Về Bát Quan Trai Giới

Ngoài việc thọ trì, tuân giữ 5 điều giới căn bản trong đời sống hằng ngày, thỉnh thoảng, trong các ngày trai giới, các dịp lễ lớn, hay trong các khóa tu thiền tịnh tâm, người Phật tử cư sĩ chúng ta thường giữ thêm Bát Quan Trai Giới. Tám giới đó dựa vào năm giới căn bản, nhưng được khai triển thêm để giúp tạo một đời sống tịnh hạnh, đơn giản, giúp tạo các điều kiện thuận lợi để tu dưỡng tâm trí. Đó là:

1) Không sát sanh.
2) Không trộm cắp.
3) Không hành dâm.
4) Không nói dối.
5) Không uống rượu và dùng các chất say.
6) Không ăn sái giờ (không ăn sau 12 giờ trưa).
7) Không tham gia múa hát, thổi kèn, đánh đàn, xem múa hát, nghe đàn, kèn, và không trang điễm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa.
8) Không nằm ngồi nơi quá cao, và nơi xinh đẹp.

Ngày trai giới còn có tên gọi là ngày Bố-tát, phiên âm từ chữ “Uposatha”. “Uposatha” có nghĩa là đi đến và lưu lại tại một ngôi chùa hay một tu viện. Theo phong tục Ấn Độ ngày xưa, các giáo sĩ Bà-la-môn thực hiện các nghi lễ thanh tịnh hóa, rồi rời gia đình, chọn một nơi thanh vắng để sống độc cư trọn ngày, vào ngày trăng tròn (ngày rằm) và ngày đầu trăng (mồng 1). Trong bối cảnh đó, Đức Phật cho phép các vị tu sĩ đệ tử của Ngài hội họp lại vào các ngày đó để tụng giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha, giới luật tu sĩ) và thuyết giảng cho hàng đệ tử cư sĩ khi họ đến lưu lại tại chùa. Ngoài ra, cộng đồng Phật tử thời đó còn có 2 ngày Bố-tát khác là ngày giữa tuần trăng đầu (mồng 8) và ngày giữa tuần trăng sau (ngày 23).

Đó là bốn ngày Bố-tát căn bản của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chư Tăng và Phật tử cư sĩ có thọ trì thêm ngày 16 và 30 (hay 29 cho các tháng thiếu), tổng cộng là 6 ngày trong tháng: 1, 8, 15, 16, 23, 30 (hay 29).

*

Các bài giảng của Đức Phật có liên quan đến tám giới nầy đã được ghi lại trong Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Phẩm “Ngày Trai Giới”. Đức Phật giảng rằng người nào thọ trì tám giới nghiêm túc với tâm trong sạch, người ấy sống tịnh hạnh như một vị A-la-hán. Vì thế, các đệ tử của Ngài phải cố gắng giữ tám giới trong ngày Bố-tát. Ngài giảng chi tiết cho bà Visakha như sau:

–“Thánh đệ tử ấy, này Visàkhà, suy tư như sau:

1) “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Cũng vậy đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

2) “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cắp. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cắp. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

3) “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

4)”Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

5) “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ rượu men, rượu nấu làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ rượu men, rượu nấu làm cho đắm say, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

6) “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

7) “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán tránh xa không xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống tránh xa không xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

8) “Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ giường cao, giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn. Các vị ấy nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta từ bỏ giường cao, giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn. Các vị ấy nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A-la-hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

“Như vậy, này Visàkhà, là Thánh trai giới, thực hành Thánh trai giới, này Visàkhà, có quả lớn, có lợi ích lớn, có chói sáng lớn, có ánh sáng lớn”.

Trong Tăng Chi Bộ, Chương Mười Pháp, Đức Phật cũng khuyên các cư sĩ của bộ tộc Thích-ca (Sakya) trong các ngày Bố-tát phải nỗ lực hành trì bát quan trai giới, sống tinh cần, nhiệt tâm, không phóng dật trọn ngày và trọn đêm. Những lợi lạc do công phu tu tập đó còn to lớn hơn tài sản của cải mà họ có thể tích tụ được để sống sung túc cả trăm năm; vì công phu đó sẽ tạo thiện nghiệp đưa đến tái sinh trong các cõi trời an lạc với tuổi thọ cả ngàn năm. Hơn thế nữa, kết quả đó sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tuệ giác, đưa họ nhập dòng thánh giải thoát, qua các quả vị Dự lưu, Nhất lai, và Bất lai. Ngài nói:

–“Ở đây, này các Thích tử, đệ tử của Ta, trong 10 năm sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như lời Ta giảng dạy, như vậy, vị ấy thực hành, vị ấy có thể sống trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm được cảm thọ nhất hướng lạc. Vị ấy có thể chứng được quả Bất lai, quả Nhất lai hay quả Dự lưu không có sai chạy.

Này các Thích tử, đâu phải là 10 năm! Ở đây, đệ tử của Ta trong 9 năm, … trong 8 năm, …, trong 1 năm, … trong 10 tháng, … trong 9 tháng, … trong 8 tháng, … trong 1 tháng, … trong 10 đêm 10 ngày… trong 9 đêm 9 ngày… trong 8 đêm 8 ngày… trong 1 đêm 1 ngày sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như lời Ta giảng dạy, như vậy, vị ấy thực hành, vị ấy có thể sống trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm được cảm thọ nhất hướng lạc. Vị ấy có thể chứng quả Bất lai, quả Nhất lai, hay quả Dự lưu không có sai chạy”.

*

Theo truyền thống, trong ngày Bố-tát, người cư sĩ Phật tử thức dậy sớm, sửa soạn thức ăn, rồi cúng dường đến các vị tăng sĩ đi khất thực trong xóm làng. Hoặc họ mang thức ăn đến chùa và cúng dường đến chư Tăng ở đó. Đồng thời, các vị Phật tử này xin chư Tăng đọc truyền Tam quy và Bát quan trai giới để được thọ trì trong suốt ngày và đêm hôm đó. Có thể là sau đó, họ trở về nhà, sinh hoạt bình thường, nhưng vẫn tuân giữ tám giới cho đến sáng hôm sau. Có thể là họ thu xếp để ở lại chùa trọn ngày và trọn đêm hôm đó.

Tùy theo nếp sinh hoạt của mỗi chùa, chương trình có thể thay đổi. Có những nơi Phật tử lưu lại đó để đọc sách, nghe thuyết pháp, đóng góp vào các công tác Phật sự, làm công quả tại chùa. Có những nơi chú trọng đến hành thiền, người Phật tử dành trọn ngày và đêm để tập sống quán niệm, tĩnh tâm, xen kẽ các buổi ngồi hành thiền và đi kinh hành, và đến gặp thiền sư để tham vấn riêng về các điểm có liên quan đến công phu tu tập của mình.

Có những chùa tổ chức đêm thọ đầu đà, với tham dự viên nguyện không ngủ hay nằm, tích cực tham gia vào các buổi thuyết pháp và thảo luận về Phật pháp. Trong đêm đó, nếu tại chùa có trên 4 vị Tỳ-khưu, chư Tăng tụ họp tại chánh điện, nơi có kết giới Sima, để tụng đọc 227 điều giới bổn của hàng Tỳ-khưu, và cuộc lễ này có thể kéo dài hơn một giờ.

* * *

Ngày nay, trong môi trường xã hội kinh tế hiện đại, khi chúng ta phải sinh hoạt, làm việc theo lịch Tây phương, rất khó mà tuân giữ các ngày Bố-tát đúng theo âm lịch. Khuynh hướng thông thường là dời ngày Bố-tát vào những ngày cuối tuần, khi mọi người được nghỉ ngơi, dễ thu xếp để gặp nhau, hay đi đến chùa, đến các tịnh thất, thiền viện. Có những nhóm Phật tử đã linh hoạt tổ chức ngày “Tĩnh tâm” hằng tháng, vào ngày cuối tuần kề cận với đêm trăng rằm, thường là ngày thứ Bảy và hành trì bát quan trai giới trọn ngày và trọn đêm đó cho đ?n sáng ngày Chủ nhật.

Nếu có chư Tăng Ni hiện diện thì chúng ta thỉnh quý ngài truyền quy giới. Ở những nơi không có Tăng Ni thì chúng ta có thể mời một vị cư sĩ lớn tuổi, có uy tín, tuyên đọc quy giới, và mọi người cùng đọc theo, và tự nguyện thọ trì với tâm trong sạch. Chương trình sinh hoạt thì tùy duyên, có thể là tổ chức các buổi thiền tập, tham cứu kinh sách, xen kẽ với các buổi thuyết pháp hoặc đàm luận về Phật pháp, hoặc cùng tụng đọc các bài kinh căn bản như kinh Từ Bi, Đại Hạnh Phúc, Châu Báu, Chuyển Pháp Luân, v.v., hoặc cùng nghe các bài giảng, các bài kinh tụng thu âm trong băng audio-cassette hay đĩa CD.

Tương tự trong tinh thần đó, ở những nơi xa xôi, không có nhiều Phật tử, ta vẫn có thể tự tổ chức một ngày trai giới tại nhà riêng, tự đọc lên lời nguyện quy y Tam Bảo và hành trì Tám Giới, rồi lập ra một chương trình tĩnh tu cho riêng mình trong trọn ngày ấy.

Điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần phải tu tập giữ tâm thanh tịnh, nhu hòa, không bận rộn, không lo âu tính toán, và lúc nào cũng cố gắng tỉnh giác, chuyên chú, chánh niệm, nhất tâm hướng về Phật Pháp trong suốt thời gian thọ trì bát quan trai giới.

Bình Anson,
http://www.budsas.org

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.