Kính Nguyện Tri Ân Ngày Lễ Phật Thành Đạo (mùng 8/12 âm lịch)

Đặc biệt năm nay Ngày Phật Thành Đạo mùng 8 tháng 12 âm lịch lại đến trước ngày Tân niên 2023 đúng hai ngày tức là rơi vào ngày 30/12/2022.

Còn nhớ vào một sớm sao mai mọc cũng là lúc Ngài hoàn toàn chứng được Tam minh, thành tựu Chánh đẳng Chánh giác và thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Năm ấy Ngài 35 tuổi, ngày mùng 8 tháng Chạp năm 584 trước Tây lịch.

Trộm nghĩ có lẽ ai đã là Phật Tử đều phải xem Lễ Thành Đạo là ngày lễ quan trọng nhất, long trọng nhất trong tất cả những ngày lễ khác.Vì sao vậy ?

Vì nếu không thành đạo, Đức Phật không thể giảng giải Phật pháp, giáo hóa chúng sanh. Như vậy để đón mừng sự kiện vĩ đại này tưởng cũng nên cùng nhau nhắc nhở vài điều:

1- Giáo lý mà Đức Phật đã khám phá được từ những con đường xưa mà các chư Phật trước đã đi qua rất phóng khoáng, tự do, dễ dung hiệp hơn bất cứ giáo điều của các tôn giáo khác vì đạo Phật đi đến đâu cũng có thể phát triển đúng theo căn cơ và hoàn cảnh môi trường riêng biệt của từng địa phương, quốc gia.

2- Kho tàng quý báu mà Đức Thế Tôn khám phá và để lại cho nhân sinh đã phát chiếu những hào quang rực rỡ và thật sự mang lại một sự an lạc dài lâu dù cho nhân loại càng tiến bộ đến đâu với nền văn minh cộng nghệ tuyệt xảo vẫn không tìm thấy được.

3- Giá trị chân thật cao siêu của gia tài tâm linh giềng mối của luân thường đạo đức mà Đức Phật đã để lại vẫn mang luồng sinh khí minh triết và thâm thuý quá hào hùng trong tinh thần Bi, Tri, Dũng.

4- Sự kiện bắt đầu từ khi thái tử Tất Đạt Đa tử nhìn thấy cảnh sanh già bệnh chết khi dạo quanh bốn cửa thành, Ngài cảm nhận mạng sống của con người quá tạm bợ quá mỏng manh, lại đầy đau khổ nên Ngài quyết chí đi tu, tìm phương pháp giải quyết nỗi khổ của kiếp người.

Đức Phật đã đi tu không phải là một sự ngẫu nhiên, hay do ảnh hưởng ép ngặt gì của hoàn cảnh sống mà do một động cơ mãnh liệt thúc đẩy Ngài. Động cơ đó chính là nỗi khổ của con người.

Phàm phu chúng ta phần nhiều sống chìm đắm trong nỗi khổ đó mà ít ai ý thức được, cứ loanh quanh lẩn quẩn chờ sanh già bệnh chết để kết thúc một cuộc đời, không có cách nào thoát được.

Mãi đến khi Đức Phật tìm ra con đường để giải thoát sự sanh già bệnh chết, khổ đau triền miên của kiếp người nhờ 6 năm khổ hạnh trong rừng già và hàng triệu kiếp đã tu hạnh Bồ tát làm duyên nên khi quả chín mùi với 49 ngày thiền định sâu sắc Ngài đã quán chiếu và thấy rõ tất cả đường đi lối về của sự luân hồi sanh tử chỉ vì phàm phu chúng ta mãi sống trong mọi phiền não đều đến từ sự tham muốn (Dục) khi sáu căn tiếp xúc với cảnh trần.

5- Vì đã thông suốt và chứng được Tam Minh ( Thiên nhãn minh, Túc mạng minh và Lậu tận minh ). Bởi chứng Lậu tận minh, thấy tường tận nguyên nhân dẫn đi trong sanh tử và biết rõ phương pháp dứt trừ nguyên nhân ấy nên Ngài không còn mầm lôi kéo trong sanh tử nữa, Ngài tuyên bố thành Phật, tức là giác ngộ hoàn toàn, không còn kẹt trong sanh tử nữa Đức Phật đã đạt được sở nguyện viên mãn.
Sự giác ngộ này không do ai dạy cả mà nhờ công phu thiền định, tâm yên tịnh trong sáng mà ra. Bởi vậy sau khi thành Phật, Ngài tuyên bố ta học đạo không có thầy .

Khi Ngài giác ngộ biết rõ con người từ đâu đến, chết rồi đi đâu và muốn hết sanh tử luân hồi phải tu như thế nào, nên bài thuyết pháp đầu tiên của Phật ở vườn Lộc Uyển với năm anh em Kiều Trần Như là bài Tứ đế

Ngài đã chính thức Chuyển pháp luân bánh xe Chánh pháp, đem đạo từ bi, trí tuệ và giải thoát để dẫn dắt chúng sanh hướng về nẻo giác.

Như vậy không có một kết quả tốt đẹp nào đến ngẫu nhiên cả, tất cả đều nhờ công phu cực khổ mới được. Bây giờ chúng ta kính phục lễ lạy Phật, đó là kết quả Ngài đã từng trả giá rất đắt trên bước đường tầm tu, không phải chuyện dễ dàng.

Lời kết :

Ngày Đức Phật Thành Đạo đã chứng minh rằng với ánh sáng của trí tuệ và từ bi được soi sáng, người người sẽ vững một niềm tin rằng …vẫn có đâu đây một con đường để giải thoát mọi khổ đau …Tất cả nằm trong 37 phẩm trợ đạo mà Đức Phật đã giới thiệu trong bài kinh Tứ Đế và con đường phải thực hành là do nơi chính ta mà thôi.

Hoà thượng Thích Chơn Thiện đã nêu rõ 7 ý nghĩa ngày Phật thành đạo như sau :

1. Ý nghĩa thứ nhất của Thành đạo nói lên rằng con đường đi đến giải thoát là Trung đạo.
2. Ý nghĩa thứ hai là bằng nỗ lực của tự thân, với sự tu tập đúng pháp, con người có thể giác ngộ ngay tại đời này.
3. Ý nghĩa thứ ba, nội dung của Thành đạo là đoạn trừ vô minh, ái, thủ (đoạn diệt Mười hai nhân duyên), hay đoạn trừ Mười kiết sử.
4. Ý nghĩa thứ tư, có sự kiện Thành đạo có nghĩa là vô minh, ái, thủ… không thực có, hay không có tự ngã. Tự ngã chỉ là sản phẩm của vô minh, không thuộc thực tại.
5. Ý nghĩa thứ năm, đức Phật thành đạo có nghĩa là các pháp được nhìn dưới cái nhìn vô chấp thủ, được thấy thoát ly các tướng hay Vô ngã tướng.
6. Ý nghĩa thứ sáu, Thành đạo là trở về Thật pháp, trở về “Vô sinh”, “Tịch diệt”, đi ra mọi nghĩa đối đãi của thường, đoạn, khứ, lai, hữu, vô, sinh và diệt.
7. Ý nghĩa thứ bảy, sự kiện Thành đạo của Thế Tôn mở ra cho nhân loại một con đường thoát khổ, một niềm tin thoát khổ.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Những ai đã từng trải đêm dài giá lạnh
Mới cảm thông sáu năm khổ hạnh rừng già
Hiểu vì sao Đức Phật…
Dù kiệt quệ thể xác tinh thần… vẫn thiết tha
Mục đích phải đạt… con đường giải thoát tối hậu

Con đường Trung Đạo… chỉ có người trí hiểu thấu
Là con đường không biết nắm giữ, tìm cầu
Phải vượt khỏi trói buộc, tập khí gắn chặt từ lâu
Và Trung Đạo không phải chỉ là…
Giữa hai thái cực khổ hạnh và hưởng thụ!

Niềm hân hoan kính tri ân Ngài đã thành tựu
Giác ngộ hoàn toàn vào một sớm tinh sương
Sau 49 ngày nỗ lực thật phi thường
Phá vỡ lậu hoặc và khám phá con đường BẬC SIÊU THẾ
Ngày Lễ Phật thành đạo… kính nguyện gọi
… ngày Tết tối thượng… nếu có thể !!!!
Kính đảnh lễ bậc Toàn giác, Đấng Thiện Thệ !

Kính trân trọng,

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.