– Ồ !sen ở đây nở rộ, trông đẹp quá!
Ai đi ngang qua ao sen nhà chùa cũng đều cất tiếng nói như vậy.
Mà đẹp thật!Những cánh sen trắng hồng cứ mặc sức vươn cao cùng nắng ấm. Chỉ tội nghiệp cho những chiếc lá xanh to bè nằm là là trên mặt nước thì cam chịu ẩn mình, để cho hoa mặc sức ngoi lên. Cô diệu Tâm Hạnh ví những chiếc lá sen đó như tấm lòng của người mẹ, lúc nào cũng sẳn lòng hy sinh che chở cho đàn con khôn lớn. Cô tiểu ấy ưa tưởng tượng ra những chuyện trên trời dưới đất. Nhưng Bạch thấy cũng có lý.
– Chị Bạch ơi!mấy cây sen vàng mà bác gì đem cho năm ngoái, sao đến bây giờ vẫn chưa chịu ra hoa?
Bạch yên lặng đưa mắt nhìn lên mấy rặng cây chập chùng phía trước. Những cây Trầm hương mọc xen lẫn với Bạch đàn, Dương xỉ cao vút đong đưa theo chiều gío, mùi hương lan tỏa khắp bầu trời. Nghe nói núi này nguyên sơ vốn là rừng của trầm hương. Trong thời chiến tranh bị bom đạn tàn phá gần hết. Sau này dân các nơi tràn vào đốn cây để đốt than cất nhà, càng làm cho đồi núi trở thành tan hoang trơ trụi. Bây giờ nhà Nước khuyến khích việc trồng cây gây rừng phòng hộ, nên màu xanh lại trở nên bạt ngàn.
– Thôi mình về đi chị, sắp tới giờ tụng kinh rồi đó. Cô diệu Tâm Hạnh lại nói.
Bạch đứng lên nhìn quanh một lượt như còn nuối tiếc với cảnh hoàng hôn đang buông xuống. Cô bước chậm rãi trên các bực thang đá, thư thả ngắm nhìn cụm mây trắng đang thẩn thờ bay trên đỉnh núi. Mây trắng và đỉnh núi dường như có tơ duyên với nhau từ bao đời, nhưng lại không thể nào hội tụ. “Ngàn năm núi vẫn đứng yên, mây thì bay mãi nơi miền xa xăm”.
Khi đi ngang qua hồ sen trước sân chùa, Bạch dừng lại tự hỏi :Không biết ban đêm Sen có ngủ được không, mà sáng ra nó vẫn đủ sức ửng hồng để đón nhận những tia nắng mặt trời chiếu xuống. Sen thường nở vào mùa hạ. Nhưng ở đây sen nở quanh năm. Điều đặc biệt đó khiến ai qua đây cũng trầmtrồ khen ngợi. Duy có bụi sen bông vàng của một người phật tử mang từ nước ngoài về cho, thì đến nay vẫn chưa thấy nở nhụy. Mấy cây sen vàng được Bạch mang trồng bên một góc ao, trông nó mảnh mai yếu đuối hơn các cây sen bản địa. Dù vậy nó vẫn cứ tồn tại và đang hứa hẹn một cuộc sống chan hòa yên ổn giữa chốn bùn lầy nước đọng. Sư cô bảo:- Chắc tại nó không hợp thổ nhưỡng và không khí ở đây, mà có lẽ vì chưa tới mùa của nó.
Mùa hạ đã sắp trôi qua, đành phải chờ năm tới. Chỉ e rằng Bạch không thể chờ đợi. Dù có ai nói sen vàng không thể ra hoa ở xứ này, nhưng Bạch vẫn có niềm tin: – Nó sẽ nở khi thời tiết nhân duyên đến. Khi nghe Bạch nói vậy, Sư cô cười bảo:- Ừ, niềm tin đôi khi làm cho ý chí người ta mạnh lên. Nếu con tin rằng bông sen vàng này cũng giống như công phu niệm phật của mình. Rồi đến một lúc nào đó khi sự tu tập đã thuần thục thì hoa sẽ nở, cảnh Cực Lạc sẽ hiện ra trước mắt .
Bạch được biết cõi Cực Lạc qua kinh điển. Nơi ấy có rừng cây reo vang cùng nắng gió. Có tiếng chim rừng ríu rít ngày đêm. Mọi thứ đều có thể phát ra những âm thanh pháp vị nhiệm mầu. Nơi ấy có hoa thơm cỏ lạ, có sen trong ao nở rộ các sắc màu. Màu nào sắc nấy và đều tỏa ra ánh hào quang sáng rực. Các bậc Thượng Thiện Nhơn phát nguyện tu tập, đều được sanh ra từ những búp sen đầy màu sắc đó. Bạch không dám nghĩ mình sẽ sanh về nơi ấy. Nhưng cô vẫn ao ước khi chết đi mình sẽ tìm đến một nơi thật an lạc. Một nơi không còn mang các mầm bịnh làm cho đời người mãi khổ đau phiền muộn.
Năm Bạch lên ba tuổi, cha mẹ đem gởi cho chùa, rồi từ đó không một lần tới lui thăm viếng. Bạch được sư cô nuôi nấng dạy dỗ trong một ngôi chùa ở thành phố, cũng định xuất gia cho cô. Nhưng Bạch lại mang chứng bịnh tim bẩm sinh. Sư cô cũng nhờ một vài phật tử thuần thành giới thiệu các hiệp hội từ thiện giúp đở. Người ta mang Bạch sang tận nước ngoài để mỗ ghép tim, nhưng kết quả vẫn không khả quan. Khi sư cô quyết định về chùa núi tĩnh tu, Bạch cũng xin theo. Ở đây Bạch cảm thấy tâm hồn mình thanh thản. Cuộc sống của rừng núi thì bao la những cảnh sắc hữu tình, nhiều lúc cũng khiến cho Bạch quên hẳn cả bịnh tật của mình.
***
Người ta kể cho nhau nghe về những câu chuyện mang tính giai thoại. Đã là giai thoại thì thường là không thật. Nhưng những câu chuyện ở xóm núi này là có thật. Dù sự thật ấy có được tô vẻ thêm thắt đôi chút.
Nhiều năm rồi Tâm Hạnh mới có dịp trở lại đây. Phố núi bây giờ thay đổi quá nhiều. Nhà ngói nhà xây san sát nhau. Chợ búa, trường học cũng đã có. Các công trình hồ Thủy điện, công ty khai thác đá, công ty cây xanh….luôn khẩn trương rầm rộ .Cuộc sống dân tình nay đã được an cư lạc nghiệp. Trên các triền núi, chùa chiền thiền thất được xây dựng nhiều hơn, khang trang và nhiều màu sắc thiền vị hơn bởi sự sắp đặt của thiên nhiên cùng với bàn tay năng nổ khéo léo của con người.
Nơi chính giữa ao sen, bây giờ đã có một đài Quan âm lộ thiên. Tâm Hạnh đứng trên lan can nơi chiếc cầu cây nhỏ xinh xắn, nối bờ bên kia với đài, để hóng gió núi mây ngàn và cũng muốn được nhìn rõ hơn những búp sen vàng đang nở rộ dưới kia. Chị Bạch nằm yên trên đỉnh núi, giờ đây chắc cũng tha hồ mà ngắm sen nở bốn mùa. Câu chuyện về cô gái nâng búp sen vàng trước khi mất luôn được người dân nơi đây nhắc đến một thời. Người ta kể về chị như một huyền thoại, có người nói chị là Quan âm tái thế. Dù thế nào…thì sự ra đi với nhiều tâm nguyện của chị cũng đã làm cho cuộc sống nơi đây không ngừng trổi dậy.
Bất giác Tâm Hạnh mỉm cười. Cô nhớ lại mọi việc xảy ra cứ y như trong giấc mộng. Mà cuộc đời này giữa mộng và thật nào có khác gì. Một lần chị Bạch đã kể cho Tâm Hạnh nghe về giấc mơ của chị. Bạch mơ thấy mình bay đến một nơi thật cao với nhiều cảnh vật thật lạ. Ở đó Bạch gặp được cha mẹ, những người thân thuộc, rồi Bạch thấy mình có đôi cánh dịêu kỳ. Với đôi cánh ấy Bạch có thể làm bất cứ điều gì, đi bất cứ nơi đâu mình muốn. Bạch đã làm được nhiều điều cho những người dân nghèo, những đứa trẻ thơ thất học quanh quẩn dưới chân núi. Giấc mơ thật đẹp….Nhưng nó cũng chỉ là một giấc mơ thôi .
Thế rồi không lâu sau đó….có hai vợ chồng Việt kiều tìm gặp nói chuyện với sư cô và nhận là cha mẹ ruột của Bạch. Ngày trước vì hoàn cảnh đẩy đưa nên họ phải giao con cho chùa. Hai người vượt biên sang nứơc ngoài rồi thất lạc tin tứcKhi đã định cư, họ nhiều lần trở về Nước tìm kiếm, nhưng mãi đến hôm nay mới gặp. Tâm Hạnh chẳng biết tâm trạng của chị Bạch lúc ấy ra sao. Dù có vui buồn chị cũng không bao giờ thể hiện ra; Nhưng chắc chắn là chị đã xúc động. Mỗi khi xúc động chị thường tìm ra bờ ao ngồi một mình .Chị thích ngắm những cây sen vàng mảnh mai nổi trên mặt nước. Những thân cây vươn thẳng có sức sống mãnh liệt nhiều hơn là chị tưởng.
Một buổi chiều chị lại ra bờ ao một mình. Cha mẹ chị lại tìm đến. Họ đang bàn bạc với sư cô về việc muốn đem chị sang nước ngoài để trị bịnh. Nếu y học đã hết cách, thì chị có đi cũng vô ích. Chị biết mình không thể tính toán được việc gì. Nhưng nếu có chết chị mong muốn được nằm lại nơi chốn núi rừng này, cùng yên nghĩ bên cạnh rừng cây xanh để được hứng gió mát. Buổi chiều hôm đó…khi nghe tiếng mọi người la thất thanh, Tâm Hạnh chạy ra thì thấy chị từ dưới ao đi lên, mình mẩy ướt sủng, trên tay bồng một đứa bé. Con bé ba tuổi, con của người phật tử từ thành phố ra. Không hiểu sao nó lại mò tới bờ ao chơi rồi té nhào xuống đó. Chị Bạch vừa ra đến trông thấy liền nhảy xuống cứu. Chị đã ngất lịm sau khi trao con cho người mẹ. Chị nằm nửa tỉnh nửa mê trong suốt hơn một tuần lễ.
Hôm cuối cùng chị có tỉnh lại khi nghe Tâm Hạnh la lên:
– Chị Bạch ơi! cây sen vàng đã nở hoa rồi, đẹp lắm!em hái vào cho chị nè.
Như trong tiềm thức vọng về, Bạch từ từ mở mắt ra. Cô mỉm cười, đưa cánh tay yếu ớt lên đón nhận bông hoa. Hai tay chị chắp lấy cánh hoa để trên ngực với vẻ thành kính, khuôn mặt trông rạng rỡ hẳn lên. Ai cũng nghĩ chị sẽ khỏe lại, sẽ được bình yên trở lại. Chị ngắm nhìn bông sen, rồi ngước lên nhìn mọi người, môi mấp mấy…thều thào từng tiếng nhưng vẫn rõ ràng:- “Sư cô nói khi nào hoa sen nở hoa, thì lúc ấy công phu tu tập đã thuần thục, cảnh Cực Lạc sẽ hiện ra.Con chẳng có công đức tu tập gì nhiều, cõi Cực Lạc là nơi xa xăm. Con chỉ mong sao cõi Cực Lạc ấy luôn hiện hữu ở đây, để ai ai cũng có thể tu niệm trong niềm tin an lạc của đạo mầu”.
Chị lại đưa mắt nhìn ba mẹ, nhìn các anh chị em mà mình chỉ mới gặp qua:
– “Con còn một tâm nguyện cuối cùng là ….nghe nói ba và các anh chị định về nước đầu tư làm ăn…xin hãy làm một điều gì đó cho dân nghèo nơi xóm núi này. Một công việc làm ăn ổn định cho mọi người, một ngôi trường cho trẻ thơ….Đó là điều mà con hằng ao ước…Xin ba mẹ mở rộng vòng tay, tu tạo phước đức cho ngày sau…”
– Dạ thưa cô…
Tiếng người phụ nữ vừa bước lên chân cầu đã cắt đứt dòng tư tưởng của Tâm Hạnh. Cô quay lại nhìn:- Chúng con xin qua bên kia lễ Phật Bà.
Tâm Hạnh mỉm cười, khẻ gật đầu. Hai mẹ con người đàn bà sao thấy quen quen. Đợi họ lễ Phật xong trở ra, cô liền hỏi:- Cô ở Thành phố ra à!
– Dạ, con đem cây trái ra đây cúng Phật và cũng là cúng giỗ cô Bạch. Đám giỗ cô tuần tới lận, nhưng lúc ấy gia đình con mắc bận….nên hôm nay chúng con ra sớm, lễ cô trước.
Rồi bà chỉ cô con gái bên cạnh:- Nó là con bé ngày trước té xuống ao được cô Bạch cứu lên đó. Bây giờ là vận động viên Thể dục thể hình. Tuần tới nó phải sang Nước ngoài thi đấu, gia đình con đều đi theo ủng hộ.
Hai mẹ con người phụ nữ đã leo lên tới đỉnh núi, nơi nấm mồ yên nghỉ của chị Bạch. Nhìn cô gái xinh xắn khỏe mạnh đang kính cẩn quỳ lạy, Tâm Hạnh chợt nghĩ: “Chị Bạch chết đi là để cho bao mầm sống khác được tồn tại.Tồn tại và vươn lên trong niềm tin tưởng lạc quan, tràn đầy lý tưởng sống.”
Hôm ấy Tâm Hạnh đã nhìn thấy chị Bạch hai tay chắp lấy bông sen để trên ngực. Chị hé nở nụ cười mãn nguyện, rồi nhắm mắt ra đi. Chị đi trong tư thế nhẹ nhàng thanh thản như vừa làm xong một công vịệc gì đó. Búp hoa sen vàng ngày ấy được đặt theo mộ phần của chị.
Sự sống luôn luôn tiềm ẩn bao điều nhiệm mầu thâm diệu. Nơi ao sen này đã có một loài hoa vươn lên bất tử ngay trong dòng sanh tử đời người.
PHƯƠNG TỬ TÂM
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/cogai.htm