Con Đường Thánh Gồm Tám Yếu Tố

Niết-bàn có hiện hữu, con đường dẫn đến niết-bàn cũng có hiện hữu và Như Lai hiện hữu với tư cách là người chỉ con đường niết-bàn đó. Như Lai chỉ là bậc chỉ đường.” (M. III. 6; MLS. III. 56; Trung Bộ Kinh III. 115f)

Con đường (magga // maarga) mới được Phật khám phá (pubbe ananussutesu dhammesu) tạo nên chân lý thứ tư có khả năng dẫn đến sự chấm dứt toàn bộ khối đau khổ (dukkha-nirodha-gaaminii-pa.tipadaa) và nguyên nhân của chúng (samudaya) là con đường thánh gồm tám yếu tố (ariya-a.t.tha”ngika-magga // aarya-a.s.taa”nga-maarga).[1] Khái niệm “thánh” (ariya // aarya) ở đây không hề mang ý nghĩa của vị trí hay vai trò xã hội hay tập cấp như nghĩa đen của từ này chứa đựng.[2] Thánh ở đây mang ý nghĩa đạo đức như là sự cao thượng, cao quý, tôn quý, có thể đưa hành giả đến được đích giác ngộ (bodhi) hay giúp cho hành giả tự chuyển hóa mình từ tình trạng người phàm (puthujjana) thành một bậc tỉnh thức (Arahant). Vượt ra khỏi tình trạng tập cấp xã hội, khái niệm thánh hay cao thượng của con đường nằm ở đặc tính dẫn đến sự an tịnh (khema), phúc lợi (sovatthika) và hỷ lạc (pii.ti) mà nó có thể mang lại.[3] Đây là con đường duy nhất (ekaayano aya’m maggo) dẫn đến sự thanh tịnh (suddhi) cho các chúng sanh,[4] đạt đến trí tuệ cao siêu (abhi~n~naa), sự giác ngộ trọn vẹn (sambodha) và giải thoát toàn triệt (nibbaana).[5] Con đường này được gọi là “trung đạo” (majjhimaa pa.tipadaa) vượt lên trên khỏi hai cực đoan (ubho ante anupagamma)[6] của lối sống khổ hạnh ép xác hay trừng phạt thân thể (attakilamathaanuyoga) và quá tham đắm khoái lạc thân xác (kaama-sukhallikaanuyoga). Trong thuật ngữ đánh giá đạo đức, tham đắm khoái lạc giác quan như là hệ quả của chủ nghĩa đoạn diệt (ucchedavaada), (học thuyết phủ nhận tính tương tục của con người và nhân quả đạo đức), là thấp kém, không có nhiều lợi lạc, mang tính cá nhân, mang tính chiếm hữu và chấp mắc; trong khi đó, lối sống khổ hạnh hành hạ thân thể như là hệ quả của chủ nghĩa thường kiến luận (sassatavaada) (học thuyết thừa nhận một thực thể ngã siêu hình (atta // aatman) mãi tồn tại thường hằng và bất biến) chỉ mang lại đau khổ, ít giá trị do quá chú trọng đến các phương tiện vô quả và không cần thiết. Con đường giải thoát của Phật giáo, do đó, được xem là con đường trung đạo của đời sống đạo đức (dhammacariya) hay đời sống cao thượng (brahmacariya), dẫn đến nhãn quan, trí tuệ, tuệ giác, an tịnh và giác ngộ. Con đường thánh này bao gồm tám yếu tố như sau:

1. Quan niệm chân chánh (sammaadi.t.thi // samyagd.r.s.ti)
2. Tư duy chân chánh (sammaasa”nkappa // samyaksa’mkalpa)
3. Nói lời chân chánh (sammaavaacaa // samyagvaak)
4. Hành động chân chánh (sammaakammanta // samyakkarmaanta)
5. Nghề nghiệp chân chánh (sammaaaajiiva // samyagaajiiva)
6. Nỗ lực chân chánh (sammaavaayaama // samyagvyaayaama)
7. Chánh niệm (sammaasati // samyaksm.rti)
8. Chánh định (sammaasamaadhi // samyaksamaadhi)

Con đường (pa.tipadaa / magga) này bao gồm ba nhóm yếu tố (tayo kkhandhaa) hay ba đào luyện cao thượng (tividhaa sikkhaa / tisso sikkhaa), đó là, nhóm hành vi đạo đức (siilakkhandhena), nhóm thực hành thiền định (samaadhikkhandhena) và nhóm trí tuệ (pa~n~naakkhandhena).[7] Nhóm hành vi đạo đức gồm có các yếu tố 3, 4, 5. Nhóm thực hành thiền định gồm các yếu tố 6, 7, 8. Nhóm trí tuệ gồm hai yếu tố 1 và 2. Mỗi yếu tố của con đường được bổ nghĩa bằng một tiếp đầu ngữ “chánh” (sammaa // samyak) trong tiếng Pali và Sanskrit nhằm ám chỉ rằng chúng không chỉ là các hợp phần của chân lý không thể phủ định mà còn dẫn đến sự chứng đạt giác ngộ viên mãn (sammaa-sambuddhi).

I. QUAN ĐIỂM CHÂN CHÁNH (SAMMAADI.T.THI // SAMYAGD.R.S.TI)

Đây là yếu tố quan trọng nhất không chỉ về phương diện nhận thức mà còn cho nguyên lý hướng dẫn đời sống đạo đức và tâm linh. Quan niệm chân chánh được mô tả như là yếu tố tiên phong (pubba”ngamaa),[8] dấu hiệu đi đầu của các động cơ thiện (kusalamuula), cũng giống như mặt trời xuất hiện báo hiệu cho bình minh. Người có quan điểm chân chánh sẽ sống đời chân chánh về tư duy, nói năng, hành độsng, nghề nghiệp, nỗ lực, chánh niệm và thiền định.[9] Nói khác đi, sự hiện diện của quan điểm chân chánh sẽ kéo theo sự hiện hữu của bảy cái chân chánh còn lại. Cuộc sống với quan niệm chân chánh luôn luôn phủ trùm bởi sự an ổn tuyệt đối, vắng mặt tất cả khổ đau, dẫn tới đời sống thánh và xứng đáng được đời tôn kính.[10]

Từ gốc độ đạo đức, quan niệm chân chánh được ẩn dụ với một người có hai mắt (tầm nhìn) toàn hảo, có thể nhìn thấy rõ và phân biệt thiện (kusala), ác (akusala), trắng đen, đúng sai, lợi và bất lợi.[11] Quan điểm chân chánh bao gồm tránh ác và làm lành. Tránh ác là không làm các hành vi giết hại, trộm cướp, tình dục phi pháp, nói dối, nói đâm thọc, nói thêu dệt, nói lời cay độc, tham, sân và si mê. Làm lành là phát huy tối đa các điều phúc lợi đối lập với các điều xấu ác trên.[12] Như vậy, quan niệm chân chánh là tiêu chỉ nhận thức của sự đánh giá đạo đức. Ở đây, sự đánh giá đạo đức được thực hiện phù hợp với bản chất của chúng. Cái gì thiện ích thì xem là thiện ích. Cái gì xấu ác thì xem là xấu ác. Xem trắng là trắng, đen là đen. Cái gì cần làm thì phải làm. Nói chung là đánh giá sự vật bằng trí tuệ một cách phù hợp với bản chất giá trị của chúng.[13]

Trong kinh Mahaacattaariisaka-Sutta,[14] quan niệm chân chánh được hiểu dưới hai mức độ, đó là mức độ thế gian (lokiya) và mức độ siêu thế (lokuttara). Quan niệm chân chánh thuộc thế gian là sự tuệ tri về kết quả đạo đức của bố thí, rộng lượng, cúng dường, hy sinh, cũng như kết quả đạo đức của những hành động có chủ ý trong đời này và đời sau. Nó còn là sự nhận thức về giá trị đạo đức của đời sống hiếu kính cha mẹ, tôn trọng sư trưởng và các bậc đạo cao đức trọng. Quan điểm chân chánh thuộc thế gian chủ yếu giới hạn trong việc thu thập công đức (pu~n~na-bhaagiya) cho đời sống ở kiếp sau được tốt hơn (upadhivepakka). Quan điểm chân chánh siêu thế, ngoài việc bao gồm các quan điểm nêu trên còn bao gồm sự tuệ tri về bốn chân lý cao thượng, đánh giá cao về giá trị của trí tuệ (pa~n~naa), các tuệ căn quan trọng khác (pa~n~nindriya) và nói chung năng lực của tuệ giác (pa~n~naa-pala).[15]

Với tuệ tri như nguyên lý dẫn đầu, người có quan điểm chân chánh sẽ không bao giờ một trong các hành vi tội ác nặng như, giết cha, giết mẹ, giết bậc giác ngộ, phá hoà hợp tăng và phá hoại Phật pháp.[16] Người có chánh kiến sẽ không tin vào chủ nghĩa hình thức hay lễ nghi[17] như là một phương tiện để đạt được sự thanh tịnh. Người có chánh kiến sẽ tìm đến và phát huy nguồn thanh tịnh của tâm (citta), năng lực quyết định mọi hành vi và khuynh hướng.[18] Người chánh kiến sẽ sống tôn kính những bậc giác ngộ, giáo pháp của bậc giác ngộ và tăng đoàn truyền bá đạo giác ngộ đó. Người chánh kiến sẽ phát huy đời sống đạo đức và trí tuệ và góp phần xây dựng một xã hội thanh bình và thịnh trị bằng các nguyên lý đạo đức tự nguyện.[19] Tất cả các hành vi của người chánh kiến, ngay cả sự chủ ý, nguyện vọng, ước muốn và các giải pháp của vị ấy đều dẫn đến an lạc, hạnh phúc, phúc lợi, lợi ích cho mình và người, ở đời này và đời sau.[20]

Về phương diện nhận thức, quan điểm chân chánh sẽ dẫn tới trí tuệ và giải thoát.[21] Chánh kiến như đã trình bày là sự tuệ tri về bốn chân lý thánh và mọi sự vật hiện tượng dưới bốn chân lý không thể phủ bác hay thay đổi này.[22] Đó là kiến thức về thực tại đau khổ (dukkha), các nguyên nhân dẫn đến thực tại đau khổ đó (dukkha-samudaya) [như là tham ái giác quan (kaama-ta.nhaa), tham ái hiện hữu (bhava-ta.nhaa) và tham ái đoạn tuyệt hiện hữu (abhava-ta.nhaa)], trạng thái chấm dứt hoàn toàn các đau khổ (dukkha-nirodha), và con đường thoát khổ (ariya-a.t.tha”ngika-magga). Quan điểm chân chánh là sự hiểu biết về bản chất, nguồn gốc, sự chấm dứt và con đường chấm dứt của năm nhóm nhân tính tâm vật lý chấp thủ (pa~ncupaadaanakkhandhaa) cũng như mười hai mắc xích duyên khởi tương thuộc (pa.ticca-samuppaada).[23] Chánh kiến chính là kiến thức về bản chất thật của mọi hiện hữu như chính chúng là (yathaabhuuta-dassana/~naa.na).[24] Chánh kiến là sự nhận chân được bản chất không thường còn (anicca), không thực thể (anattaa) và không thoả mãn (dukkha) của năm nhóm nhân tính (pa~ncakkhandha) và mọi sự vật hiện tượng (dhammaa) trong đời này (loka).[25] Về phương diện không gian, chánh kiến là kiến thức rằng mọi hiện tượng đều không có thực thể (sabbe dhammaa anattaa),[26] trong khi về phương diện thời gian, nó là kiến thức rằng mọi vật duyên khởi tương thuộc đều không thường còn (sabbe sa”nkhaaraa aniccaa).[27] Phương diện đôi của các sự vật không thường còn và không thực thể này, như chúng ta thường kinh nghiệm qua trong đời dẫn tới sự không thoả mãn hay đau khổ (dukkha). Điều này được mô tả rõ trong phán đoán sau đây “tất cả sự vật điều kiện đều không thoả mãn” (sabbe sa”nkhaaraa dukkhaa).[28]

Về phương diện nguồn gốc của đau khổ và hạnh phúc, người có chánh kiến không bao giờ chủ trương các học thuyết sai lầm sau đây:[29] (i) đau khổ và hạnh phúc là tự tạo, (ii) đau khổ và hạnh phúc là do người khác tạo ra, (iii) chúng bao gồm cả hai, (iv) chúng diễn ra một cách ngẫu nhiên, tình cờ, không có hành vi của bản thân (v) chúng diễn ra một cách ngẫu nhiên, tình cờ, không có hành vi của người khác, (vi) chúng diễn ra một cách ngẫu nhiên, tình cờ, không có mặt cả hai bản thân và người khác. Người chánh kiến tuệ tri rõ rằng học thuyết tự-nhân-quả sẽ dẫn đến chủ nghĩa thường hằng, trong khi học thuyết tha-nhân-quả dẫn đến chủ nghĩa đoạn diệt. Phủ nhận hai học thuyết tự và tha nhân quả cũng như những hình thái biến thể của chúng, người có chánh kiến sẽ nhìn mọi vật dưới ánh sáng của tính duyên khởi tương thuộc (pa.ticca-samuppanna) của hạnh phúc và đau khổ trong đời.[30]

Trong kinh Kaccaayana,[31] đức Phật khẳng định rằng con người thường rơi vào một trong hai khuynh hướng chủ trương, hiện hữu / có (atthitaa) hay phi hiện hữu / không có (natthitaa). Khuynh hướng đầu rơi vào quan điểm thường kiến cho rằng mọi vật tồn tại thường hằng bất biến (sabba’m atthi), trong khi khuynh hướng sau rơi vào sự đối lập chủ trương đoạn kiến luận cho rằng mọi vật không có hiện hữu (sabba’m natthi) hay sẽ chấm dứt hiện hữu sau khi tan rã hay chết. Hai học thuyết cực đoan này sẽ không bao giờ xuất hiện với người có chánh kiến: “với người thấy bằng trí tuệ sự hiện khởi của thế giới đúng như nói hiện hữu, thì ý niệm về sự phi hiện hữu của thế giới sẽk không xuất hiện. Cũng vậy, đối với người nhận thức với trí tuệ sự chấm dứt của thế giới như chính nó là thì ý niệm về sự hiện hữu của thế giới không xuất hiện.”[32] Người chánh kiến sẽ không bao giờ rơi vào một trong ba hình thái ngộ nhận bản ngã (sakkaaya-di.t.thi): “cái này là của tôi” (eta’m mama), “cái này là tôi” (eso ham asmi) và “cái này là bản ngã của tôi” (eso me attaa).[33] Hơn thế, người chánh kiến nhìn nhận đau khổ và hạnh phúc trong đời dưới ánh sáng của tính duyên khởi tương thuộc (pa.ticca-samuppaada).

Tóm lại, với chánh kiến thế giới và con người sẽ được nhìn thấy dưới gốc độ của tính tương đối hay điều kiện tương thuộc, không có một nguyên nhân khởi thuỷ của mọi vật. Với chánh kiến như nguyên lý soi đường, con người sẽ sống vượt khỏi khối đau khổ.[34] Chính trong ngữ cảnh này khi chánh kiến được xem như tiêu chí của đời sống đạo đức và trí tuệ của con người, con người có chánh kiến sanh ra trong đời này sẽ mang lại lợi ích và hạnh phúc cho số đông, lợi ích và an vui cho thế giới thần linh là loài người (bahujanahitaaya bahujanasukhaaya lokaanukampaaya), do người chánh kiến luôn đặt mình trong con đường chân chánh lợi ích.[35]

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.