Tiếng Việt Vô Ngã

LTS : Tiếng Việt phong phú, tinh tế , VHPG trân trọng giới thiệu bài viết ngắn của tác giả Hồng Dương (GS. Nguyễn Văn Hai) về một khía cạnh của tiếng Việt : dạng thức tự quy chiếu, đặc trưng của lối nhìn của người Việt xem bản ngã kinh nghiệm là bị ‘cấu thành”, biểu hiện dưới nhiều bộ mặt khác nhau, tùy duyên trong quan hệ hỗ tương cá thể, như một nút trong tấm thảm chằng chịt

Trong ngôn ngữ thường xuất hiện sự tự quy chiếu (self-reference), nhưng không nhất thiết nghịch lý. Đặc biệt là dạng thức tự quy chiếu trong tiếng Việt. Trên phương diện tự quy chiếu, tiếng Việt rất phong phú so với tiếng Anh và tiếng của nhiều nước khác.

Trước hết, nói đến đại danh từ quy chiếu trong tiếng Việt, hảy chú ý đến những câu sau đây :

Bố suy nghĩ ( lời của một người cha ); Mẹ suy nghĩ ( lời của một người mẹ ) ; Con suy nghĩ ( lời của một người con ) ; Anh suy nghĩ ( lời của một người anh ); Chị suy nghĩ ( lời của một người chị ) ; Em suy nghĩ ( lời của một người em ) .

Những tiếng “bố, mẹ, con, anh,chị, em” đều do người đang nói sử dụng để tự quy chiếu. Nếu dịch qua tiếng Anh thì chữ “I” là chữ duy nhất thích hợp, nhưng chữ “I” thiếu khả năng diễn tả tình huống phát biểu, trong đó người nói và người nghe có quan hệ gia đình như trong các câu trên. Những từ cú tự quy chiếu trong tiếng Việt có ý nghĩa hợp cách hay không là tùy thuộc trạng thái của tình huống phát biểu, khác hẳn những trạng thái khác hẳn chữ “I”… Mặt khác khi nói chuyện với cha mẹ, một người Mỹ dùng chữ “I” để tự quy chiếu, nhưng người Việt không cho phép người con dùng chữ “tôi”. Dạng thức tự quy chiếu trong ngôn ngữ Việt bao hàm luôn cả lối xưng hô theo dạng thức truyền thống.

Chữ “I” không thể quy chiếu bất cứ ai, ngoại trừ chính người đang nói. Trong cùng một câu chuyện với người khác, thời dùng chữ “you” để chỉ người kia, không cần phân biệt người ấy là ai. Khi hai người nói chuyện với nhau, người nào cũng dùng chữ “I” và chữ “you” giống nhau, mặc dầu điểm quy chiếu khác nhau. Tiếng Việt khác hẳn. Trường hợp mẹ con nói với nhau, một bên xưng hô “mẹ” nói với “con”, và bên kia phải đổi lại “con” nói với “mẹ”. thứ tự (mẹ, con) và (con, mẹ )xác định quan hệ gia đình giữa hai chủ thể đối thoại.

Nhiều tiếng Việt tự quy chiếu như “ta”, “tôi”, “mình” có công dựng phần nào gống tiếng “I” và thường cũng được sử dụng như tiếng “I” khi nói hay suy gẩm một mình. “Tôi” là cách xưng hô đồng đẳng ( nguyên là tiếng xưng của một vị quan khi xưa nói với vua ). “Ta” được dùng khi một  gười trên nói với kẻ dưới. “ Mình” thường được xử dụng giữa vợ chồng hay bạn bè thân thiết. Khác với “I”, những tiếng ấy tuy không hàm ý quan hệ gia đình giữa người nói và người nghe, nhưng vẫn phụ thuộc tình huống của cuộc nói chuyện. Không thể dùng để tự quy chiếu trong bất cứ cảnh ngộ nào.

Ngoài ra, tiếng Việt có những từ “bản ngã” ( self, ego, atman ) hay vô bản ngã (egoless), nhưng không có tiếng nào tương ứng chính xác với chữ “myself”dùng trong lời của người cha, người mẹ, người con .. Tuy có thể dịch gần đúng là “chính bố”, “chính mẹ”, “chính con”… Như thế có bao nhiêu cách xưng hô thì chữ “myself” có bấy nhiêu nghĩa.

So sánh hai câu : “mẹ suy nghĩ” và “I am thinking”, thời điều kiện tiên quyết để có thể phát biểu câu đầu là người nói tin tưởng mình là mẹ của người nghe, câu sau không đòi hỏi một điều kiện như vậy. Nói như thế không có nghĩa là câu “Mẹ suy nghĩ” biểu dương bản ngã người nói  Thật ra nó biểu dương bản ngã người nói với tư cách một người mẹ, tư cách này xem như một phương diện (profile) của bản ngã. Như vậy điều kiện tiên quyết để có thể phát biểu câu tiếng Việt giả định một bản thể của những bản ngã phương diện (an ontology of ego-profiles), mỗi phương diện hiển bày một mối quan hệ của bản ngã .

Tuy nhiên, tiếng Việt không có đại danh từ khả dĩ biểu thị sự biểu dương chính ngay bản ngã trong các câu tự quy chiếu. Nhưng không phải vì thế mà người Việt không nhận ra tánh nhất thể của một bản ngã đơn thuần xuyên qua một kết hợp nhiều bản ngã phương diện. Bản ngã trong tư cách người mẹ và bản ngã trong tư cách người con đều là những tư cách thế hiển bày khác nhau của một bản ngã đơn thuần. Nhất thể của tất cả là một nhất thể hiện có trong mỗi phương diện. Tiếng Việt không cần một từ cú tự quy chiếuđể biểu thị  nhất thể “như thị” , vì nhất thể “như thị” tiềm ẩn trong mỗi bản ngã phương diện. Tiếng Việt không tiếp cận bản ngã một cách trực tiếp và vô sai biệt mà buộc bản ngã phải tự nó trưng dẫn cho chính nó nhiều bộ mặt khác nhau. Đây là một kiểu tác động tự quy chiếu hoàn toàn qua trung gian các bản ngã phương diện. Mỗi bản ngã phương diện biểu lộ toàn thể thống nhất hữu cơ của tất cả bản ngã phương diện.

Một vấn đề xuất hiện khi quan niệm “mẹ” là “bản ngã trong tư cách mẹ của người kia”, và sử dụng logic thay thế “người kia” với câu định nghĩa “tha nhân trong tư cách con của mẹ”. Như vậy “mẹ” là bản ngã trong tư cách người mẹ của tha nhân trong tư cách con của mẹ. Không cần tiếp tục thay thế chữ “mẹ” và chữ “người kia” vì ngang đây ta đã nhận thấy sự phát khởi một trạng huống hồi quy bất tận (infinitite regress). Sở dĩ gặp phải trạng huống hồi quy bất tận là vì nhận định trong chữ “mẹ” ẩn nghĩa chữ “I” (“I” bất biến trong bất kỳ tình huống phát biểu nào) và thay thế chữ “mẹ” và chữ “người kia” mà không lưu ý đến tình huống phát biểu và điều kiện hợp cách xưng hô. Kết luận : từ cú tiếng Việt không thể cắt nghĩa theo chữ nghĩa tiếng anh trên phương diện luận lý. Tuy nhiên “mẹ” và “con” cũng như mọi cặp tiếng Việt tự quy chiếu, lối xưng hô khác đều định nghĩa lẫn nhau. “Mẹ” biểu thị “bản ngã  trong tư cách mẹ cũa con” và đống thời “con” biểu thị “tha nhân trong tư cách con của mẹ”. Trong thực tế không thể tự quy chiếu trong tư cách “mẹ” mà không đồng thời giả định sự hiện hữu một người “con” . Trên phương diện tồn tại  “mẹ” và “con” bất tương ly. Mọi sự tự quy chiếu bao hàm chẳng những người đối thoại mà cả sự tin vào sự tồn tại của người ấy.

Tóm lại, dạng thức tự quy chiếu trong tiếng Việt biểu trưng lối nhìn của người Việt xem bản ngã kinh nghiệm hàng ngày là bị “cấu thành” (constituted: một khái niệm hiện tượng học của Husserl) xuyên qua các phương diện, mỗi bộ mặt là một mối quan hệ của nó. Nói cách khác, bản ngã xuất khởi tùy duyên như một nút(node) trong một tấm thảm bện chằng chịt sợi gọi là “bản ngã phương diện”, nhưng bây giờ đúng hơn nên coi đó là những dạng thức của quan hệ tương hỗ cá thể (intersubjective relatedness). Tương hỗ cá thể đến trước cá thể, một mạng lưới các sợi tương hỗ cá thể đến trước sự xuất khởi của bản ngã.

HỒNG DƯƠNG – Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 20

http://tapchivanhoaphatgiao.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.