Triều Vua ĐẠI ĐƯỜNG: Nước VU ĐIỀN
Tam Tạng Sa Môn: ĐỀ VÂN BÁT NHÃ vâng chiếu dịch – Tỳ kheo THÍCH THIỆN THÔNG dịch ra Việt văn.
Lời giới thiệu
Nhiều người biết: hễ ai thành tâm tạo tượng Phật, thì có được nhiều công đức, nhưng ít người biết số lượng công đức đó như thế nào, chính trong Kinh TẠO TƯỢNG PHẬT này, Đức Phật dạy rõ điều đó.
Tuy nhiên, phải thành tâm tạo tượng Phật, có đủ tướng tốt trang nghiêm, nếu không được toàn hảo thì ít ra cũng phải có đủ những nét biểu hiện Đại trí, Đại từ, Đại giải thoát, hoặc như trong kinh này dạy: “Phải đủ hai tướng: “Bạch hào và nhục kế, để khi nhìn vào, biết là tượng Phật” dễ phát khởi lòng kính tin, thì mới có công đức. Trái lại, tạo tượng Phật mà không biểu lộ được tướng gì của Phật và khi nhìn vào cũng không biết đó là tượng Phật, không phát khởi được tín tâm, còn xem thường nữa, thì việc tạo tượng như vậy tất nhiên là không có công đức, lắm lúc còn mang tội nữa là khác.
Vì vậy, để giúp sự hiểu biết đúng đắn sâu sắc về công đức tạo tượng Phật, tôi xin tán thán và hoan hỷ giới thiệu bản dịch kinh “CÔNG ĐỨC TẠO TƯỢNG PHẬT” này của Tỳ kheo Thích Thiện Thông đến quý vị Phật tử.
Chùa Từ Đàm, ngày 5 tháng 5 năm 1993
HT. Thích Thiện Siêu
Thay Lời Tựa
Tạo hình tượng Phật hoặc hình tượng Bồ Tát, là việc làm có một ý nghĩa cao quý và gây một cái nhơn công đức, phước đức lớn lao! Cho nên hơn 2500 năm, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, hàng xuất gia, tại gia đệ tử của Phật, từ Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, các nước Phật giáo trên thế giới cho đến Việt Nam, đã có không biết bao nhiêu người tạo lập hình tượng chư Phật, Bồ Tát để chiêm ngưỡng, lễ lạy, cúng dường.
Trước khi lược nêu công đức, phước đức của sự tạo tượng Phật, chúng ta hãy ngược giòng thời gian, tìm hiểu xuất xứ của việc tạo hình tượng Phật bắt nguồn từ đâu và ai là người đầu tiên phát tâm tạo hình tượng Phật.
Một sự tình cờ đưa đến cho chúng tôi là: Năm 1992 trong mùa an cư, sau khi dịch xong kinh CHƯ ĐỨC PHƯỚC ĐIỀN và kinh TỐI VÔ TỶ (kinh nói về công đức Quy y Tam Bảo), chúng tôi đọc đến kinh ĐẠI THỪA CÔNG ĐỨC TẠO TƯỢNG PHẬT, là bộ kinh gồm hai quyển, mang số 694 trong Hán Tạng Đại Chánh Tân Tu. Xem xong bộ kinh, chúng tôi vô cùng mừng rỡ, vì nhận ra những điều mới lạ mà từ trước đến nay, trong các bản kinh Phật giáo Việt dịch, tôi chưa từng gặp bản nào dịch về kinh này. Nhưng có thể nói trong quyển “Tam Bảo Cảm Ứng”, ngài Thích Thiền Tâm có dịch một vài tiểu tiết, liên quan đến việc tạo tượng Phật của vua ƯU ĐIỀN (kinh này dịch là vua Ưu Đà Diên).
Căn cứ vào kinh ĐẠI THỪA CÔNG ĐỨC TẠO TƯỢNG PHẬT đây thì, khi Phật còn tại thế, vua Ưu Đà Diên, trị vì nước Câu Diệm Di, là người đầu tiên đã dùng gỗ thơm Chiên đàn đỏ, tạo ra hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Vậy nguyên do nào vua Ưu Đà Diên tạo hình tượng Phật? Động cơ thúc đẩy vua Ưu Đà Diên tạo hình tượng Phật là bởi nguyên do như vầy:
Sau thời gian gần 49 năm thuyết pháp độ sanh, trong một mùa an cư 90 ngày (có lẽ là mùa an cư cuối cùng), Đức Phật vắng bóng ở trần gian, Ngài lên cung trời Đao Lợi nói kinh, giáo hóa chư Thiên và độ thân mẫu là Ma Gia phu nhơn được chứng thánh quả, thì vua Ưu Đà Diên không tìm thấy Đức Phật nơi đâu, lòng khát ngưỡng nhớ mong cực độ, đến nỗi vua này bi cảm âu sầu nhiều ngày, xao lãng cả việc triều chính và không màng đến thú vui vương giả. Vua không biết cách nào gặp Đức Phật cho đỡ nhớ mong, bèn nghĩ đến cách tạo tượng Phật.
Vua triệu tập các tay thợ điêu khắc nổi tiếng trong nước để tạo tượng Phật, nhưng ai cũng từ chối không dám nhận lời, vì họ nghĩ rằng: Sắc thân của Phật tướng tốt tuyệt vời, e rằng tượng Phật tạo ra nếu có sai lầm, sẽ làm cho họ đắc tội và lui mất thanh danh. Khi đó có vị thần Tỳ Thủ Yết Ma, tương truyền là vị thần điêu khắc, đã biến thân ra làm người thợ mộc, ông mang dụng cụ đến nhận trách nhiệm tạo hình tượng Phật để giúp nhà vua. Thần Tỳ Thủ Yết Ma trổ hết tài năng, chỉ trong một gnày là xong tượng Phật, cao bảy thước mộc, tượng màu vàng tía, đủ các tướng tốt, khiến người nhìn đến biết là tượng Phật.
Vua Ưu Đà Diên tạo tượng Phật xong, tiếng vang lan truyền các nước lân cận, vua các nước lớn như vua Ba Tư Nặc, vua A Xà Thế và vua Nghiêm Xí, đều đem lễ vật đến cúng dường chiêm ngưỡng và đều khen việc làm của vua Ưu Đà Diên.
Thời gian ba tháng chấm dứt, Đức Phật trở xuống cõi Diêm Phù Đề, vô lượng chư Thiên trong sáu cõi trời Dục giới, 18 cõi trời Sắc giới, đồng dâng lễ cúng dường Đức Phật và tiễn đưa Ngài trở lại trần gian. Hàng đệ tử xuất gia, tại gia ít nhất là bốn nước, gồm đủ mọi thành phần, đã tụ hội về thành Tăng Già Thi cung đón Đức Phật. Một quang cảnh vô cùng vĩ đại vô tiền khoáng hậu đã diễn ra lúc đó, ấy là cuộc hội kiến Thần tiên giữa Trời và người, chưa từng có trong nhân loại. Tất cả những ai thành tâm mang những lễ phẩm cúng dường Đức Phật, đều thành tựu phước đức và thành tựu cái nhân đắc độ hiện tiền và đời sau, nhiều phái ngoại đạo nhơn đó mà bỏ tà về chánh, quy y Tam Bảo. Như thế, Đức Phật đã hoàn thành bản nguyện độ sanh của Ngài, khi xuất hiện trên cõi đời này. Cho nên trong kinh DI GIÁO có chỗ ghi rằng: “Những người đáng độ ta đã độ xong, những người chưa được độ, ta cũng đã gây nhân duyên cho họ được độ sau này…” Đây rõ ràng là lòng từ bi vô tận, cứu độ chúng sanh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Thế Tôn của chúng ta.
Để các chúng sanh đời sau hiểu rõ phước đức, công đức tạo tượng Phật, Ngài Di Lặc Bồ Tát đã thay mặt tất cả phàm Thánh, thưa hỏi Phật về công đức tạo tượng của vua Ưu Đà Diên, Đức Phật tuần tự nói về phước báo và công đức thù thắng của người có tâm thành tín thanh tịnh tạo ra tượng Phật. Kinh này ghi rõ những phước báo về công đức chẳng thể nghĩ bàn ấy. Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn để chư vị có một khái niệm sơ qua:
“Di Lặc! Nếu có người nào dùng những tơ sợi thêu thùa tượng Phật, hoặc là nấu đúc bằng thứ vàng, bạc, đồng, sắt, chì, kẽm, hoặc điêu khắc bằng gỗ thơm Chiên đàn, hoặc khắc bằng thứ trân châu, sò ốc, gấm vóc dệt thành, đất đỏ, xi măng, thạch cao, đất sét, hoặc các thứ gỗ… Dùng những vật đó tùy phần sức mình tạo ra tượng Phật, cho đến rất nhỏ như ngón tay cái, có thể khiến cho người khác nhìn biết đó là tượng Phật, phước báo người đó nay ta sẽ nói:
“Di Lặc! Những người như vậy ở trong sanh tử, tuy còn trôi lặn, trọn chẳng sanh tại gia đình nghèo cùng, cũng chẳng sanh nhà giòng dõi thấp hèn, cô đơn hẻo lánh ở ven cõi nước, lại cũng chẳng sanh vào nhà tà kiến, con buôn con bán, nhà làm hàng thịt, cho đến chẳng sanh vào giòng hèn hạ, kỹ nữ bất tịnh, hoặc nhà ngoại đạo khổ hạnh tà kiến, trừ khi vì sức thệ nguyện Từ Bi, ngoài ra chẳng sanh vào những nhà ấy.
“Người này thường sanh vào nhà thuộc giòng tộc vua Thánh Chuyển Luân có thế lực lớn, hoặc sanh giòng Bà La Môn tịnh hạnh, hoặc nhà giàu sang không tạo tội nặng. Sanh ở nơi nào cũng thường gặp Phật vâng thờ cúng dường, hoặc được làm vua thọ trì chánh pháp, đem pháp giáo hóa không trái đạo, hoặc làm vua Thánh Chuyển Luân oai hùng. Sanh ra nơi nào cũng là đàn ông, không chịu thân nữ. Lại chẳng chịu thân Huỳnh môn hai hình là thứ hèn hạ, thân được thọ sanh không bị xấu xí. Mắt chẳng mù chột, tai chẳng điếc lác, mũi chẳng cong gãy, miệng chẳng méo lệch, môi chẳng trề xuống cũng chẳng túm rút, răng chẳng thưa thiếu, chẳng đen, chẳng vàng, lưỡi chẳng ngắn thụt, cổ chẳng bướu nhọt, thân chẳng lưng gù, da chẳng loang lổ, tay chẳng cụt ngủn, chân chẳng lệch què, chẳng quá ốm o, chẳng quá béo mập, cũng chẳng quá dài, cũng chẳng quá ngắn, đều không có các tướng chẳng đáng ưa…”.
Trên đây là một ít điều trích dẫn về phước báo dòng dõi thân tướng của người tạo tượng Phật. Ngoài những phước báo trên, còn có những quả báo khác là: trừ diệt các thứ nghiệp chướng như: Năm tội đại nghịch, mười nghiệp chẳng lành, bốn tội phạm nặng v.v… nói chung là những nghiệp ác nặng nề nhất mà một con người có thể lãnh nhận, nhưng nếu phát tâm thành tín tạo tượng và sám hối, thề không tái phạm, thì những nghiệp ác, những quả báo ấy đều bị tiêu diệt.
Tại sao công đức tạo tượng to lớn như vậy?
Bởi vì các Đức Như Lai, từ khi phát tâm tu hành cho đến thành Phật, đã trải qua vô biên A tăng kỳ kiếp, chứa nhóm vô lượng phước đức, thành tựu vô biên công đức,trí tuệ, các Ngài thường dùng các thứ công đức ấy hộ trì cho các chúng sanh có đức tin thanh tịnh, do vậy mà sự tạo tượng Phật có thể trừ diệt các thứ nghiệp ác sâu nặng.
Vả lại, tâm lực của mỗi chúng sanh, hay của mỗi người chúng ta vốn chẳng thể nghĩ bàn, vốn sẵn đủ hằng sa công đức, diệu dụng. Nếu chúng ta thường tư duy về những công đức của Phật, thường quán xét các Đức Như Lai có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có 10 lực, bốn món Vô úy, sáu Ba la mật, đại từ, đại Bi và đại Trí tuệ. Chính khi tư duy về những công đức của chư Phật, tức là phát động cái nhân công đức chẳng thể nghĩ bàn của chính chúng ta. Do năng lực huân tập này mà những nghiệp ác cực nặng và những quả báo xấu có thể chuyển đổi. Ta quán sát tướng hảo nơi sắc thân ta. Hạt giống đã có thì quả sẽ phát sanh và khi quả phát sanh là ta sẽ có các tướng hảo. Đạo lý này vốn chơn thật và không sai lạc bao giờ.
Nói tóm lại, nhờ tư duy công đức chư Phật bên ngoài, cho nên thành tựu công đức của Phật tâm bên trong tâm chúng ta. Nhờ tư duy công đức của Phật bên trong tâm chúng ta, cho nên thành tựu các phước báo thuộc sắc thân và hoàn cảnh bên ngoài. Đây là một đạo lý vi diệu, được gọi là Đại thừa, sự tạo tượng Phật này nằm trong đạo lý vi diệu đó, cho đến bộ kinh nói về việc tạo tượng đây, được gọi là KINH ĐẠI THỪA CÔNG ĐỨC TẠO TƯỢNG PHẬT.
Kinh này gồm hai quyển, được trình bày bằng một lối văn sắc sảo trác việt. Nội dung của kinh, ngoài việc nói về công đức phước đức do tạo tượng mà thành, kinh cũng dạy rõ những phương tiện siêu thắng khéo lạ của Đức Phật, vì giáo hóa chúng sanh, Ngài thị hiện có các chướng nạn v.v… Điều này trong giới Phật tử chúng ta, trừ những bực cao minh, ngoài ra ít ai biết đến.
Kinh cũng dạy rõ những nguyên nhân nào làm cho chúng sanh phải chịu thân nữ, huỳnh môn, hai hình, sanh thời không có Phật pháp, hoặc sanh vào những nơi hoang dã, biên cương v.v… Thật là những điều chúng ta khó gặp, khó hiểu.
Nhân thấy bộ kinh có một giá trị và lớn lao như vậy chúng tôi gắng công dịch ra Việt ngữ để cống hiến cho thời đại hiện nay và đóng góp phần nhỏ mọn trong chủ trương Việt dịch Tam Tạng Thánh điển của Phật giáo Việt Nam.
Lại vì, một bộ kinh có giá trị về mặt văn chương tư tưởng, còn bao gồm nhiều từ ngữ thuật ngữ phong phú về Hán tự, có thể giúp ích cho những vị đang học Hán văn hiện nay, chúng tôi trình bày cả phần Hán tự và phần âm Việt ngữ, để tiện lợi cho sự đọc tụng của những vị ưa thích.
Mặc dầu cố gắng nhiều, nhưng việc làm và sự suy luận của chúng tôi vẫn là nông cạn và nhiều sai sót, nhưng hiểu được thế nào, chúng tôi ghi lại thế ấy, rất mong những bậc cao minh chỉ giáo cho.
Người dịch kính ghi, Mùa Vu Lan năm Quý Dậu 1993
Tỳ kheo Thích Thiện Thông.