Tương truyền, khi Phật còn tại thế, nơi thành Xá Vệ có một thanh niên, con một gia đình trưởng giả lương thiện, thường nghe Phật thuyết pháp, phát tâm quy y Tam Bảo và xin xuất gia học đạo.
Bấy giờ, trong hàng Tăng chúng có một vị Tôn Giả được giao cho trách nhiệm giảng về thế giới luật cho thanh niên học hỏi. Tôn Giả dạy rằng: “Này là pháp hữu, đây là loại giới thứ nhất, đây là giới thứ hai, giới thứ ba, thứ tư…thứ chín, thứ mười v.v…Đây là tiểu giới của người xuất gia, đây là trung giới, đây là đại giới, đây là Ba La Đề Mộc Xoa, đây là giới căn bản, đây là Tịnh giới về hành vi, đây là những thường giới để dùng hàng ngày…”. Vị Tôn Giả còn giảng nhiều hơn nữa.
Nghe xong, vị tân Tỳ kheo nghĩ rằng: “Số mục, danh từ của giới quá nhiều, một lượt mà phải thọ giữ bao nhiêu giới luật như vậy, e rằng khó bảo toàn! Đã không giữ giới được hoàn toàn, thì sự xuất gia không lợi ích gì. Chi bằng trở về làm một trưởng giả (như cha mình trước kia) làm ít việc thiện như: Bố thí, phóng sanh… rồi nuôi dưỡng vợ con là đủ rồi”. Nghĩ vậy, vị tân Tỳ kheo mới thưa với Tôn Giả rằng: “Thưa Tôn Giả, tôi không thể giữ một lúc nhiều giới luật như vậy được! Không giữ được thì xuất gia có ích gì? Tôi sẽ hoàn tục để sinh sống, xin dâng y bát lại cho Ngài!”.
Tôn Giả đáp: “Đành rằng ông có thể hoàn tục nếu thấy mình không kham lãnh, nhưng ông cũng phải đến đảnh lễ Đức Phật một lần cuối đã”. Nói đoạn, Tôn Giả dẫn vị tân Tỳ kheo đến lễ Đức Phật. Đức Phật vừa trông thấy hai người đã hỏi rằng:
– Các ông hôm nay đến đây có việc gì?
– Bạch Thế Tôn, vị Tỳ kheo nầy nói là không thể chấp trì giới luật, giao trả y bát, và hoàn tục vì vậy chúng con hướng dẫn người đến đảnh lễ lần cuối, từ biệt Đức Thế Tôn.
Hiểu được nguyên cớ, Đức Phật mới dạy rằng:
– Nầy Tôn Giả, sao Tôn Giả lại giảng cho vị tân Tỳ kheo nầy nghe nhiều giới luật như thế? Ông ấy chỉ nên tùy theo sức mình mà tuân giữ chớ! Về sau Tôn Giả không nên giảng giới nhiều như vậy nữa. Bây giờ hãy để ông ấy ở lại đây với tôi…
Rồi Đức Phật bảo vị tân Tỳ kheo kia rằng:
– Ông hãy nghe đây, ông không còn phải giữ nhiều giới như vậy chỉ có 3 giới thôi. Chừng ấy ông có nhứt định giữ được không?
Vị Tỳ kheo muốn hoàn tục kia thưa rằng:
– Bạch Đức Thế Tôn, chỉ có 3 giới thôi, thì con có thể giữ được.
Đức Phật mỉm cười:
– Tốt lắm! Từ nay về sau ông chỉ giữ 3 giới là ngăn ngừa 3 nghiệp Thân, Khẩu, Ý không để chúng phạm vào các điều ác. Tôi nhắc lại là ông chỉ cần giữ 3 giới ấy mà thôi, chớ nên hoàn tục làm gì.
Nghe Đức Phật dạy như thế, vị Tỳ kheo kia hết sức vui mừng, hướng về Đức Phật đảnh lễ và phát nguyện trọn đời giữ 3 giới mà Đức Phật vừa trao, rồi đảnh lễ Đức Phật theo chúng trở về tịnh xá. Ông nghĩ rằng: “Các vị Tôn Giả không được như Đức Phật, giảng dạy giới luật cho mình mà dùng nhiều loại danh số quá, khiến cho mình trong một lúc không thể lãnh ngộ, nhưng khi đến Đức Phật Ngài tóm thâu các danh số phiền phức của giới, chỉ còn có 3 môn để trao dạy cho mình, thì mới vỡ lẽ thấu rõ. Đức Phật quả là một vị Pháp Vương trong thế gian không còn ai hơn nữa”.
Từ đó trí tuệ ông tăng trưởng rất mau. Sau mấy hôm, ông chứng được quả vị A La Hán.
Khi rõ được sự kiện trên, các vị Tỳ kheo mới họp nhau bàn luận: Các pháp hữu, đối với vị Tỳ kheo sắp sửa hoàn tục kia, Đức Thế Tôn đã khéo léo phương tiện đem tất cả giới luật gồm thâu làm 3 môn học mà trao cho ông ta, làm cho ông ta sớm chứng được quả vị, Ngài thật là một người vĩ đại! Trong khi mọi người đang bàn luận về công đức của Đức Phật, thì ngay lúc ấy Đức Phật cũng vừa đi đến, Ngài hỏi:
– Các ông nhóm họp bàn luận việc gì?
Một vị Tôn Giả thay mặt đại chúng thưa rõ mọi việc điều vừa bàn luận, Đức Phật nghe xong liền dạy:
– Nầy các Tỳ kheo, một bao to thì nặng quá nhưng khi chia thành mấy bao nhỏ, vác lên vai mà đi thì sẽ nhẹ nhàng. Xưa có một Trưởng giả được một khối vàng rất lớn không thể nhắc lên, ông bèn phân làm mấy khối nhỏ, sau đó ông lần lượt đem về nhà, không có gì gọi là nhọc sức cả.
Tiếp theo Đức Phật thuật lại một mẩu đời như sau:
“Thuở xưa, trong thành Ba La Nại, có một nông phu một hôm ra đồng cày ruộng. Đó là một khoảnh ruộng được di tặng bởi một phú ông trong thôn. Phú ông trước khi qua đời có đem chôn giấu một khối vàng lớn trong đám ruộng ấy. Người nông phu đang cày ruộng, thì bỗng dưng lưỡi cày chạm phải khối vàng trượt lên. Ông tưởng là cái rễ của một đại thọ, bèn moi đất lấy lên, mới biết là một khối vàng vĩ đại! Ông vui mừng trong lòng, rồi lấp đất phủ lại như cũ, đánh trâu tiếp tục cày những nơi khác. Đến chiều, khi mặt trời vừa lặn, ông cho trâu nghỉ ngơi và đến moi lấy khối vàng. Nhưng khối vàng quá nặng, ông mới suy nghĩ: “Chỉ có cách chẻ khối vàng nầy ra làm bốn, một phần để sinh kế, một phần để dành làm vốn buôn bán về sau, và một phần đem ra bố thí làm các việc thiện”. Nghĩ như vậy ông liền chẻ khối vàng ra làm bốn, rồi lần lượt đem về nhà ba phần một cách dễ dàng không mệt sức. Ông giữ lời nguyện đem một phần ra làm việc phước thiện. Nhờ đó, đời đời kiếp kiếp được sanh vào các cảnh thiện…”.
Rồi Đức Phật kết luận:
– Người nông phu được khối vàng lúc bấy giờ chính là tôi ngày nay đây!
Tâm Hiện
Nầy các ngươi, không có công đức gì lớn hơn cung kính và cúng dường Xá Lợi, nhưng công đức ấy hãy để lại cho các vị Quốc Vương Trưởng giả làm; nhiệm vụ cần thiết của người tu hành chúng ta là phải kết tập Pháp tạng và thanh tịnh tu hành, làm sao cho Phật pháp ở thế gian thường còn không tiêu diệt.
Món nợ truyền kiếp
Ngày xưa hồi mới khai thiên lập điạ, có một con chim họa mi, làm ổ trên cành cây đào, ngày nào nó cũng hót để ca tụng vẻ đẹp của muôn loài. Dưới gốc cây, có một con rắn rất hiền lành, bây giờ thuộc loại rắn mù, nhưng hồi đó nó có một mắt. Con rắn rất mê giọng hót lảnh lót của chim họa mi. Nó thường nằm khoanh dưới gốc cây hay nằm dài phơi nắng để thưởng thức tiếng hót thần tiên của họa mi. Thuở ấy, chim họa mi cũng chỉ có một con mắt ngay giữa trán.
Một hôm, con bướm có đôi cánh ngũ sắc rất đẹp, ở gần đấy đến mời chim họa mi đi ăn cưới. Bướm biết mình đẹp đẽ, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thường được ca tụng nên bướm rất kiêu hãnh. Không bao giờ bướm chịu nhìn xuống, nên bướm không biết sự có mặt của rắn trên mặt đất. Tiếng hót của họa mi đã nhiều lần giúp đôi cánh bướm dịu dàng thanh thoát nên bướm nhất định mời chim họa mi, để tiếng hót làm tăng thêm phần long trọng cho bữa tiệc tân hôn.
Được bướm mời mọc ân cần, chim họa mi rất hãnh diện, nhưng sau đó chim cảm thấy lo sợ, khi nhìn lại thấy bộ lông của mình quá tầm thường, chim sợ mình sẽ không được ai để ý trong tiệc cưới của anh bướm rực rỡ màu sắc. Chim liền than thở với con rắn hiền lành. Nghe xong rắn nói:
– Có được tiếng hót như anh, lo gì không được người để ý. Tôi tin chắc, lúc anh cất tiếng hót, không ai còn để ý đến đôi cánh rực rỡ của anh bướm hay bộ lông trắng của muốt của chị thiên nga. Tất cả đều sẽ mê tiếng hót của anh, không ai để ý đến bộ lông tầm thường của anh đâu. Anh bướm mời anh dự tiệc, cũng vì tiếng hót của anh hay. Anh hãy yên tâm đi đi, đừng lo sợ gì cả.
Tuy nghe rắn nói thế, nhưng chim vẫn không hết lo sợ, sau cùng chim nói:
– Phải tôi có được hai con mắt, có lẽ tôi sẽ đẹp hơn. Một con mắt giữa trán làm cho tôi có vẽ dữ tợn và nghèo nàn làm sao ấy.
– Có được giọng hót như anh, ai dám bảo anh nghèo?
– Nhưng bề ngoài tôi có gì có thể làm cho mọi người chú ý. Phải chi anh chịu giúp tôi…
– Tôi mê tiếng hót của anh lắm, anh cần tôi giúp việc gì, tôi cũng sẵn sàng cả.
– Tôi chỉ cần anh cho tôi mượn con mắt của anh một hôm để đi ăn cưới. Anh nằm phơi nắng không có mắt cũng đâu có sao…
Rắn lắc đầu nói:
– Không được đâu, tôi cũng chỉ có một mắt như anh, nếu tôi cho anh mượn thì làm sao tôi thấy đường?
– Nhưng tôi chỉ mượn có một hôm thôi, buổi chiều mãn tiệc, tôi đem trả anh ngay lập tức. Trong lúc chờ đợi, anh cứ nằm ngủ ở đây. Nếu anh thật tình mê giọng hót của tôi thì anh cố giúp lần nầy…
Chim họa mi cứ van xin, nài nỉ, giọng chim càng lúc càng êm đềm, gợi cảm, làm rắn cảm động xiêu lòng nên bằng lòng cho mượn mắt trong ngày cưới của bướm.
Vào một ngày nắng ấm, lúc màn sương mỏng còn phủ cánh rừng, chim họa mi đã vội vã sửa soạn bộ lông cho thật mướt để đi ăn cưới. Thêm được một mắt, chim thấy cuộc đời đẹp đẽ thêm lên. Trong lúc chim ra đi, sung sướng hài lòng hơn bao giờ hết, thì ở gốc cây đào, con rắn trở nên mù nhút nhát, sợ hãi, ẩn mình trong đám lá khô, chờ đợi chim trở về, trả lại ánh sáng cho mình. Chim đến nhà bướm nghe người ta chào mừng chúc tụng nhau, không ai để ý đến chim họa mi bé bỏng không bóng sắc cả.
Đến lúc bướm mời chim ra hát, những loài thú có mặt mới để ý đến chim. Tiếng chim hót thanh tao, lảnh lót, làm cả thảy đều im lặng, lắng nghe. Chim hót say mê lột hết tinh thần làm cả thảy đều mê mẩn như say. Tiếng hót trong trẻo vang đến tai rắn, rắn mỉm cười tự nhủ mình cũng có góp phần tham dự cuộc vui đó.
Đến khi dứt bản, tất cả đều bị chim chinh phục và bắt đầu từ đó trở đi, mọi loài đều bao vây khen ngợi bộ lông, giọng hót của chim. Tất cả cũng không quên ca ngợi mắt đẹp của chim.
Bây giờ tiếng tăm lừng lẫy, chẳng những chim không thú nhận mình chỉ có một mắt, còn con mắt kia là của rắn, mà chim thì đặt điều nói thêm:
– Ở dưới gốc cây chỗ tôi ở, có một con rắn mù từ thuở mới lọt lòng mẹ, nó buồn bã chán đời, nhiều lần nó có ý định quyên sinh, nhưng nhờ tiếng hót tuyệt vời của tôi đã an ủi được nó. Tội nghiệp, hàng ngày tôi phải đem thức ăn về và ca hát vỗ về nó.
Tất cả đều cảm phục tính rộng rãi và lòng bác ái của chim.
Mãi đến khuya, chim mới trở về, bên tai còn vẳng nghe tiếng vỗ tay vang dội và những lời ca ngợi nồng nàn.
Về đến gốc cây đào, chim thấy rắn nằm ngủ, phơi mình dưới ánh nắng thanh dịu mát. Thấy thế, chim không gọi rắn dậy và tự nói, mai mình sẽ trả mắt lại cũng không muộn. Chim về ổ định ngủ một giấc thật ngon lành nhưng nằm mãi mà giấc ngủ vẫn không đến. Muôn vàn ý nghĩ bao vây tâm trí của chim: bây giờ chim đã nổi tiếng nổi danh với đời rồi, nếu chim trả mắt lại, tức là tự thú cho mọi loài biết chim chỉ có một mắt, còn con mắt kia là của mượn, thì còn gì là tiếng tăm chim đã tạo ra với bao khó nhọc. Hơn nữa, với hai con mắt chim nhìn đời thấy rộng rãi, đẹp đẽ hơn khi chỉ có một mắt. Bỏ tất cả danh vọng để trở thành tầm thường như trước, chim thấy mình không có đủ can đảm. Hay là xin rắn cho mắt luôn, nhưng chim kịp nghĩ là không đời nào rắn chịu cho mắt để lại thành mù lòa vĩnh viễn. Nhưng rắn thường ở một chỗ mà nếu bò đi cũng không cần thấy đường gì cho lắm. Một ý nghĩ xấu từ từ xâm nhập vào đầu óc chim.
Nếu mình không trả thì rắn cũng không làm sao đòi được, bây giờ rắn mù rồi.
Nghĩ thế nên chim nhất định giựt luôn con mắt của bạn. Đêm đó, chim lén dọn đi ở nơi khác và tìm đủ mọi cách tránh rắn luôn.
Tội nghiệp, con rắn cứ bò lần mò, dò dẫm đi tìm chim họa mi để đòi mắt lại. Nghe chim họa mi hót ở đâu, rắn cũng cố gắng tìm đến, mặc dù rắn bò đi khó khăn và gặp nhiều trở ngại trên bước đường phiêu lưu đi tìm người bạn phản phúc, bội ân. Thế mà buồn thay, mỗi khi chim họa mi thoáng thấy rắn thì chim vội bay đi, để rắn lại ngơ ngác trong sự mù lòa đáng thương.
Một đêm, chim họa mi đang ngủ mê trong tổ ấm, bỗng chim giựt mình tỉnh giấc vì một tiếng động thật nhỏ. Chim thấy rợn cả người khi nhìn thấy một cái đầu rắn mù sờ soạng bò đến. Chim la lên một tiếng kinh hoảng bay tìm nơi khác ẩn náu.
Từ đó, sự yên tĩnh trong giấc ngủ cũng như sự yên tĩnh trong tâm hồn không còn nữa – Con rắn mù cứ không ngớt tìm chim để đòi con mắt đã cho mượn với tất cả lòng tin, mà lại bị cướp mất một cách quá tàn nhẫn.
Chim họa mi không muốn trả mắt nên phải luôn luôn canh chừng. Ban ngày thì chim được yên thân, vì rắn biết ánh sáng mặt trời làm chim thấy rõ tất cả, nên rắn đợi đêm xuống để tìm cách đến gần chim trong lúc ngủ say, để bất ngờ buộc chim phải trả mắt lại cho mình.
Chim họa mi biết được ý định của rắn, nên nhất định không ngủ những đêm trong mùa đẹp trời. Mùa lạnh và mùa mưa thì chim có thể ngủ yên, vì những mùa ấy rắn sợ lạnh không dám bò ra ngoài.
Đến mùa xuân, chim bay hót suốt đêm, để không buồn ngủ có thể canh chừng rắn mù tìm đến.
Vì thế, những đêm xuân, chúng ta thường nghe tiếng chim họa mi hót vang lên ru hồn vào mộng ảo, chúng ta mỉm cười thấy lòng rung động vì tiếng hót thanh tao trong suốt, nhưng chúng ta có biết đâu tiếng hót đó ca tụng một niềm vui không vững chắc luôn luôn bị đe dọa, một hạnh phúc mong manh pha trộn đôi chút hối hận làm ray rứt cả tâm hồn.
Bảo Liên
Người nào cầu hạnh phúc cho mình mà lại phá hoại hạnh phúc kẻ khác, người ấy sẽ không được hạnh phúc.
Cứu người bị giặc cướp
Khi chưa thành Đạo, đức Phật Thích Ca có một kiếp làm một người lái buôn, tên là Đại Bi, đức hạnh hoàn toàn, tài trí hơn người.
Một hôm, Đại Bi cùng năm trăm người khác đi thuyền ra biển tìm châu báu. Thuyền đang đi giữa biển thì gặp một bọn cướp bể đuổi theo, định giết hết cả những người trong các thuyền để cướp giật của cải. Quân cướp đuổi theo một lúc một gần, và reo hò vang dậy một góc biển. Những người lái buôn sợ hãi quá, kêu la rất thảm thiết. Phen này họ chắc chết mà thôi, không còn được thấy mặt vợ con nữa.
Đại Bi thấy thế mới nghĩ rằng: “Nếu ta giết bọn cướp nầy, thì ta sẽ mang tội sát nhân, nhưng nếu ta để cho chúng giết hết năm trăm người thì lòng ta không nỡ. Thôi thà ta chịu tội sát nhân một mình mà cứu được năm trăm người khỏi chết, vừa cản ngăn được những việc làm tàn ác của quân cướp để gỡ tội cho chúng nó sau này”.
Tuy nghĩ thế, nhưng Đại Bi chưa ra tay liền. Người đứng lên trên mũi thuyền to, lấy lời ôn hòa mà khuyên lơn bọn cướp, nhưng bọn này quen thói hung tàn, không nghe lời Đại Bi nói cứ hầm hồ hung hăng xông tới quyết giết hết cả con buôn. Đại Bi liền nhảy qua thuyền quân cướp, một mình địch với cả bọn, vũng vẫy nhanh lẹ và oai phong như một người tướng tài ra trận. Quân cướp biết thế không địch nổi, liền hè nhau quay thuyền chạy trốn.
Năm trăm người thoát chết, vui mừng khôn xiết, liền quỳ xuống tạ ơn Đại Bi, rồi cùng trương buồm cho thuyền trở lại quê nhà.
Lược sử PHẬT TỔ
Hạnh từ bi của Phật giáo phải đi đôi với trí tuệ dũng cảm.
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120338027/tap-ii-8.html