Từ lúc khởi hành, con ngựa đã làm ngắn thời gian và không gian, kéo dài biên cương trong những cuộc viễn chinh, những giao dịch đổi chác thương mãi xuyên qua từ Âu sáng Á qua con đường tơ lụa của Marco Polo hoặc những chặng đường chiêm bái thỉnh kinh. Dấu chân ngữa trải dài trên quả đất đã tạo dựng một phần lịch sử giữa các dân tộc. Có biết bao nhiêu những con ngựa gắn liền qua từng trang sử đời sống của đất nước và con người đó.
Con ngựa Xích Thố của Quang Vân Trường vượt qua năm cửa ải trảm sáu tướng của nhà Ngụy rồi phải chạy lạc loài trong trận bị phục binh của Đông Ngô ở đất Kinh Châu. Con ngựa xông xáo tả xung hữu đột của Triệu Tử Long trong trận Trường Bản. Con ngựa ô của Hạng Võ bị vây khốn trong dắm lầy vùng rừng núi sông Dương Tử từ bến đò Bạch Hà đến Ô Giang. Con ngựa không mỏi chân bon đưa Lưu Bang ngồi trên yên ròng rả năm năm trời cùng hẹn Hạng Võ đến đất Hàm Dương. Những con mã chiến sơn của Thành Cát Tư Hãn, của Hối Tất Liệt và cùng đạo quân Mông Cổ luôn sống trên lưng ngựa băng ngang xẻ dọc dẫm nát vùng Trung Á đến bờ biển Địa Trung Hải. Con ngựa chứng dưới tay cương của Alexandre Đại Đế tung hoành vùng Biển Đen đến Bắc Phi rồi qua sông Tigris đến bờ sông Indus xứ Ấn Độ. Con ngựa của Nã Phá Luân vượt qua vùng Bắc Âu từ Austêrlitz đến Waterloo đến vùng băng tuyết nghiệt ngã của Nga Hoàng. Con ngựa vượt hết chặng đưòng gai dốc của tướng quân Lý Thường Kiệt trong đợt phá Tống bình Chiêm. Con ngựa đưa tin nhanh như chớp của Trần Nguyên Hãn đời Lê chiến thắng quân Minh. Con ngựa thần tốc của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ thẳng tiến đến Bắc Hà nhanh chóng đánh tan quân nhà Thanh. Con ngựa sắt của Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương tung trời trở thành chuyện truyền kỳ của tinh thần tuổi trẻ bảo vệ đất nước Việt Nam chống lại giặc nhà Ân xâm lăng đến từ phương bắc. Đến con thần mã màu trắng của chàng tài tử Rogers Roy “vua của phim cao bồi” sôi nổi vẫy vùng miền viễn Tây Hoa Kỳ trên màn ảnh. Con ngựa nổi tiến Phar-Lap trở thành huyền thoại trong thú đua ngựa ở Úc và con ngựa gỗ ngụy trang cứu thoát nàng Helens thành Troy trong cổ sử Hy Lạp.
Những con ngưụa trên làm rạng sanh và cũng gieo nhiều tang thương đẫm máu. Người và ngựa đã đi đến cùng điểm chiếm đoạt tất cả mang về những chiến thắng khải hoàn với lời thề “lấy da ngựa bọc thây”.
Những chiến sử trên là những cuộc chiến tương tranh không ngừng. Từ một vùng thảo nguyên thật bình yên, tia nắng chiếu dài lướt thướt qua đồng hoang, những con ngựa đàn thản nhiên ăn từng ngụm cỏ, buông nhẹ giót chân thong thả qua triền đồi, xuống từng hồ uống nước. Trong khi Huyền Trang ngồi trên yên vuốt khe khẻ trên má, xoa dài trên bờm ngựa. Con Bạch Mã đứng im Huyền Trang vừa gò ngựa lại vừa nói:
– Các môn sinh! Chúng ta sẽ lên đường qua Tây Vực vào trăng thượng tuần này.
Cũng vào một đêm trăng, con ngựa Kiền Trắc và Sa Nặc đã đưa Thái Tử Tất Đạt Đa vượt dòng sông Anoma đi tìm chân giải thoát. Nhưng suốt cuộc hành trình sắp tới của chúng ta sẽ đầy gian khổ. Ta vẫn cứ đi vì niềm tin sắt son của cuộc đời này, của mỗi con người muốn thoát ra khỏi nỗi khổ đau của kiếp người.
Rồi Trường An, dần theo sông Hoàng Hà, nước sông tuôn đổ vào đồng bằng bao la. Núi Hoàng Ly trải dài về phương Bắc, đâu đây vài mái nhà tranh của nhân gian vạn lửa cơm chiều.
Qua vùng sa mạc Gobi nóng bỏng, những con trốt cao cuồn cuộn như muốn nuốt tươi chôn lấp thầy trò Huyền Trang trên đường thỉnh kinh. Đến vài thành phố hùng vĩ trong rừng sâu, những thành quách đền đài im đứng với thời gian, những rặng núi âm u huyền bí chỉ còn lại những mảnh vụn của một nền văn minh rải rác đó đây trên vùng hoang phế.
Huyền Trang đếm những bộ kinh mang về Trung Hoa. Khi băng qua dòng suối lớn, nước đổ xiết ào ào trên những tảng đá tung toé thấm ướt vài cuốn kinh. Huyền Trang sai các môn đồ đem phơi từng trang kinh trên các phiến đá ven bờ suối của buổi trưa từng cơn nóng sa mạc thổi đến. Lúc khô định gở ra thì có vài tờ đã dính cứng vào đá không sao gỡ được. Những lời kinh này bỏ lại in trên đá của ngàn năm trước đây bây giờ để vũ trụ nhân sinh miệt mài tìm kiếm.
Huyền Trang miên man nghĩ đến một sự mất mát to lớn trong sự nghiệp khó tìm lại. Với ta, đây là linh hồn của nghĩa sống, là hạnh nguyện độ sinh và là tiếng nói của con tim trần thế đi tìm lần bừng sáng của trí tuệ. Nhưng suốt cuộc hành trình qua ta có còn để lại phía sau những gì? Phía sau là những dấu chân người và vó ngựa đã bị gió cát tuyết băng lấp đầy. Những cánh nhạn giữa lưng trời đâu còn để lại đường bay. Và vó câu đã qua từng truông ngõ hẹp.
Về đến Trường An, ngàn hoa kết thành chào đón Huyền Trang, nhà chiêm bái hành hương trở về. Huyền Trang buộc ngựa, âu yếm cảm ơn con tuấn mã đã giúp đưa đi qua suốt đoạn đường dài. Rồi Huyền Trang trìu mến quay lại các môn đồ đồng hành nhìn lại suốt thời gian cuộc hành trình thỉnh kinh trước các hiểm nguy và trước mọi cám dỗ của con người. Mỗi chặng đường đi qua là mỗi chặng đường vượt qua vòng sinh diệt để thiết lập được sinh diệt và làm hồi sinh được cây chủng tử tươi tốt hôm nay. Mỗi bước đi như còn vọng lại lời kinh “Do nương theo trí tuệ Bát Nhã, mà tâm không bị chướng ngại, vì không bị chướng ngại nên không sợ hãi, xa rời các thứ mộng tưởng điên đảo, tiến tới đạo quả Niết Bàn”. Giòng tâm thức bừng sáng Huyền Trang lần bước vào Lời Âm tự:
Ta thỉnh kinh vô tự
Tụng lớn lời vô ngôn
Kinh ướt phơi bên suối
Ngẩn ngơ
Vái thinh không.
Những lời kinh “Bất thành văn tự” bây giờ chỉ còn là thinh không. Tiếng chuông ngân lạy bài Bát Nhã. Chân Kinh là kinh vô tự. Nhưng khó khăn thay làm sao đọc được, khi nhân sinh đi tìm hướng giải thoát khổ đau nhưng chưa nói lên những điều thực tướng. Bỗng lời kinh bên bờ suối năm nào tuởng đâu không tìm lại được. Cũng hơn ngàn năm sau kể khi lời kinh ướt nhũng nhòa, vừa tìm lại trên đá kia nét chữ to như lời kinh đọng lại trong bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế đời Đường được Thanh tạc ghi trên đá ở chùa Hàn Sơn đất Tô Châu.
“Nguyệt lạc ô đề sương môn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.
Tạm dịch:
Quạ kêu trăng lặn sương rơi
Đèn chài, lửa bãi đối người nằm co,
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn
Lời kinh in trên đá chỉ còn thu về lại tiếng chuông tỉnh thức trong đem thanh vắng khơi động qua mọi miền pháp giới vang vọng mãi trong lòng người.
Bây giờ tiếng ngựa hí vang trời, tiếng lục lạc ma quái trở thành tiếng chuông gọi người trở về nơi thương yêu, yên bình sau ngày chinh chiến.
Thi Sĩ Nguyễn Bắc Sơn
Từ khu rừng lau đến khu rừng phong du
Nguyễn Văn Hiếu
Thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn với tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và Tôi xuất hiện khi cường độ chiến tranh Việt Nam gia tăng khốc liệt vào năm 1870-1971. Nguyễn Bắc Sơn tên thật Nguyễn Văn Hải sinh năm 1943 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Như Nguyễn Bắc Sơn viết: “Những bài thơ chiến tranh được viết dưới hầm ngủ trong một trại Lực Lượng Đặc Biệt sau những lần say sưa cùng bạn hữu, những bài thơ chứa đựng Thiền vị viết sau những buổi tỉnh tọa sớm tinh sương trong một ngôi nhà ấm cúng tại Bình Thuận, về chiến tranh, phần đông người đọc sẽ ưa thích những loại thơ viết về chiến tranh hơn. Thêm vào đó, những bài thơ này được viết trong khuôn khổ hình thức phô diễn của thơ tiền chiến, loại thơ đã quen thuộc với cảm quan đa số”.
Và tập thơ gây tiếng vang trong giới thơ văn lúc bấy giờ như lời phê bình mục điểm sách: “Tập thơ hát lên tiếng hát lồng lộng bi tráng của một người tham dự chiến tranh Việt Nam, một thiền sư bụi đời, một gã du đãng trầm mặc”.
Những bài thơ xa như tiền chiến, xưa như Đường Thi, nhưng kỳ lạ thay, mới tinh và gần gũi như sáng hôm nay.
Thật vậy, sự xuất hiện kỳ lạ nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã làm không biết bao nhiêu thi sĩ kết tình, những nhà văn, những nhà phê bình văn học yêu thích chỉ vì Nguyễn Bắc Sơn đã tinh luyên tâm tình mình vào trong những xót đau nhớ tưởng về tình sống nghĩa núi, cùng tìm đến nhau bằng cả tấm lòng. Tấm lòng chân thật của con người có tình thương, có tình đồng loại.
Trong một bức thư 27/11/1969, nhà thơ Viên Linh đã viết “Mấy bài viết về chiến tranh có cái hào sảng, bi đắt của Quang Dũng bài “Chân dung Nguyễn Bắc Sơn” thật hay. Đọc được bài thơ hay, thây sung sướng cả ngày…” Đây bài thơ chính Nguyễn Bắc Sơn tự phát họa chính mình:
Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du,
Trôi qua thán, trôi qua ngày, trôi trên cuộc đời huyễn mộng.
Trôi từ chiếc nôi ru đến nấm mồ
Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sóng
Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa
Bạn bè đã chia xa, ta khề khà cùng sách vở
Mất bảy năm trời ta hiểu Thích Ca
Ôi nụ cười đó từng đêm ta mất ngủ
Những ngày ăn gạo lứt muối mè chữa bệnh
Tắm mình trong lòng triết lý Cực Đông
Những ngày xem Zen là lẽ sống
Hạnh phúc về như nước lấp con sông
Ta đổi mới ta nồng nàn sức sống
Như mùa mưa phân phối ruộng đồng xanh
Ta dự tính giã từ vai khán giả
Nối vòng tay, vòng tay lớn Việt Nam.
Từ đó, Nguyễn Bắc Sơn nhập cuộc đi vào khu rừng lau trong cuộc tương tranh sống chết. Tại Mật khu Lê Hồng Phong, những đoạn đường chia ngang xẻ dọc còn in dấu xe xích như một bàn cờ, như một Bát quái đồ. Nơi đây có là một đêm den hay đêm trăn sao theo cơn gió biển từ vùng Mũi Né Bình Thuật thổi vào bên Bàu Thiêu nước trong mát lịm. Bỗng đêm rùng mình chợt nhớ Động Thái An từ giải cát dài thấp thoáng đâu đây:
“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu, trăng dõi dõi soi,
Chinh phu, tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”.
Trong không khí chiến tranh này, nhà văn Chu Tử trên báo “Đời” số 9 tháng 11/69 đã nâng niu lời thơ Nguyễn Bắc Sơn và ca tụng là một nhà thơ lớn, rồi trên báo Sống lại đề nghị gởi dự tranh giải thơ văn học quốc tế. Chu Tử viết “Có cái ngang tàng đượm màu sắc Lão Trang, đánh giặc không cần lý tưởng mà vẫn đánh, coi cuộc chiến như trò chơi, thương xót kẻ thù như ruột thịt”. “Chiến tranh Việt Nam và Tôi” là tên một bài thơ, cũng là tựa đề của tập thơ:
Lòng suối cạn phơi một bày đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đó lạnh như tiền sắc mặt.
*
Kẻ thù ơi, các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin xí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc.
*
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
Mượn bom đạn chơi trò chơi pháo Tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang.
Lời thơ ghi nhận một cuộc chiến tranh thật mới, thật khốc liệt. Như một tai trời ách nước dành cho dân tộc Việt Nam. Nguyễn Bắc Sơn tham dự trận chiến trong tâm cảnh vô tư lự. Người lính Nguyễn Bắc Sơn hiền thật, “Ta vốn hiền khô ta là lính cậu” chắc khác xa với người lính hiền của thi sĩ Chính Hữu:
Có người đi lính hiền như đất
Mùa hạ tưng bừng thương núi sông
Một sớm mang về tin xuất trận
Vội vàng súng đạn nao nức lòng