha), Mothir (Ailen), Mati, Mata (Ấn Độ), Mitera, Mêter (Hy Lạp), Modar (Iran), Mayr (Acmêni), Mouchan (Trung Quốc), Mother, Mum, Mama, Mammy (Anh), … riêng tiếng Việt thì có Mẹ, Me, Mạ, Má, Mế (Mường), Mé (Champa)

Mẹ như một tiên nghiệm, bởi vì tất cả chúng ta đều được Mẹ sinh ra và theo biện chứng thì trước khi có ta thì đã có Mẹ. Xuôi theo dòng thời gian Mẹ trở thành sự hiện hữu trường cửu trong mỗi người con, cho dù người con có là vĩ nhân, là bác học, là thiên tài, là đấng cứu thế, là tổng thống, là vua, là kẻ phá rối, kẻ sát nhân,… là gì đi nữa thì trong đôi mắt Mẹ, con luôn là đứa trẻ thơ dại. Bởi vậy, dù con có phạm phải những lỗi lầm nhưng Mẹ luôn tha thứ. Tất nhiên, có bà Mẹ nào mà muốn con mình trở thành kẻ sát nhân, có Mẹ nào lại muốn con mình thành kẻ cướp, kẻ phá hoại. Mong muốn của Mẹ thật giản dị là chỉ muốn con nên người.

Những người lớn, những người trưởng thành về mặt sinh lý hãy nhìn lại những gì Mẹ đã làm cho mình, hay cứ nhìn vào những bà mẹ trẻ đang có con dại thì sẽ thấy được hình ảnh của chính mình được Mẹ chăm sóc, nuôi nấng từ thuở lọt lòng, rồi được Mẹ nuông chiều, gửi gắm tình thương, những tình cảm, hành động của Mẹ như một bài học đầu đời dạy cho chúng ta biết thế nào là tình thương, thế nào là lòng nhân ái. Và thật đau lòng khi nhìn thấy những đứa trẻ không còn Mẹ.

Trong lịch sử của nhân loại từ những nền văn minh xa xưa Ai Cập, Hy Lạp, La Mã hay Trung Hoa, Ấn Độ,… cho đến những kỷ nguyên của nguyên tử, điện toán, nhân bản vô tính,… rồi sẽ xuất hiện những kỷ nguyên với những định danh mới, nhưng con người không thể nào không có Mẹ. Ngoài bà Mẹ bằng xương, bằng thịt, có trái tim ngập tràn tình thương yêu vô bờ bến sẵn sàng ban phát cho các con, thì còn có những bà Mẹ tâm linh mà bất kỳ quốc gia nào hay tôn giáo nào cũng có. Như trong huyền sử Việt Nam có Âu Cơ là tổ mẫu, Phật giáo ở Việt Nam có Quán Thế Âm Bồ-tát là Mẹ tâm linh, rồi Mẹ Thiên Y-a-na là kết quả của một quá trình giao thoa giữa các nền văn hóa Việt – Champa; Mẹ Thiên Y-a-na còn có tên là Yang Inư Pô Nagara. Hình ảnh Mẹ Maria của Thiên Chúa giáo xuất hiện ở Việt Nam như một kết hợp văn hóa tâm linh Đông Tây. Và Mẹ Thái Bình một biểu tượng về ước mong cao quý cho nhân loại được bình yên, tình thương yêu của mẹ như biển được thể hiện qua “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào/… Thương con khuya sớm bao tháng ngày/ Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn” trong bài Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, hay trong nhạc phẩm Đạo ca 6 của nhạc sĩ Phạm Duy tình mẹ cao cả được biểu hiện:“Con ơi! Mẹ là Thượng Ðế, cho con tâm lý nguyên sơ / Câu ru và dòng sữa quý, cho con nguyên lý diệu vời / Ru con rằng: Ðời muôn lối, như mây kết hợp, rồi tan / Thân con là Trời cao vói, tim con là cõi địa đàng”,… hay trong Bông Hồng Cài Áo của thầy Nhất Hạnh đã nói về những thiệt thòi của những người con khi chưa được cảm nhận suối nguồn thương yêu từ Mẹ qua những câu “Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền/ Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên/ Là bóng mát trên cao/ Là mắt sáng trên cao/ Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối/ Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào /Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau /… Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời” và trong Nguyên Lý Mẹ của triết gia Kim Định đã nói về Mẹ Thái Bình, Mẹ là cái nôi văn hóa lớn bao phủ lên những miền đất có một đời sống minh triết, một đặc tính chung: Yêu thương. Đặc biệt trong ca dao Việt Nam, hình ảnh người mẹ là biểu tượng của sự hy sinh cao đẹp, lộng lẫy, biểu tượng của tình thương yêu đã ăn sâu trong tâm thức mọi người qua những điệu hò ru con: “Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp một, như đường mía lau”, hay “Chiều chiều ra đứng ngõ sau,/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”, hay “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Có thể Mẹ không bao giờ nghĩ đến sự báo đáp của người con, nhưng lòng yêu thương bao la của mẹ đã được những người con trên toàn thế giới đền đáp công ơn, báo hiếu qua những ngày lễ về Mẹ như: lễ Vu lan mùa báo hiếu vào ngày rằm tháng Bảy Âm lịch hàng năm, khoảng thời gian dành cho những người con hồi hướng công đức về Mẹ; mẹ trong hiện tại, mẹ trong quá khứ và mẹ của tương lai cứ như thế dòng chảy luân phiên bất tận và trong Phật giáo có Bồ-tát Mục Kiền Liên là tấm gương cao cả về hiếu hạnh, hay vào tháng Ba Âm lịch ở điện Hòn Chén – Huế có ngày vía Mẹ, lễ rước thánh mẫu Y-a-na trên dòng sông Hương xanh mộng, ngọt ngào và chúng ta có thể gọi sông Hương là dòng sông Mẹ. Bên kia bờ Thái Bình Dương, hàng năm vào ngày Chủ nhật tuần thứ nhì của tháng 5 được gọi là ngày “Lễ Mẹ” (Mother’s Day) ở Mỹ và các nước châu Âu, Úc; vào ngày này tất cả những người con đều trở về thăm Mẹ và tặng những món quà ý nghĩa dâng lên Mẹ, sẽ có những người con không còn Mẹ nữa nhưng chúng ta hãy tưởng nhớ trọn vẹn về Mẹ để hòa nhập vào dòng suối thương yêu của mẹ, để cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Cũng từ tiên nghiệm về Mẹ, chúng ta cảm nhận được Mẹ vũ trụ, Mẹ của sự hóa sinh, Mẹ của vạn vật hay Mẹ sáng tạo, Mẹ là lòng từ bi bao la, mà lòng từ bi thì không bao giờ biến mất trong thế gian này cho dù Mẹ đã khuất xa, dù xương thịt Mẹ sẽ thành cát bụi nhưng tình thương của Mẹ đã gửi lại giữa thế gian này những dòng lực từ bi vĩnh hằng. Vậy, Mẹ là sự trường cửu vì những nỗ lực của thế giới chúng ta đang từng giờ, từng phút, từng giây hướng đến cái tâm từ, cái tánh thiện, hướng đến một thế giới đại đồng an vui. Qua những trải nghiệm tôi cảm nhận được sức mạnh của tình thương. Suy nghiệm lại tôi thấy có những nguyên nhân để con người phát ra được năng lực tiềm ẩn bên trong: Tình yêu thương trọn vẹn, sự tập trung tư tưởng, lòng căm thù, lòng tham vô đáy và sự sợ hãi. Trong những nguyên nhân trên thì tình yêu thương trọn vẹn là điều giúp cho nhân loại có cuộc sống thanh bình và hạnh phúc. Điều đó tất cả chúng ta đều đã được Mẹ dạy từ thuở chưa lọt lòng. Mẹ đã dạy chúng ta về tình thương thuở người con đang là tượng trong bào thai.

LÊ HUỲNH LÂM 

http://vanhoaphatgiaoblog.com/tuy-but/me.html

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.