Trọng Pháp – Lòng Hiếu của con chim Oanh Vũ

Đời xưa, có một vị đại quốc vương tên là Tu Lâu Đà, thống trị rất nhiều chư hầu nhỏ. Oai đức của nhà vua rất to, nhưng Ngài cũng chưa mãn ý. Một hôm Ngài nghĩ: “Ta có một khuyết điểm lớn. Mặc dù ta dùng đức trị dân, đem tài lực để giúp người, song đó chỉ là nuôi sống phần vật chất không được vĩnh cửu. Cần phải có một nền đạo giáo để trị muôn dân tu tỉnh. Ta phải tìm làm sao cho ra “Pháp tài chân thật” để cho mọi người cùng nhờ đó mà giải thoát được mọi sự khổ não ở đời. Được như thế ta mới khỏi ân hận”.

Nhà vua liền truyền rao khắp trong xứ: Ai có phép giải thoát đem truyền trao cho nhà vua, sẽ được gia thưởng như ý muốn. Qua một thời gian khá lâu, không thấy ai đáp lại lời kêu gọi của nhà vua. Ngài đâm lo nghĩ, buồn rầu khổ sở, ăn không ngon, ngủ không yên. Người ngoài cuộc, ai trông thấy cũng phải cảm động và thương hại cho Ngài.
Lúc ấy, có một vị Tỳ sa môn Thiên Vương, rõ được tâm trạng của Tu Lâu Đà, bèn hóa hiện làm thân một con quỷ Dạ xoa hình sắc ai thấy cũng phải kinh tởm: hai con mắt lồi to và đỏ như huyết, nanh vuốt nhọn bén, tóc tai bờm xờm, lửa đầy miệng. Quỉ đến chỗ vua, hô to lên rằng: “Ai muốn nghe pháp ta sẽ nói cho”.

Nhà vua nghe thấy mừng lắm, vội đến nghênh tiếp, mời ngồi tòa cao, làm lễ đúng pháp để cầu nghe quên cả sợ hãi.

– Xin Ngài vui lòng bố thí cho chúng tôi một pháp tài để cứu khổ cho nhơn sanh, ơn trọng vô cùng.

– Thân người khó được, chánh pháp khó gặp, đâu phải qua những nghi lễ tầm thường kém vẻ tôn trọng như vậy mà có thể nghe được.

– Tôi xin sẵn sàng làm theo ý Ngài muốn, chỉ cốt hầu được nghe pháp, dù phải tan thân mất mạng cũng không sao.

– Quý lắm, nhà vua hãy đem Hoàng hậu và Hoàng Thái tử đến cho ta xơi, xong rồi ta sẽ nói pháp cho nghe.

– Được tôi sẽ trân trọng làm theo ý Ngài muốn.

Trong khi ấy, tất cả triều thần đều nhao nhao phản đối: “Bệ hạ làm thế nhẫn tâm lắm, chúng tôi không tán thành! Bệ hạ giết chúng tôi trước, rồi sẽ thi hành cái cử chỉ thảm não ấy”.

Nhà vua vẫn bình tĩnh, thản nhiên an ủi quần thần: “Các khanh yên lòng, ta cũng biết thế là đau xót lắm, nhưng trong đời, hễ có hợp rồi sẽ tan, không có gì là đáng quí cả, chỉ có chánh pháp mới là đáng quí, vậy dù đổi tánh mạng ta, ta quyết cũng không từ”.

Trong khi quỷ Dạ xoa ăn thịt Hoàng hậu và Hoàng Thái tử, tất cả triều thần cùng cung phi mỹ nữ trong tam cung lục viện đều kêu gào, than khóc vô cùng thảm não. Tiếng kêu than náo động cả kinh thành, mong làm chuyển được lòng cương quyết của nhà vua, để Ngài xóa bỏ ý định. Nhưng nhà vua vẫn điềm tĩnh như thường, chỉ một mực chăm chờ nghe pháp.

Quỷ Dạ xoa sau khi ăn xong Hoàng hậu và Hoàng Thái tử liền vì vua mà nói bài kệ rằng:

Tất cả các hành đều là vô thường,

Có sanh đều có khổ,

Năm ấm không thật tướng,

Không ngã và ngã sở”. [1]

Nhà vua nghe xong bài kệ vui mừng vô cùng, lòng không chút hối hận, liền truyền thần dân biên chép bài kệ ban khắp trong nhân gian, bắt phải đọc tụng, nhờ đó mà rất nhiều người được tỏ ngộ.

Lúc ấy, vị Tỳ sa môn Thiên Vương hiện lại nguyên hình và không tiếc lời khen ngợi:

– Quý hóa thay! Cao cả thay, tâm trọng pháp của nhà vua không ai sánh bằng. Hoàng hậu và Thái tử xin hoàn lại vẫn không sao cả.  Chẳng qua là chỉ để thư lòng nhà vua mà thôi, thật không phải tôi đã ăn nuốt đi đâu.

Tôi mong ngày sau Ngài sẽ đạt đạo Bồ đề độ muôn loài hàm thức.

Làm đau thương không gì hơn buồn. Bắn tên độc không gì hơn ngu si. Không thể lấy sức mạnh gì trừ diệt được hai nỗi khổ ấy. Chỉ có học nhiều mới có thể trừ diệt được. Người mù sẽ nhờ học mà có mắt, người tối sẽ nhờ học mà sáng suốt. Nhờ học mới có thể chỉ đường cho mọi người. Có học như đem mắt cho người mù. Vậy phải rời bỏ ngục ngu si, xả lòng kiêu mạn và sự an hưởng giàu có, chuộng học nghe nhiều mới gọi là nhóm họp công đức.

0O0

Lòng Hiếu của con chim Oanh Vũ

Thuở xưa, ở núi Tuyết Sơn có một con chim Oanh Vũ, cha mẹ đều mù, thường đi tìm trái cây thơm chín, dâng cha mẹ dùng. Lúc bấy giờ, có vị điền chủ mới cấy lúa bèn phát nguyện rằng: “Lúa tôi đây, xin nguyện cho chúng sanh ăn dùng”. Chim Oanh Vũ thấy vị điền chủ phát tâm bố thí như vậy, bèn thường bay xuống lấy lúa cúng dường cha mẹ. Người điền chủ đi xem lúa, thấy loài chim loài sùng phá hại lúa, bèn nổi giận đặt lưới bắt được chim Oanh Vũ. Chim Oanh Vũ thưa vị điền chủ rằng: “Trước đây ông có lòng tốt bố thí nên tôi mới dám lấy của ông, sao lại đặt lưới bắt tôi?”. Người điền chủ hỏi: “Ngươi lấy lúa làm gì?”. Chim Oanh Vũ đáp: “Tôi có cha mẹ mù, nên phải lấy lúa cúng dường”. Vị điền chủ nói rằng: “Từ nay về sau, ngươi cứ lấy lúa mà dùng, đừng e ngại gì cả”. Loài súc sanh còn biết hiếu thuận với cha mẹ huống nữa là người.

Chim Oanh Vũ là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Người điền chủ là tiền thân ông Xá Lợi Phất.

Trích: Phật Pháp

Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120312977/tap-i-9.html

———————————————–

[1Tất cả vạn sự vật thế gian đều luôn luôn chuyển biến không ngừng, các hiện tượng chuyển biến ấy Kinh gọi là Hành. Các pháp do nhân duyên cấu hợp, không thật thể, không khác nào hình ảnh trên màn bạc. Người phàm phu không làm sao nhìn thấy sự  thật của sự  vật, luôn luôn chấp cho là thật cảnh, thật ra, nên khi được thì vui mừng, mất thì sanh đau khổ.

Nên biết năm ấm (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hòa hợp gọi là thân, song năm ấm biến chuyển không thường nên thân người thoạt còn thoạt mất, không có cái gì là “ta” cũng như  không có cái gì là “của ta”. Chẳng qua cũng như những bóng trong màn ảnh sân khấu, những giả ảnh trong chiêm bao mà thôi.

Chư Phật tỏ  ngộ do đây, mà phàm phu mê muội cũng do đây vậy.

Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120312977/tap-i-9.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.