Đạo Phật biến mất

Phật Giáo đã gắn liền vào văn hóa Nhật Bản. Và khi các học giả trên thế giới tìm hiểu về Nhật Bản, rất nhiều khi khó tách rời yếu tố Thiền Tông, Zen, với văn hóa Nhật Bản, bởi vì các yếu tố này đã hòa nhập vào nhau tới như dường bất khả tách rời. Nhưng cũng theo định luật vô thường, Phật Giáo đang bị suy yếu nơi Nhật Bản. Tới nỗi, báo New York Times hôm 14-7-2008 đã có bài viết nhan đề là “In Japan, Buddhism May Be Dying Out” (Tại Nhật Bản, Phật Giáo Có Thể Đang Hấp Hối). Xài chữ trên nhan đề như thế, kiểu của tác giả Norimitsu Onishi, hẳn nhiên là trầm trọng hóa, nhưng hình ảnh mô tả trong bài đúng là đáng quan ngại.

Vậy, rồi Thiền và Kiếm Đạo, và Trà Đạo, và Hoa Đạo, và Kịch Đạo sẽ ra sao? Không lẽ Phật Giáo lại gặp cơ nguy ở Nhật Bản như thế?

Thực ra, về mặt thống kê, đại đa số dân Nhật vẫn là Phật Tử. Theo cuốn “CIA: The World Factbook 2008,” thống kê năm 2008 về Nhật là:

Dân số: 127,288,419 (ước tính vào tháng 7-2008)

Thành phần tuổi là như sau:

0-14 tuổi: 13.7% (nam 8,926,439/nữ 8,460,629)

15-64 tuổi: 64.7% (nam 41,513,061/nữ 40,894,057)

65 tuổi và cao hơn: 21.6% (nam 11,643,845/nữ 15,850,388) (ước tính trong năm 2008).

Tôn giáo: theo cả Đạo Phật và Thần Đạo (Shinto) là 84%; các thành phần khác là 16% (trong đó Thiên Chúa Giáo 0.7%).

Nhưng, Đạo Phật ở Nhật gặp cơ nguy “chết dần” lại là do đang biến đổi thói quen tống táng người chết. Các thông tin sau sẽ trích dịch từ bài của tờ New York Times.

Người Nhật từ lâu đã thoải mái về tôn giáo. Họ có thể vừa dự lễ tiễn năm cũ ở chùa Phật Giáo, và vài giờ sau là dự lễ đón năm mới ở đền Thần Đạo. Đám cưới thì theo nghi thức Thần Đạo hay Thiên Chúa Giáo, tùy nghi. Nhưng tang lễ thì gần như độc quyền là của Phật Giáo. Không thể khác được, vì chết là phải qua cõi Phật. Tới nỗi, đạo Phật ở Nhật Bản thường được gọi là “Funeral Buddhism” (Phật Giáo Tang Lễ). Thêm nữa, đó là một kiểu nói sau này được diễn giải là, đạo Phật là đạo cho người chết, không phải cho người sống.

Ryoko Mori, viện chủ ngôi chùa Zuikoji xưa cổ 700 năm ở phía bắc Nhật Bản, nói, “Đó là hình ảnh của Phật Giáo tang lễ: rằng đạo Phật không đáp ứng nhu cầu tinh thần người đang sống. Trong Hồi Giáo hay Thiên Chúa Giáo, họ giảng về vấn đề tâm linh. Nhưng ở Nhật hiện nay, rất ít vị sư Phật Giáo làm thế nữa.”

Mori, 48 tuổi, vị viện chủ đời thứ 21 của chùa này, lo sợ chùa này sẽ không tìm ra được vị viện chủ đời thứ 22. Thầy Mori nói, “Nếu Phật Giáo Nhật Bản không hành động từ bây giờ, đạo Phật sẽ chết dần. Chúng ta không thể chờ đợi. Phải làm gì ngay tức khắc.”

Khắp Nhật Bản, tình hình không kiếm ra người kế nhiệm làm trụ trì đang áp lực lên các ngôi chùa do gia đình điều hành. Trong khi đạo Phật suy yếu ở các vùng thành thị, thì các miền nông thôn thuần thành mộ đạo lại mất dân số dần, khi người già chết đi và sinh xuất lại thấp.

Trong thế hệ sắp tới, nhiều ngôi chùa ở miền quê dự đoán sẽ đóng cửa, mang theo nhiều thế kỷ lịch sử vào quá khứ.

Như tại Oga, trên một bán đảo mang cùng tên hướng nhìn về Biển Nhật Bản tại tỉnh Akita. Các nhà sư Phật Giáo đang quan sát các bài toán về dân số và về kỹ nghệ đánh cá đang suy giảm.

Giju Sakamoto, 74 tuổi, vị trụ trì đời thứ 91 của ngôi chùa xưa cổ nhất tỉnh Akita là Chorakuji, nguyên sáng lập từ năm 860, nói, “Không phải quá lời khi nói dân số chỉ còn phân nửa của hồi thịnh thời, và rằng tất cả các kinh doanh cũng đều  suy giảm còn bằng phân nửa. Với thực tế đó, nếu chỉ đơn giản nói rằng chúng ta là một tôn giáo và có lịch sử dài, thực tế là lâu dài nhất tỉnh Akita, thì nghe y hệt chuyện cổ tích. Chỉ là vô nghĩa. Đó là vì sao tôi nghĩ rằng nơi này (chùa này) là vượt quá niềm hy vọng rồi.”

Để sống còn, Thầy Sakamoto phải dồn năng lực ra làm quản trị một trung tâm người già và cả một ngôi chùa mới ở vùng ngoại ô thị trấn Akita City. Tuy nhiên, ngôi chùa đó chỉ có 60 hộ dân cư tín đồ, từ khi mở cửa vài năm trước, cách biệt qúa xa với con số 300 hộ dân cư tín đồ cần thiết để gìn giữ một ngôi chùa đứng vững về tài chánh.

Trong nhiều thế kỷ, nhiều ngôi chùa Nhật Bản trao truyền từ vị sư trụ trì sang con trai vị sư trụ trì, với số tín đồ ổn định (trái với truyền thống nhiều nước khác, nhiều vị sư Nhật Bản lại có vợ con như đời thường). Với 300 hộ gia cư tín đồ, vị sư trụ trì và vợ của ngài sẽ bận rộn liên tục vì các nghi lễ.

Nhưng không chỉ có số lượng chùa suy giảm – từ mức 86,586 ngôi chùa năm 2000, rồi chỉ còn có 85,994 ngôi chùa năm 2006. Đó là con số của Bộ Văn Hóa Nhật Bản.

Điều bi thảm là, số tín đồ mỗi chùa lại giảm. Kyo Kon, 73 tuổi, vợ của vị sư trụ trì chùa Kogakuin, ngôi chùa có 170 tín đồ, nói, “Chúng tôi phải tìm việc làm khác, bởi vì việc chùa không đứng vững.” Bà đã phải làm việc  ở một trung tâm chăm sóc trẻ em, trong khi chồng bà làm ở một văn phòng kế hoạch về đất của địa phương.

Gần đó là chùa Doshoji, ngôi chùa chỉ còn số tín đồ là 85 hộ dân cư, vị sư trụ trì là Jokan Takahashi, 59 tuổi, gặp nan đề lớn: tìm người kế nhiệm. Người con trai trưởng của thầy được huấn luyện để trở thành một nhà sư Phật Giáo, nhưng lại lộ ý là không muốn trở thành một vị sư.

Chỉ mới hồi giữa thập niên 1980s, gần như toàn bộ người Nhật làm tang lễ ở nhà hay tại chùa, với vị sư Phật Giáo địa phương đóng vai chính. Nhưng bây giờ nhiều người muốn đưa ra làm lễ tang ở các Nhà Tang Lễ, một dịch vụ kinh doanh trong đó bao gồm cả việc cung cấp các vị sư Phật Giáo cho các tang lễ. Năm 1999, có 62% làm lễ tang ở nhà hay ở chùa, trong khi 30% làm lễ tang ở Nhà Tang Lễ. Nhưng năm 2007, con số đảo ngược: 28% chọn làm tang lễ ở nhà hay ở chùa, với 61% làm lễ tang ở Nhà Tang Lễ.

Thêm nữa, lại thêm nhiều người đưa người thân quá cố hỏa thiêu, mà không cần nghi lễ gì nữa, theo lời Noriyuki Ueda, nhà nhân chủng học ở viện Tokyo Institute of Technology, “Do đó, các vị sư và các chùa Phật Giáo không còn liên hệ gì được với các tang lễ.”

Thực sự, câu chuyện có đúng là quá bi quan như tác giả bài báo Onishi viết hay không? Điều chúng ta chỉ biết chắc rằng, đạo Phật ở bất cứ nước nào, cả ở Việt Nam chứ không riêng ở Nhật, đều phải gắn liền với đời sống của người dân, nếu không muốn bị biến mất trên cõi đời này.

Trần Khải – Theo vietbao.com  Như Nguyện sưu tầm

http://www.buddhismtoday.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.