Lễ Vu Lan Chùa Hoa Nghiêm 2023

Buổi đọc kinh chiều đã chấm dứt, tất cả Phật tử đều ra về. Ban cấm hoa cùng nhau lên chánh điện trải tấm vải lớn, đem tất cả hoa và bình vào để bắt đầu làm việc.

Trong nhóm có 5 người nhưng 2 người chính cắm hoa, còn 3 người kia theo phụ. Tôi già nhất nên vui với tuổi già cùng mái tóc bạc phơ, chỉ làm các việc thật nhẹ như chuẩn bị hoa lá cho từng người trang trí.

– Trời ơi Bảy, bây giờ con mới nhìn rõ hai bàn tay Bảy, tay Bảy đẹp quá!

Cô lớn tiếng làm tôi giật mình! Nhìn 2 tay mình, hình ảnh mẹ tôi tự nhiên chợt hiện ra. Mẹ tôi là người đàn bà đẹp nhất vùng. Gia đình tôi cũng giàu nhất tỉnh. Tôi là con út nhưng tôi lại giống cha, chỉ có đôi bàn tay là giống mẹ.

Ngược dòng trở về thời xưa cũ. Ấp ủ nỗi nhớ nhung khôn cùng về mẹ, lòng tôi hanh hao nhớ đôi mắt nồng hương âu yếm của mẹ nhìn tôi chưa hề phai nhạt. Tôi rưng rưng thèm khóc nghẹn ngào, thấy cuộc đời mất mẹ như hàng cây chênh vênh cô độc bên đường, đứng vò võ trong cơn lốc tơi bời của mùa đông buốt lạnh.

Thương sao đôi bàn tay Mẹ!
Nghìn năm vẫn cứ mặn mà
Ngàn lời thơ con muốn kể
Đâu bằng Mẹ tháng ngày qua…
Xin hôn đôi bàn tay Mẹ
Bàn tay đẹp đẽ lạ thường
Sức sống vươn lên mầu nhiệm
Đong đầy tất cả yêu thương. (Như Nhiên)

Thời tiểu học tôi đã được gởi lên tỉnh học, những ngày hè và tết mới được về làng. Đêm đêm nằm gối đầu trên tay mẹ, mẹ luôn vuốt tóc tôi và tôi ghiền bàn tay mẹ sờ trên mái tóc.

Bàn tay lót chỗ con nằm
Dịu dàng ấp ủ, âm thầm sớm khuya (Như Nhiên TTT)

Cuộc sống êm đềm đã trôi qua. Năm 1975 gia đình cha mẹ và tôi đảo ngược.

Những căn nhà ở Nha Trang, Sài Gòn, Đà Lạt, những ruộng lúa, ruộng muối, đìa cá của ba mẹ tôi đều bị tịch thâu. Ba tôi mất lâu rồi, nhưng mẹ tôi thì bị đem ra đấu tố. Chồng tôi ở tù ngoài Bắc, bên tôi chỉ còn hai con nhỏ. May mắn là tôi còn có người chị chồng theo săn sóc, lo lắng thương yêu tôi.

Năm 1975 tôi rất muốn về quê sống cùng mẹ để được mẹ yêu thương nhưng mẹ nhắn vào, con cứ bám Sài Gòn mà sống. Cố gắng lên! Mẹ luôn ở bên con! Nhớ đừng về làng.

Mẹ ơi! Mẹ là con tàu
Chở con qua những nông sâu phận người
Bây giờ mẹ của con ơi
Con còn đây với những lời mẹ ru (Lê văn Trung)

Năm 1983 tôi trở về làng. Trước mặt làng tôi là biển xanh mênh mông, sau lưng là núi. Đến đầu làng, trời đã sẫm tối, nhà nhà đều lên đèn đóng cửa. Từng bước chân trên đường mà lòng ngập tràn thương nhớ. Đêm nay trăng sáng nhưng không còn tiếng cười đùa của trẻ em như ngày xưa, như ba mẹ cũng ra trước cửa nhà ngồi chơi, có nhà trúng mùa còn luộc bắp, khoai, đậu cho tụi nhỏ ăn.

Mẹ ngồi ăn trầu bên cây đèn dầu loe lét với đôi mắt sáng rực, tôi xà vào lòng mẹ, bàn tay mẹ lại vuốt tóc tôi.

– Con ăn cơm nha. Dì bảy đợi.

– Sao biết con về mà làm món của quê mình.

Dì bảy bưng lên một tô to khoai lang khô hầm cùng đường đen, có mùi gừng thơm ngát. Dì bà con ở cùng gia đình ngày tôi còn bé.

Sau khi đổi thay chế độ, nhà mình không ai được ở lại, cả vú con, người cho tôi bú vì mẹ tôi không đủ sữa. Những bữa ăn đều có người theo dõi nên mẹ con và dì ăn toàn món ăn nhà quê của làng.

– Ngày mai sẽ cho con ăn sáng là xôi bắp. Bắp khô ở nhà có sẵn sẽ hầm bỏ thêm ít nếp, khi ăn quẹt thêm đậu xanh, muối mè và những cọng dừa tươi. Còn ăn gì nữa? Bắp tươi luộc, khoai lang luộc ăn với cá khô nướng hay khoai lang chấm mật ong…vv…

– Những ổ ong nhà mình còn hở má?

– Thì vẫn còn đó, nhà mình đâu có đuổi nó đi.

Hè xưa, tôi đã thành cô thiếu nữ 18 tuổi, trở về đi một vòng nhà, lên lầu bước chân trần thấy có gì rít rít dưới chân. Sau đó mẹ khám phá ra những con ong đã làm ổ la phông trên lầu. Trần nhà làm bằng những miếng ván đóng kín lại chỉ có một ô vừa người leo lên thôi, những đàn ong làm tổ nơi đó. Mẹ tôi không lấy mật hay đuổi đi. Mật nhiều quá! Chảy xuống chỗ nào thì lấy thau hứng chỗ đó. Đàn ong vẫn tồn tại mấy chục năm, nhờ vậy mẹ có mật tẩm bổ và đổi những món ăn cần thiết, hoặc giúp dân làng.

Mẹ tôi nói có những món dân làng mới chế ra sau này, như nhà nào cũng trồng nhiều khoai lang nên làm bánh tráng khoai lang có bỏ thêm gừng, bánh tráng mít, bánh tráng xoài. Nhà mình cũng vậy, cứ đem đến lò bánh tráng ở cuối làng, họ làm chia đôi khỏi trả tiền công.

– Con muốn ăn, con muốn ăn liền.

Mẹ tôi cười, bà ngồi gần đó ôm choàng vai tôi.

– Đúng là con gái của má.

Tôi nghe tiếng vọng từ nguồn xưa:

Mẹ là nắng, mẹ là mưa
Mẹ là tiếng võng đong đưa mỗi người. (Lê văn Trung)

– Các thứ bánh đó có hai cách ăn. Ăn sống hay nướng lên. Để dì bảy con nướng cho con thử hai loại, rồi đem về Sài Gòn cho cô Năm và hai đứa nhỏ ăn thử.

Nhà còn nhiều thứ như bắp tươi trộn ít gạo, bánh tráng gạo cuốn với trứng gà luộc. Gia đình nào bị cán bộ chú ý thì ăn cơm độn sắn, khoai.

– Má và dì ăn toàn thứ con thích không hà.

Mẹ tôi lại cười.

– Thôi con đi thay đồ, lên lầu ngủ nói chuyện tiện hơn.

Tôi muốn ngủ trong lòng mẹ, mẹ như biết hết những gì tôi nghĩ.

– Tối nay con làm cái gối ôm để má ôm con.

Mẹ dịu dàng như hoa ngọc lan đêm
Ấp ủ con trong hương tình ngào ngạt
Tháng năm ghập ghềnh, dòng đời phai nhạt
Hằn lên đôi vai mẹ sắc thu vàng

Thấy con về đột ngột mẹ biết có chuyện gì rồi. Tôi kể cho mẹ nghe, chồng tôi được thả từ Bắc về. Ở Sài Gòn chỉ có một ngày và một ngày về thăm cha mẹ anh ở Mỹ Tho. Hôm sau anh lên đường vượt biên cùng con trai 12 tuổi và một em trai tôi mới kết nghĩa năm 1980, vì em không thể về nhà sau một lần vượt biên.

Hiện 3 người đã đến Úc. Tôi về để cho mẹ biết tin và thăm mẹ lần cuối trước khi tôi và con gái sẽ ra đi.

Mẹ lại cười và nói.

– Đừng lo cho má. Con cứ ra đi để có tương lai cho hai cháu. Hai cháu không được đến trường, vậy 8 năm nay ai dạy các cháu học?

– Con gái của má chứ ai. Tiếng Việt thì con dạy, còn Anh văn và toán thì thuê cô giáo má à.

– Vậy là tốt.

Tôi có một đêm thật hạnh phúc! Được mẹ ôm, được mẹ sờ lên mặt, lên tóc. Vì mẹ con tôi đều biết lần ra đi này là nghìn trùng cách biệt.

Con ngất ngây trong hạnh phúc ngọt lành
Giữa tình mẹ con thấy mình quá nhỏ
Vầng trăng kia còn khi mờ khi tỏ
Tình mẹ bao dung…SÁNG MÃI, MUÔN ĐỜI

– Ở xa con đừng có buồn! Đừng lo cho má. Má luôn ở bên con, lúc nào má cũng cầu nguyện cho gia đình con.

Hôm sau tôi ra khỏi nhà khi trời chưa sáng. Mẹ đưa tôi đến đầu làng để đón xe đi Nha Trang. Ôm mẹ lần cuối tôi khóc nhưng mẹ lại cười và chọc tôi.

– Về thăm má xách theo về một giỏ đồ ăn, nhớ chia cho cháu của má.

Tôi nghe giọt lệ mẹ cười
Nỗi đau mẹ nuốt, niềm vui mẹ giành… cho con (Lê văn Trung)

Mặt trời đã lóe tia nắng đầu ngày từ dưới mặt nước biển lên. Hình ảnh này ở làng quê tôi, hôm từ giả mẹ mà đi. Ôi mặt trời đang mọc, biển rộng mênh mông trước mặt, mẹ già. Ba hình ảnh thân yêu ngày tôi sinh ra đã nhìn thấy. Nay tôi sắp trốn chạy quê hương, thì lại hiện lên một lần sáng nay. Tôi nhìn và cảm động! Ôi quê hương! Quê hương! Tôi sẽ mất tất cả sao?

Lớn khôn cách biệt mẹ rồi
Lời ru theo vạn bước đời của con
Rủ đời, rủ đạo vuông tròn
Thiên thu tiếng mẹ hóa hồn núi sông (Như Nhiên TTT)

– Lên xe đi cô! Tiếng nói thật to của người phụ xe làm tôi giật mình. Vội ôm mẹ già rồi lên xe.

Má ơi! Con nhớ má! Đúng là má luôn ở bên con, hai bàn tay của má theo con suốt 40 năm ở xứ Úc này. Mùa Vu Lan lại về trên xứ Úc. Hôm nay là ngày 27 tháng 8 năm 2023.

Mùa đông Melbourne đang ngao du nốt thời gian còn lại, nên tiết trời đã buông lơi cơn gió luồng tê tái. Chỉ còn cái lạnh nhẹ nhàng cho hàng Phật tử tựu về chùa trong chiếc áo dài truyền thống, khoác chiếc khăn lên người hay choàng áo lạnh, vẻ đẹp thanh lịch trang phục hài hòa.

Sau ba hồi trống chuông Bát Nhã, Thầy và đoàn Tăng Ni bước ra chánh điện. Thầy Viện chủ chùa Hoa Nghiêm nói ý nghĩa, truyền thống của Phật giáo Việt Nam: một năm có 3 ngày quan trọng nhất là Phật Đản, Vu Lan và ngày tết.


Lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên cứu mẹ. Ngài đã tu luyện được nhiều phép thần thông có thể nhìn khắp đất trời, nên thấy mẹ đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày đói khổ. Với lòng hiếu thảo, Mục Kiền Liên đem cơm xuống dâng mẹ, do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm lại, không cho các cô hồn khác đến ăn, thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy nhờ hợp lực của chư Tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Sau 3 tháng an cư kiết hạ, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày rằm tháng bảy, là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng Ni cầu nguyện. Nghe những lời kinh bà đã sám hối nên tâm lìa oan khiên, lên chốn thiên đàng.

Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con có hiếu trên thế gian này. Người Phật tử phải biết mình có 4 ơn phải làm: ơn Cha Mẹ, ơn thầy tổ, ơn tổ quốc và ơn chúng sanh.

Tiếp theo các cô xướng ngôn viên yêu cầu toàn thể Phật tử đứng lên Nhập Từ Bi Quán để nhớ đến 4 ơn. Sau đó hai cô chia nhau nói về công ơn cha mẹ. Gia đình Phật tử Chánh Đạo lên hợp ca nhớ ơn ngày Vu Lan. Huệ Thường nói về ân đức sinh thành, nhất là những người xa quê hương hoài niệm về cha mẹ.

Cho dù ở bất cứ nơi đâu nhưng cứ đến ngày lễ Vu Lan, mọi cảm xúc lại đưa ta trở lại với vòng tay của cha mẹ. Nói sao cho hết được những công ơn vất vả cha mẹ đã hy sinh một đời dành cho con cái.

“Vu Lan đến, bao trái tim thổn thức
Vu Lan về, hoa hồng nở thơm hương
Vu Lan ơi! Nét đẹp thật chân thường
Cho nhân loại tìm về trong ánh đạo”

Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Dù cha mẹ còn hay đã mất thì mỗi người con đều dâng lên lòng biết ơn mẹ cha sâu lắng với tâm niệm dốc lòng hiếu đạo.

Lễ cài hoa hồng do học sinh trong trường tiểu học Phật giáo của chùa từng cặp 2 em đi với nhau. Một em đưa cái khay có đủ màu hoa hồng: trắng (mất cả cha và mẹ), hồng (mất cha) và đỏ (còn cha còn mẹ). Một em cầm hộp kim, Phật tử tự chọn màu hoa và tự cài hoa lên áo. Một Phật tử lên hát bài Bông Hồng Cài Áo, nhiều người chảy nước mắt trong giọng ca truyền cảm. Khoảng 50 đến 80 chục em trường tiểu học nhỏ xíu, lớp 1 đến lớp 6, hát bài Welcome Temple thật dễ thương.

Hoa dù trắng hay hồng đều ý nghĩa
Chỉ đượm nồng hương sắc thể Từ Bi
Cha Mẹ còn hay Cha Mẹ mất đi
Xin giữ mãi người ơi xin giữ mãi.

Có thêm 2 cô xướng ngôn viên, một cô giọng Bắc, một cô giọng Nam, tiếng Anh lưu loát, thay nhau nói về trường tiểu học Phật giáo đầu tiên của tiểu bang Victoria và Tân Tây Lan, trường đào tạo công dân tốt cho Úc, hy vọng Phật giáo sẽ có những người tiếp nối.

Lễ dâng hoa cúng Phật, 6 em mặc áo tràng cầm hoa sen múa, 6 em mặc đồng phục trường tiểu học Hoa Nghiêm cầm 6 lẳng hoa tươi. Mỗi bàn thờ Phật tổ, Quán Âm, Địa Tạng, có 2 em cùng dâng hoa cúng dường.

Tất cả Thầy, Sư Cô và Phật tử đều đứng lên tụng kinh Vu Lan.

Kiến trúc sư Lê Đình Châu báo cáo về những công việc của chùa đã và sắp làm.

Thầy Viện chủ nói Lễ Vu lan không phải là của riêng Phật giáo, mà là lễ của tất cả mọi người, vì đó là ngày nhớ ơn cha mẹ, làm người ai lại không có cha mẹ. Thầy mong rằng những người Phật tử phải thật hiếu thảo với mẹ cha. Sau đó, chùa tặng cho mỗi người đi dự lễ hôm nay một cành hoa lan tím Singapore đang vắt trên 3 bàn Phật, ai còn mẹ về tặng mẹ, ai mất mẹ thì chưng nơi bàn thờ.

Vu Lan đến bao trái tim thổn thức
Vu Lan về hoa đạo nở thơm hương
Vu Lan ơi! Nét đẹp thật chơn thường
Cho nhân loại niềm vui trong hiếu đạo.

Rồi chùa mời tất cả xuống hall dùng trưa (do Sư cô Huệ Thanh cùng ban nấu ăn đã chuẩn bị cả mấy ngày nay), và xem gia đình Chánh Đạo trình diễn văn nghệ, Vovinam múa lân.

Chúc toàn thể Phật tử mùa Vu Lan an lành hạnh phúc.

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.