1/. VẤN: Con may mắn thỉnh được cuốn kinh Chú Mãn Nguyện Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, trong đó có nói về công năng và thần lực khi trì Chú Đại Bi và Chú Om Ma Ni Pad Mé Hum (108 biến). Trong đó có chỉ cả cách bắt ấn theo những cánh tay Thiên Thủ Thiên Nhãn của… Chú Đại Bi Tâm rồi tùy theo sở nguyện của mình mà có các cách bắt ấn khác nhau. Xin Sư cho con biết liệu một người ngoài đời thường như con có thể bắt ấn và trì chú theo hình các cánh tay đó đó, liệu có đủ lực để thực hành? Và cả về việc những cánh tay đó mang hình cầm trượng, cầm kinh, cầm cung,… khi con bắt ấn thì con chỉ để tay theo hình như vậy thôi hay thế nào? Kính mong Sư từ bi chỉ dạy.
ĐÁP: Ngày nay người Phật tử tiến bộ thường phát tâm thực tập tu hành, mỗi người gieo duyên với một môn tu, có người tu thiền, có người tu tịnh, có người tu luật, có người tu mật. Tu môn nào cũng thành tựu như ý nguyện tiến đến giải thoát, giải thoát sanh tử luân hồi, đạt đạo cứu cánh viên mãn. Tuy nhiên trong pháp giáo Tịnh độ tông, chư Đại sư xưa cũng thường phổ cập các môn tu thiền, luật, mật kết hợp với thuần tịnh mà tu tập cũng không có gì trở ngại.
Người tu Tịnh độ niệm Phật là có duyên với hạnh lợi tha, nghĩa là người có tâm cầu tiến tu hành thì được Phật A Di Đà trợ lực tiếp dẫn khiến cho bất thối chuyển; trong giới tu mật cũng nương trợ lực của kim quang Phật mà tiến tu làm cho thân mật, khẩu mật và ý mật đồng nhất, rồi hóa sanh vào thế giới Đại Nhựt Như Lai.
Niệm hóa sanh chuyển kiếp từ khổ đau đến an lạc là hạnh của người tu mật, tuy nhiên Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước ngày nay có lúc tu thiền, tu tịnh tuy không nói tu mật những cũng gia hạnh niệm chú lực Đại Bi để đón nhận đại lực Quán Thế Âm gia hộ thân được tai qua nạn khỏi tật bệnh tiêu trừ, tâm không bị ác thần xâm hại, lâm chung vĩnh ly ác đạo A Tỳ địa ngục.
Danh hiệu thần chú:
“Thần chú Đại Bi” là Phật ngữ viết tắt, nguyên ngữ là thần chú Mãn Nguyện Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, hay đọc là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni hay Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Thần Chú hoặc đọc Phật ngữ Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, hay từ ngữ Phật học Đại Bi Tâm Đà La Ni, thần chú nói về công đức nội lực gia trì của Bồ tát Quán Thế Âm đối với tất cả chúng sanh trong đó có con người chúng ta, nhất là Phật tử phát tâm hành trì tinh tiến.
Hình ảnh Thiên thủ Thiên nhãn:
Nói đến thần chú Đại Bi người Phật tử nghĩ đến hình ảnh thiên thủ thiên nhãn, mỗi đôi tay đều kiết ấn thủ hộ và đôi mắt. Nay xin nói về xuất xứ hình ảnh thiên thủ thiên nhãn.
Trong kinh Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, Đức Phật bảo Tổng Trì Vương Bồ Tát: Thiện nam tử! Các ông nên biết trong pháp hội này, có vị Bồ Tát Ma Ha Tát, tên là Quán Thế Âm Tự Tại, từ vô lượng kiếp đến nay đã thành tựu tâm đại từ bi, lại khéo tu tập vô lượng Đà la ni môn. Vị Bồ Tát ấy vì muốn làm cho chúng sanh được lợi ích an vui, nên mới mật phóng sức thần thông như thế’.
Đức Như Lai vừa nói lời ấy xong, Quán Thế Âm Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục nghiêm chỉnh, chắp tay hướng về Phật mà thưa rằng: ”Bạch đức Thế Tôn, tôi có chú Đại Bi tâm đà ra ni, nay xin nói ra, vì muốn cho chúng sanh được an vui, được trừ tất cả bịnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu. Cúi xin Thế Tôn từ bi doãn hứa.
Đức Phật bảo: Thiện nam tử! Ông có tâm đại từ bi, muốn nói thần chú để làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh. Hôm nay chính là lúc hợp thời, vậy ông nên mau nói ra, Như Lai tùy hỉ chư Phật cũng thế.
Quán Thế Âm Bồ Tát lại bạch Phật: Bạch đức Thế tôn! Tôi nhớ vô lượng ức kiếp về trước, có Phật ra đời, hiệu là Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai, đức Phật ấy vì thương nghĩ đến tôi và tất cả chúng sanh nên nói ra môn Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, ngài lại dùng tay sắc vàng xoa nơi đầu tôi mà bảo: Thiện nam tử! Ông nên thọ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi nước ở đời vị lai mà làm cho họ được sự an vui lớn.
Lúc đó tôi mới ở ngôi sơ địa, vừa nghe xong thần chú này liền chứng vượt lên đệ bát địa. Bấy giờ tôi rất vui mừng, liền phát thệ rằng:
Nếu trong đời vị lai, tôi có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh với thần chú này, thì xin khiến cho thân tôi liền sanh ra ngàn tay ngàn mắt.
Khi tôi phát thệ rồi, thì ngàn tay ngàn mắt đều hiện đủ nơi thân, lúc ấy, cõi đất 10 phương rung động 6 cách , ngàn đức Phật trong 10 phương đều phóng ánh quang minh soi đến thân tôi, và chiếu sáng 10 phương vô biên thế giới. Từ đó về sau, tôi ở trong vô lượng pháp hội của vô lượng chư Phật, lại được nghe và thọ trì môn đà ra ni này. Mỗi lần nghe xong, tôi khôn xiết vui mừng, liền được vượt qua sự sanh tử vi tế trong vô số ức kiếp. Và từ ấy đến nay, tôi vẫn hằng trì tụng chú này, chưa từng quên bỏ. Do sức trì tụng ấy, tùy theo chỗ sanh, tôi không còn chịu thân bào thai, được hóa sanh nơi hoa sen, thường gặp Phật nghe pháp. Nếu có vị Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di hay đồng nam, đồng nữ nào muốn tụng trì chú này, trước tiên phải phát tâm từ bi đối với chúng sanh, và sau đây y theo tôi mà phát nguyện:
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau biết tất cả pháp.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được mắt trí huệ.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau độ các chúng sanh,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được phương tiện khéo.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau lên thuyền bát nhã.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được qua biển khổ,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau được đạo giới định.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm lên non Niết Bàn.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau về nhà vô vi.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm đồng thân pháp tánh.
Nếu con hướng về nơi non đao,
non đao tức thời liền sụp đổ.
Nếu con hướng về lửa, nước sôi,
nước sôi, lửa cháy tự khô tắt.
Nếu con hướng về cõi địa ngục,
địa ngục liền mau tự tiêu diệt,
Nếu con hướng về loài ngạ quỷ.
Ngạ quỷ liền được tự no đủ,
Nếu con hướng về chúng Tu La,
Tu la tâm ác tự điều phục,
Nếu con hướng về các súc sanh,
súc sanh tự được trí huệ lớn.
Khi phát lời nguyện ấy xong, chí tâm xưng danh hiệu của tôi, lại chuyên niệm danh hiệu bổn sư tôi là đức A Di Đà Như Lai, kế đó tiếp tụng đà ra ni thần chú này. Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong ngàn muôn ức kiếp sanh tử.
Lực dụng trì chú Đại bi:
Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, do ngài Già Phạm Đạt Ma dịch (thời Đường), toàn bài chú này có 84 câu, mỗi câu là hiện thân hình ảnh 84 vị Phật, Bồ tát, thinh văn, thánh chúng, thiên đại tướng quân thần… người trì tụng thần chú Đại Bi sẽ được 15 điều lành, không bị 15 thứ hoạnh tử bức hại.
– Được 15 điều lành: 1. Sinh ra thường được gặp vua hiền, 2. Thường sinh vào nước an ổn, 3. Thường gặp vận may, 4. Thường gặp được bạn tốt, 5. Sáu căn đầy đủ, 6. Tâm đạo thuần thục, 7. Không phạm giới cấm, 8. Bà con hòa thuận thương yêu, 9. Của cải thức ăn thường được sung túc, 10. Thường được người khác cung kính, giúp đỡ, 11. Có của báu không bị cướp đoạt, 12. Cầu gì đều được toại ý, 13. Long, Thiên, thiện thần thường theo hộ vệ, 14. Được gặp Phật nghe pháp, 15. Nghe Chánh pháp ngộ được nghĩa thâm sâu.
– Không bị 15 thứ hoạnh tử: 1. Chết vì đói khát khốn khổ, 2. Chết vì bị gông cùm, giam cầm đánh đập, 3. Chết vì oan gia báo thù, 4. Chết vì chiến trận, 5. Chết vì bị ác thú hổ, lang sói làm hại, 6.Chết vì rắn độc, bò cạp, 7. Chết trôi, chết cháy, 8. Chết vì bị thuốc độc, 9. Chết vì trùng độc làm hại, 10. Chết vì điên loạn mất trí, 11. Chết vì té từ cây cao hoặc rớt xuống vực thẳm, 12. Chết vì người ác trù ếm, 13. Chết vì tà thần, ác quỷ làm hại, 14. Chết vì bệnh nặng bức bách, 15. Chết vì tự tử.
Ngoài ra, theo kinh Thiên Nhãn Thiên Tí Quán Thế Âm Bồ Tát Đà La Ni Thần Chú (quyển thượng), trì tụng chú này 108 biến, tất cả phiền não tội chướng đều được tiêu trừ, thân khẩu ý thanh tịnh.
Phật tử tại gia, khi tụng chú Đại Bi tuỳ theo duyên hạnh mà kiết ấn bất cứ thần chú nào cũng được, vẫn có giá trị và kết quả, miễn sao quý vị giữ vững chánh niệm thân mật khẩu mật ý mật dung thông tương tác. Tuy nhiên trong lúc trì tụng phải phát nguyện, nhập thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 100 ngày, ở trong thất mới có phương tiện đủ lực cho các vị học pháp kiết các loại ấn.
Cách tu hành hôm nay, việc nhập thất, trừ các nhà sư mật tông, riêng đối với Phật tử rất ít và không còn tu theo quy cách nhập thất nữa. Phật tử gia duyên bận buộc làm sao rảnh tâm rảnh tay mà kiết ấn tụng thần chú cho có lực và hiệu quả hiển linh. Có chăng là làm theo các đại sư hướng dẫn, tu theo hình thức tay cầm báu vật tích trượng, quyển kinh, cung kiếm… kiết ấn sơ sơ vậy thôi, mới đầu thì hiệu quả tinh tấn, lâu ngày bỏ cuộc hết linh thiêng. Thôi thì hiệp chưởng tụng thần chú là quý báu, có khi còn hiệu quả hơn đôi tay cầm báu vật kiết ấn bạn ạ.