Việc Lớn Sanh Tử

1

Phật pháp thường nói “ mạng người vô thường, cõi nước rủi ro”, “ thân người khó được Phật pháp khó nghe”; lại nói “ sanh tử việc lớn, vô thường mau chóng”. 

Những lời cảnh tỉnh này, Thế Tôn đã hết lời khuyên bảo, từng giây từng phút đang nhắc nhở chúng ta, đều là muốn chúng ta phải nhận rõ chân tướng sự thật, nắm chắt cơ duyên hy hữu khó gặp này, ở ngay trong một đời này hiểu rõ việc lớn. Trên “ Kinh Pháp Hoa” nói rằng: “ Phật vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời”.

Vì sao gọi là việc lớn? Sanh tử là việc lớn, có thể nói việc này ngòai Thế Tôn ra, không người nào có thể làm được. Những nhân sĩ thông minh tài trí thế gian, họ có năng lực sanh đến trời sắc giới, trời vô sắc giới, nhưng không cách gì vượt qua ba cõi, liễu thóat sanh tử. Cho nên, Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, giúp đỡ chúng sanh giải quyết việc lớn này.

Liễu thóat luân hồi, siêu việt mười pháp giới, làm Phật làm tổ, mỗi người đều có thể làm được, vấn đề là chính mình có chịu làm hay không? Như nhà Nho đã nói “ người người đều có thể làm Nghêu Thuấn”. Nghêu Thuấn là đại thánh đại hiền của Trung quốc, mọi người đều có thể làm được. Phật pháp cũng là như vậy, người người đều có thể làm Phật, làm Bồ Tát, vấn đề là bạn có chịu làm hay không, then chốt quan trọng chính ngay chỗ này.

Nếu như bạn bằng lòng làm, liền có thể làm được; bạn không chịu làm, chư Phật Như Lai cũng không thể giúp được. Thế nào gọi là làm được? Khổng Lão phu tử nói: “ Khắc niệm tác thánh”. Phật nói còn rõ ràng hơn, niệm là vọng niệm; hay nói cách khác, bạn có thể khắc phục được vọng niệm, bạn chính là Phật, bạn chính là Bồ Tát.

Ở trong Phật pháp nói: vọng tưởng chấp trước đều là vọng niệm. Vọng niệm vi tế gọi là vô minh, vọng tưởng ; vọng niệm thô trọng gọi là chấp trước. Vọng thì không phải là thật. “ Khởi Tín Luận” nói rằng: “ chân tâm vốn có”, vốn có thì nhất định có thể hồi phục; “ vọng tâm vốn không”vốn không thì đương nhiên có thể đọan trừ, buông bỏ. Còn chúng ta thì đáng nên đoạn mà không đoạn, đáng nên buông bỏ thì không chịu buông bỏ, vậy thì không còn cách nào.

Phật dùng ngàn vạn lời giáo huấn nhiều lần, chính là nhắc nhở chúng ta phải giác ngộ, giúp cho chúng ta nhận rõ chân tướng sự thật, hy vọng chúng ta ở ngay trong một đời này, thóat ly khổ hải sanh tử, viên thành Phật đạo. Đây là bổn nguyện của tất cả chư Phật, ngoài việc này ra, Phật không mong cầu thứ gì.

Thế Tôn dạy bảo đệ tử, phải chọn nơi “A Lan Nhã” mà tu hành mới có thể thành tựu được đạo nghiệp. “A Lan Nhã” là tiếng phạn, ý nghĩa chính là chổ tịch tịnh. Đạo tràng tu hành thời xưa, đều là xây dựng nơi núi sâu không có dấu chân người. Bởi vì phàm phu đều bị ảnh hưởng hoàn cảnh, có thể không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, thì không phải là phàm phu. Do đó, chọn lựa hoàn cảnh tu hành rất là quan trọng!

Nói lời thành thật, người hiện tại tu phước báo nhân thiên thì dễ, nếu muốn liễu thóat sanh tử, ra khỏi ba cõi thì rất khó. Hiện tại hoàn cảnh bên ngoài mê hoặc đối với chúng ta, hơn gấp ngàn lần vạn lần so với người xưa, lại thêm vào phiền não tập khí sâu nặng của chúng ta nữa, thì không khỏi bị mê hoặc, nếu muốn thành tựu đích thực là rất khó. Cho dù tu hành ở núi sâu, bởi vì giao thông thuận tiện, cũng đã biến thành điểm tham quan, du khách lui tới rất đông.

Tôi lần đầu tham quan cung Ung Hòa Bắc Kinh, trụ trì nói với tôi: “bình quân mổi ngày có 5 ngàn người đến tham quan, chủ nhật ngày nghĩ có đến hai vạn người”. Tất cả mọi người xuất gia đều phải ra ngoài tiếp đãi, sức cùng lực kiệt, có thời gian thì vội vàng nghĩ ngơi một lát, ngay đến thời gian tu hành cũng không có. Đây là đạo tràng của thời hiện đại, chúng ta phải nhận biết rõ ràng.

Các đồng tu có thể học giáo, giảng kinh hoằng pháp, cũng là phước báo trời người. Nhưng giả như không giữ tốt giới luật, phước báo này sẽ đến đường súc sanh đường ngạ quỷ mà hưởng. Nếu ở trong hoàn cảnh này, có thể khắc phục vọng niệm của chính mình, công phu của bạn sẽ vượt xa người xưa, những sự lý này, chúng ta đều phải thông hiểu.

Phật pháp thường nói: “ cảnh tùy tâm chuyển”, “ tâm tưởng sự thành”, chân thật đem liễu thóat sanh tử xem thành một việc lớn ngay trong đời này, Phật Bồ Tát nhất định sẽ giúp đỡ chúng ta, vì chúng ta làm tăng thượng duyên. “ Phật thị môn trung, hửu cầu tắc ứng”, then chốt vẫn là ở chính mình, nên gọi là cảm ứng thông nhau, chính mình có cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng, sự thật và phương pháp lý luận của cảm ứng, chúng ta phải thấu triệt, hơn nữa còn phải giới thiệu cho nhiều người khác.

Vì đại chúng rộng lớn trong xã hội mà nói, chưa chắc họ có ý niệm liễu thóat sanh tử, nhưng đối với việc cầu phước báo trời người, cầu phước báo hiền tiền, thì rất có hứng thú. Chúng ta có trí tuệ, có năng lực, phải nên giúp đỡ tất cả chúng sanh đạt đến chỗ mong cầu. Phật độ chúng sanh ứng cơ nói pháp, chúng ta phải có năng lực quán cơ, cũng phải có năng lực ứng cơ.

Chúng ta sống ở thế gian này là vì tất cả chúng sanh, không phải vì chính mình. Nếu như nói vì chính mình chính là hy vọng ngay trong một đời này thóat khỏi sanh tử thành Phật đạo. Nếu muốn thóat sanh tử thành Phật đạo bao gồm tất cả thế xuất thế gian pháp cần phải buông bỏ. Buông bỏ không phải là không làm gì cả, mà là buông bỏ vọng tưởng ở trong tâm, hồi phục tâm thanh tịnh của tự tánh, đây mới là chân đế của sự buông bỏ, quyết không thể hiểu sai chân thật nghĩa của Như Lai.

Mọi việc phải tùy duyên, có duyên thì giúp đỡ chúng sanh, không duyên thì đừng phan duyên, duyên chín muồi rồi, tận tâm tận lực vì chúng sanh phục vụ, chính là bố thí cúng dường. Nội tài, ngoại tài đều phải bố thí; nội tài chính là dùng năng, lực trí tuệ, chuyên cần của chính mình vì tất cả chúng sanh phục vụ.

Khi duyên chưa đủ, quyết không cưỡng cầu, nhưng nhất định phải có đại nguyện độ chúng sanh, cũng chính là nói nhất định phải có nguyện vì chúng sanh phục vụ. Chúng sanh nơi đây có thể tiếp nhận, chính là duyên đã chín muồi rồi, chúng ta phục vụ trước; nơi nào chưa chín muồi, thì đợi duyên chín muồi thì hãy nói. Nhất định phải tận tâm tận lực, phước huệ song tu. Phật Bồ Tát xem thấy chúng ta thật có tâm ý như vậy, có lẽ sẽ giúp chúng ta xây đạo tràng, thành tựu đạo nghiệp.

Làm thế nào để cảm ứng với Phật Bồ Tát, tâm bức thiết vì sanh tử, kỳ vọng ngay trong một đời này thóat sanh tử, ra khỏi ba cõi, thì liền cảm ứng Phật Bồ Tát đến giúp đỡ. Chỉ có tâm chân thật vì sanh tử, duyên chín muồi rồi, Phật Bồ Tát mới đến giúp đỡ, thật gọi là “ Phật thị môn trung, bất xã nhất nhân”. Còn chân thật vì thóat sanh tử, ra khỏi ba cõi, quyết định quyết tâm thành tựu chính mình, thành tựu Phật pháp, lợi ích chúng sanh, bạn hữu đồng tu không cần nhiều. Năm xưa Thế Tôn sau khi thị hiện thành đạo, độ 5 anh em Kiều Trần Như ở vườn Nai, sáu người hiệp thành một tăng đòan, thì có thể thành tựu rồi.

Chúng ta ở Âu Châu xem thấy một Tăng đòan Tiểu Thừa, chỉ có mười mấy pháp sư, có người ở Âu Châu, có người Thái, người Pháp, người Anh, người Việt Nam, đến từ rất nhiều quốc gia khu vực khác, cùng tu hành với nhau. Đạo tràng này khiến cho tôi nghĩ đến câu nói “ chăm chỉ làm đạo”, cho nên tinh thần của họ khiến tôi bội phục không thôi. Họ chính mình khai sơn, mở lộ, tạo phòng ốc, mỗi người một gian thất bằng gỗ, làm một gian nhà lớn để thờ Phật, hòan tòan do chính họ tự làm, không có thuê người. Trên núi có nước, có điện, không có điện thọai, báo chí, tạp chí, hòan tòan cách biệt với thế giới bên ngoài, chân thật là mỗi ngày thiên hạ đều thái bình, xã hội mỗi ngày đều an định.

Chúng ta chính mình phải nỗ lực, muốn cầu cảm ứng thì nhất định phải vì thóat sanh tử, nếu không thì đời này sẽ bị luống qua. Khi huởng phước, không tránh khỏi tạo nghiệp, tạo nghiệp nhất định đọa vào ba đường. Do đó, người chân thật có trí tuệ, không cầu phước báo trời người, nhất định cầu vãng sanh.

2

Lần trước chúng ta thăm viếng giáo hội Hồi giáo, có sự phản hồi rất tốt. Vậy thì do đây mà biết, mọi người trong xã hội không phân chủng tộc, không phân quốc gia, không phân tôn giáo tín ngưỡng, mọi người đều khát vọng xã hội an định phồn vinh, thế giới hòa bình. Việc này chứng minh cho cách nghĩ cách làm của chúng ta là chính xác, vì vậy phải càng tinh tấn nổ lực hơn, đem đa nguyên văn hóa, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, họp tác lẫn nhau, nổ lực mà thúc đẩy, cùng sống trong sự nghiệp vinh quang.

Những việc này chính là Phật sự, Phật sự là sự nghiệp giác ngộ chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Những gì chúng ta đã làm chính là giúp đỡ tất cả chúng sanh mở rộng tâm lượng, yêu chính mình, càng yêu người khác hơn, yêu gia đình của chính mình, càng thương yêu xã hội hơn, tiêu trừ tất cả hiểu lầm, mâu thuẩn, xung đột dị kỷ, để đạt đến mục tiêu cùng tồn tại hòa bình. Chúng ta thúc đẩy việc này, nhất định phải xây dựng trên nền tảng “ tâm chân thành, tâm bình đẳng, tâm chánh giác”, đây mới là Phật sự, mới là sự nghiệp của Bồ Tát.

Đối với bản thân chúng ta mà nói, thì cần phải có cảnh giác cao độ. Quán trường Hàn từ lúc sanh bệnh đến vãng sanh, thần chí rõ ràng, việc này rất khó được. Bà hiện thân nói pháp, nói với chúng ta, con người khi lúc lâm chung, ngay đến trở mình cũng còn không có sức, cần phải có người khác giúp. Việc này khiến chúng ta nghĩ đến, người phước báo thế gian có lớn hơn, quyền thế có to hơn, khi lâm chung, vẫn cứ phải bị người khác xếp đặt, không cách gì thoát khỏi hiểm cảnh. Phật nói với chúng ta, lúc này là thời khắc then chốt quan trọng nhất của cả một đời người, vấn đề là ở đời sau thọ sanh đến cõi nào.

Duyên của Quán trưởng Hàn thù thắng, có hơn 30 vị xuất gia, dùng tâm chân thành thanh tịnh niệm Phật giúp cho bà, hộ niệp cho bà, cho nên từ lúc bà bị bệnh cho đến lúc vãng sanh, chúng ta xem thấy rất nhiều điềm lạ. Thứ nhất “ Kinh Địa Tạng” nói, khi người sắp mạng chung, sẽ xem thấy thân bằng quyến thuộc thời quá khứ, những thân bằng quyến thuộc này không phải là thật, đều là oan gia trái chủ của mình, biến hiện giống như người thân thích trong nhà để mê hoặc chúng ta, để báo thù chúng ta, việc như vầy thì rất nhiều. còn quán trưởng Hàn từ lúc bị bệnh đến vãng sanh, không có loại hiện tượng này, đó là hộ niệm của chúng ta có tác dụng.

Thứ hai, bà hai lần thấy Phật A Di Đà, một lần thấy Liên Trì Hải Hội, cho nên khẳng định bà vãng sanh Tịnh Độ. Thị hiện của bà chính là nhắc nhở cho chúng ta, bà có phước báo, khi lâm chung có được chăm sóc như lý như pháp, chánh tín như vậy, đây là hồi báo mà 30 năm bà đã hộ trì chánh pháp. Sau đó, mổi lần tôi giảng kinh đều hồi hướng cho bà, tôi mỗi niệm không quên, cái ân đức năm xưa ba đã chăm sóc thành tựu cho tôi.

Chúng ta quay đầu nhìn lại chính mình, cái ngày đó cũng sắp đến gần, đến lúc đó nếu chính mình không có duyên phận phước báo như thế này, thì phải làm sao? đây là một việc lớn duy nhất trong đời của chúng ta, có thể dự bị lo liệu trước hay không. Từ xưa đến nay có không ít người niệm Phật, đã làm mô phạm cho chúng ta, đã vì chúng ta làm ra điển phạm, chính là khi lâm chung không có bệnh khổ, không cần người chăm sóc, biết trước giờ ra đi, tự tại vãng sanh, chúng ta quyết định phải đi con đường này mới đáng tin, mới an toàn.

“ Cảnh Trần Hồi Ức Lục” ghi chép rằng; pháp sư Đế Nhàn có một người học trò niệm Phật vãng sanh, trước khi xuất gia là một thợ vá nồi. Người này cả một đời rất là khổ cực, trung niên xuất gia, không biết chữ, cũng chưa nghe qua kinh điển, cái gì cũng không biết. Pháp sư Đế Nhàn chỉ dạy ông một câu “ Nam Mô A Di Đà Phật”, nói với ông rằng: “ ông cứ như thế mà niệm, niệm mệt rồi thì nghĩ, nghĩ khỏe rồi thì niệm tiếp, niệm lâu sẽ có nhiều chổ tốt”, ông là người dân quê chất phác, không có vọng tưởng tạp niệm, rất nghe lời, cứ như thế mà niệm.

Niệm như vậy được ba bốn năm, ông đã thành công, không có bệnh khổ, biết trước giờ chết, sau khi vãng sanh còn đứng ba ngày, đợi pháp sư Đế Nhàn đến lo hậu sự cho ông, pháp sư Đế Nhàn khen ngợi ông rằng: “xem như ông đã không uổng phí xuất gia, ông như vầy ngay đến đại pháp sư giảng kinh nói pháp, phương trượng trụ trì, đại lão Hòa Thượng, đều cũng không bằng ông”. Đây là sự thật.

Ở Đài Loan, “Đoàn niệm Phật Liên Hữu Đài Bắc”, việc vãng sanh của cư sĩ Lý Tế Hoa, cũng là một tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Cư sĩ Lý cũng là biết trước giờ ra đi, trước lúc vãng sanh ở trong pháp hội vì mọi người khẩn thiết khai thị, sau khi giảng xong từ biệt với mọi người, “ tôi phải đi về nhà”. Thính chúng cho là ông đã mệt rồi, muốn về nhà nghĩ ngơi, nào ngờ ông ngồi ở sôpha phòng khác của Đoàn niệm Phật Liên Hữu, ngồi mà vãng sanh, hai thí dụ ở trên, một vị là người xuất gia, một vị là người tại gia, họ có thể làm được, chúng ta cũng có thể làm được, chúng ta phải học tập. Chỉ có dùng phương thức này, mới thật an toàn, không bị người xếp đặt. Khi bị người xếp đặt, nếu duyên không thù thắng, thì nhất định bị chướng ngại.

Cho nên, sau khi hiểu rõ được đạo lý và chân tướng sự thật, trước phải nghĩ xem chướng ngại chúng ta là cái gì? phải trừ bỏ đi chướng ngại này, chúng ta cũng có thể tự tại sanh tử, chúng ta làm đến được cái điểm này, chính là “ sở tác dĩ biện” mà trong Phật pháp đã nói, những việc chính mình phải nên làm, thì đã làm xong rồi, sau đó yên tâm mà đi làm việc lợi ích chúng sanh. Việc của chính mình nếu làm chưa xong, có thể xả mình vì người, đương nhiên là việc tốt.

Thế nhưng cái đã làm đều là phước báo, vẫn cứ không ra khỏi sáu cõi. Nếu như chính mình “những việc gì đáng làm đã làm xong”, thì nhất định nắm chắc được phần vãng sanh, lại giúp đỡ tất cả chúng sanh làm rất nhiều sự nghiệp, đó là công đức chân thật, không thể chịu báo trong Tam giới. Cho nên, nhất định phải nhắc nhở chính mình, không luận giờ nào nơi nào, cho dù ở trong tình huống nào, chính mình phải nắm chắc phần vãng sanh, tránh khỏi tất cả bệnh khổ, sự dày vò của tất cả mọi người. Nếu muốn làm đến cái điểm này, nhất định phải “ nhìn thấu, buông bỏ”.

Trong “ Địa Tạng Kinh Khóa Chú” luận quán nói rằng: “ nhất niệm tự tánh, thể nguyên khạm tịch”. Quả thật mỗi niệm tương ưng với thể tánh tịch lặng, tất cả tác dụng có thể tương ưng với tâm tánh, thì nắm chắc phần vãng sanh. Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư nói rõ ràng hơn “ vốn dĩ không một vật, làm gì nhiễm bụi trần”, hai câu này là nói tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng. Tâm thanh tịnh không nhiễm, tâm địa thanh tịnh, không hề dính mắc, trong lòng “ vốn dĩ không một vật”. Dùng tâm thanh tịnh một lòng niệm Phật, thì việc này liền có thể làm xong.

Nhất định phải thấu hiểu, tất cả pháp thế xuất thế gian đều là giả, thân thể của chúng ta cũng là giả. Nên gọi là “ mượn giả tu thật” vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc là thật, ngoài việc này ra đều là giả, chúng ta phải nhận biết rõ ràng.

Nhất định phải thấu hiểu, tất cả pháp thế xuất thế gian đều là giả, thân thể của chúng ta cũng là giả. Nên gọi là “ mượn giả tu thật” vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc là thật, ngoài việc này ra đều là giả, chúng ta phải nhận biết rõ ràng.

Pháp Sư Tịnh Không
Cẩn Dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
(http://tinhkhongphapngu.com)
Người gửi bài: Nguyễn Thành Chiến

HOÁ GIẢI LÒNG OÁN HẬN SÂU NẶNG
HT. Tịnh Không

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.