Nước muối hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm họng hiệu quả
Súc miệng bằng nước muối đúng cách là biện pháp giữ gìn vệ sinh răng miệng hiệu quả. Ngoài ra, biện pháp này còn làm dịu bớt các vết loét, giảm sưng đau sau nhổ răng và giúp cho hơi thở thơm hơn.
Giảm viêm, đau họng
Theo các chuyên gia y tế, nồng độ muối trong dung dịch nước muối cao hơn nồng độ muối của tế bào trong miệng và cổ họng. Khi bạn súc miệng bằng nước muối, trạng thái thẩm thấu do sự chênh lệch nồng độ tạo ra sẽ giúp di chuyển nước ra khỏi các tế bào bị sưng, từ đó giúp giảm viêm và sưng tấy ở họng.
Giảm chứng dị ứng
Súc miệng bằng nước muối không phải là phương thức ngăn ngừa dị ứng nhưng lại có thể giúp giảm bớt những triệu chứng khó chịu ở cổ họng do dị ứng gây nên. Dị ứng do phấn hoa, thời tiết hay lông thú cưng có thể gây ngứa và sưng tấy ở cổ họng và mũi. Nước súc miệng có chứa muối có tác dụng làm tan chất nhầy gây kích ứng cổ họng, đồng thời bổ sung nước và natri cho vùng họng bị khô của “khổ chủ”.
Giảm và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
Cảm lạnh, cúm và nhiễm trùng xoang là những bệnh thường gặp thuộc nhóm nhiễm trùng đường hô hấp trên. Dung dịch muối có thể giúp làm tan chất nhầy đặc gây tắc nghẽn ở mũi và cổ họng. Nhờ đó, người bệnh gặp các triệu chứng liên quan đến xoang và hô hấp có thể giảm cảm giác khó thở, đau họng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Dự phòng Hoa Kỳ cho thấy những người súc miệng bằng nước muối ba lần một ngày trong mùa lạnh ít có khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp trên so với những người không súc miệng.
Phòng tránh viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, súc miệng bằng nước muối có hiệu quả tương đương với nước súc miệng sát trùng trong việc làm giảm mảng bám răng, màng vi khuẩn không màu hoặc vàng trên răng. Ngoài ra, nước muối cũng có công dụng vô cùng hữu hiệu trong việc tiêu diệt vi khuẩn trong miệng, từ đó giúp tăng cường sức khỏe nướu và răng, ngăn ngừa sâu răng.
Đáng chú ý, trạng thái thẩm thấu mạnh do dung dịch muối tạo ra có thể giúp hút chất lỏng dư thừa ra khỏi vùng nướu đang bị sưng tấy, làm dịu chứng viêm nướu. Bên cạnh đó, nước muối ấm cũng thúc đẩy sự lưu thông máu ở nướu, giảm sự khó chịu và đẩy nhanh quá trình lành vết thương.
Chữa viêm loét miệng, nhiệt miệng
Một nghiên cứu trên tạp chí PLOS ONE cho thấy súc miệng bằng nước muối có thể đẩy nhanh quá trình lành vết thương ở niêm mạc miệng. Trong khi nước muối ấm có thể giúp làm dịu cơn đau thì muối sẽ tiêu diệt vi khuẩn trong và xung quanh vết loét, giúp vết thương khô và lành nhanh hơn. Các chuyên gia nha khoa cho biết, ban đầu, việc súc miệng bằng muối có thể gây nhói và rát quanh vết thương. Tuy nhiên, đây là phương pháp rất hữu hiệu để loại bỏ vết loét miệng nhanh hơn.
Kháng khuẩn
Dung dịch súc miệng bằng nước muối còn được xem là dung dịch kháng khuẩn tự nhiên cho miệng. Với sự góp mặt của natri clorua, muối hoạt động như một chất khử trùng tự nhiên, phá vỡ màng tế bào vi khuẩn và ức chế sự phát triển của vi rút hoặc vi khuẩn có hại. Một lý do khác là muối có thể làm thay đổi độ pH trong miệng, khiến vi khuẩn khó tồn tại hơn trong khoang miệng.
Bạn có thể dễ dàng pha hỗn hợp nước muối để súc miệng bằng cách hòa tan nửa muỗng cà phê muối ăn với 1 cốc nước ấm để có một cốc nước muối nhạt tương đương 0.9% muối. Đầu tiên, hãy húp một ngụm lớn vào miệng. Tiếp theo, hãy ngả đầu ra phía sau và bắt đầu súc hỗn hợp quanh vị trí phía sau cổ họng 15 giây. Ngoài vị trí cổ họng, hãy súc kỹ phần miệng, phủ dung dịch lên răng, nướu. Sau đó, bạn nhổ dung dịch ra và tiếp tục lặp lại các động tác với lượng nước muối còn lại. Để đạt hiệu quả tối đa, bạn có thể thực hiện súc miệng bằng nước muối một hoặc hai lần mỗi ngày.
Những tác dụng không mong muốn khi súc miệng bằng nước muối
Việc lạm dụng súc miệng bằng nước muối quá nhiều có thể làm giảm lượng canxi cần thiết để phát triển răng khỏe mạnh. Men răng cũng có thể bị tổn hại do tiếp xúc lâu với nước muối. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ lượng lớn nước muối do vô tình nuốt phải nước súc miệng bằng muối có thể khiến cơ thể bạn rơi vào tình trạng mất nước. Đáng chú ý, lượng natri cao trong nước muối có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như huyết áp cao và bệnh tim mạch. Do đó, những người đang có những vấn đề sức khỏe liên quan cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu súc miệng bằng nước muối.