Vài Cảm Nghĩ Khi Học Lại Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Vài cảm nghĩ khi học lại Kinh Tứ Thập Nhị Chương, nhất là trọng tâm vào 20 điều khó thực hiện.

Vài lời tâm sự ….
Ngày mới vào Đạo, vào khoảng 2003 vì còn đi làm nên thì giờ còn lại tôi thường nghe pháp thoại mà ít khi nghiên cứu kinh điển, vào thời bấy giờ số băng đĩa quá nhiều và hiếm có ai lưu ý và có thể giải thích rõ thế nào là Nam Tông và Bắc Tông, thế là với bản chất sơ cơ tôi toàn chọn lựa những bài pháp thoại rất thích hợp với trình độ quần chúng lúc bấy giờ kèm theo những trận cười cho quên lãng.
Không hiểu vì túc duyên nào đó, một bạn trẻ đồng nghiệp đã mời tôi nghe một số bài kinh thật căn bản đi từ giáo lý Tứ Đế, kinh Chuyển Pháp Luân và sau đó các kinh Niệm Phật thập yếu.

Cũng may là lúc bây giờ tôi chưa hề dám đụng đến kinh Kim Cang Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết Bàn, Kinh Lăng Già, Kinh Lăng Nghiêm, Câu Xá Luận, Duy Thức, Trung Quán Luận …ấy vậy không hiểu sao tôi lại miệt mài trong các bài giảng Kinh Pháp Hoa, “Lịch sử Phật Thích Ca” và các truyện cổ tích Phật Giáo, có lẽ nhờ vậy cho đến 2008 tôi mới biết đến kinh Tứ Thập nhị chương trước khi bước vào sách “Phật học Phổ thông” của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, sách “Phật học Tinh yếu” của Hòa thượng Thích Thiền Tâm.

Tuy vậy vì bản tính ưa thích kinh sách nên từ từ trong thư viện bé nhỏ của tôi đã lưu trữ những bộ kinh Đại thừa như “Lai lịch 33 vị Tổ sư Tây Thiên Đông Độ”, “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” cũng như các bộ kinh Nikaya của Phật Giáo Nguyên Thuỷ mà sau này tôi mới biết là kho tàng vô giá.

Nói chung là tình trạng giáo lý tôi lúc ấy thật quá thấp kém trình độ abc chưa đủ lên lớp 3 mà đã đòi nhảy vọt vào lớp 6, nay nghĩ lại thật thương cảm cho tôi.
Sau nhiều năm cứ nghe như vậy không hiểu từ lúc nào Giáo Pháp Như Lai đã thấm nhập trong máu tôi và từ đó tôi đã biết bắt đầu tìm kiếm kinh Bát Đại Nhân Giác và kinh Tứ Thập nhị chương để học và chiêm nghiệm.

Thì ra con đường pháp học đôi khi phải từ từ như việc học trồng cây từ lúc gieo hạt nẩy mầm, đâm chồi ra lá cho đến khi đơm hoa kết trái vẫn phải siêng năng chăm chút phân bón, nước, sâu bọ và thời tiết mỗi thứ một tí thì mới thấy ra toàn bộ tiến trình hình thành của một cây ấy….Và bấy giờ tôi đã hiểu vì sao …..

– Trở lại với Kinh Tứ Thập Nhị Chương, điều mà tôi thích thú nhất khi được biết truyền thuyết khi có bộ kinh này như sau:

Vua Hán Minh Đế, vào năm thứ 3 niên hiệu Vĩnh-bình (tức năm 60 TL), một đêm kia nằm mộng thấy một người vàng, đầu có ánh sáng như mặt trời, bay đến trước điện. Sáng dậy, vua đem việc ấy hỏi quần thần. Quan thái sử Phó Nghị tâu: “Thần nghe nói ở Tây-vức có vị thần, gọi là Phật. Người vàng mà bệ hạ thấy trong mộng, chắc là vị thần ấy.”. Niên hiệu Vĩnh-bình thứ 7 (tức năm 64 TL), vua Minh Đế bèn sai lang trung Thái Âm, trung lang tướng Tần Cảnh, bác sĩ Vương Tuân, v.v…, cả thảy 18 người, đi về hướng Tây tìm cầu Phật pháp.

Tới Ấn-độ, họ thỉnh được Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapamatanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa), dùng ngựa trắng chở kinh, đem cả xá lợi và họa tượng Phật. Phái đoàn về đến Lạc-dương vào năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh-bình (năm 67 TL). Vua rất mừng, xây chùa Bạch-mã, dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương.

Và như vậy Phật pháp khởi thủy được truyền vào Trung-quốc từ thuở đó…

Nhưng cũng vì đó mà tạo ra sự ganh ghét của các đạo sĩ cho nên họ đã xin Vua tổ chức một cách so tài bằng cách mang tất cả kinh sách của Phật Giáo và của Đạo, Lão ra thiêu đốt (cũng cần nhắc đến phù phép bấm độn và chú thuật của các đạo sĩ thời bấy giờ) thế nhưng dường như sau đó chỉ còn Kinh Tứ Thập nhị chương và Đạo Đức Kinh mà đặc biệt Kinh Tứ Thập Nhị Chương này còn phát hào quang nữa ( trích Phật thuyết Tứ Thập Nhị Chương kinh do HT Tuyên Hoá giảng tại Chùa Kim Sơn, CA 1974).

Cũng được biết : Vì kinh Tứ Thập Nhị Chương là bộ kinh tập hợp, tuyển chọn những lời Phật dạy rải rác trong kho tàng kinh điển Phật giáo, cho nên theo Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo sử luận (VNPGSL), NXB Văn học, 1992- Kinh Tứ Thập Nhị Chương, xét theo thể tài, cho rằng kinh không phải được trích dịch từ nhiều bản kinh Phạn ngữ.

Riêng bản thân người viết nhờ bảng tóm tắt của Hoà Thượng Thích Thiện Siêu nhân ngày Phật đản 8-4-2513 do khuôn Tịnh độ An Lạc thuộc tỉnh Hội Phật học Thừa Thiên phát tâm xuất bản và ấn tống nên đã ghi chép lại toàn bộ đại ý chính của 42 chương như sau:

I. CUỘC ĐỜI VÔ THƯỜNG
1. Phật dạy: Cái Ta
2. Phật dạy: Đời người chỉ qua hơi thở
3. Phật dạy: Đứt lưỡi vì say đắm tài sắc
4. Phật dạy: Vì dục vọng mà cầu hư danh
5. Phật dạy: Vũ trụ chẳng bền, luôn thay đổi
6. Phật dạy: Phật đối cảnh phải tự tại

II. HẠNH CỦA PHẬT TỬ
7. Phật dạy: Làm lành từ thập thiện
8. Phật dạy: Biết Sám hối đẻ tránh tội báo
9. Phật dạy: Kẻ ác hại người thiện như Ném bụi ngược gió
10. Phật dạy: Khẩu nghiệp theo ta như Bóng theo hình
11. Phật dạy: Bình tĩnh khi bị người chọc phá
12. Phật dạy: Hãy giữ Giới luật
13. Phật dạy: Phải tin lời Phật
14. Phật dạy: Loại bỏ thói xấu như thợ rèn sắt

15. Phật dạy: Tám điều khó khi có thân người

III. PHẬT TỬ PHẢI XA NỮ SẮC
16. Phật dạy: Chỉ có một thứ nữ sắc là mạnh nhất.
17. Phật dạy: tránh xa đừng để cháy tay như bó đuốc ngược gió
18. Phật dạy: tránh xa tình dục như mặc áo cỏ khô gần lửa
19. Phật dạy: không ham muốn thì không lo sợ
20. Phật dạy: còn ràng buộc trong vợ con giống như đang trong Lao tù
21. Phật dạy: khi tiếp xúc với Phụ nữ hãy xem như chị, em, Mẹ
22. Phật dạy: Người học Đạo ví như Khúc gỗ trôi sông
23. Phật dạy: Phụ nữ dù đẹp đến đâu cũng chỉ là cái đãy da
24. Phật dạy: Hãy cẩn thận “chớ tin vào Ý của ngươi khi còn là phàm phu”
25. Phật dạy: Đoạn tâm theo lời Cổ Phật Ca Diếp “ Ái dục sanh từ nơi ý, do ý có tư tưởng; nếu ý và tư tưởng đều vắng lặng, lòng ái dục tự nhiên mất.”
26. Phật dạy: Tâm ham muốn như nước xao động
27. Phật dạy: Hãy xem tình dục như bò chở nặng đi qua bùn lầy ( rất khổ não)
28. Phật dạy: Hai mươi điều khó cần chiêm nghiệm.

Người ta có hai mươi điều khó làm:

Cấm ngăn được lòng dục là khó,
Thấy tốt không mong cầu là khó,
Bị chê bai không giận là khó
Có uy quyền mà không ỷ là khó
Gặp việc mà vô tâm là khó,
Dẹp trừ tâm ngã mạn là khó,
Không khinh người không có học là khó,
Không nói lời thị phi là khó,
Gặp cảnh mà tâm không động là khó,
Gặp việc mà phải hy sinh đến tính mạng là khó,
Học rộng tầm sâu là khó,
Nghèo mà bố thí được là khó,
Giàu sang mà ham học đạo là khó,
Gặp được thiện tri thức là khó,
Hiểu được thiện tri thức là khó,
Được nghe Phật pháp là khó,
Được sinh thời có Phật ra đời là khó,
Tùy theo người để hóa độ là khó,
Giữ tâm bình đẳng là khó,
Thấy đặng chơn tánh mà học đạo là khó.

IV. Thế nào để HIỂU ĐẠO
29. Phật dạy: Hành đạo phải bền chí
30. Phật dạy: Đạo là Ánh sáng, là Chân lý
31. Phật dạy: Hành đạo đúng Chân lý là thiện
32. Phật dạy: Chí đạo là giữ tâm thanh tịnh luôn vững bền
33. Phật dạy: Bố thí và khuyến khích tu hành
34. Phật dạy: Cúng dường cao cả nhất với tâm, trí không trú vào việc cúng dường đó
35. Phật dạy: Nhẫn nhục là dũng mãnh và sáng suốt khi thân tâm trong sạch
36. Phật dạy: Pháp cứu cánh không thể dùng lời mà chỉ được.

V. HẠNH SA-MÔN
37. Phật dạy: Đừng như con trâu kéo cối xay
38. Phật dạy: Người tu giống như ra Chiến trường
39. Phật dạy: Học Đạo như gảy đàn
“Sa-môn học đạo cũng như gảy đàn, hãy giữ tâm cho quân bình, điều hòa thân thể; nếu hành đạo quá sức thân thể sẽ mệt nhọc, thân thể mệt nhọc thì trí sẽ rối loạn, trí rối loạn thì sự tu hành sẽ trễ nải; học đạo trễ nải thì thói xấu tất phải nhiễm, làm sao thấy đạo của Như lai? Hãy tập tánh an vui, cố làm việc trong sạch “
40. Phật dạy: Sa- môn đừng lưu luyến cảnh cũ
41.Phật dạy: Đạo chẳng phải tu, chẳng phải chứng, không cầu trải qua các bậc mà tự nhiên được tôn trọng; ấy là đạo.
42. Phật dạy: Bốn bậc Thánh khi thực hành được pháp Tứ Đế

Lời kết:

Kính thưa các bạn, với mục đích tự nhắc nhở những điều Phật dạy chúng ta phải ý thức thế nào về 20 điều khó, bài viết xin được tìm hiểu thêm về 20 điều khó với mục đích hầu sách tấn mình trên đường tu học. Kính mong được chỉ bảo thêm và tha thứ cho những điều còn khiếm khuyết từ hinh thức và nội dung nếu có sai phạm.

Hai mươi điều “Khó” ở đây không có nghĩa là không làm được, mà Phật muốn nhắc nhở chúng ta “Là Phật Tử muốn hành Đạo cho đúng thì trước tiên cần phải vượt qua 20 điều khó này”. Khó” được xem như là yếu tố quan trọng để nung đúc tinh thần chúng ta thêm sức chịu đựng bền bỉ và vững vàng trên con đường Phật đạo, là hành trang quý báu không thể thiếu trong đời sống tu hành của chúng ta.

1- Nghèo khổ bố thí là khó , người nghèo khổ mà biết thực hành bố thí, cúng dường với lòng thành kính quả là một điều rất khó, ngoại trừ người này đã kính tin Tam bảo, tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc . Trong Đại trí độ luận cho rằng “Nhân duyên của hết thảy Trí Tuệ và Công Đức đều do Bố Thí”

Trong kinh Nikaya ta đã gặp mẫu chuyện kể về chàng trai nghèo đi làm mướn cúng dường bốn phần cháo sáng cho bốn vị Phật Độc Giác. Kết quả đời sau tái sinh được làm Vua đại vinh hiển, cũng có tích truyện “Cúng dường cơm cháy được sinh thiên.” “Cúng dường mè được sinh thiên” hoặc là những chuyện cổ tích Phật giáo đầu tiên kể về một gia đình nghèo, đói khổ, sẵn sàng nhường nửa chén cơm cuối cùng cho một vị khách lạ dừng chân tại nhà, để rồi sau đó cả gia đình chết vì đói.

2- Giàu sang học đạo là khó , giàu sang mà biết buông xả để học đạo giải thoát quả là một điều rất khó. Cho nên, giàu sang mà biết học đạo được liệt vào hàng thứ hai, đối lập với nghèo khổ mà biết bố thí.chuyện cấp cô độc

Ở thế gian này, phần nhiều người giàu có, sung mãn, đầy đủ vật chất thì ít bao giờ nghĩ đến việc tu học, tín tâm Tam bảo và tin sâu nhân quả. Họ đam mê, dính mắc vào những tài sản, vật chất như đất đai, ruộng vườn, nhà cao cửa rộng, xe hơi và tiền bạc. Chính sự giàu có về sở hữu vật chất quá đáng đã làm cho họ bị trói buộc trong tham ái và lo sợ mất mát.

3- Bỏ thân mạng vì lẽ phải là khó vì ai cũng quý trọng thân này, ai cũng tham sống, sợ chết, nhưng Chết vì lẽ phải là thực hiện và bảo vệ chân lý lời Phật dạy trên bước đường hoằng hóa, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh . Kinh sách còn ghi lại gương Ngài Phú Lâu Na trong việc giáo hóa sẵn sàng xem nhẹ thân mạng mình vì đạo pháp.

4- Hiểu được và thông suốt kinh Phật là khó

Giáo lý của Phật chỉ dạy có ba mục đích: Một là dành cho người xuất gia giải thoát sinh tử. Hai là tu Bồ tát hạnh cho đến khi thành Phật mới thôi. Ba là tu còn trong luân hồi sinh tử, hưởng phước báu cõi Trời, Người.

Tóm lại, hiểu được kinh Phật hẳn là một điều khó, ta chỉ cần nắm vững ba cương yếu trên thì khi đọc kinh Phật sẽ dễ dàng nhận ra nghĩa lý sâu xa của nó.

Riêng Chánh pháp lại cũng gom vào trong bốn pháp là giáo lý hạnh quả, là quy tắc dành cho chư sa môn thời Phật và chư đệ tử hậu lai không bước ra khỏi bốn nguyên tắc đó.

Bốn nguyên tắc đó là:

– Giáo là tiếng nói câu văn của chư Phật.
– Lý là nghĩa lý trong giáo pháp.
– Hạnh là y theo nghĩa lý trong giáo pháp Phật mà tu hành.
– Quả nhờ tu hành giới định tuệ mà chứng quả.

Nhìn chung giáo pháp Phật có năng lực làm cho các bệnh chúng sinh đều tiêu trừ thân, khẩu ý, sạch trong để bước vào thế giới Phật. Tuy nhiên phải nói thêm rằng Nghiên cứu kinh nhiều thì tốt nhưng cũng có lúc “bội thực” về việc tiếp nhận kinh, nhất là từ ngữ Phật học làm cho chúng ta không còn biết phương hướng nào mà tu hành.

Biết nhiều đôi khi cũng làm cho tâm trí ta nặng nề, khó mà lột tả hết những hương liệu của tinh hoa kinh. Biết nhiều nhưng không tiêu hóa,thì quá phí thời gian vậy. Vì tuy có nhiều loại kinh, tất cả cũng chỉ vì tuỳ bệnh cho thuốc của mọi người. Chúng sinh có nhiều bệnh thì Phật pháp có nhiều thuốc để trị liệu, ai hợp với thuốc nào thì mau lành bệnh. Cho nên, hiểu được kinh Phật là điều khó.

5- Sinh cùng thời với Phật và gặp Phật là khó

Dĩ nhiên Đức Phật là bậc vĩ nhân trên các vĩ nhân. Ngài không phải là một đấng thần linh thượng đế ban phước, giáng hoạ. Ngài chỉ là vị thầy dẫn đường trong đám người lạc hướng, giúp chúng ta biết được chân lý cuộc đời, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Cho nên, sinh cùng thời với Phật và được gặp Phật là một phước duyên to lớn mà ít ai có được nhân duyên tốt đẹp, chính vì vậy mà ta cứ mãi chịu luân hồi sinh tử.

Sự ra đời và thị hiện của các Đức Phật đã hiếm mà có duyên được gặp Phật lại càng hiếm hơn,

6- Nhẫn chịu được sắc dục là khó , tai hại của sắc dục có thể làm băng hoại nhân cách đạo đức của con người khi chúng ta bị đam mê, dính mắc vào nó.

Riêng các đoạn trên Phật đã đưa ra biết bao nhiêu tai họa khi mê đắm vào sắc dục rồi.

7- Thấy tốt đẹp không ham cầu là khó,

Tốt đẹp chỉ là những giá trị mặc ước, tùy thuộc vào quan điểm của con người và phong tục tập quán, nhưng chính vì ai cũng ham thứ tốt đẹp nên thứ tốt là đối tượng để tranh chấp, giành giựt, chém giết lẫn nhau.

Do mong cầu thứ tốt nên khi gặp thứ hay cái gì xấu thì sinh ra bất mãn, bực tức và tìm cách đấu tranh để loại bỏ nó; cho nên cuộc sống trở nên rối rắm và phiền não, bất an.

Để chuyển hoá tâm thấy đẹp mà không tham cầu, chúng ta phải nhìn mọi hiện tượng, sự vật và con người đúng với bản chất của nó.

8- Bị nhục mà không oán hờn là khó

Trong lịch sử nhân loại từ xưa nay, biết bao nhiêu bậc vĩ nhân, hiền Thánh vẫn thường bị vu oan, giá họa, nhưng các ngài vẫn bình tĩnh, an nhiên, chứng minh cho đời sự trong sạch của mình bằng chất liệu của từ bi và vô ngã, vị tha.

Tám gió: được mất, khen chê, danh thơm, tiếng xấu và khổ vui. Nghịch cảnh hay chướng duyên đối với người trí chỉ là thử thách, nên họ vẫn bình thản, an nhiên khi bị hủy nhục sai sự thật trước mặt mọi người.

Đức Phật dạy, “bị sĩ nhục không sân là khó”. Ai chịu đựng được những hoàn cảnh trái ngang như vậy mà không sân giận hay tỏ ra oán ghét thì coi như đã thành tựu đạo pháp.

9- Có thế lực không cậy uy quyền là khó

Có thế lực mà không ỷ quyền cậy thế, không thị uy, tức bản thân ta đã kiến tạo cho mình một nếp sống đúng Chánh mạng, Chánh nghiệp, không gieo rắc ác nghiệp cho ai hết; và người như vậy là người hữu ích cho nhân quần xã hội, là người biết hướng thiện, luôn làm lợi ích cho nhiều người.

10- Đối cảnh tâm không lay động là khó

Đối cảnh tâm không lay động là bước đầu để đến vô tâm, có nghĩa là không còn dính mắc, đắm nhiễm tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều hoặc hình sắc, sự vật, cho đến tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tác duyên.

Thật ra ai thấy tiền bạc không tham đắm, dính mắc quả thật là điều khó vì tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng nếu tâm dính mắc càng lớn mạnh thì tâm Bồ Đề càng bị lu mờ, do đó dấy khởi phiền não làm tâm không an định.

Thật ra đối duyên xúc cảnh tâm không lay động là khó đối với người chưa biết tu, người có chút công phu dễ dàng làm chủ cảnh duyên, nhưng vẫn có những lúc bất giác bị vọng tưởng làm cho tâm Bồ Đề mờ tối.

11- Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó

Học rộng, nghiên cứu nhiều là tìm hiểu, lãnh hội, mổ xẻ vấn đề cho đến nơi đến chốn. Nó thuộc về văn huệ trong văn-tư-tu của nhà Phật, cho nên không thể lơ là trong việc học rộng, nghiên cứu nhiều. Nó phải được song hành với văn-tư-tu mới giúp cho chúng ta thành tựu viên mãn.

12- Trừ diệt cống cao ngã mạn là khó

Cống cao, ngã mạn, khinh người là con đẻ của sự chấp ngã, cho rằng thân này là thật ta và của ta do đó cống cao, ngã mạn là người coi trọng bản ngã của mình lên trên hết. Nó là biểu hiện của tâm hiếu thắng, kiêu ngạo, cống cao, thiếu nhã nhặn, thiếu khiêm tốn và không chịu nhún nhường bất cứ một ai.

Như chúng ta đã biết, ngã mạn là một trong sáu món căn bản phiền não, đó là tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến, có gốc rễ sâu dày từ si mê, chấp ngã mà ra, muốn đoạn trừ nó chỉ có cách là chúng ta phải cố gắng, ra sức nỗ lực tu học và hành trì buông xả ngay nơi từng ý niệm khi vừa phát sinh thì mới có thể lần hồi chuyển hoá chúng được.

Điều chủ yếu là chúng ta phải hằng tỉnh giác trong từng phút giây, quán chiếu sâu vào bản chất của nó để thấy rõ tự tánh của nó vốn là không có thực thể.. Đó là do ý chí phấn đấu, nỗ lực, dụng công tu hành của mỗi người mà sự diệt trừ nó nhanh hay chậm mà thôi.

Rải rác trong các kinh, Phật đưa ra 3 dạng tâm lý ngã mạn: Ngã mạn tuổi trẻ, ngã mạn không bệnh và ngã mạn sự sống.

13- Không khinh khi người chưa học là khó

Lời dạy này còn hàm ý nói rằng, kẻ tài cao thường có nhược điểm “mục hạ vô nhân”, nghĩa là dưới con mắt của mình không có ai hơn mình và khinh khi người ít học. Vì một khi chúng ta càng học cao thì càng phải khiêm cung thấp mình đối với mọi người thì phẩm chất và giá trị của ta càng lớn. Người ta thường nói, tri thức mà không có nhân cách, phẩm chất đạo đức là nguy hiểm và tác hại vô cùng hơn nhiều những kẻ ác độc mà không có trình độ.

Học lời Phật dạy “không khinh người chưa học”, ta thấy lòng từ bi thật rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống của Phật được thể hiện rõ nét trong mọi trường hợp.

Lời dạy này cũng có ý nghĩa với hạnh vô ngã, vị tha,như Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa

14- Thực hành tâm bình đẳng là khó

Theo Phật giáo, mọi con người phải có giá trị ngang nhau khi người ta hoàn thiện đạo đức. Chỉ có đạo đức mới phân định chính xác giá trị, nhân phẩm con người. Giai cấp, địa vị, sự sang trọng, quyền uy, thế lực… tất cả những thứ này đức Phật đều phủ nhận để đề cao bình đẳng. Hơn thế nữa giá trị bình đẳng cao nhất trong Phật giáo là Phật tánh, là tánh biết sáng suốt của mọi người, ai cũng có khả năng quay lại chính mình để trở thành con người có trí tuệ và từ bi viên mãn. Phật tánh không phải chỉ có trong loài người mà có cả trong các loài có tình thức. Tất cả chúng sinh đều tiềm tàng một năng lực sáng suốt là tánh biết của mình.

15- Chẳng nói phải trái là khó

Sự việc sẽ càng phức tạp khi ta lời qua tiếng lại để tranh chấp việc đúng sai, phải trái. Dù ta đúng hay sai, nếu cố biện minh, cố làm sáng tỏ vấn đề bằng tranh luận hơn thua thì chỉ càng làm mọi chuyện trở nên rắc rối, trầm trọng hơn.

Thiền sư Vua Trần Thái Tông nói về thị phi, phải trái như sau:

Phải trái rụng theo hoa buổi sớm.
Danh lợi lạnh với trận mưa đêm.
Hoa tàn mưa tạnh non im vắng.
Xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim. (HT. Thích Thanh Từ dịch)

16- Gặp được thiện tri thức là khó

Thiện tri thức là những người bạn lành, bạn tốt giúp ta nâng cao trình độ hiểu biết, biết cách tiếp cận những lời dạy chân lý của Đức Phật.

Ở đời, thầy lành bạn tốt dễ gì gặp và khi gặp làm sao phân biệt được? Làm sao chúng ta có thể biết người đó là Thiện hữu tri thức? Phương cách duy nhất là thân cận, tiếp xúc lâu ngày với người đó, sống với người đó trong những hoàn cảnh khó khăn, nghe người đó nói năng, luận bàn thì ta mới có thể thấy được đức hạnh, trí tuệ và sự chứng đắc của người ấy.

Vì vậy, chúng ta phải sáng suốt chọn thầy lành, bạn tốt thì quá trình tu tập của ta mới có thể thành tựu viên mãn trong tương lai.

17- Học đạo, kiến tánh là khó

Học Đạo mà có thể minh tâm kiến tánh không phải là một điều dễ vì phải điều phục Tâm mình không phóng dật và buông lung, lại phải thấy ra được thực tánh của chính mình rất chân thậ,t không phải do các ảo tưởng của bản ngã điều khiển vậy.

18- Tùy duyên hóa độ là khó

Phải biết tuỳ duyên vận dụng nhuần nhuyễn, hợp lý, hợp tình, biết được căn cơ của mọi người nhờ biết được điều kiện nhân duyên và căn cơ, trình độ của mỗi người mà chúng ta có thể giúp đỡ để họ chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc. Làm sao dùng được tứ nhiếp pháp ( bố thí , ái ngữ lời hành đồng sự ) phải tuỳ vào tình thương và trí tuệ . Tùy duyên mà vẫn giữ được mục đích và bản chất của nó ta thường gọi là tùy duyên mà không bị biến đổi.

19- Thấy cảnh vô tâm là khó

Vô tâm là hoàn toàn an nhiên, tự tại, giải thoát. Không động tâm là bước đầu để đạt đến vô tâm. Khi ta còn động tâm thì không thể nào thành tựu được vô tâm hoàn toàn trước cảnh trần.

Người tu đạo giác ngộ, giải thoát phải từng bước huấn luyện cho tâm mình không dao động trước mỗi hoàn cảnh. Do đó mọi sự tiếp xúc ta phải tập làm chủ trực tiếp từ sáu căn là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý., để không bị không dính mắc,không động tâm sẽ dẫn đến vô tâm. Mà Vô tâm , là tự tại, giải thoát và thường biết rõ ràng.

20- Khéo biết phương tiện độ sinh là khó

Có phương tiện thiện xảo thì chúng ta mới có thể tùy duyên hóa độ. Vận dụng nhuần nhuyễn phương tiện khế lý, khế cơ thì tùy duyên hóa độ sẽ hoàn bị chu tất. Phương tiện và tùy duyên hóa độ là hai phần được liên kết với nhau rất chặt chẽ trong việc độ sinh

Quả thật qua 20 điều khó này,có lẽ chúng ta phải chiêm nghiệm và tư duy trong từng mỗi thời, mỗi lúc trong cuộc đời qua từng giai đoạn, từng hoàn cảnh không riêng cho người tại gia và xuất gia.

Xin tặng bạn những điều đã học và chiêm nghiệm Từ kinh Tứ Thập Nhị Chương để nhận thấy được trách nhiệm bổn phận của Người Phật Tử trong thời công nghệ số này, không những phải làm cho Chánh pháp trường tồn mà còn phải cúng dường hộ trì Tam bảo, hoằng pháp lợi sinh.

Kính trân trọng,

Có bao giờ bạn nghĩ đến …
Độ dầy, mỏng của nghiệp chướng tiền kiếp?
Trong 20 điều khó, được điều nào đã vượt qua
Quán chiếu mọi việc trong Đời, Đạo đã diễn ra
Biết tuỳ duyên chuyển hóa theo tinh thần tích cực !

Qua lời dạy Đức Phật giúp ta ý thức
Trên đường tu tập cần bền bỉ , vững vàng
May mắn thay chánh pháp vẫn hiện hữu thế gian
Nhưng chỗ dựa tâm linh….
tuỳ vào thiện hữu có phạm hạnh, trí tuệ!
Để được minh tâm kiến tánh không là chuyện dễ !
Vì bản chất nội tâm luôn biến động mãi hoài
Hình thành từng khoảnh khắc do mắt với tai
Qua thái độ ngã mạn, ảo tưởng bản ngã!
Thôi , hãy dừng đi tìm hoàn thiện để rồi bất khả
Bài học sâu sắc khi học Tứ Thập Nhị Chương
Nếu có chí cầu tiến thì…..
Chẳng khoe kiến văn, chẳng bị sắc dục đắm vương
Dùng phương tiện thiện xảo, xử lý mọi tình huống
Quyết sửa được, làm được, tu được … không gì muộn !!!

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.