Sau khi rời khỏi hoàng cung trong đêm tối cùng với người đánh xe Channa (Xa Nặc) và ngựa Kanthaka (Kiền Trắc), Thái Tử Siddahattha — giờ đây là Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm) — đi suốt đến sáng, và vượt qua sông Anomà (Neranjara). Trên bãi cát dài theo bờ sông, Ngài tự cạo râu tóc, trao xiêm y cho Channa đem về, rồi khoác lên mình tấm y vàng, nguyện sống đời tu sĩ và sẵn sàng chấp nhận mọi thiếu thốn vật chất. Ngài không ở nơi nào thường trực. Một cây cao bóng mát, hoặc một hang đá hoang vu nào cũng có thể che mưa đỡ nắng cho Ngài. Chân không giày dép, đầu không mũ nón, Ngài đi trong ánh nắng nóng bức và trong sương gió lạnh lùng.
Trên Đường Tìm Chân Lý
Trước tiên Ngài lưu ngự bảy ngày trong khu rừng có tên là Anupiya Ambavana trong vương quốc Malla. Sau đó Ngài đến thành Ràjagaha (Vương Xá, ngày nay là Rajgir) của vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà).
Tại đây, trong lúc Ngài đang đi trì bình trong thành phố, Vua Bimbisàra (Bình Sa Vương) từ hoàng cung nhìn ra, thấy vị tu sĩ tướng mạo oai nghi, tác phong tao nhã, tư cách sang trọng, bước đi thong dong từ tốn, thì lấy làm cảm kích. Vua sai người thăm dò tông tích thì được tâu lại rằng thường ngày, sau khi độ ngọ xong thì vị tu sĩ đi về hướng Đồi Pandava. “Vị đạo sĩ ngồi trong một hang đá bên sườn phía Đông của Đồi Pandava, oai vệ như sư tử, chúa sơn lâm.”
Vua Bimbisàra truyền lệnh cho bắt kế xe, rồi lên đường, đi cùng đoàn tùy tùng đến cánh đồi xa xa, dừng lại đi bộ đến viếng vị tu sĩ khả kính. Khi được hỏi thăm Ngài là ai, sanh trưởng ở xứ nào, thì Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm) trả lời:
“Ngay phía trước đây, Tâu Đại Vương, nằm dựa trên vùng dãi núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), trong châu quận Kosala của những gia tộc cổ kính, có một quốc gia cường thạnh và phong phú. Tôi xuất thân từ dòng dõi Sàkya (Thích Ca), triều đại Thái Dương, của nơi ấy. Tôi ra đi, không phải để chạy theo nhục dục ngũ trần, mong tìm dục lạc. Vì nhận thức được hiểm họa tệ hại của những thú vui vật chất và cảm thấy an toàn trong đời sống xuất gia, tôi ra đi, mong tìm cái gì cao quý hơn. Đó là ước vọng trong thâm tâm tôi, là hoài bảo mà tôi hằng ôm ấp trong lòng.” (Sutta Nipàta, Pabbujjà Sutta, III, 1)
Vua Bimbisàra nghe vậy lấy làm đẹp dạ và cung thỉnh vị đạo sĩ, sau khi thành đạt nguyệt vọng, xin trở lại viếng thăm vương quốc Magadha.
Cuộc Chiến Đấu Phi Thường
Vào thời bấy giờ ở Ấn Độ có hai vị thiền sư lỗi lạc là Alàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Đạo sĩ Gotama tìm đến nhờ sự hướng dẫn của hai vị này với hy vọng có thể sẽ được trao truyền những giáo huấn dẫn đến mức độ cao siêu của pháp môn hành thiền.
Đầu tiên Ngài đến Alàra Kàlàma và nói với ông: “Này hởi đạo hữu, xin đạo hữu cho tôi thọ giáo và sống đời Thánh Thiện Thiêng Liêng trong Giáo Pháp và Giới Luật này.”
Alàra Kàlàma trả lời, “Hởi người đáng kính, hãy ở lại đây với tôi, giáo huấn này nhằm giúp người thông minh sáng suốt có thể lãnh hội và sống trong đó, chính tự người ấy sẽ trực giác chứng ngộ những gì mà vị thầy mình đã chứng ngộ.”
Không bao lâu sau Đạo Sĩ Gotama học hết giáo lý của thầy. Ngài nghĩ: “Không phải chỉ với đức tin suông mà Alàra tuyên dạy giáo huấn của ông. Dạy như vậy không phải chỉ vì ông tin như vậy, mà chắc chắn ông đã thấu triệt, trực giác chứng ngộ giáo lý này và đã sống trong ấy.”
Rồi Ngài đến gặp Kàlàma và nói, “Này đạo hữu, giáo lý mà chính đạo hữu đã thấu triệt và trực giác chứng ngộ cao siêu đến mức nào?”
Alàra Kàlàma liền giải thích rằng đó là Vô Sở Hữu Xứ (Akincannàytana), một tầng Thiền khá cao. Lúc bấy giờ ý nghĩ sau đây phát sanh đến Ngài: “Không phải chỉ một mình Alàra Kàlàma mới có đức tin, hạnh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh kiến. Ta cũng có những phẩm hạnh ấy. Hay là ta cố gắng chứng ngộ giáo lý mà Kàlàma nói rằng chính ông đã chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy.”
Ngài sớm thành công, rồi đến gặp Alàra và nói: “Này đạo hữu Kàlàma, có phải đây là mức độ cao siêu nhất mà đạo hữu đã chứng ngộ bằng trí tuệ trực giác và sống trong sự thành đạt ấy không?”
— Đúng vậy, đây chính là giáo lý mà tôi nói rằng tôi đã chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy. Đây là mức độ cao siêu nhất của giáo lý này.
— Nhưng hởi đạo hữu, tôi cũng đã chứng ngộ mức độ này và sống trong sự thành đạt ấy.
— Chúng tôi rất hữu phúc, quả thật vậy, chúng tôi có rất nhiều duyên lành, trong đời sống Thánh Thiện Thiêng Liêng được gặp bạn đồng tu đáng kính như đạo hữu. Như vậy, giáo lý mà tôi đã trực giác chứng ngộ và đã tuyên bố, đạo hữu cũng trực giác chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy. Giáo lý mà đạo hữu trực giác chứng ngộ và sống trong sự thành đạt ấy, chính tôi cũng đã trực giác chứng ngộ và sống trong ấy. Như vậy, giáo lý mà tôi biết, đạo hữu cũng biết, giáo lý mà đạo hữu biết, tôi cũng đã biết. Tôi như thế nào thì đạo hữu cũng đã như thế ấy. Vậy đạo hữu hãy ở lại đây, chúng ta hãy cùng nhau hợp sức dẫn dắt nhóm đạo sĩ này.
Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến Ngài:
“Giáo lý này không dẫn đến buông xả, không tận diệt ái dục, không dẫn đến chấm dứt, không dẫn đến thanh bình an lạc, trực chứng, giác ngộ, và Niết Bàn, mà chỉ đến tầng Vô Sở Hữu Xứ của thiền Vô Sắc.”
Ngài không thỏa mãn với giáo lý này và giả từ Alàra Kàlàma ra đi, tiếp tục tìm chân lý. Ngài đến Uddaka Ràmaputta xin thọ giáo.
Kinh nghiệm của Ngài dưới sự hướng dẫn của vị thiền sư này cũng được bộ Majjhima Nikàya — Trung A Hàm, mô tả giống như cuộc gặp gỡ vị Thiền Sư Alàra Kàlàma, chỉ khác nhau ở điểm là lần này ngài tiến đến một tầng cao hơn là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (N’eva sannà N’àsannayatana). Đây là tầng Thiền cao nhất trong tam giới, và vào thời bấy giờ đó là tuyệt đỉnh cao, không ai chứng đắc được gì cao hơn.
Đạo Sĩ Gotama không thể thỏa mãn với bất luận gì kém hơn là sự giải thoát toàn vẹn ra khỏi mọi đau khổ, Niết Bàn. Đến đây Ngài nhận thấy rằng không ai có đủ khả năng để dẫn dắt mình thành tựu mục tiêu. Chân lý và vắng lặng chỉ tìm được bên trong chúng ta. Từ đó Ngài không tìm nương tựa bên ngoài.
Khổ Hạnh
Với tinh thần bất khuất nay đây mai đó trong vùng Magadha để tìm trạng thái vắng lặng và hoàn toàn tịch mịch, một ngày kia Đạo Sĩ Gotama đến Uruvela, thị trấn của xứ Senàni. Nơi đây Ngài tìm ra một địa điểm giữa đám rừng tươi tốt, bên cạnh một dòng sông ngoạn mục, uyển chuyển uốn mình trong lòng hai bãi cát trắng phao, trải dài dưới ánh mặt trời.
Ngài nghĩ như sau: “Cảnh vật quả thật hữu tình, cụm rừng đẹp đẽ, dòng sông thú vị với bãi cát trắng và cách thôn xóm không xa, ta có thể dễ dàng đến đó trì bình.” (Majjhima Nikàya – Trung A Hàm, Pariyesana Sutta, số 26, quyển I, trang 166)
Khi hay tin Thái Tử Siddhattha rời bỏ đền đài cung điện để ra đi, sống đời tu sĩ, thì Kondanna (Kiều Trần Như), vị đạo sĩ bà la môn trẻ tuổi nhất trong tám vị đã tiên đoán trong dịp lễ quáng đính của thái tử rằng về sau thái tử sẽ đắc Đạo Quả Phật, cũng tìm đến Ngài để tu học. Cùng đến với Kondanna có bốn người, vốn là con của bảy vị đạo sĩ kia, tên Bhaddiya, Vappa, Mahànàma và Assaji.
Vào thời bấy giờ, và đến nay vẫn còn, ở Ấn Độ có sự tin tưởng mãnh liệt rằng nếu không khép mình vào lối tu khắc khe ép xác khổ hạnh ắt không thể thanh lọc thân tâm và tiến đến giải thoát cùng tột. Trưởng thành trong niềm tin này, Đạo Sĩ Gotama và nhóm đạo sĩ gọi là năm anh em Kondanna (Kiều Trần Như) bắt đầu cuộc chiến đấu phi thường kéo dài sáu năm trường, tự khép mình vào nếp sống cực kỳ kham khổ.
Kinh Mahà Saccaka, của bộ Majjhima Nikàya, số 36, quyển I, trang 242, mô tả sự tinh tấn của Bồ Tát như sau:
Hành Pháp Nín Thở. – “Lúc ấy tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi: ‘Hay là ta cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nắp vọng, rồi dùng tâm thiện đè nén, chế ngự và diệt trừ những tư tưởng bất thiện.’
“Rồi tôi cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nắp vọng và nỗ lực đè nén, chế ngự và diệt trừ những tư tưởng bất thiện bằng tâm thiện. Lúc tôi chiến đấu như vậy thì mồ hôi từ trong nách tuôn chảy ra.
“Như người mạnh nắm lấy đầu hay hai vai một người yếu rồi đè xuống, dùng sức cưỡng bách và khắc phục, không cho ngóc lên, cũng dường thế ấy, tôi chiến đấu và khắc phục những tư tưởng bất thiện.
“Hạnh tinh tấn của tôi quả thật kiên trì và bất khuất. Chú niệm của tôi thật là vững chắc và không thể lay động. Tuy nhiên, thân tôi mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ — thể xác phải chịu khuất phục trước sự nỗ lực kiên trì. Mặc dầu những cảm giác đau đớn phát sanh đến thân, nó không gây tổn hại cho tâm tôi chút nào.
“Lúc ấy tôi nghĩ như sau: ‘Hay là ta hãy chú niệm về pháp nín thở!’
“Rồi tôi kiểm soát chặt chẽ hơi thở vô – thở ra, từ miệng và mũi. Khi tôi kiểm soát hơi thở vô – thở ra ở miệng và mũi thì có hơi thoát ra từ lỗ tai, tạo nên một loại âm thanh to lớn khác thường. Hơi gió, thoát ra từ hai ống thụt của anh thợ rèn kêu như thế nào thì lúc tôi ngừng thở, luồng hơi từ lỗ tai thoát ra tạo một âm thanh cũng to như thế ấy. Dầu sao tôi vẫn bất khuất và kiên trì tinh tấn. Chú niệm của tôi vẫn vững chắc và không hề lay động. Tuy nhiên, thân tôi mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ – thể xác phải chịu khuất phục trước sự nỗ lực kiên trì. Mặc dầu những cảm giác đau đớn phát sanh đến thân, nó không gây tổn hại cho tâm tôi chút nào.
“Rồi tôi kiểm soát hơi thở vô – thở ra từ miệng, mũi và tai. Lúc ngừng thở bằng miệng, mũi và tai thì, hơi bị dồn lại, đập mạnh trong đầu tôi. Như có người thật mạnh khoang vào sọ tôi với một lưỡi khoan thật bén, khi tôi ngừng thở, hơi đập vào đầu tôi cũng làm đau đớn như vậy. Mặc dầu những cảm giác đau đớn phát sanh đến thân, nó không ảnh hưởng gì đến tâm tôi chút nào.
“Lúc ấy tôi tự nghĩ: ‘Hay ta thử phát chú niệm về tình trạng nín thở ấy!’
“Rồi tôi kiểm soát hơi thở vô – thở ra từ miệng, mũi, và tai. Cảm giác đau đớn kinh khủng lúc bấy giờ giống như có một lực sĩ dùng dây thừng siết chặt lại đầu tôi. Tuy nhiên tôi vẫn một mực kiên trì tinh tấn. Những cảm giác đau đớn ấy không gây ảnh hưởng đến tâm tôi.
“Lúc ấy tôi tự nghĩ: ‘Hay ta thử pháp chú niệm về tình trạng nín thở một nữa!’
“Rồi tôi ngưng thở bằng miệng, mũi, và tai. Khi kiểm soát hơi thở như thế ấy thì một luồng hơi mạnh thọc xuyên qua bụng tôi. Tên đồ tể, thiện nghệ hay mới tập sự, dùng dao bén rạch một đường trên bụng, làm đau đớn thế nào thì luồng gió mạnh thọc xuyên qua bụng làm cho tôi đau đớn dường ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì tinh tấn. Những cảm giác đau đớn ấy không gây tổn hại đến tâm tôi.
“Lần nữa, tôi tự nghĩ: ‘Hay ta thử pháp niệm về tình trạng nín thở nữa!’
“Rồi tôi kiểm soát hơi thở vô – thở ra từ miệng, mũi, và tai. Khi nín thở như vậy tôi cảm giác như có một ngọn lửa to khủng khiếp bừng lên và bao trùm lấy tôi. Như có người mạnh nắm chặt một người yếu và đặt lên một đống lửa than đang cháy đỏ cho đến lúc hoàn toàn thiêu rụi, lửa thiêu đốt thân tôi lúc ngừng thở cũng nóng dường thế ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì tinh tấn. Những cảm giác đau đớn không gây tổn hại đến tâm tôi.
“Lúc ấy có những vị Trời thấy tôi vậy thì nói với nhau. ‘Đạo Sĩ Gotama đã chết!’ Vài vị khác ghi nhận, ‘Đạo Sĩ Gotama chưa chết hẳn, nhưng đang chết dần!’. Trong lúc ấy cũng có vị nói, ‘Đạo Sĩ Gotama chưa chết hẳn cũng không phải đang chết dần. Ngài là vị A La Hán. Đây là lối sống của chư vị A La Hán.”
Hành Pháp Tuyệt Thực – “Rồi tôi tự nghĩ, ‘hay ta thử hành pháp tuyệt thực!’
“Lúc ấy có những vị Trời đến gần tôi và nói: ‘Bạch Ngài xin Ngài chớ nên hành pháp tuyệt thực. Nếu Ngài tuyệt đối không dùng vật thực nữa thì chúng tôi sẽ rót trên thân Ngài những chất dinh dưỡng của cảnh Trời để cho nó thấm vào lỗ chân lông và nuôi sống Ngài.’
“Lúc ấy tôi suy nghĩ như sau: ‘Nếu ta hành pháp tuyệt thực mà các vị Trời lại rót chất dinh dưỡng của cảnh Trời để nuôi sống thân này thỉ quả là điều gian dối.’ Nghĩ vậy nên tôi từ chối.
“Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi: ‘Hay ta thử dùng chút ít vật thực, mỗi lần chỉ một chút thôi, một ít nước đậu xanh, hay rau cỏ, hay đậu đỏ, hay đậu trắng!’
“Khi mà tôi chỉ dùng thật ít vật thực như thế, ở thể đặc hay thể lỏng, thì thân tôi trở nên vô cùng gầy còm. Vì thiếu vật thực, những bộ phận lớn và nhỏ trong thân tôi ốm gầy không khác nào những cọng cỏ ống hay những cây sậy. Bàn tọa của tôi chỉ còn bằng cái móng của con lạc đà. Xương sống tôi cũng như một xâu chuỗi dựng đứng lên và uốn cong lại. Xương sườn tôi tựa như một cái sườn nhà bị sụp đổ. Tròng mắt tôi không khác nào hình ảnh của những ngôi sao mà ta có thể thấy dưới một cái giếng sâu. Trái mướp đắng cắt ra lúc còn tươi rồi đem phơi, gió và nắng làm da mướp teo lại, nhăn nhó và héo tàn như thế nào thì da đầu tôi lúc ấy, vì thiếu dinh dưỡng, cũng nhăn nhó và héo tàn như thế ấy.
“Khi muốn sờ da bụng thì tôi đụng nhằm xương sống và khi muốn sờ xương sống thì tôi lại đụng nhằm da bụng. Vì thiếu vật thực, da bụng tôi ép sát vào xương sống và lúc muốn đứng dậy đi tiểu tiện thì tôi luống cuống té ngã xuống. Tôi đập nhẹ chân tay để làm cho thân mình sống lại. Than ôi, lúc đập như thế thì lông trên mình tôi lả rả rơi xuống đất vì đã chết gốc. Những người thấy tôi như vậy thì nói, ‘Đạo Sĩ Gotama đen’. Vài người khác nói, “Đạo Sĩ Gotama không đen mà xanh dương’. Cũng có người nói, ‘Đạo Sĩ Gotama không đen, cũng không xanh dương mà nâu sậm’. Màu da sáng sủa và trong trẻo của tôi tàn tệ đến như thế vì thiếu vật thực.”
Ba Hình ảnh Tượng Trưng
Lúc bấy giờ phát sanh đến Bồ Tát ba hình ảnh như sau:
“– Trước tiên có nhóm đạo sĩ vẫn chưa dứt bỏ những ham muốn của nhục dục ngũ trần và còn đeo níu theo hạnh phúc trần gian. Những vị ấy không bao giờ ở trong vị trí có thể Giác Ngộ dầu có cố gắng khép mình vào lối sống khắc khe khổ hạnh hay không. Cũng giống như những khúc củi tươi còn dính đầy nhựa cây và ngâm trong nước. Dầu có cố gắng cọ xát vào nhau cách nào cũng không thể trông chời nó nhoáng ra lửa. Người cố gắng tạo lửa bằng cách cọ xát vào nhau những khúc củi ẩm ướt như vậy chắc chắn phải thất vọng.
“– Nhóm đạo sĩ thứ nhì đã dứt bỏ những ham muốn của nhục dục ngũ trần nhưng lòng còn duyên theo hạnh phúc trần tục. Những vị này cũng không ở trong vị trí có thể Giác Ngộ dầu có cố gắng khép mình vào lối sống khắc khe khổ hạnh hay không. Giống như những khúc củi tươi còn đầy nhựa, được vớt lên khỏi nước và để trên bờ. Dầu ta cố gắng cọ xát vào nhau, cũng không thể nhoáng lửa. Mặc dầu đã được vớt lên khỏi nước nhưng những khúc gỗ ấy còn tươi, mình đầy nhựa, người muốn tạo lửa bằng cách cọ xát vào nhau những khúc củi như thế chắc chắn phải thất vọng.
“– Nhóm đạo sĩ thứ ba đã dứt bỏ những ham muốn về nhục dục ngũ trần và đã không còn chạy theo hạnh phúc trần gian. Những vị này ở trong vị thế có thể Giác Ngộ, dầu có khép mình vào lối sống khắc khe ép xác cùng không. Cũng giống như những khúc củi mình không còn nhựa và đã lâu ngày được vớt lên khỏi nước và phơi khô. Người cố gắng cọ xát hai khúc củi như thế ấy ắt có thể làm cho nó nhoáng lửa.”
Nhằm ngăn ngừa, không để tâm đeo níu theo những thú vui của nhục dục ngũ trần, Bồ Tát đã khép mình vào lối sống cực kỳ kham khổ. Mặc dầu ép xác khổ hạnh đến mức cùng cực. Ngài không đến gần mục tiêu giải thoát hơn. Chính Ngài thuật lại trong bài kinh trên.
“Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi: ‘Dầu các đạo sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong quá khứ đã chịu những cảm giác nhức nhối, đau đớn dữ dội hay xót xa như thế nào, thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn nữa. Dầu các đạo sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong tương lai sẽ chịu những cảm giác nhức nhối, đau đớn dữ dội hay xót xa như thế nào thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn. Tuy nhiên, đã trải qua bao nhiêu khắc khổ, khó khăn và đau đớn mà ta không đạt được điều chi tốt đẹp, xứng đáng với sự giác ngộ cao thượng và trí tuệ vượt hẳn những trạng thái của loài người. Hay là con đường nào khác dẫn đến Chứng Ngộ Cao Thượng chăng?”