Gần đây, để tập sống lạc quan, mỗi sáng khi thức dậy tôi thường đếm các “phúc lành” mình đang có. Nhiều người nhìn qua, nhìn lại, nhìn lên, nhìn xuống… để tự so sánh với người khác và để còn thấy mình có nhiều may mắn hơn người. Tôi sợ ganh đua, dù là ganh đua trong sự may mắn, bởi vì ganh đua thường làm cho con người thêm khổ. Chính vì thế mà khi nghĩ đến những “phúc lành” mình đang có, tôi thường nhìn vào khung cảnh sống. Ở gần lâm viên quốc gia, mỗi sáng thức dậy, bất cứ mùa nào, chỉ cần ngước mắt nhìn lên núi cũng đã nghe thấy sự sống và cũng đủ để thấy vui, thứ niềm vui nhỏ, bình thường, có trước mắt mà nhà phê bình Trung Hoa Kim Thánh Thán hồi thế kỷ thứ 18 thường cảm nhận được. Nhà lại ở gần sông nước, mỗi ngày chạy bộ một vòng dọc bờ vịnh, vừa tập thể dục vừa ngắm trời mây sông nước. Được sống trong một khung cảnh như thế mà không là một “phúc lành” sao?
Nhưng có điều tôi nói ra lại sợ có người bảo mình là tên “dở hơi”. Ở hai đầu của khu tôi ở đều có siêu thị bán đủ các thứ nhu yếu phẩm. Chỉ cần đi bộ 15 phút đồng hồ là có thể tha hồ mua sắm. Vừa giãn gân giãn cốt, vừa tiết kiệm được xăng nhớt trong thời buổi giá xăng lên ào ào này. Nhưng điều tôi muốn giới thiệu ở đây không phải là cuộc sống tiện nghi, mà là cái nghĩa trang thật dễ thương nằm gần siêu thị ở hướng nam. Tôi xem sự hiện diện của nghĩa trang này là một “phúc lành” cho “thôn xóm” này và cách riêng cho tôi. Khu nghĩa trang này có cái đặc biệt là rất… ấm cúng. Nó không bị cô lập như thường thấy mà được vây quanh và gần gũi với nhà cư dân. Cách cấu trúc giống như một cái công viên hơn là một nghĩa trang với nhiều hoa bông và cây có tàn cao thanh nhã. Mỗi lần chạy bộ ra siêu thị, tôi đều dừng lại trước nghĩa trang để “chào hỏi” các cư dân ở đó. Đặc biệt trong ngày hôm nay, 2 tháng 11, theo truyền thống Kitô giáo, thế nào tôi cũng tạt ngang qua để hàn huyên lâu giờ hơn với những người đang an nghỉ ở đó. Tôi không có người thân nào được chôn cất ở đây cả. Thật ra, với tôi, người quá cố không nằm yên trong một nghĩa trang nào đó. Đã đi vào bên kia thế giới thì không gian không còn biên giới nữa. Ở đâu người sống cũng có thể gặp người chết. Khi qua đây sống, tôi biết là mình đã chia ly với thân phụ mẫu. Nhưng giờ đây, khi cha mẹ tôi đã nằm xuống, tôi lại cảm thấy gần gũi thân thiết với các vị hơn bao giờ hết. Các vị được chôn cất ở một nơi cách tôi ở đến cả một phần tư vòng trái đất. Nhưng với tôi, các vị vẫn “như tại”, nghĩa là vẫn cứ như đang hiện diện bên cạnh tôi đến độ tôi có thể hỏi han, vấn kiến bất cứ lúc nào.
Thật ra, giữa tôi và người quá cố, dù tôi có cảm nhận được một sự gần gũi thiết thân đến đâu, cũng vẫn là vực thẳm của thinh lặng. Tôi không có được thứ “kỹ năng” mà người ta thường gọi là “ngoại cảm” để có thể liên lạc và nói chuyện được với người quá cố. Tôi cũng chẳng có được óc tưởng tượng phong phú như nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc, người vừa được trao tặng Giải Nobel Văn Chương năm nay, để lắng nghe được tiếng nói của Ma Chiến Hữu. Có những người có được một ơn thiên phú đặc biệt để có thể liên lạc được với cõi âm, với thế giới bên kia. Riêng tôi, tôi nghĩ đến bài dụ ngôn về một người phú hộ và một người nghèo khổ tên là Lazarô được ghi lại trong Sách Tin Mừng theo thánh Luca. Cả hai nhân vật đều chết cùng một ngày. Người giàu có suốt đời sống trong nhung lụa và không màng đến sự hiện diện của người nghèo trước cửa nhà mình, cho nên bị trầm luân trong hỏa ngục. Người nghèo được lên thiên đàng. Từ nơi cực hình, người giàu có mới xin tổ phụ Abraham cho người từ cõi chết về cảnh cáo mấy người anh em của ông hiện vẫn còn đang sống ích kỷ trong xa hoa, để khi chết họ không phải cùng chung số phận như ông. Nhưng tổ phụ Abraham trả lời rằng khoảng cách giữa hai bên là vô tận; không thể nào có thể vượt qua biên giới để liên lạc với nhau.
Suy gẫm về câu chuyện này, tôi nghĩ đến sự thinh lặng của thế giới người chết. Đúng hơn, người chết cũng vẫn còn lên tiếng, nhưng họ nói bằng thinh lặng hơn bằng lời nói. Do đó, mỗi lần vào nghĩa trang, tôi luôn cố gắng lắng nghe cho bằng được tiếng nói trong thinh lặng ấy. Tôi tin chắc rằng trong thinh lặng, người chết luôn muốn nói với tôi rằng bên kia thế giới, không còn có ganh đua, tỵ hiềm, tranh giành, chiến tranh và hận thù nữa. Trong thinh lặng, người chết dường như cũng muốn bày tỏ ở mức độ cao nhứt sự khoan nhượng và cảm thông. Dù tôi có lầm lạc, xấu xa và đốn mạt đến đâu đi nữa, vào nghĩa trang, chắc chắn tôi chỉ có thể nghe được sự cảm thông mà thôi. Tôi cũng không bao giờ bị xua đuổi nơi đây. Chẳng có người chết nào cảm thấy bị tổn thương vì cử chỉ xúc phạm của tôi và cũng chẳng có người chết nào trách móc vì những yếu đuối lầm lỡ của tôi.
Trong thinh lặng, tôi không những cảm nhận được sự cảm thông của người quá cố, mà còn lắng nghe được rất nhiều điều nhắn nhủ của họ. Thỉnh thoảng tôi có lái xe đến Swansea, gần New Castle, NSW, để thử thời vận, vì đây là nơi thường được dân câu cá nhắc đến. Từ F3 rẽ vào Pacific Highway, phải đi qua một đoạn đường khoảng 30 cây số. Hầu như lần nào tôi cũng cố gắng đếm cho bằng được con số những cây thập giá được dựng lên hai bên vệ đường. Tôi tính được không dưới 10 nơi có thập giá. Đó là chưa kể những nơi chỉ có hoa mà không có biểu tượng của Kitô giáo này. Nghe đâu thỉnh thoảng ban đêm, có người bị ma rượt trên đọan đường này. Riêng tôi, cứ mỗi lần thấy thập giá hay một cây trụ có cắm hoa, tôi lại nghe như có tiếng nhắc bảo: hãy lái xe cẩn thận; hôm trước là tôi, hôm nay có thể là bạn!
Chết là phần số chung của mọi người. Ai cũng phải một lần nhắm mắt xuôi tay. Trong ý nghĩa ấy, trong các thiệp phân ưu và cáo phó, các tín hữu Kitô thường nói đến “tiếng gọi” của Chúa. Người chết là người được Chúa thương “gọi” về. Tiếng “gọi” gợi lên Tình Thương bao la của Chúa. Nhưng có những cái chết nghiệt ngã và đau thương đến độ tôi thấy gán cho Chúa một tiếng “gọi” nghe sao “oan” cho Chúa quá. Có phải vì tôi có lối sống thác loạn, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và đối với tha nhân, mà vì “thương tôi” Chúa “gọi” tôi về sớm không? Hay chính tôi, do lối sống bừa bãi vô trách nhiệm, tôi đã chẳng tự chọn cho mình một sự ra đi như thế sao? Dĩ nhiên, trời gọi ai, người nấy dạ. Là tạo vật, được hiện hữu là điều không do quyết định và chọn lựa của mình, cho nên chẳng có ai làm chủ được sự sống của mình. Nhưng cũng có lắm trường hợp, chết là do chính mình chọn lựa. Sự chọn lựa có lẽ rõ ràng nhứt đối với những người muốn đùa giỡn với tử thần bằng tốc độ. Tôi tin chắc rằng trong hơn 10 cây thập tự và những cây trụ có cắm hoa dọc theo con đường đến Swansea, đã có không ít những người phải chết oan vì sự bất cẩn cũng có, nghĩa là do lỗi của mình gây ra, mà cũng chẳng thiếu những người say men tốc độ muốn đi “gặp” Chúa trước khi Ngài kịp có “ý định” “gọi” họ.
Nhưng dù có ra đi trong hoàn cảnh và lý do nào đi nữa, giờ đây, có lẽ người chết nào mà tôi gặp gỡ trong nghĩa trang hay trên đường đi, cũng đều muốn nhắc nhở tôi “phải sống” hơn là tìm đến cái chết. Nếu có một tiếng gọi từ nghĩa trang thì tiếng gọi đó phải là tiếng gọi của sự sống hơn là sự chết. Người chết nào cũng muốn tôi sống đàng hoàng tử tế hơn, nghĩa là sống một cách có trách nhiệm với bản thân cũng như trách nhiệm đối với tha nhân.
Mỗi năm, cứ đến ngày 2 tháng 11, tôi lại nhớ đến Phi-luật-tân là nơi tôi đã sống và làm việc trong một thời gian khá lâu. Ở quốc gia hải đảo có đông người Công giáo nhứt Á châu này, người dân bày tỏ tình cảm đối với người chết một cách rất đặc biệt. Suốt ngày mùng một, họ lũ lượt kéo nhau đến nghĩa trang, làm sạch ngôi mộ của người thân và mở tiệc vui chơi ca hát suốt đêm như thể người chết đang có mặt bên cạnh. Người quá cố có được một ngày và một đêm vui không thì tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng trong ngày hôm đó, nhiều người dân nghèo vô gia cư, không có nơi nương tựa đành phải mượn ngôi mộ của người chết để làm nơi trú nắng che mưa, lại phải tạm thời “dọn nhà” đi nơi khác. Sống có nhà, thác có mồ. Không biết đến lúc chết có được một nấm mồ không, nhưng hiện có không biết bao nhiêu người dân Phi nghèo không có nổi một mái nhà cho nên đành phải sống với người chết.
Hiện nay người ta nói đến hiện tượng xây mồ cất mả một cách “hoành tráng”. Nghèo như ở Thừa Thiên, người ta vẫn bắt gặp những ngôi mộ được xây cất chẳng khác nào lăng tẩm của vua chúa. Người giàu thừa tiền bạc tranh đua nhau để được tiếng đã đành, mà người nghèo cũng đua đòi hơn thiệt trong chuyện xây cất mồ mả. Ngẫm nghĩ lại thấy cha ông ngày xưa đã có lý khi nói: “Sống thời con chẳng cho ăn, chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”.
Tôi tin có cuộc sống vĩnh hằng. Tôi tin có cuộc sống mai hậu. Nhưng tôi không tin rằng người chết vẫn còn ham muốn nhà cao cửa rộng hay mâm cao cỗ đầy nữa. Niềm vui mà tôi cũng tin chắc là người chết muốn chia sẻ với người sống đó là thấy người sống biết sống hòa thuận, yêu thương, quảng đại, phục vụ, quên mình… Tựu trung, có lẽ người chết nào cũng chỉ muốn người sống biết sống tử tế, trách nhiệm với bản thân và với tha nhân.
Mỗi lần vào nghĩa trang, tôi nghe như vọng lại lời trối trăn của người vợ trong truyện ngắn Anh Phải Sống của Khái Hưng: “thằng bò, cái nhớn, cái bé… không, anh phải sống”. Anh phải sống cho ra người tử tế. Tử tế cho chính bản thân anh, cho tha nhân để khi nhắm mắt lìa đời, anh sẵn sàng ra đi mà không ân hận hay hối tiếc vì đã đánh mất cả một cuộc đời.
Làm sao để có thể chết “đẹp” nếu chưa từng biết sống “đẹp”?
Nguồn: Tình yêu cuộc sống
http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=thugian&function=detail&id=935