Chánh Hạnh Niệm Phật Vãng Sanh

TUYỂN TRẠCH BẢN NGUYỆN NIỆM PHẬT TẬP
Nguyên Không Pháp Nhiên Thượng nhân soạn
Việt dịch: Thích Nguyên Chơn

Lời tựa của Dịch giả

Các tổ sư Tịnh Độ Trung Hoa, khởi đầu là ngài Đàm Loan, đều xác định môn xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà cầu vãng sanh là pháp dễ tu (Dị hành đạo). Một chữ dễ ở đây là dễ hành trì, hợp với tất cả căn cơ trình độ, thích ứng mọi thời gian và không gian, mau chóng đạt được giai vị không lui sụt, thoát li sanh tử.

Nhưng trong những người tin Phật, có bao nhiêu người tin môn Tịnh độ; trong những người tin Tịnh độ có bao nhiêu người tin được sức bản nguyện của Đức A-di-đà; trong những người tin sức bản nguyện, có bao nhiêu người chịu hành trì; trong số người hành trì có bao nhiêu người chuyên tâm, nhất niệm mà được vãng sanh? Như thế cũng tự đoán biết số người vãng sanh là rất ít vậy. Sở dĩ ít là bởi thân hành mà lòng tin không sâu, còn nhiều nghi ngờ, hoặc chấp trước. Trong đó, hoặc nghe nói quá dễ mà sanh nghi, hoặc vì tà kiến mà sanh nghi, hoặc vì không biết không hiểu mà sanh nghi, hoặc hiểu chưa sâu, chưa thấu mà chấp trước. Dù bất cứ lí do gì, hễ còn nghi, còn chấp thì còn chướng ngại. Còn chướng ngại thì khó vãng sanh. Cho nên từ xưa đến nay có rất nhiều sách được soạn ra nhằm mục đích quảng diễn để giải nghi, phá chấp cho hành giả Tịnh độ, như: Luận Vãng Sanh của ngài Thiên Thân, luận Tịnh Độ của ngài Ca Tài, luận Thập Nghi của đại sư Thiên Thai Trí Khải, Tây Phương Yếu Quyết của ngài Khuy Cơ, An Lạc Tập của ngài Đạo Xước, Tịnh Độ Hoặc Vấn của Thiên Như Duy Tắc, Quán Niệm Pháp Môn của đại sư Thiện Đạo; Vãng Sanh Yếu Tập của Nguyên Tín, Niệm Phật Bách Vấn của Ngộ Khai…

Nhiều sách như thế có thể đã giải tỏa những mối nghi, nhưng vẫn còn những chấp trước. Giống như Không tông nói: “Các pháp đều không”, người học liền cho là tất cả đều không, không nhân cũng không quả, rơi vào ác kiến đoạn diệt. Thiền tông nói: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”, “Tức tâm tức Phật” thì người học lại khởi tà kiến, phỉ báng kinh điển, không tu tập luật nghi. Cũng vậy, đối với tông Tịnh Độ, kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Nếu có chúng sanh một đời tạo ác, đến lúc sắp chết, xưng danh hiệu ta mười niệm liên tục, nếu không được sanh, ta không giữ ngôi Chánh giác”; Tịnh Độ Hoặc Vấn ghi: “Một đời tạo ác, đến lúc lâm chung niệm danh hiệu Phật A-di-đà sẽ không rơi vào địa ngục”. Có người nghe nói như thế, không những chẳng tin mà còn cho là vô lí, khởi ác kiến, chê trách phỉ báng khế kinh. Hoặc có hành giả Tịnh độ nghe nói như thế liền cho rằng: “Ta cứ tạo ác, đến lúc gần chết rồi niệm cũng được!”. Người này chẳng cần phải đợi sau khi chết, mà sẽ chịu khổ ngay lúc còn sống. Họ có biết đâu, Đức Phật quyết định như thế chính là thể hiện lòng từ bi vô lượng của Ngài , bao trùm hết muôn loài, không kể oán thân, không phân thiện ác. Nếu có một chúng sanh niệm danh hiệu Phật mà không được vãng sanh thì lòng từ đâu cùng khắp, bi nguyện đâu tròn! Đồng thời cũng cho chúng sanh biết năng lực diệt tội của danh hiệu Phật thật vô cùng, một danh hiệu được thành tựu từ vô lượng kiếp tu tập phước trí, tội nặng còn diệt huống gì tội nhẹ. Người một đời làm ác, nếu lúc gần chết mà may mắn gặp được bạn lành khuyên bảo, một lòng niệm Phật, nhất định được vãng sanh. Nhưng trộm nghĩ, một đời làm thiện, gặp nhiều duyên lành, bạn lành, nhưng không huân tập vào tâm danh hiệu Phật, đến lúc gần chết tự mình không thể khởi niệm, lại cũng khó gặp được người trợ niệm. Huống gì người này suốt đời tạo ác, xa lìa các duyên lành, bạn lành; chẳng hề nghe một tiếng danh hiệu Phật, đến lúc gần chết, bốn đại bức ép khiến thân thể đớn đau không chịu nổi; nghiệp ác trong một đời đã tạo, tranh nhau kéo đến khiến cho tâm thức hoảng loạn, thần trí mờ mịt, cửa ba đường mở toang trước mắt. Bấy giờ thân thì đau đớn, tâm thì hoảng loạn mịt mờ, dẫu thiện tri thức có đến thiết tha khuyên bảo đi nữa cũng không biết, không nghe; tán tâm niệm Phật còn không được, huống gì nhất tâm; một niệm còn không thể, nói gì mười niệm liên tục!

Hoặc nghe nói căn bản của pháp môn cầu vãng sanh Tịnh độ Tây phương là chánh định nghiệp niệm Phật, Đức Phật chỉ phó chúc lưu truyền chánh nghiệp, không khuyên tu trợ nghiệp rồi chấp chặt vào đó, không chịu tu các trợ nghiệp, mà chánh nghiệp cũng không tròn. Đúng vậy, nếu hành giả Tịnh độ tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên, nhất tâm niệm Phật, buông bỏ tất cả các duyên, không màng các việc, đi đứng nằm ngồi, mọi nơi mọi lúc chỉ nhớ nghĩ đến Phật A-di-đà, thì không cần phải tu các trợ nghiệp. Bởi nhất tâm là Định, buông bỏ các duyên, không màng các việc chính là Giới, chỉ nhớ nghĩ đến Đức Phật A-di-đà chính là Quán huệ. Đầy đủ ba học như thế, thiết tha như thế, chuyên tâm nhất niệm như thế, Đức A-di-đà và các thánh không đến đón về phẩm Thượng thượng sao?

Còn đối với những người tuy có đủ lòng tin nhưng không sâu, có nguyện nhưng không tha thiết, có hành nhưng không chuyên, lại chưa chịu buông bỏ các duyên, còn phải chạy đông rảo tây, bôn ba lo liệu, thì phải tu trợ nghiệp, thực hiện các việc thiện thế gian, kết nhiều duyên lành, hồi hướng công đức cầu nguyện vãng sanh. Như thế may ra lúc sắp chết sẽ có thiện hữu đến khuyến tấn, bạn đạo đến trợ niệm, khiến tâm an định mà duyên theo tiếng niệm Phật, rồi hoặc trong một niệm, hoặc mười niệm được nhất tâm không loạn. Bấy giờ Đức A-di-đà và các Thánh sẽ đến đón rước về Tây phương. Nên biết, nói dễ hành trì là dễ cho người có đầy đủ ba tâm: tâm tin sâu, tâm chí thành và tâm hồi hướng phát nguyện, chứ không phải dễ cho những người không chịu tu tập, hoặc không đủ ba tâm ấy. Chánh nghiệp là dành cho những người vạn duyên buông bỏ, nhất niệm chuyên tu chứ không dành cho những hàng đa tâm tạp tưởng.

Ngài Pháp Nhiên khai sáng và hoằng dương pháp môn Tịnh độ tại Nhật Bản. Ngài là một bậc được vua quan kính ngưỡng, đạo tục tôn sùng, nên có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội thời bấy giờ. Trong một đời giáo hóa, Ngài để lại hai tác phẩm là Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập và Hắc Cốc Thượng Nhân Ngữ Đăng Lục. Nhận thấy những lời dạy của Ngài rất cần thiết cho hành giả Tịnh độ, nên người dịch chuyển ngữ toàn bộ Bản Nguyện Niệm Phật Tập và lược dịch phần huyền nghĩa các sớ giải kinh – tập trong Ngữ Đăng Lục để xếp thành tập sách này và lấy tên là CHÁNH HẠNH NIỆM PHẬT VÃNG SANH. Để người đọc dễ dàng nắm được nội dung cơ bản tập sách trước khi xem trọn, người dịch tổng quát đại ý từng chương của mười sáu chương trong Bản Nguyện Niệm Phật Tập như sau:

1. Khuyên mọi người bỏ Thánh đạo môn mà quay về Tịnh độ môn: Thánh đạo cách Phật quá lâu và lí Đại thừa sâu xa khó hiểu. Như Vãng Sanh Luận Chú của sư Đàm Loan có ghi: “Luận Thập Trụ Tì-bà-sa của bồ-tát Long Thọ nói rằng: Bồ-tát cầu A-tì-bạt-trí cần phải có Nan hành đạo (khó thực hành) và Dị hành đạo (dễ thực hành). Nan hành là do trong đời năm ác trược không có Phật xuất thế, khó cầu được A-tì-bạt-trí. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó đạt, ở đây lược nói năm ý mà thôi: 1. Ngoại đạo tu pháp tương tợ thiện làm rối loạn thật pháp của Bồ-tát; 2. Hàng Thanh văn tự lợi, chướng ngại lòng đại từ bi; 3. Kẻ ác không biết hỗ thẹn, không kể tự tha, khinh chê bậc hiền thiện, phá hoại thắng đức; 4.Quả thiện trời người phá hoại Phạm hạnh; 5. Chỉ có tự lực, không có tha lực nhiếp hộ. Những việc như thế nơi nào cũng có. Nan hành đạo cũng giống như đi đường bộ thì khó khăn, gian hiểm.

Dị hành là bởi chỉ cần với nhân duyên tin Phật, nguyện sanh Tịnh Độ, nương vào nguyện lực của Phật liền được vãng sanh cõi nước thanh tịnh. Nhờ oai lực của Phật nhiếp trì liền vào Đại thừa Chánh định tụ. Chánh định tức A-bệ-bạt-trí. Dị hành cũng giống như đi thuyền thì an vui, nhanh đến. Nan hành tức là Thánh đạo môn, Dị hành tức là Tịnh độ môn.

2. Chọn lấy Chánh hạnh mà bỏ Tạp hạnh: Chỉ nhất tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà, chẳng kể đi đứng nằm ngồi, chẳng luận thời gian lâu mau, niệm niệm miên mật không buông bỏ, không gián đoạn. Đó gọi là Chánh định nghiệp vì thuận với bản nguyện của Phật A-di-đà. Nếu niệm niệm liên tục, lấy chết làm kì hạn, thì mười người tu mười người vãng sanh, trăm người tu trăm người vãng sanh. Vì sao? Vì không có tạp duyên nên được chánh niệm, tương ứng với bản nguyện của Đức Phật, không trái giáo Tịnh độ, thuận theo lời Phật. Nếu bỏ Chuyên tu mà theo Tạp tu thì trăm người không được một, ngàn người chẳng được năm, ba. Vì sao? Vì tạp duyên loạn động làm mất chánh niệm, không tương ứng với bản nguyện của Phật, trái với giáo Tịnh độ, không thuận theo lời Phật; lại do niệm không liên tục, tâm có gián đoạn, hồi hướng phát nguyện không khẩn thiết và chân thật, các phiền não tham sân đến làm gián đoạn, không có tâm hổ thẹn để sám hối, không luôn luôn nghĩ đến việc báo Đáp ân Phật. Lại còn khởi tâm khinh mạn, tuy tu tập mà luôn chạy theo danh lợi, tâm nhân ngã che mờ, khiến không thể gần gũi bạn lành đồng hạnh đồng tu; thích gần gũi tạp duyên, làm chướng ngại chính mình và chướng ngại người khác.

3. Đức A-di-đà không lấy các hạnh khác làm bản nguyện vãng sanh, chỉ lấy Niệm Phật làm bản nguyện vãng sanh: Niệm Phật dễ tu, nên chung cho tất cả căn cơ, còn các hạnh khác khó hành, nên không bao trùm các loại. Vậy Đại Thánh muốn khiến chúng sanh bình đẳng vãng sanh, nên bỏ khó chọn dễ làm bản nguyện. Nếu lấy việc tạo tượng, xây tháp làm bản nguyện, thì những người nghèo hèn, khốn khổ ắt hết hi vọng vãng sanh, nhưng người giàu sang thì ít, kẻ nghèo hèn thì nhiều. Nếu dùng tài cao, trí tuệ làm bản nguyện thì kẻ ngu độn, trí kém tuyệt đường vãng sanh, nhưng kẻ ngu độn thì nhiều, người có trí tuệ lại ít. Nếu lấy nghiệp học rộng hiểu nhiều làm bản nguyện, thì kẻ ít học ít biết hết hi vọng vãng sanh, nhưng người học rộng thì ít, kẻ ít học thì nhiều. Nếu lấy trì giới, trì luật làm bản nguyện thì kẻ phá giới, không giới nhất định hết hi vọng vãng sanh, mà người trì giới thì ít, kẻ phá giới không giới thì nhiều. Tất cả các hạnh khác căn cứ theo đây cũng có thể biết được.

Nếu dùng các hạnh khác làm bản nguyện thì rất ít người được vãng sanh. Tì-kheo Pháp Tạng khi xưa phát khởi lòng từ bi, vì nhiếp thủ tất cả, nên không dùng các hạnh xây tháp, tạo tượng…làm bản nguyện, chỉ lấy niệm Phật làm bản nguyện.

4. Ba hạng người niệm Phật vãng sanh: Bậc thượng, gồm những người xuất gia làm Sa-môn, phát tâm bồ-đề, một lòng chuyên niệm danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Thọ, tu tập các công đức, nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc. Bậc trung, gồm những trời người trong các thế giới ở mười phương, một lòng nguyện sanh, dù không thực hành hạnh sa-môn, tu tập các công đức, nhưng phát tâm Vô thượng bồ-đề, chí tâm niệm danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ, hồi hướng tất cả những công đức có được từ việc thực hành các điều thiện như giữ gìn trai giới, xây dựng chùa tháp, tạo lập tôn tượng, cúng dường sa-môn, treo phan đốt đèn, thắp hương rải hoa nguyện sanh về cõi ấy. Bậc hạ, gồm những trời người trong các thế giới ở mười phương chí tâm muốn sanh vào nước ấy. Giả sử họ không thể tạo các công đức, nhưng phát tâm Vô thượng bồ-đề, một lòng niệm danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ, dù chỉ mười niệm hay chỉ một niệm, với tâm chí thành nguyện sanh về nước ấy, nghe pháp sâu xa vui vẻ tin thích, không nghi ngờ.

5. Khen ngợi công đức Niệm Phật: Công đức niệm Phật là vô thượng, thì một niệm là một vô thượng, mười niệm là mười vô thượng, trăm niệm là trăm vô thượng, ngàn niệm là ngàn vô thượng. Cho đến lần lượt tăng tiến từ ít đến nhiều, đến hằng sa niệm Phật, vô thượng công đức cũng hằng sa. Vậy những người nguyện cầu vãng sanh, sao lại bỏ niệm Phật có lợi ích lớn vô thượng mà lại cưỡng tu các hạnh có lợi ích hữu thượng?

6. Sau một vạn năm thời Mạt pháp các hạnh đều không còn, chỉ giữ lại môn Niệm Phật: Trong kinh chỉ nói giữ lại kinh này một trăm năm, chứ đâu nói giữ môn Niệm Phật một trăm năm. Vì sao ở đây lại nói là giữ môn Niệm Phật?

Đáp: Toàn bộ nội dung kinh này đều nói đến niệm Phật, nên kinh này trụ thế, tức là môn Niệm Phật trụ thế vậy. Vì sao? Vì kinh này tuy nói đến phát tâm Bồ-đề, nhưng chưa nói hành tướng của tâm ấy; tuy nói đến trì giới, nhưng chưa nói hành tướng của trì giới. Về hành tướng của tâm Bồ-đề, thì trong kinh Bồ-đề Tâm trình bày rất đầy đủ. Kinh ấy, trước nói diệt các hành của tâm Bồ-đề, vậy nhờ vào đâu để tu? Còn về hành tướng của trì giới thì được nói rõ trong giới luật Đại Tiểu thừa. Giới luật ấy, trước diệt các hành trì giới, vậy nhờ vào đâu để tu? Các hạnh khác căn cứ theo đây cũng có thể biết được.

Theo hòa-thượng Thiện Đạo thì kinh này nói về bản nguyện niệm Phật vãng sanh của Đức Phật A-di-đà, cho nên Đức Thích-ca từ bi vì giữ môn Niệm Phật mà đặc biệt giữ lại kinh này. Các kinh khác chưa nói đến bản nguyện niệm Phật vãng sanh của A-di-đà Như lai. Cho nên Đức Thích-ca từ bi không giữ lại.

7. Ánh sáng của Đức Phật A-di-đà không chiếu đến các hành giả khác, chỉ nhiếp thủ hành giả niệm Phật: Chúng sanh khởi hạnh tu tập, miệng thường tụng danh hiệu Phật, Phật liền nghe; thân thường lễ Phật, Phật liền thấy; tâm thường niệm Phật, Phật liền biết. Chúng sanh nhớ nghĩ đến Phật, Phật cũng nhớ nghĩ đến chúng sanh. Ba nghiệp của chúng sanh và Phật không lìa nhau, cho nên ánh sáng của Đức A-di-đà nhiếp thủ. Đồng thời người niệm Phật chính là hợp với bản nguyện Phật, cho nên ánh sáng Đức Phật nhiếp thủ.

8. Người niệm Phật nhất định phải đầy đủ ba tâm: Người quyết định muốn sanh về nước kia, cần phải đầy đủ ba tâm : Một, tâm chí thành, tức tất cả những hạnh tu tập như: thân lễ bái, miệng khen ngợi, ý chuyên niệm và quán tưởng Đức Phật A-di-đà đều phải chân thật. Hai, thâm tâm tức là tâm chân thật tin sâu, tin biết tự thân là phàm phu đầy dẫy phiền não, căn lành cạn mỏng, mãi lưu chuyển trong ba cõi, không có ngày thoát ra. Nay tin biết bản thệ nguyện của Đức Phật A-di-đà và xưng danh hiệu Ngài mười tiếng hay một tiếng, nhất định được vãng sanh, hoặc chỉ một niệm với tâm không nghi cũng được vãng sanh, cho nên gọi là tâm chân thật tin sâu. Ba, tâm hồi hướng phát nguyện, tức hồi hướng tất cả căn lành có được cầu nguyện vãng sanh. Đầy đủ ba tâm này, nhất định vãng sanh, thiếu một cũng không được sanh, như Quán Kinh đã nói. Ba tâm vừa nêu trên là điều kiện chí yếu của người tu Tịnh độ.

9. Người niệm Phật có thể thực hành pháp tứ tu:

– Cung kính tu: tức cung kính lễ bái Đức Phật A-di-đà và tất cả các bậc Thánh. Lấy cái chết làm kì hạn, thệ không bỏ nửa chừng chính là trường thời tu.

– Vô dư tu: tức chuyên xưng, chuyên niệm, chuyên nghĩ tưởng, chuyên lễ bái, chuyên khen ngợi Đức Phật A-di-đà và các bậc Thánh, không xen các hành nghiệp khác. Lấy cái chết làm kì hạn, thệ không bỏ nửa chừng chính là trường thời tu.

– Vô gián tu: tức liên tục cung kính, lễ bái, xưng danh, khen ngợi, nhớ nghĩ, quán sát, hồi hướng phát nguyện, tâm tâm nối tiếp, không cho các việc khác xen vào; không để các niệm tham sân phiền não đến làm gián đoạn, hễ phạm liền sám hối, không để cách niệm, cách giờ, cách ngày, thường luôn thanh tịnh. Lấy cái chết làm kì hạn, thệ không bỏ nửa chừng chính là trường thời tu.

10. Phật A-di-đà và các Hóa Phật đến đón, không khen ngợi công đức thiện nghe kinh mà chỉ khen ngợi hạnh Niệm Phật: Công đức thiện nghe kinh chẳng phải là Chánh nghiệp mà thuộc Trợ nghiệp, cho nên Hóa Phật và Hóa Bồ-tát không khen ngợi. Hạnh Niệm Phật là thuộc Chánh nghiệp, nên Hóa Phật khen ngợi.

11. Khen ngợi hạnh Niệm Phật: Người niệm Phật như hoa Phân-đà-lợi, người niệm Phật là người tốt nhất trong đời, là người diệu tuyệt trong đời, là người tối thượng trong đời, là người hiếm có trong đời, người tối thắng trong đời.

12. Đức Thích Tôn không phó chúc các hạnh Định thiện-Tán thiện, mà chỉ phó chúc hạnh Niệm Phật cho A-nan: Chủ ý trong bản nguyện của Đức Phật là nhằm khuyên chúng sanh một bề chuyên ròng xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà để được vãng sanh, mà hai thiện Định và Tán không phải là bản nguyện, cho nên không phó chúc. Quán Phật Tam-muội tuy rất thù thắng, nhưng cũng chẳng phải là bản nguyện, cho nên cũng không phó chúc. Niệm Phật Tam-muội là bản nguyện Phật, nên được phó chúc. Nói bản nguyện, tức là nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện, kinh Vô Lượng Thọ.

13. Niệm Phật nhiều căn lành, Tạp thiện ít căn lành: Không thể với nhân duyên một ít phước đức căn lành mà được sanh về nước kia. Tức những người tu tạp hạnh khó sanh về. Không chỉ có nghĩa nhiều ít mà còn có nghĩa lớn nhỏ, nghĩa hơn và kém. Tức tu Tạp thiện thì căn lành nhỏ, tu niệm Phật thì căn lành lớn; tu Tạp thiện thì căn lành kém, tu niệm Phật thì căn lành thù thắng.

14. Vô lượng các Đức Phật trong mười phương đều không chứng thực cho tạp hạnh, chỉ chứng thực cho hạnh Niệm Phật: Các Đức Phật trong mười phương sợ chúng sanh không tin lời của Đức Phật Thích-ca, nên liền đồng tâm, đồng thời, mỗi mỗi hiện tướng lưỡi che phủ cả ba ngàn đại thiên thế giới nói lời thành thật: Chúng sanh các ngươi nên tin lời Phật Thích-ca nói, khen ngợi và chứng thực. Tất cả phàm phu, không luận là kẻ gây tội, người tạo phước hoặc nhiều hoặc ít, thời gian tu tập lâu hay mau, chỉ cần lâu thì trọn đời, mau thì từ một ngày, bảy ngày nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà, nhất định sẽ được vãng sanh.

15. Các Đức Phật trong sáu phương đều hộ niệm hành giả Niệm Phật: Nếu có chúng sanh trong bảy ngày bảy đêm cho đến trọn đời, một lòng chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà, nguyện vãng sanh, người này luôn được vô lượng Đức Phật trong sáu phương đến hộ niệm. Lại hộ niệm không để cho ác quỉ thần thừa dịp làm hại, cũng không để vô cớ sanh bệnh, chết oan, gặp nguy hiểm, tất cả tai họa tự nhiên tiêu trừ, không bao giờ đến với thân tâm.

16. Đức Phật Thích-ca thiết tha phó chúc danh hiệu A-di-đà cho Xá-lợi-phất.

Kính xin những người thấy nghe hãy chọn ý hay, bỏ lời dở, tin theo lời Phật, Tổ, chuyên tu hai nghiệp Chánh-Trợ để mai sau đạt được phẩm vị cao nơi Tây phương Tịnh độ.

Tháng 6 năm Đinh Hợi – PL 2551 (2007)
Thích Nguyên Chơn kính ghi.

Download pdf file Chánh Hạnh Niệm Phật

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.