Bốn Con rối – Hoàng tử A Xà Thế

Ngày xưa có hai vợ chồng người thợ chuyên làm các con rối có được một cậu con trai đặt tên là Aung.  Đến ngày trưởng thành, Aung quyết định lên đường đi làm ăn xa.

Để giúp đỡ con, ông bố mới làm cho con 4 con rối đặc biệt: Con thứ nhất mang hình dáng một thiên thần, con thứ hai thì lại bộ dạng của một con yêu tinh, con thứ ba là một ông thiên lôi, riêng con thứ tư thì làm theo kiểu một thầy Tăng, một tay cầm thiền trượng và một tay cầm bát đi khất thực.
Trên đường đi phiêu lưu, lần lượt cả ba con rối đầu tiên đều hóa thành người thật theo mẫu của người sẵn có để giúp đỡ Aung. Con rối thiên thần giúp Aung thoát khỏi nanh vuốt của loài thú dữ gặp phải trên đường đi. Con rối yêu tinh giúp chàng chiếm đoạt của cải một đoàn thương nhân và con rối thiên lôi thì giúp biến những của cải đó sanh sôi nảy nở thêm. Thế là cả mấy thầy trò trở nên giàu có, mua một lâu đài lớn để cư ngụ.

Nhưng dù đã thành công trên đường đời, Aung lại vướng một món nợ tình không nguôi.  Nguyên do là: Trong vụ chiếm đoạt của cải của đoàn thương nhân nọ chàng đã bắt được cô con gái của chủ đoàn thương nhân. Aung đem lòng yêu thương cô ta nhưng cô gái thì căm thù, nhất quyết cự tuyệt. Cuối cùng cô gái bỏ ra đi.

Thất tình, Aung trở nên vô cùng buồn khổ dù đang sống trong cảnh giàu sang tột độ. Lúc đó, con rối thầy Tăng mới cho Aung một lời khuyên là:

– Hãy thử sống như tôi: Tôi không có ham muốn xấu nên tôi không biết đến đau khổ, tôi ăn ở hoàn thuận với mọi người nên lúc nào tâm hồn cảm thấy bình yên.

Thế là Aung quyết định bắt đầu sống cuộc sống như con rối thầy Tăng, là rời bỏ lâu đài và cuộc sống giàu sang, một mình đi khất thực trên khắp các nẻo đường.

Tuy chưa hẳn trở thành một tu sĩ xuất gia nhưng kì lạ thay từ cách sống đó, tự nhiên lần hồi chàng cảm thấy tâm hồn yên ổn, thanh thản hơn.

Thế rồi, một ngày nọ trên đường đi khất thực, Aung đã tình cờ gặp lại hai cha con cô gái chàng từng yêu dấu. Nhìn thấy Aung phải chịu đựng và nghe Aung thuật lại đầu đuôi sự tình, bấy giờ cô gái mới động lòng, hiểu là Aung đã thực sự hối lỗi. Tha thứ cho Aung, cô gái và cha nàng bằng lòng cùng chàng trở về ngôi lâu đài cũ để làm lễ cưới.

Tại lễ cưới có mặt đông đủ 4 con rối bạn thân của Aung, con rối thầy Tăng một lần nữa đã giảng giải cho Aung nghe về lẽ đời và lẽ đạo:

– Trước kia, cậu đã giàu sang, được quyền lực nhưng như cậu đã thấy, của cải và quyền lực nào có mang lại hạnh phúc đâu. Nay cậu đã có hạnh phúc, lại tiếp tục sống trong giàu sang và quyền lực, nhưng nên nhớ cái hạnh phúc này không phải do của cải và quyền lực mà là do phải biết bất chấp với thứ đó. Của cải và quyền lực tự nó không làm nên điều thiện hoặc điều ác.  Cái đó chỉ tùy thuộc vào việc cậu dùng nó như thế nào mà thôi…

Thắm thía bài học do con rối thầy Tăng gợi nên, hai vợ chồng Aung cho xây một ngôi chùa thờ Phật cạnh lâu đài, để đón tiếp thiện nam tín nữ khắp nơi đến cùng mình chứng ngộ chân lý Phật pháp như những điều con rối thầy Tăng đã giảng dạy…

C.T.N

Thắng lợi thì bị oán thù, thất bại thì bị đau khổ, kẻ nào không màng đến thắng bại, kẻ ấy sẽ sống một cuộc đời hòa hiếu an vui.

Hoàng tử A Xà Thế

Hoàng tử A Xà Thế, bị Đề Bà Đạt Đa xúi dục, âm mưu sát hại vua cha là Tần Bà Ta La để chiếm ngôi. Nhưng công việc bị bại lộ, A Xà Thế bị bắt quả tang, và người cha đầy lòng từ bi  không đành sử phạt xứng đáng như quần thần xin, mà nhường ngôi vàng cho Hoàng tử vì thấy con thèm muốn làm vua.

Để trả ơn, vị Hoàng tử bất hiếu vừa lên ngôi liền hạ ngục cha và ra lệnh bỏ đói cho chết dần.  Chỉ một mình Hoàng thái hậu được phép vào thăm. Mỗi khi đi bà giấu đồ ăn trong túi áo đem cho chồng, A Xà Thế hay được quở trách mẹ.  Sau lại bà giấu trong đầu tóc, A Xà Thế cũng biết được. Cùng đường bà tắm rửa sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong, đường và sữa. Vua gọt lấy món ăn này để nuôi sống. Nhưng A Xà Thế cũng bắt được và cấm hẳn mẹ không cho vào thăm vua cha nữa.

Lúc ấy vua Tần Bà Ta La cam chịu đói, nhưng lòng vẫn không oán trách con. Ngài đã đắc quả Tư Đà Hoàn nên thản nhiên, cố gắng đi lên xuống kinh hành, thọ hưởng hạnh phúc tinh thần. Thấy cha vẫn vui tươi A Xà Thế nhất định giết cho khuất mắt nên hạ lịnh cho người thợ vào khám, lấy dao bén gọt gót chân vua cha, xát dầu và muối vào rồi hơ trên lửa nóng.

Khi người cha bất hạnh thấy người thợ cạo đến thì mừng thầm ngờ rằng con mình đã ăn năn hối cải, cho người đến cạo râu tóc để rước về.

Trái với sự mong ước của Ngài, anh thợ cạo đến chỉ đem lại cho Ngài cái chết vô cùng thê thảm.

Cùng ngày ấy, vợ A Xà Thế hạ sanh một hoàng nam. Tin lành đến vua một lượt với tin vua Tần Bà Ta La chết trong ngục.

Tin chánh hậu hạ sanh hoàng nam được đọc trước. Nỗi vui mừng của A Xà Thế không sao kể xiết. Cả người nghe nhẹ nhàng vui sướng. Tình thương của một người cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng, mặn nồng sâu sắc, thấm vô từng khớp xương ống tủy. Đứa con đầu lòng là một nguồn yêu thương, là cơ hội để cha mẹ thưởng thức một tình thương mới mẻ đậm đà, vô cùng trong sạch.  Cảm giác đầu tiên của người mới được đứa con đầu lòng dường như đưa họ vào cảnh giới kỳ lạ, khiến họ có cảm tưởng rằng máu huyết mình đã đổ giọt ra để nối tiếp mình.

Tức khắc A Xà Thế vội vã chạy đi tìm người mẹ yêu dấu và hỏi:

– Thưa mẫu hậu, khi con còn nhỏ Phụ hoàng có thương con không?

– Tại sao con hỏi lạ vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không tìm đâu ra một người cha lành như cha con. Để mẹ thuật lại cho con nghe. Lúc mẹ còn mang con trong lòng, ngày nọ mẹ nghe thèm lạ lùng mọt món kỳ quái. Mẹ thèm nút vài giọt máu trong bàn tay mặt của cha con. Mà nào mẹ dám nói ra. Rồi càng ngày mẹ càng xanh xao, và sau cùng phải thú nhận với cha con. Khi nghe vậy, cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ nút máu. Lúc ấy các nhà chiêm tinh  trong triều tiên tri rằng con sẽ là người thù của cha con. Do đó tên con là A Xà Thế (Ajatasattu kẻ thù chưa sanh). Mẹ có ý định giết con ngay trong lòng nhưng cha con lại cản mẹ. Một hôm con có cái nhọt trên đầu ngón tay, nhức nhối vô cùng, khóc suốt ngày đêm, không ai dỗ được.  Cha con đang cùng bá quan phân xử việc triều đình, nghe vậy cầm lòng không đặng, bế con trong lòng và không ngần ngại ngậm ngón tay của con trong miệng nhẹ nhẹ nút cho con đỡ đau. Gớm thay! Cái mụt nhọt bể, máu mủ tuôn ra trong miệng cha con vào sợ lấy ra con sẽ nghe đau nên cha con nuốt luôn vào bụng cả mủ lẫn máu. Phải, người cha hết lòng thương yêu con, vì tình phụ tử đậm đà, nhẹ nhẹ nuốt hết vừa máu vừa mủ.

Nghe đến đó bỗng vua A Xà Thế đứng phắt dậy, kêu lên như điên:

– Hãy chạy mau, thả ra lập tức người cha yêu quý của trẫm.

Than ôi! Người cha yêu quý đã ra người thiên cổ.

Tin thứ nhì được trao tận tay vua A Xà Thế, vua xúc động rơi lụy đầm đề. Bây giờ ông mới nhận định rằng chỉ khi bắt đầu làm cha mới biết được tình cha thương con như thế nào.

Vua Tần Bà Ta La băng hà và tức khắc tái sinh vào cảnh trời Tứ Đại Thiên Vương tên là Janavasabha.

Về sau vua A Xà Thế được gặp Đức Phật, trở nên một thiện tín lỗi lạc và tạo được nhiều công đức trong một kết tập Tam Tạng đầu tiên.

Narada

Còn cha gót đỏ như son,

Một mai cha thác, gót con đen sì!

Còn cha nhiều kẻ yêu vì,

Một mai cha chết ai thì yêu con!

Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120333017/tap-ii-6.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.