Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 24

Chư pháp bất khả đắc 諸法不可得
Diệt nhất thiết hí luận 滅一切戲論
Vô nhân diệc vô xứ 無人亦無處
Phật diệc vô sở thuyết. 佛亦無所說

Các pháp không nắm được
Diệt hết mọi hí luận
Không người cũng không xứ
Bụt cũng không nói gì.

Nếu không dùng được ý niệm về có, về không để diễn tả các pháp thì tại sao ta lại phí thì giờ để tìm hiểu các pháp là thường hay vô thường, là hữu biên hay vô biên, là một hay là khác? Trong khi đó ta không tập thở, không tập đi thiền hành, không biết nhận diện những cảm thọ, những nội kết để làm lắng dịu, để chuyển hóa. Giống như một người bị tên bắn mà không chịu nhổ tên, cứ hỏi về người bắn mình. Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy thì thầy Mālunkyāputta mới chịu ngưng những câu hỏi để bắt đầu tu học.

Chư pháp bất khả đắc

Tính chất của các pháp là không thể nắm bắt được. Ta nắm bắt Đức Thế Tôn không được tại vì Đức Thế Tôn là một pháp. Ta nắm bắt với cái gì? Ta không nắm bắt bằng hai bàn tay mà bằng tư tưởng, bằng ý niệm, bằng những phạm trù tư tưởng (mental categories) như có, không, vừa có vừa không, không có không không, thường, vô thường, vừa thường vừa vô thường, không thường không vô thường, hữu biên, vô biên, vừa hữu biên vừa vô biên, không hữu biên không vô biên. Đó là những phạm trù của tư tưởng. Chúng ta không thể nắm bắt được thực tại bằng những phạm trù đó. You can not grasp the reality with mental categories. Đó gọi là chư pháp bất khả đắc.

Diệt nhất thiết hí luận

Vì vậy chúng ta phải lấy đi tất cả mọi hí luận. Hí luận là những câu hỏi, những câu trả lời, những luận thuyết vô bổ.  là chơi, luậnlà speculations; hí luận là useless speculations. Cuộc đời ngắn mà ta dùng để hí luận thì rất uổng! (Vain speculations leading us to nowhere).

Vô nhân diệc vô xứ

Chúng ta không thấy được bản ngã của con người cùng hoàn cảnh, thời gian của người đó. Khi nhìn người và xứ mà vượt thoát được ý niệm về người và xứ thì thấy được thực tại. Nếu chỉ khư khư cho đây là người này, đây là chỗ kia, không thấy được tánh tương tức của vạn vật, không thấy được bản chất Niết bàn của vạn vật mà cứ để cho những khái niệm của trí óc thống trị thì lúc đó ta vẫn còn u mê.

Phật diệc vô sở thuyết

Bụt không nói gì có nghĩa là Bụt im lặng trước những câu hỏi đó. Trong kinh có nhiều đoạn nói về sự im lặng của Bụt gọi là im lặng hùng tráng, im lặng sấm sét.

Có một du sĩ ngoại đạo rất thông minh tên là Vacchagotta tới hỏi Bụt:

– Bạch Đức Thế Tôn, có ngã không? Có thiệt là có ngã không?

Đức Thế Tôn cười không nói. Thầy A Nan ngạc nhiên là Đức Thế Tôn không trả lời, tại vì câu hỏi đó bất cứ một người đệ tử nào mới đi tu hai hay ba ngày cũng có thể trả lời được. Một hồi lâu thì du sĩ Vacchagotta hỏi:

– Vậy thì không có ngã phải không?

Đức Thế Tôn cũng ngồi cười. Sau một thời gian thì Vacchagotta bỏ đi. Thầy A Nan nói:

– Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Ngài không trả lời cho ông ấy? Ngài thường nói là vạn vật không có ngã mà?

Bấy giờ Bụt mới nói:

– Thầy A Nan, ông này đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi của trí năng ông ta. Ta có dại gì mà đi vào trong bẫy của ông ấy. Nếu nói có ngã thì ta nói ngược lại những điều ta dạy. Còn nói không có ngã thì không có lợi gì cho ông ấy vì ông sẽ lấy cái “không có ngã” làm thành một lý thuyết ngược lại với lý thuyết “có ngã”. Ta đã không nhận lý thuyết có ngã, ta dạy lý thuyết vô ngã nhưng không phải để người ta kẹt dính vào nó. Giáo lý vô ngã có mục đích, có sứ mạng đập tan ý niệm về hữu ngã. Nhưng nếu ta nói vô ngã để người ta nắm lấy và bị kẹt vào thì cũng không có ích lợi gì, cho nên ta đã im lặng.

Im lặng đó là im lặng sấm sét. Đứng trước hoàn cảnh của hí luận, trong môi trường của hí luận thì chúng ta cũng làm như Đức Thế Tôn. Chúng ta cũng ngồi yên không nói và chỉ mỉm cười thôi thì mới xứng đáng là học trò của Ngài. Bụt không nói gì mà con cũng không nói gì khi người ta đang đi vào vòng hí luận.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (Thiền sư Nhất Hạnh giảng Trung Quán Luận)
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 9-2012

http://thuvienhoasen.org/

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.