Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 3

Vô đắc diệc vô chí 無得亦無至
Bất đoạn diệc bất thường 不斷亦不常
Bất sinh diệc bất diệt 不生亦不滅
Thị thuyết danh Niết bàn. 是說名涅槃

Không đắc cũng không tới
Không đoạn cũng không thường
Không sinh cũng không diệt
Đó gọi là Niết bàn.

Bài này cho người ta biết Niết bàn mà đạo Bụt đang nói tới có ý nghĩa gì. Niết bàn nghĩa là sự dập tắt của tất cả mọi ý niệm. Nó không phải là sự dập tắt của hiện hữu mà là sự dập tắt của những ý niệm của ta về hiện hữu.

Vô đắc có nghĩa là, không phải từ không mà trở thành có. Ta không có đứa con nào hết, bây giờ tự nhiên ta có đứa con. Ta đặt câu hỏi: Đứa con từ đâu tới? Đạo Bụt trả lời: Nó không từ đâu tới hết. Đó gọi là vô chí hay vô lai. Chí là tới; vô chí là không từ đâu tới (vô lai) và cũng không đi về đâu (vô khứ), tiếng Anh là no coming, no going. Vô khứ vô lai là một thực tại. Vô đắc cũng có nghĩa là vô thất, tức là không được cũng không mất. Thật tại Niết bàn là thật tại vượt thoát tất cả những ý niệm về được và mất.

Trong đạo Bụt, ý niệm được và mất là ý niệm không dính gì tới sự thật. Từ đâu tới và sẽ đi về đâu là một ý niệm. Tự nhiên từ chỗ không có ta có, rồi từ chỗ có ta đi tới chỗ không có. Đó gọi là đắc và chí. Vô đắc và vô chí là đặc tính của Niết bàn.

Bất đoạn diệc bất thường

Thường là hữu thể; hữu thể không thể nào trở thành vô thể. Đoạn là vô thể (non-être), vô thể vĩnh viễn là vô thể, không thể nào trở thành hữu thể (être). Thường là một ý niệm, tiếng Anh dịch là eternalism. Đoạn là anihilation, tức là sự tiêu diệt hoàn toàn. Thực tại của Niết bàn vượt ra khỏi ý niệm thường và đoạn, được và mất, tới và đi.

Bất sinh diệc bất diệt

Sinh là ý niệm từ không mà trở thành có và diệt là ý niệm từ có mà trở thành không. Bất sinh diệc bất diệt, tiếng Anh dịch là no birth no death. Cái “không tới cũng không đi, không được cũng không mất, không đoạn cũng không thường, không sinh cũng không diệt ”, cái đó gọi là Niết bàn. Vì vậy chúng ta nói Niết bàn có hay không có thì rất buồn cười. Nói Niết bàn có là trật mà nói Niết bàn là không cũng trật, vì ý niệm có-không không áp dụng được cho Niết bàn. Khi nói “tôi không biết chắc là có Niết bàn nên tôi không tu” thì rất buồn cười. Đem ý niệm có hay không đi tìm Niết bàn thì chúng ta không bao giờ tìm thấy được.

Trong kinh Pháp Hoa có ý niệm tích môn và bản môn. Đứng về phương diện tích môn, tức là phương diện sóng, ta thấy có sinh có diệt, có đợt sóng cao, có đợt sóng thấp, có còn có mất. Nhưng khi đi qua bình diện bản môn, tức là bình diện nước, thì những ý niệm như sinh diệt, có không, đợt sóng này, đợt sóng kia, cao hay thấp không còn nữa. Hãy tưởng tượng một đợt sóng đang sợ hãi, đau khổ, lo lắng, ganh tị, đợt sóng đó đang đi tìm một cõi an lành. Người ta nói với nó: “Cái mà em đang đi tìm đó là nước. Khi em biết em là nước rồi thì em sẽ không còn sợ lên xuống, lớn nhỏ, đẹp xấu nữa”. Đó là một ví dụ, là một ngón tay chỉ mặt trăng thôi!

Niết bàn giống như nước. Hữu thể và vô thể mà ta đang nói tới giống như những đợt sóng và nước. Sự thật, đợt sóng không cần phải đi tìm nước tại vì bản thân của nó đã là nước rồi. Chúng ta cũng vậy, Niết bàn là tự tánh của ta, bất sinh, bất diệt, vô khứ, vô lai. Ta đang nằm ngay trong Niết bàn. Niết bàn không phải là cái ta đi kiếm. Đặt vấn đề “Niết bàn có hay không có” và đặt vấn đề đi tìm để “đạt được, chứng được, đắc được Niết bàn” là sai lầm. Quan niệm đó rất ngây thơ, giống như đợt sóng đi tìm nước. Đợt sóng đã là nước rồi mà còn đi tìm nước làm gì nữa? Đó là vô đắc (no obtaintion). Trong kinh có nói, chứng cái vô chứng, đắc cái vô đắc là như vậy, là đạt tới cái không cần đạt, chứng cái không cần chứng, tại vì ta chính là cái đó rồi.

Ví dụ như chúng ta có một ống kính vạn hoa (kaleidoscope). Trong kính vạn hoa có mấy tấm kính và một mớ giấy màu. Lắc một cái, ta thấy có một hệ thống màu sắc hiện ra rất đẹp. Lắc một cái nữa thì hệ thống đó biến mất và một hệ thống khác biểu hiện ra rất đẹp. Một đứa con nít cứ say mê lắc, cái nào biểu hiện ra cũng đẹp. Đứa con nít không có sự tiếc nuối tại vì không có cái đẹp này thì có cái đẹp khác. Có sự phân biệt giữa hình này và hình khác nhưng các hình tướng ta thấy đó đều phát hiện ra từ những mảnh giấy trong đó. Các mảnh giấy là bản môn, các hình tướng biểu hiện ra là tích môn. Nếu biết tất cả là do từ bản môn mà biểu hiện thì sự sinh diệt, còn mất của tích môn không còn động được tới ta.

Một đám mây đi tìm nước. Làm nước thì khỏe còn làm đám mây mệt lắm! Đám mây bị thổi đến chỗ này chỗ kia, rồi mai mốt phải chết, vì vậy nó đi tìm nước. Nhưng nó đâu cần phải đi tìm tại vì nó là nước rồi. Tự tánh của đám mây là nước. Đám mây gặp khí lạnh thì thành tuyết, tuy không còn hình dáng của đám mây nhưng nó vẫn tiếp tục là nước. Khi đám mây thành mưa hay thành nước đá cũng vậy. Đó là những ví dụ liên tiếp đưa ra để chúng ta hiểu chứ không phải để chúng ta bị kẹt vào đó.

Khi Đức Thế Tôn dạy, Ngài dùng rất nhiều ví dụ. Ngài có nói: Những người thông minh nhờ ví dụ mà hiểu được, còn những người không thông minh thì bị kẹt vào ví dụ đó. Khi đám mây chứng nghiệm nó là nước rồi thì nó hết lo sợ. Nó thấy làm mây cũng vui mà làm mưa cũng vui, làm nước đá hay làm tuyết cũng vui, nhởn nhơ vậy thôi. Con người có những lo lắng, sợ hãi, kỳ thị, ghen tuông là do ta không ý thức được, không chứng nghiệm được ta là Niết bàn. Nếu tiếp xúc được với thực tại của ta, gọi là Niết bàn, tức là thực tại không sinh không diệt, không tới không đi, không thường không đoạn, thì tất cả những lo sợ, những sầu đau, những ganh tị của ta biến mất. Chuyện đó chúng ta có thể làm được. Bậc giác ngộ là bậc đã thức tỉnh và đã thấy được nền tảng của ta là Niết bàn, do đó lên cũng vui mà xuống cũng vui, ra cũng vui mà vào cũng vui. Một bậc đạt đạo được diễn tả như một con người tự do, tự do đối với những ý niệm như có-không, còn-mất, tới-đi.

Các học giả bây giờ dịch chữ Nirvana là Freedom. Ngày xưa người ta dịch Nirvana là sự dập tắt, dập tắt những ý niệm như đắc và thất, khứ và lai, đoạn và thường, sinh và diệt. Bây giờ chúng ta dịch Nirvana là tự do, tự do đối với những khái niệm. Khi nào những khái niệm đó không còn lung lạc được ta, không còn làm ta đau khổ nữa thì lúc đó ta có tự do tức là có Niết bàn. Không phải là sau khi thân này hoại diệt, tan rã, ta mới đạt được Niết bàn. Niết bàn có ngay bây giờ, gọi là Hiện pháp Niết bàn (Nirvana in the Here and in the Now), Dristadharmanirvana. Người Cơ đốc giáo, nếu theo lối này thì nói: Ta là Thượng đế, Thượng đế là ta. Thượng đế là nền tảng bất sinh bất diệt của ta. Ta không cần đi tìm Thượng đế. Thượng đế là thực tại tối hậu của ta.

Chỉ có những đợt sóng nào biết mình là nước mới chơi đùa nhỏn nhơ được, và khi nào tấp vào bờ thì nó mỉm cười thôi. Chỉ có những con người nào đạt tới Niết bàn thì khi thở hơi cuối cùng mới biết mỉm cười, còn những kẻ khác trong hoàn cảnh này sẽ bị sự lo lắng và sợ hãi xâm chiếm. Cái đẹp, cái hay, cái mầu nhiệm nhất của người tu là chứng nhập cho được Niết bàn. Niết bàn không phải là cái gì ở xa mà ta phải chạy theo. Niết bàn chính là tự thân của ta, nó nằm trong từng tế bào cơ thể ta. Nền tảng của tất cả là Niết bàn. Ví dụ có một người đi tìm không gian, chạy sang phương Đông, chạy về phương Tây, chạy ra phuơng Nam, chạy về phương Bắc, leo lên phương Thượng, tuột xuống phương Hạ để tìm không gian mà không biết là mình đang ở trong không gian và chỗ nào cũng là không gian. Chúng ta cũng vậy, ta là người đang đi tìm Niết bàn, tìm trong quá khứ, tìm trong tương lai, tìm ở phương Đông, tìm ở phương Tây. Thật ra ta đang ở trong Niết bàn. Đó gọi là Hiện pháp Niết bàn, chỉ có tỉnh ra mới thấy được thôi. Vì vậy cho nên đạo Bụt gọi là đạo Tỉnh thức, tỉnh ra là thấy được Niết bàn không cần đi tìm kiếm, quán chiếu sự sống cho thật sâu sắc thì tự nhiên tiếp xúc được. Ngay một nhà khoa học, chưa bao giờ nghiên cứu Phật học, chưa bao giờ tu mà cũng nói được câu: Rien ne se crée, rien ne se perd! (Không có gì sinh, không có gì diệt!), đó là nhà khoa học Pháp, Lavoisier. Bản chất của sự vật là không sinh cũng không diệt. Nếu những người như vậy mà đi sâu vào hơn nữa, chắc chắn là họ sẽ đạt được tự do lớn. Tự do lớn đó là Niết bàn.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.