Quang tìm về với thành phố buồn vào một buổi trưa trời hè nắng vàng hanh hao cả mặt đất. Nằm cách trung tâm thị trấn chỉ hơn năm phút xe máy, nhưng nơi đó lại gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Thành phố buồn của những ngôi mộ đá ong cũ kỹ hoang phế lâu năm, của nhiều nắm mồ mới đắp đất sơ sài đã mọc đầy lau lách tre gai. Quanh đi quẩn lại chỉ có lũ chim muông cùng đám rắn rít tha tìm về trú ẩn, để được tận hưởng chút tự do an ổn giữa chốn đồng không mông quạnh.
Chiếc cổng đình to lớn nằm ngay ngã ba con lộ đất đỏ, là còn giữ lại dấu tích thời gian, dù được sơn phết sửa sang lại. Qua khỏi một đoạn thì đến khu rừng tre ngút ngàn heo hút. Quang đứng lại ngắm nhìn và nhận ra một nơi chốn thân quen cũ. Con đường rộng thoáng, dài ra cùng mấy ngôi nhà lá thưa thớt nằm khuất sau lùm tre già làm cho không gian bớt đi đôi chút thâm trầm u tịch. Khi anh bước vào một hàng quán mua gói thuốc lá, luôn tiện hỏi thăm, thì bà chủ quán có nước da bánh mật nở nụ cười cởi mở chân tình:
– Anh tìm chùa nào? Ở xã này có tới ba ngôi chùa lận.
– Dạ tôi không nhớ tên chùa. Chỉ biết hồi đó chùa do ông Năm Bá làm trụ trì. Nay chắc ông không còn. Nhưng tôi cũng muốn viếng chùa thắp hương…
– À! Ông Năm Bá thì vẫn còn đó. Mà ông chỉ là người giữ chùa chứ có phải là trụ trì đâu. Chùa của bà Hai Trí. Bây giờ giao lại cho một vị thầy từ thành phố về. Ông Năm già lắm rồi mà vẫn còn khỏe. Bao năm ở chùa làm công quả…
Ngôi chùa nằm sâu bên khu đồng mả. Nhìn từ xa Quang đã thấy vẻ khang trang mới mẻ dù chưa xóa hết nét hồng hoang một thuở. Hồi ấy gọi là chùa lá, là đất hương hỏa của gia tộc. Sau đó người dì Ông Năm về cất cốc ẩn tu. Thời chiến tranh chùa trở thành nơi ẩn nấu của nhiều người dân trong vùng và cả những người không cùng giới tuyến. Chàng trai trẻ trong một lần trốn quân dịch đã theo ông về ẩn cư nơi này, từng nếm đủ mùi tương chao rau đậu, ngày ngày lên chùa đóng chuông quét dọn như một phật tử thuần thành. Khi chiến sự yên, Quang có đôi lần ghé về thăm rồi biệt tích luôn. Ông Năm cũng đã lớn tuổi, vợ con đều mất trong chiến tranh. Ông nương náu về chùa người chị họ mà không xuất gia tu niệm, chỉ ở làm công quả để trông coi mồ mả ông bà. Đã mấy mươi năm trôi qua rồi Quang mới có dịp đi ngang qua đây. Anh muốn ghé lại thăm ngôi chùa mình từng lưu trú.
Quang dạo quanh sân chùa với cảm giác thật yên bình pha chút hồi hộp của người đi xa mới trở về. Từng cơn gió nhẹ thổi qua. Từng tiếng lao xao của lá đổ bên thềm vắng. Cửa chánh điện rộng mở mà sao không một bóng người. Anh đi lần ra phía sau vườn. Mọi nơi cây cối đều xanh tươi rộng thoáng. Duy có bên khu đồng mả thì vẫn um tùm cây cỏ hoang dại, vẫn là tiếng chim hót vang và tiếng côn trùng rền rĩ đêm ngày. Suốt con đường đất đỏ đi bộ về đây, Quang cứ ngạc nhiên tự hỏi: -Hình như thời cơ chế thị trường đã bỏ sót lại vùng đất bình yên này. Người sống cứ mặc nhiên trong cõi sống. Người chết thì mãi nằm yên cùng gió ngàn vi vút, chẳng một ai ở đây buồn quan tâm đến xã hội bên ngoài đang thay đổi hằng ngày. Dõi mắt nhìn quanh, anh chợt nghe có tiếng máy niệm phật vang lên khe khẻ sau lùm cây. Cạnh căn chòi lá có dáng ông lão lom khom ngồi bó củi. Quang bước đến. Chưa nhận ra ai nhưng bằng giác quan và cảm tính anh đoán biết là ông Năm. Với ngần ấy thời gian, vóc dáng vạm vỡ của người đàn ông trung niên gần như không còn nữa. Ông Lão nghe tiếng bước chân lạ vội ngẩng lên nhìn. Quang vờ hỏi thăm: _ Dạ con muốn hỏi ông Năm Bá?
– Tôi là Năm Bá đây. Chú tìm tôi có chuyện gì?
Một giọng nói sang sảng vang lên. Đôi mắt trắng mờ đục cố nheo lại làm cho đôi má càng hóp sâu in rõ thêm mấy nếp da khô nhăn nhúm vàng cháy. Duy có ánh nhìn thì vẫn tinh tế của người thâm niên trong cuộc sống. Dấu ấn thời gian sót lại chính là giọng nói. Anh bước đến bên ông lão lễ phép thưa:
– Chú Năm chắc không còn nhớ con. Bao nhiêu năm rồi con mới có dịp trở lại đây. Không ngờ gặp được chú còn khỏe mạnh thế này.
Ông lão nhướng đôi mắt nhìn người khách lạ dò hỏi:
– Ông là ai mà tôi chưa nhớ được. Mắt mũi bây giờ tèm lem quá. Thật xin lỗi.
Ông đứng lên gom mấy nhánh củi sang bên. Tấm lưng khòm gập cả người mà bước đi thật vững chải:
– Mời ông ngồi xuống ghế nghỉ rồi uống chén trà xanh cho mát, thủng thẳng hẳn trò chuyện…
Quang thoáng mỉm cười. Tuổi tác đã chừng ấy mà Ông Năm còn giữ cung cách niềm nở nhiệt tình của người khéo bắt chuyện. Anh chẳng biết nên bắt đầu kể lại từ đâu:
– Ngày ấy, chiến sự xảy ra khắp nơi. Con thường tìm đến chùa lánh nạn rồi gặp và quen chú. Chú đã đưa con về đây. Những ngày đầu con cũng tập sự như người mới tu. Lúc ấy chỉ là ngôi chùa lá đơn sơ, nằm giữa khu mồ mả hoang tàn. Chú bảo Chùa không có trụ trì vì là chùa nhà của người dì. Chú chỉ ở làm công quả coi dùm thôi. Một lần con cắc cớ hỏi:
– Làm công quả mà sao chú cũng cạo đầu ăn chay…cũng tụng kinh niệm phật thì chẳng phải trù trì chứ còn là gì!
– Ậy! Chú bất quá là ông Từ giữ chùa cho Phật thôi. Nếu xuất gia thọ mười giới cũng chỉ dự vào hàng sa di hình đồng chứ trụ trì thế nào được.
– Sa di hình đồng là sao hở chú?
– Là người đã lớn tuổi, hình tuy đồng là người xuất gia, đôi khi cũng ăn chay cạo tóc, cũng lãnh thọ mười giới để tu niệm, nhưng tâm tánh phần nhiều còn hoen ố bụi trần. Chỉ vì cám cảnh đời người mong manh như gió thoảng. Hoặc vì nỗi thất thế bất bình trong cuộc sống, nên muốn ẩn thân trong chốn cửa Phật tìm chút thanh thản khi tuổi về chiều. Lúc này, họ chỉ làm mỗi việc là quét chùa chặt củi, lo bòn công tu phước thôi.
– Vậy trụ trì là phải thế nào?
– Là bực có học thức lại có đức độ, khiến cho ai ai thấy đều cung kính cảm phục. Học thức không chỉ là học vấn thế gian, mà phải thông suốt cả tam tạng kinh điển. Tóm lại đó là vị có thật tu thật học, phước huệ đầy đủ giới hạnh trang nghiêm, thì mới có thể trụ trì, mới xứng đáng làm thầy để cho chúng sanh nương theo học hỏi.
Quang ngớ người. Chẳng hiểu một chút gì về những từ chuyên môn nhà Phật mà chú Năm nói đó, nhưng anh cũng thích tỏ ra mình biết lý sự đôi chút nên nghiêm nghị nói:
– Con thấy chú cũng có học thức và đức độ của một nhà tu hành lắm đấy. Vậy thì chú cứ xuất gia thọ giới, rồi làm trụ trì đi. Ai cấm. Hơn nữa đây là chùa nhà. Chú có thể làm thầy tiếp độ đệ tử, chẳng hạn như thâu nhận cháu đây….
– Đâu dễ dàng như vậy cậu bé. Chú luống tuổi rồi…đã nhiễm đầy tập tục thế gian, có duyên ở chùa cũng chỉ làm công qủa, gieo chút nhân lành về sau. Mà này, nếu cháu muốn tu, chú sẽ giới thiệu làm đệ tử một vị Hòa thượng có đức độ. Xuất gia rồi lại sẳn có trình độ thì học đạo mau tấn tới lắm. Chú ở đây giữ chùa giữ Phật, chờ đợi ngày cháu thành một vị đại đức trở về, chú sẽ bảo cô Hai Trí giao chùa lại. Làm người xuất gia thật phước đức vô biên cháu à! Một đời sống trong cảnh an nhiên tự tại, chẳng còn lo lắng chạy theo danh vọng bạc tiền cho khổ thân mệt trí.
Quang cười ngất. Cười đến chảy nước mắt nước mũi khi nghe chú Năm nói. Một lúc lâu cậu mới lên tiếng, giọng như đùa như thật:
– Con mà trở thành một vị đại đức được sao. Ôi! Sự đời nếu đơn giản vậy thì đâu còn ai bon chen chi cho mệt thân hả chú. Nhưng mà chú ơi, con còn nhiễm nặng chất thế tục hơn cả chú nữa thì làm thế nào dự vào hàng xuất gia tu hành. Nếu phải ở chùa chẳng qua là bất đắc dĩ hay cũng là để gieo duyên như chú vậy thôi. Con còn nặng nợ với cuộc đời lắm, thật đâu dễ dàng buông bỏ…
Hồi ấy, ở một nơi quá buồn vắng này nên Quang cũng hay thích nói bông đùa cho vui qua ngày tháng. Chú Năm cũng muốn có người hàn huyên chuyện vãn. Họ đã nói với nhau toàn chuyện kim cổ đông tây, chuyện thế sự nhân tình. Không có gì mà chú không tỏ tường, bất cứ điều gì chú cũng có thể góp ý một cách thân tình mà vẫn rõ ràng khúc chiết.
Ông Năm ngồi thừ ra khi nghe Quang kể lại từng quảng đời trải qua của tháng năm xa lắc ấy. Làm sao ông quên được cậu sinh viên có khuôn mặt nho nhã mà đậm chất nghệ sĩ phong trần. Quang đến ngôi chùa vắng này ở thời gian, xem chừng cũng thấm nhuần tương chao đôi chút. Có điều lòng chàng trai trẻ khi ấy mang nhiều ước mơ hoài vọng đời thường còn hơn cả niềm tin chân lý. Quang cũng có chung suy nghĩ như ông Năm. Dù đời dù đạo thì đều có mục đích và lý tưởng cao đẹp. Giữ vững giá trị làm người chơn chánh là điều đáng quý với cuộc sống nhân sinh này lắm rồi. Suy cho cùng… cũng bởi Quang chưa thể dứt được nổi đam mê thế sự, làm sao yên sống với tháng ngày lặng lẽ nơi chốn cửa không này.
Quang quay qua nhìn ông Năm nãy giờ vẫn ngồi yên lặng. Vẻ mặt ông lão cứ giản ra vì xúc động, hay là đang cố nhớ mà không thể nhớ hết bao chuyện đời đã lùi xa trong bụi mù ký ức:
– Con là Quang đây. Chú Năm không nhớ con sao? Mà cũng đã mấy mươi năm rồi. Bao nhiêu người từng đến rồi đi, chú làm thế nào nhớ hết được.
– Không! Tôi nhớ hết đó chứ. Nhớ nhất là cậu sinh viên hay cười hay nói, tưởng là người chỉ thích bông đùa, ai ngờ cũng có chí khí với đời lắm.
Lúc này gương mặt ông Năm rạng rỡ hẳn lên:
– Không ngờ cậu vẫn còn nhớ đến tôi, nhớ đến ngôi chùa nơi vùng trũng xa xôi này mà tìm về thăm, thật quý hóa quá…
Quang ngồi xích lại gần, nắm lấy bàn tay ông:
– Gặp chú Năm vẫn còn mạnh khỏe như vầy, con mừng lắm.
Rồi anh lại cười cười hỏi nhỏ:- Bây giờ chú đã làm trụ trì hay vẫn là người giữ chùa cho Phật?.
Ông Năm cười lớn, đôi gò má nhăn nheo khẻ run lên theo từng âm thanh rõ to:
– Ngày trước chú làm người công quả giữ chùa cho phật, nay đã có vị thầy đức độ về trụ trì làm công việc truyền đạo giữ chùa rồi. Đó là điều lâu nay chú hằng mong mỏi. Chú chỉ nguyện suốt đời được nương nhờ cửa Phật. Ngày nào còn khỏe mạnh thì ra nhổ cỏ chặt củi, rảnh thì nghe kinh niệm Phật bòn duyên tích đức…Mà này cháu ở lại chơi ít bữa đợi thầy Trụ Trì nhé. Thầy có việc đi thành phố vài hôm. Ông còn trẻ, chỉ vừa tốt nghiệp trường gì cao nhất của Phật Giáo thôi. Thầy mới về liền quyên tiền xây dựng lại ngôi chánh điện khang trang như vậy đó. Thầy sống bình dân lại có đức tu lắm. Các phật tử ở xa về cúng thực phẩm hay tiền bạc cho chùa, thầy đem cho hết những người nghèo trong xóm. Thầy bảo dân tình còn nhiều khốn khó, mình đâu thể ung dung mặc nhiên sống….
Một đêm không trăng sao. Một đêm thật yên tịnh trong tâm niệm của người vừa trở về. Khi không gian quá đổi vắng vẻ cũng làm cho người ta không thể nào ngủ được. Và Quang đã thức. Thức trọn đêm bên người bạn già vong niên lâu ngày gặp lại. Thức để nghe trong thinh lặng đời mình có cả ngàn ánh sao đêm lấp lánh tỏa sáng phía chân trời. Trong khoảng khắc…anh chợt nghiệm cái lý lẽ mà người ta thường nói.- Đời người trôi qua như bóng chớp. Muôn việc hơn thua được mất rồi cũng hoàn không. Bôn ba xuôi ngược để tìm cho ra mọi ý nghĩa đích thực giữa cuộc đời, nào hay muôn việc đều phản chiếu nơi tâm người tỉnh thức.
Khái niệm sống của chàng trai trẻ ngày xưa, mãi cho đến bây giờ Quang mới nắm bắt được. Nghĩ ngợi thâu đêm, rồi Quang ngủ thiếp đi. Tiếng gà gáy trong xóm đã giục giã sang canh…./.
Truyện ngắn – Lam Khê
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/muatrang.htm