Tại Việt Nam người ta hay nhắc đến Ngũ Hành Sơn, một danh lam thắng cảnh của tỉnh Quảng Nam, mà người dân đất Quảng không nhiều, thì ít ra một lần, trong đời mình, đặt chân đến viếng thăm 5 cụm núi Ngũ Hành, một di tích văn hóa lịch sử của đất nước.
Khách đến thăm Ngũ Hành Sơn đầu tiên không khỏi ngạc nhiên về cảnh trí thiên nhiên kỳ lạ, diễn ra như một bức tranh thủy mạc của Trung Hoa, đầy đủ sơn thủy, xuất hiện trên bãi Đà Nẳng, làm cho du khách phải chóa mắt, và gieo cảm tưởng như mình trở về với thiên nhiên, tự mình trở về với thiên nhiên, tự mình không làm sao nhận chân phong cảnh trước mắt để thưởng thức hết sắc đẹp của nước non nầy.
Ngũ Hành Sơn là một cụm năm hòn đá, cách thành phố Đà Nẳng chừng 6 cây số về phía Đông Nam, tọa lạc trên một bãi cát mênh mông nằm sát bờ biển, thuốc ấp Sơn Thủy, làng Hòa Khuê, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Cụm núi nầy có năm hòn mang đủ tên Ngũ Hành: hòn Kim, hòn Mộc, hòn Thủy, hòn Hỏa, hòn Thổ. Cách phân bố trong quần thể Ngũ Hành Sơn không theo một sự sắp đặt nào, hay một hệ thống kiến trúc nào, nhưng mỗi cụm mang một sự tích riêng của nó, những cụm cẩm thạch già cỗi, gieo rắc đầy huyền thoại. Năm cụm núi trải dài trên một diện tích trên 3 cây số vuông tiếp giáp với các cồn cát, mở ra cửa biển.
Kim Sơn là hòn núi khiêm tốn nhất trong cụm 5 hòn, bị hòn Hỏa Sơn cao và khum khum mọc phía sau, để án ngữ về phía Nam, đây là một cụm núi tọa lạc về phía Tây, vì nó thuộc về hành Kim, có vách núi dựng đứng từng tầng, không có thảo mộc sinh sản, phía Đông núi có cỏ mọc xanh, các dây leo bám sát trong lòng núi đá, và chân núi tiếp giáp với bãi cát rộng, trên ấy có nhà của dân chúng ở, cùng ngôi chợ của xã Hòa Quế họp mỗi ngày…
Hòn Thổ Sơn nằm về phía Tây Bắc, cách Kim Sơn vài chục thước, có hình dáng một ngôi tháp, mà các cạnh không đều nhau, địa chất chẳng có gì lạ, trừ các mãng đá vôi trộn lẫn với đất sét đỏ, trên sườn núi, có một số miệng hang động, và có một số suối nước chảy ngầm dưới đất.
Hòn Hỏa Sơn là cụm núi, hướng về phía Tây Nam, đỉnh cao dựng đứng mạnh bạo trong tư thế chồm tới, chân núi chài ra, nhiều tảng đá khổng lồ dựng nghiêng nhô ra trên sườn, chia ra hai phần nhỏ theo âm dương, thành Âm Hỏa Sơn có Công Chúa con vua Gia Long tu tập, và Dương Hỏa Sơn, mà bên trong có chứa nhiều tẩng đá cẩm thạch đầy màu sắc: hồng, xám trắng, có đường vân chạy chi chít, rất thuận tiện cho việc khai thác kỹ nghệ đá, có ba đại tự “Phổ Đà Sơn” của vua Minh Mạng khắc trên bia gắn trong vách núi.
Hòn Thủy Sơn hướng về phía Bắc, thuộc màu đen là màu của nước biển. Do lệnh của Triều Đình Huế, sắc lệnh rằng hòn Thủy Sơn là hòn núi của quốc gia, vì tất cả chùa chiền, hang động, nơi thờ tự được quy tụ trong hòn núi nầy, nên người dân thường gọi nôm na là HÒN NON NƯỚC, một mục tiêu hành hương của các vị vua chúa, hoàng tộc, và cũng tại nơi đây, người ta thường kéo nhau đến để thề thốt trước bàn thờ các vị Thần Linh, và cũng là nơi người ta đến để cầu khẩn sinh con, cầu xin danh vọng và thịnh vượng cho gia tộc. Hòn Thủy Sơn chiếm một diện tích 5 hecta, là hòn núi được khách du lịch thăm viếng nhiều nhất trong 5 hòn, lần trước theo những cấp bậc đá, quanh co bên sườn, đếm đủ số 108 bậc, theo con số trong kinh Phật. Thảo mộc ở đây rất thưa thớt, nghèo nàn, từ sườn lên đỉnh, có 3 ngọn núi, mang tên là Tam Thai Sơn, và ngôi chùa trên ấy được đặt tên là Chùa Tam Thai. Xây về phía Tây. Chiều dài của Thủy Sơn chạy thẳng về hướng Bắc, kéo dài đến mỏn núi Sơn Chà, tạo một bình phong, chấn hướng Tây Bắc của thành phố Đà Nẳng. Trên hòn Thủy Sơn có thêm ngôi chùa Linh Ứng, cuối một sân nhỏ, đưa tới một hành lang xanh đá gách, nhìn ra biển. Chùa nầy lúc trước mang tên là Chơn Ứng nghĩa là ứng đích thực, sau do vua Minh mạng đặt lại là Linh ứng vì chủ Chơn phạm úy một vị trong hoàng gia. Trong chùa nầy có thờ Tam Thế Phật: Di Đà (quá khứ), Thích Ca (hiện tại), và Di Lặc (tương lai). Hai bên có tượng của hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Các bàn thờ được đục lõm ngay trong sườn đá, có cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, 18 vị La Hán và tượng lớn của hai ông Thiện và ông Ác, đứng hầu hai bên. Sau chùa Linh Ứng là động Tàng Chơn, thông qua một cửa đá, đi vào một hành lang ngắn, vào đến các liêu tẩm phụ của chùa, có thờ tượng Thái Thượng Lão Quân và tượng Chàm của Thánh Mẫu Tiên Thiên A-Na Chúa Ngọc. Khi bước lên cao, một lối quẹo rẽ bên trái có các bậc đá dẫn lên cao lần, đến một mặt bằng nhỏ hẹp, biệt lập, có một bia đá lớn mang ban chủ “VỌNG HẢI ĐÀI” do vua Minh Mạng cho dựng từ năm 1837, đứng đây, phóng tầm nhìn xa, bao quát cả cảnh từ trên cao, xuống các bãi cát vàng ngó ra biển mênh mông. Vọng Hải Đài ngự trị một góc núi đá, nơi đó mở ra một lối âm u mờ mịt dẫn xuống Địa Ngục, mà ta thường gọi là Hang Âm Phủ. Dưới bức tường đá dựng nghiêng nghiêng các tường vách chen chúc với các bụi cây con và rêu phong bám kín, hai bên có những loại cây mọc trong bóng tối, đi vào 30 mét nữa, đến một phòng cao, các phiến đá chẻ ra, dẫn vào một vòm cao, có một lỗ nhỏ, xung quanh có những cột đá cao, và dưới một cột trụ, một miệng giếng lộ ra trên sườn đá.
Trong một cuộc du hành của vua Minh mạng, Ngài đã từng viếng địa ngục nầy và muốn thám sát, nên sai một tốp 12 lính triều đình, đốt đuốc, trèo xuống hang sâu để xem xét. Toán trinh sát xuống địa huyệt khá lâu, luồn lách qua các ngõ ngách, không tiến xa được nũa vì thiếu hơi thở, nên đành phải lên tâu lại, vì bất lực. Vua muốn trắc nghiệm độ sâu của hố, nên cho nếm xuống một số trái bưởi trên ấy có ghi danh hiệu nhà vua, và ngày hôm sau, lính tuần phòng báo cáo lên vua biết đã phát hiện những quả bưởi ném hôm qua xuống hang, đều năm phơi trên cát biển, như vậy người ta đoán rằng có một đường ngầm dưới lòng đất ăn thông ra biển, qua nước thủy triều.
Hòn Mộc Sơn có vị trí quay về hướng Đông, nằm song song với hòn Thủy Sơn. Tuy mang tên là Mộc, nhưng ngọn núi ấy có rất ít cây cối, chỉ có đá lỡm chởm. Cát biển phủ quanh phía Nam và phía Đông của chân núi. Phía Bắc có một ít đất để dân làng trồng chọt, chen với các ruộng lúa, và chính trong đồng bằng nầy mọc lên những tháp mộ của các vị Hòa Thượng và Trù Trì của các chùa trên các ngọn núi. Trên triền núi cũng có những hang động nhỏ cho các người ẩn tu, trong ấy có một ni cô tu lâu mà người ta tin là có nhiều quyền lực siêu nhân, kỳ bí. Cũng có một khối cẩm thạch trắng mà người ta thường đến cúng bái và cậu nguyện vì giống hình dáng của Phật Bà Quan Âm, ngồi tỉnh tọa.
Từ trước đến nay người ta đặt cho 5 cụm núi nầy nhiều tên. Các chính quyền trước thì đặt cho nó là Ngũ Chỉ Sơn, là núi năm ngón, vì từ trên cao nhìn xuống, thì thấy như 5 ngón tay cắm xuống đất, lấy trong sự tích năm ngón tay của Phật Như Lai nhốt Tôn Ngộ Không để trị tội đã lên náo động Thiên cung. Lại có tên là Ngũ Ẩn Sơn được nghi khắc trên bia trong hòn Thủy Sơn, và tên là Phổ Đà Sơn khắc trên vách núi Hỏa Sơn. Người Pháp thì gọi núi ấy là núi Cẩm Thạch (Montagnes de Marbre), và đã ghi nhận trên bản đồ địa dư về Đông Dương. Còn người dân Quảng Nam thường gọi nó là Núi Non Nước. Và danh từ Ngũ Hành Sơn là do vua Minh Mạng đặt chính thức trong một cuộc ngự du chiêm bái vào năm 1837, có nghĩa là núi của năm yếu tố căn bản ngủ hành trong thiên nhiên, theo sách vở của Nho Giáo. Người Chàm, lúc còn ngự trị trên đất Quảng Nam, theo một truyền thuyết, đã giải thích 5 hòn núi nầy là do vỏ trứng của Thần Kim Quy nứt ra, do một ẩn sĩ tu luyện giữa bãi cát mênh mông thuật lại: Một hôm ông ta thấy Nữ Thần Naga mang đến cho ông một quả trứng để giao lại cho Thần Kim Quy cất giữ từ sông Đà Nẳng, để trừ khử ma quái quấy phá; và đổi lại, Thần Kim Quy sẽ cho lại một móng rùa. Và trứng nầy đã trở nên to lớn một cách kỳ dị. Thế rồi một hôm sau giấc ngủ say, khi tỉnh dậy, tu sĩ bổng thấy một thiếu nữ từ trong trứng bước ra, rồi vỏ trứng nứt ra làm năm mảnh, tức là năm cụm núi Ngũ Hành. Vua Chiêm Thành nghe chuyện lạ, muốn cưới thiếu nữ làm vợ, còn vị tu sĩ kia cởi Kim Quy biến ra biển cả, mất hút.
Khi nói đến Ngũ Hành Sơn, nhiếu người hay lầm lẫn với Ngũ Hành Sơn bên Trung Quốc, đã nói trong chuyện Tây Du Ký. Đó là ngọn núi nằm trong dãy Ngũ Đài Sơn và Trường Bạch Sơn chia ranh giới Trung Hoa và Tây Tạng, và cũng tại nơi nầy, khi Đường Tăng Trần Huyền Trang qua thỉnh kinh ở Thiên Trúc, đi ngang qua, được Tề Thiên Đại Thánh xin cho theo trong cuộc thỉnh kinh để chuộc tội đã đại náo Thiên cung.
Theo nghiên cứu địa chất học, thì Ngũ Hành Sơn phát xuất từ những hòn đảo gần bờ biển, bị tác dụng thủy triều bồi đắp, nối liền với lục địa, rồi bị nước mưa và sóng gió mài giũa xói mòn, tạo ra các hang động với hình thù kỳ dị, khiến cho ta liên tưởng đến bàn tay sắp đặt của Tạo hóa.