Hồi đó vẫn có người thường nhắc mình đọc hoài cái bài “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên mà mình cứ đọc cà trật cà duột hoài … nhưng rồi từ từ cũng nhớ (cám ơn anh nhé). “Ông Đồ” làm liên tưởng đến ông ngoại cũng thế, thuộc chữ nho làu làu, giải thích cho mình vanh vách luôn, ngồi nghe mà ngẩn ngơ vì rất thích nghe ông ngoại kể chuyện, nhất là những chuyện hồi xửa hồi xưa. Ông ngoại kể chuyện vừa lôi cuốn vừa tếu, viết chữ theo kiểu thư pháp cũng đẹp nữa.
Vĩnh biệt tác giả Ông Đồ
Vương Trí Nhàn
Dù nhiều hay ít, mỗi nhà văn nhà thơ thường có một hai tác phẩm thuộc loại đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác, ấy là một lẽ thường tình. Thơ ca là để chống lại sự quên lãng.
Nhưng trong văn chương xưa nay lại có một loại tác giả hoặc viết quá ít, hoặc nhiều cái đều đều, gần như không có gì nổi, song lại có một tác phẩm duy nhất vượt hẳn lên về giá trị và được truyền tụng rộng rãi, khiến cho nói tới tên tuổi người đó là người ta nhớ ngay tới cái thành tựu “cây có một cành, cành có một quả” độc đáo nọ. Cái mẫu hình Thôi Hiệu với bài Hoàng Hạc lâu trong thơ Đường còn thấy lặp lại nhiều lần trong văn học Việt Nam hiện đại. Đó là Trần Mai Ninh với Tình sông núi, Hoàng Lộc với Viếng bạn, và trước đó, Nguyễn Vỹ với Gửi Trương Tửu… Đó cũng là trường hợp của Vũ Đình Liên, nhà giáo lão thành, một vừng trán lớn của giới giáo dục Việt Nam – Vũ Đình Liên từng có mặt trong Thi nhân Việt Nam 1932-1941 của Hoài Thanh- Hoài Chân với tư cách là tác giả bài Ông đồ và thường trở đi trở lại trong nhiều tuyển thơ thế kỷ, với chính bài Ông đồ đó.
Ông đồ có gì lạ, mà có sức sống dai dẳng như vậy? Ra đời hơn sáu chục năm trước, bài thơ ghi lại một nét tâm trạng của con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Trong khi xã hội tưng bừng và ồ ạt làm cuộc Âu hoá toàn diện, người ta cảm thấy một nền văn minh đang qua đi, và lòng người ta xót xa, luyến tiếc. Những vẻ đẹp sắp tàn lụi là những vẻ đẹp không chói lọi. Nó gợi tình thương. Bởi nó mong manh dễ vỡ. ấy thế nhưng nó lại có sự bền chắc riêng. Vẻ mộc mạc trong bút pháp, cái kín đáo trong tình cảm mang lại cho Ông đồ một thứ dư ba kỳ lạ. ý ở ngoài lời. Và càng đọc, người ta càng thấy mình không chỉ thương cảm với một lớp ông đồ hay chữ nay quá thời lạc lõng, mà còn cảm thấy bùi ngùi trước tất cả những gì tốt đẹp, bị thời gian đẩy vào quên lãng. Và hình như thơ nảy sinh ở chỗ đó, thơ nảy sinh để chống lại quên lãng!
Sinh năm 1913, có thơ đăng từ những năm 1930, nhà thơ Vũ Đình Liên qua đời tại Hà Nội ngày 18-1-1996. Giữa khung cảnh đại hàn mưa phùn giá rét, nhiều người đi xe tang tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, trong đầu óc không khỏi thoáng qua cái hình ảnh những ông đồ trải chiếu viết câu đối thuê trên vỉa hè mấy phố Lãn Ông, Hàng Bồ hồi nào. Chắc chắn là vào những ngày này, khó lòng bói ra một ông đồ như vậy trên các phố cổ Hà Nội. Nhưng chính bởi thế người ta tìm ra một chút ấm lòng trước những gì Vũ Đình Liên để lại. Chỉ bằng một bài thơ nhỏ 25 câu, 100 chữ, ông đã ghi lại được một hình ảnh đã qua đi cùng lịch sử, để nó có thể vĩnh viễn tồn tại trong tâm tưởng nhiều thế hệ bạn đọc. Và đó chính là sức mạnh kỳ lạ đến ma quái của thơ ca, của văn chương.
Ông đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bầy mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Vũ Đình Liên
Trích từ: http://vuongdangbi.blogspot.com/2008/10/vnh-bit-tc-gi-ng.html