Nén hương lòng tưởng niệm Nhạc sỹ Phạm Duy.
” …Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời..” câu hát này, bài hát này hầu như người Việt chúng ta ai ai cũng thuộc, những ngôn từ bắt đầu của bài hát thật tự nhiên, giản dị, ai cũng có thể nghĩ ra, ấy vậy mà để biến nó thành Tình Ca, thành lời nhạc bay đến chạm vào trái tim của người Việt và ngự trị hẳn trong đó suốt mấy thập niên qua thì chỉ có Phạm Duy mới có thể. Ngày trước, khi còn là một cậu thiếu niên choai choai tôi đã ”mê” nhạc của họ Phạm và họ Trịnh rồi, những dòng nhạc của họ không biết tự khi nào đã trở thành một phần đời sống của riêng tôi, nghĩa là một loại dưỡng chất tinh thần không thể thiếu và hẳn nhiên trước đó từ lâu, dòng nhạc của họ đã trở thành đời sống của ngàn vạn trái tim yêu nhạc Việt rồi.
Ngày xưa, trước khi khoát lên người chiếc áo nâu nhà Phật tôi đã nguyện chia tay với con người đam mê âm nhạc của mình, tôi tập thoát ly đam mê những âm thanh trần thế để hướng tâm về con đường giải thoát thanh cao, và thật sự là tôi đã làm được điều đó. Khi tìm đến với kinh kệ nhà Phật tôi đã không còn đắm mình với ”Đưa em tìm động hoa vàng”,”Tình hoài hương”, ”Giọt mưa trên lá” hay ”Em đi lễ chùa này”… nữa, nhưng như thế không có nghĩa là tôi đã đoạn tuyệt được hẳn với những hạt giống (chủng tử) đã ăn sâu vào tiềm thức của mình trong độ tuổi hoa niên. Cách đây vài hôm, khi nghe tin nhạc sỹ Phạm Duy qua đời, cả người tôi, cả thế giới tâm hồn tôi như ngừng đọng, sững sờ.. dù đã biết vô thường là bản chất của vạn hữu. Những dòng nhạc của một thời tôi sống với, từ lâu ngỡ đã chìm vào quên lãng, bỗng trỗi dậy trong tôi từng hồi, từng hồi, dạt dào, bất tận… và tôi đã cúi đầu xin phép con người tu sỹ trong tôi rằng… hãy cho phép tôi được để yên ”tình trạng” này và xem đó như thể là một biểu hiện của sự thương tiếc, tưởng niệm về một con người tài ba đã từng là một phần đời sống của mình trong quá khứ.
Hai hôm nay tôi nhận được nhiều điện thư của các bạn trong đạo cũng như ngoài đời, họ chia sẻ cảm xúc của họ về tin người nhạc sỹ vừa nằm xuống. Trong số những bức điện thư forward tới tôi có khá nhiều bài viết của những cây bút tôi quen tên ở Hải ngoại đã tống tiễn người nhạc sỹ với giọng điệu phỉ báng, chỉ trích, chê bai nặng nề.. , tôi đọc qua mà chỉ biết ”ngậm ngùi” cho người vừa khuất núi, tôi buồn cho một con người đã suốt đời cống hiến mật ngọt cho cuộc đời để rồi khi nằm xuống thế nhân đã đền ơn ông, đã tiễn ông bằng vô vàn… lời cay, chén đắng. Ở khía cạnh nào đó, có thể vì họ quá thương nhạc sỹ nên giờ trở thành oán trách cái con người mà họ cho rằng đã không còn đứng ”chung chiến tuyến” với mình? Nói chi thì nói, bản chất của cuộc đời là tình cảm, ai mà đi ngược lại với tình cảm của ta là lập tức bị ta không ưa rồi? ”không ưa” là cấp độ nhẹ, còn oán ghét là cấp độ sâu. Khi cái ghét đã lên đến đỉnh điểm, họ không ngại bới móc đời tư, chuyện gia đình, chuyện tình cảm cá nhân của người họ ghét để làm cho hả dạ một lần sau cuối, ”nghĩa tử nghĩa tận” họ không màng.
Với tôi, Phạm Duy, và một vài nhạc sỹ VN lừng danh khác họ là những người nhạc sỹ mang trong mình một trái tim yêu quê hương VN tha thiết, tình yêu của họ còn vượt trên cả tình yêu của chúng ta, vì nếu không yêu quê hương nồng nàn thì Phạm Duy không thể nào có..”Tôi yêu đất nước tôi từ khi mới ra đời…’ được? Chỉ vì họ yêu quê hương theo cái cách của họ, thái độ yêu quê hương, đất nước của họ người đời không cùng tận được rồi từ đó hiểu sai họ mà thôi.
Ta có thể ví von rằng mọi thể chế chính trị giống như là chiếc áo, (là lớp áo bên ngoài), còn quê hương chính là phần thân thể, là máu mủ thịt xương. Một khi ta không ưa chiếc áo này thì ta có thể thay đổi chiếc áo khác, thậm chí ta có thể xé toạc nó ném đi nơi khác, nhưng đối với thân thể thì ta không làm như thế được, vì vậy, với những người tha thiết yêu quê hương, một khi mất nó đi, họ cảm thấy họ như đã mất đi chính bản thân mình, cái khao khát trở về với quê hương của họ chính là cái khao khát được trở lại với chính bản thân họ, dù rằng quê hương đó đã không còn toàn vẹn, lành lặn như xưa, nhưng họ thà như thế còn hơn là mất hẳn.
Có khi vì ai ai cũng mặc áo thì họ cũng mặc nhưng chưa chắc họ đã yêu thích chiếc áo mà họ đang mặc trên người. Và đôi khi ta bước song hành với một người nào đó nhưng chắc gì tâm hồn ta cũng đi cùng với họ, chuyện vợ chồng người ta còn có câu: ”đồng sàng dị mộng” cơ mà! – Vị thầy bổn sư tế độ cho tôi cũng đã để lại những dòng thơ trác tuyệt cho quê hương như : ”Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Phải, cái ”hồn dân tộc” đó làm sao mà tìm ra, làm sao mà cảm nhận ở xứ lạ quê người được, người ta chỉ có thể ”hít thở” được nó trên chính nơi mình đã ”chôn nhau cắt rốn” mà thôi! Thầy tôi đã viết như thế nhưng Người đã nằm xuống trên đất Mỹ sau mấy mươi năm sống lưu vong, Người đã không một lần trở về chỉ đơn giản vì không thích mặc ”chiếc áo” của người ta. Mỗi người đều có lý và đều đúng trong sự lựa chọn của mình.
Phàm làm người thì không ai toàn vẹn cả, thế nhưng khi một mảnh giấy trắng bị rớt lên đó một giọt mực đen thì người ta chỉ ”nhìn chằm hăm” vào cái giọt mực đen kia rồi chê bai, bình phẩm mà quên đi diện tích sạch sẽ còn lại trên trang giấy, đó chính là cố tật lớn nhất của con người. Người ta nhân danh đạo đức rồi tự cho mình cái quyền lên án, rêu rao lầm lỗi của người khác, trong khi đằng sau họ, trong tim họ còn dẫy đầy tội lỗi và bóng tối mênh mông … Trước đây khi hát bài : ”Một cõi đi về” của Trịnh, khi hát đến đoạn: ”Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” tôi cứ lấy làm thắc mắc rằng tại sao ông ấy không dùng chữ ..”Con tim nhân gian” nghe có hay và dễ hiểu hơn không? nhưng bây giờ thì tôi đã ”ngộ” ra cái thâm sâu của Trịnh, rằng đôi tay kia chính là hành động được điều khiển bởi con tim, nếu con tim đã không độ lượng thì lập tức ..” ta sẽ ra tay cho mà biết”. Ôi, thói đời cay nghiệt, ôi lòng người eo hẹp nói mãi cũng không cùng…
Chỉ còn vỏn vẹn mươi hôm nửa là bước sang năm mới, dẫu biết vô thường không hẹn cùng ai nhưng tôi vẫn tiếc sao cây Cổ Thụ Âm Nhạc VN không lưu lại nhân gian ít ra thêm một mùa Xuân nửa. Thôi thì.. ông hãy ”Ôm trăng đánh giấc bên đồi Dạ Lan” đi nhé! Là nghệ sỹ, tôi chắc từ lâu ông đã hiểu: ”Đời ghét, thương vốn dĩ là thường!”nhưng ông cứ tin một điều rằng họ ghét ông như ghét vị cay của ớt song họ vẫn cứ ăn, ghét vị đắng của rượu mà họ vẫn cứ uống, ghét con người ông nhưng ”tâm hồn” của ông thì họ vẫn cứ ngày đêm cùng nhau hát say sưa, hiểu như thế thì ông ở bên kia ông hãy cứ vui và yêu thương họ, ông nhé!
Xin tạ ơn ông đã có mặt điểm tô cho đời và cũng đã cùng ”khóc cười theo mệnh nước nỗi trôi”. Xin mượn lời nhạc của ông để tiễn đưa ông trong tiếng chuông mõ nhà chùa: ”… Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người ..”
Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.
Thích Chân Tuệ
http://www.banvannghe.com