Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 1

Nhược nhất thiết pháp không 若一切法空
Vô sinh vô diệt giả 無生無滅者
Hà đoạn hà sở diệt 何斷何所滅
Nhi xưng vi Niết bàn? 而稱為涅槃

Nếu các pháp đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Có gì đoạn và diệt
Mà gọi là Niết bàn?

Đó là câu hỏi của một người đứng ở ngoài: Quý vị chủ trương không sinh cũng không diệt, tại sao quý vị còn nói về Niết bàn? Một ngọn lửa đang cháy, khi nó tắt đi thì gọi là diệt, đó là Niết bàn. Một mặt quý vị nói các pháp không sinh không diệt, còn một mặt quý vị nói là có diệt. Như vậy là quý vị mâu thuẫn với nhau!

Nhược nhất thiết pháp không 
Vô sinh vô diệt giả
Hà đoạn hà sở diệt
Nhi xưng vi Niết bàn?

Nếu tất cả các pháp đều là không, không sinh cũng không diệt thì cái gì có thể đoạn, cái gì có thể diệt được để chủ trương có cái gọi là Niết bàn? Đó là một câu hỏi căn cứ trên một lý luận rất xác thật! Từ hồi mười bốn, mười lăm tuổi tôi đã đọc về Niết bàn. Tôi nghe người ta nói Niết bàn là cái mà ta không thể nói tới được! Tôi cứ tin như vậy. Câu nói đó có một phần đúng. Có những cái mà ta phải trực tiếp kinh nghiệm mới biết được. Ta phải tới để thấy, để trực tiếp tiếp xúc thì ta mới biết nó là cái gì, chứ có nói cách mấy ta cũng không thể hiểu được. Đừng nói tới cái gì sâu xa lắm, ví dụ như trái quít chẳng hạn. Đối với một người chưa bao giờ thấy trái quít, chưa bao giờ bóc vỏ quít để ngửi, chưa bao giờ bỏ một múi quít vào miệng thì dù có nói cách gì đi nữa thì người đó cũng không có thể có một ý niệm chính xác về trái quít.

Cho rằng chúng ta không thể nói gì hết về Niết bàn, là đúng. Trong các truyền thống khác như Cơ Đốc giáo, người ta nói: Thượng Đế là gì? Chúng ta không thể nói gì về Thượng Đế, Thượng Đế chỉ có thể chứng nghiệm trực tiếp được thôi! Cũng cùng một nghĩa đó, thần học là một môn chuyên nói về Thượng Đế. Nếu không thể nói về Thượng Đế thì nên dẹp môn Thần học và đừng lập những đại chủng viện để dạy Thần học. Một mặt thì nói không thể nói gì về Thượng Đế, một mặt thì lập đại chủng viện, tiểu chủng viện để dạy về Thượng Đế và viết bao nhiêu là sách về Thượng Đế, có phải là ngược với nhau hay không?

Khi lớn lên, tôi suy nghĩ chín chắn hơn. Tôi thấy rằng, nếu nói cho khéo, chúng ta vẫn có thể nói được về Niết bàn, thì người ta sẽ không bị kẹt vào những điều mình nói. Cả người nói và người nghe đều khôn ngoan, không bị kẹt. Người nói không giăng ra cái bẫy và người nghe không bị kẹt vào bẫy. Trong khi nói và trong khi nghe, ta có được sự chỉ dẫn để làm thế nào có thể tiếp xúc được với Niết bàn. Ta nói: Anh chưa ăn quít hả? Anh phải biết nó nhỏ như vầy, màu cam, anh ra chợ thì có thể mua được. Tuy không phải là trái quít, nhưng đó là những lời chỉ dẫn để ta có thể đi tới trái quít và nhận diện ra nó. Những lời chỉ dẫn cũng có lợi ích. Nói cho khéo, nghe cho khéo thì cả hai bên đều không bị kẹt, một bên không giăng bẫy và một bên không bị sập bẫy và sử dụng được lời chỉ dẫn để đi tìm Niết bàn.

Trung Quán Luận cũng vậy. Trung Quán Luận biết là không thể nào nói được về thực tại tối hậu. Nhưng sử dụng ngôn ngữ cho khéo như ông phù thủy sử dụng âm binh thì có thể tạo ra phép lạ, giúp người ta lấy đi những khái niệm, những ý niệm sai lầm về thực tại. Chương này, cũng như những chương khác của Trung Quán Luận, dùng những ảo thuật của ngôn từ để giúp cho chúng ta đi tới được. Chúng ta đừng nên vướng vào đó. Trong kinh nói, tất cả những giáo lý của Đức Thế Tôn dạy đều như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay tuy không phải là mặt trăng, nhưng nhờ vào ngón tay mà ta thấy được mặt trăng. Nếu nắm ngón tay mà cho là mặt trăng là bị kẹt. Người đưa ngón tay ra không khôn khéo, người đó “giăng bẫy”. Người nắm lấy ngón tay cho là mặt trăng, người đó “bị sập bẫy”. Cả hai bên đều hỏng. Người nói và người nghe đều phải khôn khéo. Đừng nhìn vào ngón tay mà phải nhìn lên thì khôn khéo hơn, con mắt nhìn lên thì không cho ngón tay là mặt trăng. Tiêu nguyệt chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng.

Tất cả lý luận của thầy Long Thọ là những phương tiện khéo léo để giúp chúng ta chứng nghiệm được cái đó, dù cái đó không thể nói, không thể diễn bày được bằng ngôn ngữ. Về trí tuệ của Bụt, về Niết bàn hay về những cái không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được, ta cũng có thể dùng ngôn ngữ để giúp người ta thoát khỏi những ý niệm mà họ có về Bụt, về Niết bàn. Đó là những phép ảo thuật về ngôn ngữ mà thầy Long Thọ là một người có rất nhiều tài năng.

Niết bàn, tiếng Anh là extinction, tức là sự dập tắt, như hình ảnh của một ngọn lửa bị dập tắt. Niết bàn là mục tiêu tối thượng của người thực tập, của hành giả. Có thể nói, mục đích tối hậu của sự tu học là đạt được Niết bàn, cũng như mục tiêu tối hậu của bên Cơ đốc giáo là về với Chúa, ngồi dưới chân Chúa. Có người đặt nghi vấn: Giả dụ, ta tin vào Thiên đường, tin vào Chúa; nhưng nếu Thiên đường không có, Chúa không có thì có phải là ta lỗ hay không? Ta đầu tư, ta đem hết cuộc đời, tất cả năng lượng đầu tư vào một cái không có thì có phải là lỗ không? Giống như khi đánh bạc, trúng thì ta lời to, thua thì ta mất hết. Như vậy Thần học có phải là một ván cờ hay không? Có một nhà thần học nói: Cứ tin đi! Nếu có Chúa, có Thiên đường thì ta về. Nếu không có thì thôi, ta đâu có mất gì đâu! Nếu ta không tin mà giả sử nó có thì uổng biết mấy! Thà rằng tin thì hay hơn! Trong lý luận đó có một cái gì tội nghiệp.

Nếu đem áp dụng lý luận đó trong Phật giáo thì như thế nào? Niết bàn là cái có thiệt hay là cái do mình tưởng tượng ra? Ta đem cả cuộc đời ta đi về hướng đó, rốt cuộc Niết bàn không có thì có phải là uổng công không? Người ta đặt câu hỏi: Niết bàn có hay không có? Niết bàn là một thực tại hay chỉ là một ý niệm, một mong ước, là sự tưởng tượng của những người đau khổ đang muốn tìm tới chỗ mà họ nghĩ là không có đau khổ?

Nhưng trong giáo lý đạo Bụt, chữ Niết bàn có nghĩa là vượt thoát có và không. Niết bàn không phải có cũng không phải không. Sự nghi ngờ trong trường hợp này đặt ra không đúng như trong trường hợp Thiên đường và Thượng đế. Nói Niết bàn có là sai lầm. Chính đạo Bụt nói như vậy, tại vì Niết bàn vượt ra khỏi ý niệm có. Nói Niết bàn là không có cũng sai lầm, tại vì Niết bàn vượt ra khỏi ý niệm không. Hai chữ “có, không” không thể nào diễn tả được Niết bàn. Niết bàn không phải có cũng không phải không. Ta là cái đang có mà Niết bàn cũng là cái đang có, tức là một cái có đang đi vào một cái có? Nếu ta là có mà Niết bàn là không, tức là một cái có đang đi vào một cái không có, như vậy có phải là uổng công không? Nếu có óc buôn bán thì ta phải đặt vấn đề là: Tôi phải biết chắc là Niết bàn có rồi tôi mới tu. Tu rồi, lỡ Niết bàn không có thì có phải là lỗ vốn không? Đó là lý luận của các nhà buôn. Nhưng ngay từ lúc đầu ta đã hiểu, Niết bàn là sự vắng mặt của ý niệm có và không. Đòi hỏi Niết bàn phải có là sai ngay từ lúc ban đầu.

Có một nhà thần học cận đại, người Đức, tên là Paul Tillich, đã tuyên bố trong một cuốn sách của ông: Thượng Đế là nền tảng của hữu thể! (God is the ground of Being!). Tất cả những gì đang có như sông, núi, cỏ cây, đất đá, con người, loài vật, thời gian, không gian, đều thuộc về hữu thể (being, être). Đứng về phương diện Trung đạo, ý niệm về hữu thể chỉ có thể sinh khởi từ ý niệm về vô thể. Hữu thể (être, being) là ngược lại với vô thể (non-être, non-being). Hữu thể khác với vô thể như tay mặt khác với tay trái. Hễ có hữu thể thì có vô thể. Không có vô thể thì làm sao có hữu thể? Câu hỏi đặt ra là: Nếu Thượng đế là nền tảng của hữu thể thì cái gì là nền tảng của vô thể? Vậy thì, Thượng đế có phải là tất cả hay Thượng đế chỉ là nền tảng của phân nửa thôi (being), còn phân nửa kia (non-being) thì Thượng đế không làm nền tảng được? Ngay về phương diện ngôn ngữ, câu nói đó đã có sự sai lầm rồi. Ngày mai có thể sẽ có một nhà thần học Cơ đốc tuyên bố một câu khác: Thượng đế là nền tảng của hữu thể và vô thể! Ý niệm về hữu thể làm sao có thể thành lập được nếu không có ý niệm về vô thể, cũng như ý niệm về tay trái làm sao có thể thành lập được nếu không có ý niệm về tay phải?

Bốn câu của bài kệ mở đầu chương hai mươi lăm như là một appéritif (món khai vị) để quý vị có thể thưởng thức được những trò ảo thuật (magic show) của thầy Long Thọ. Và đây là câu trả lời của thầy:

Bài kệ 2

Nhược chư pháp bất không 若諸法不空
Tắc vô sinh vô diệt 則無生無滅
Hà đoạn hà sở diệt 何斷何所滅
Nhi xưng vi Niết bàn? 而稱為涅槃

Nếu các pháp chẳng không
Thì không sinh không diệt.
Có gì đoạn và diệt
Mà nói tới Niết bàn?

Bài kệ thứ hai giống hệt như bài kệ thứ nhất và đối nhau chan chát với bài kệ thứ nhất. Đối phương nói: Nếu các pháp là không thì nó không sinh không diệt, làm sao mà nói tới Niết bàn? Chủ ý của địch thủ nói: Quý vị nói “các pháp là không” là không đúng. Các vị chỉ có quyền nói tới Niết bàn khi các vị công nhận các pháp là có. Có có thì mới có diệt. Nếu các pháp là không thì làm sao có diệt? Chủ trương của quý vị không đúng. Các pháp có thì Niết bàn mới có nghĩa. Các pháp là không thì không sinh cũng không diệt, có gì đoạn và diệt mà quý vị nói tới Niết bàn. Như vậy là quý vị sai, quý vị phải chủ trương các pháp là có.

Thầy Long Thọ đối lại: Nếu các pháp không phải không (bất không) tức các pháp là có, thì nó cũng không sinh không diệt. Vậy thì có cái gì đoạn và diệt để có thể nói về Niết bàn? Nếu các pháp thật có thì nó có hoài, không thể nào tiêu diệt được. Nó có thật thể, có tự tánh (permanent entity) thì nó cũng bất sinh bất diệt. Vậy thì cái gì đoạn, cái gì diệt mà có thể nói tới Niết bàn? Thầy Long Thọ dùng ngay chữ của đối phương để trả lời. Đối phương nói: Nếu các pháp không thì làm sao có Niết bàn? Thầy Long Thọ trả lời: Nếu các pháp là có thì làm sao có Niết bàn? Thầy xô người ta ngã liền lập tức bằng một chữ thôi. Bất không có nghĩa là có, mà có thì không thể nào trở thành không được.

Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay?
(Vũ Hoàng Chương)

Có là phải có hoài, có là có tự tánh. Nếu nó tiêu diệt thì nó không thật sự có tự tánh. Đả phá quan niệm về không rồi, thầy Long Thọ đả phá luôn quan niệm về có. Quan niệm về Niết bàn không đi đôi với quan niệm về không mà cũng không đi đôi với quan niệm về có.

Nếu đọc bài kệ trên với trái tim, chúng ta có thể hiểu được những cái có liên hệ tới những khổ đau, lo lắng của mình. Chúng ta có một người thân đang hấp hối. Chúng ta nghĩ rằng, người thân đó đang từ có trở thành không. Nhưng nếu thực chứng được bản thể của sự vật thì ta không còn đau xót nữa.

Nếu các pháp đều không
Không sinh cũng không diệt
Có gì đoạn và diệt
Mà gọi là Niết bàn?

Bài kệ thứ nhất nói: Nếu quý vị chủ trương các pháp đều là không thì nó không sinh cũng không diệt, mà nếu không sinh không diệt thì tại sao lại nói tới đoạn và diệt? Ý niệm về Niết bàn của quý vị vì vậy không đứng vững được. Bài kệ thứ hai chỉ sửa một chữ thôi: Nếu quý vị nói các pháp không phải không tức là nó thật sự có, thì nó cũng không có sinh không có diệt. Vậy thì ý niệm về đoạn, về diệt không thể có, và ý niệm về Niết bàn cũng không có được. Bây giờ chúng ta đi tới chủ trương của đạo Bụt:

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.