Hai Thứ Tự Do

Giới thiệu tác giả: Ajahn Brahm sinh năm 1951 tại Luân Ðôn (London). Năm 16 tuổi, lúc còn là học sinh, ông đã tự nhận mình là Phật tử, sau khi đọc vài cuốn sách Phật. Ông bắt đầu nghiên cứu Phật giáo và thiền định trong thời gian theo học môn Vật Lý (Physics) tại đại học Cambridge (Anh quốc). Sau khi hoàn tất học vấn năm 23 tuổi, ông qua Bangkok, thọ giới xuất gia với vị Sư trụ trì chùa (Wat) Saket. Sau đó, ông vào rừng Thái Lan tu thiền 9 năm dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư nổi tiếng thế giới Ajahn Chah. Năm 1983 ông được mời sang thành lập Thiền Viện trong rừng gần Perth, miền Tây Úc đại lợi. Hiện nay Ajahn Brahm làm trụ trì Tu Viện Bodhinyana và Giám Ðốc Tinh Thần Hội Phật Giáo Tây Úc (Spiritual Director of The Buddhist Society of Western Australia) – Ghi chú của người dịch

oOo

Hiện nay nhân loại trên thế giới công nhận có hai thứ tự do. Một là tự do thỏa mãn dục vọng và hai là tự do thoát khỏi dục lạc. Các nước Âu Mỹ hiện đại đề cao loại tự do đầu tiên, chủ trương con người sống càng hưởng thụ được nhiều thú vui dục lạc càng tốt. Có thể nói rằng đa số các nước dân chủ Tây Phương đều cố gắng bảo vệ quyền tự do thỏa mãn các dục vọng của con người. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là trong các quốc gia đó, thực ra người ta cảm thấy chẳng có tự do gì hết.

Thứ hai là loại tự do thoát khỏi các dục vọng, mà những tổ chức và đoàn thể tôn giáo thường đề cao. Tại đó người ta tán dương cuộc sống bình an không tranh chấp hơn thua và hoàn toàn giải thoát. Ðiều đáng chú ý là những nơi an bần lạc đạo như ở tu viện của chúng tôi, người ta lại cảm thấy tự do.

Bạn Mong Ước Thứ Tự Do Nào?

Ngày nọ có hai vị Sư Thái Lan được mời đến thọ trai ở nhà một đạo hữu. Trong phòng khách nơi họ ngồi chờ thấy có một bể nuôi đủ loại cá. Vị Sư ít tuổi hơn tỏ ý không bằng lòng vì làm vậy là không phù hợp với giáo lý từ bi của Phật giáo bởi lẽ chúng có tội tình gì mà bị giam trong nhà tù bằng kính như thế? Chúng cần được tự do bơi lội trong sông hay ao hồ tùy thích. Nhưng vị Sư thứ hai phản bác lại ý kiến đó và giải thích rằng hẵn nhiên là những con cá ấy không được tự do theo đuổi sở thích riêng của chúng, nhưng sống trong bể thì chúng thoát khỏi nhiều mối nguy hiểm. Rồi vị đó liệt kê ra các loại tự do ấy như sau:

1. Có khi nào quý vị thấy người đi câu buông câu trong một bể cá trong nhà? Chưa! Vậy thì tự do trước tiên mà những con cá kia có được là không bị người đi câu đe dọa. Còn hoàn cảnh của cá trong tự nhiên khi chúng nhìn thấy một con sâu béo mập hay một con ruồi hấp dẫn, chúng không bao giờ có thể biết chắc là đớp mồi vào có an toàn hay không. Chắc chắn là chúng đã từng nhìn thấy nhiều bà con và bạn bè nuốt một con sâu hết sức ngon lành rồi sau đó bất thình lình biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc đời của chúng. Rõ ràng là việc ăn của một con cá trong tự nhiên có thể gặp nhiều nguy hiểm và thường kết thúc cuộc sống một cách bi thảm. Ðúng là bữa ăn mang đến tai họa.

2. Cá trong tự nhiên thường lo sợ bị cá lớn nuốt. Thời buổi này ở nhiều sông lội ngược dòng vào ban đêm ắt hẵn không còn được an toàn như trước! Nhưng không có người nuôi nào lại thả những con cá lớn vào để ăn những con cá nhỏ mình nuôi. Vậy thì những con cá trong bể thoát khỏi mối hiểm nguy sẽ bị cá lớn ăn thịt.

3. Trong tự nhiên, đôi lúc cá có thể không kiếm được thức ăn. Còn cá trong bể thì giống như sống bên cạnh một nhà hàng vậy. Mỗi ngày hai lần bữa ăn đầy đủ chất bổ dưỡng được mang đến tận nơi tiện lợi còn hơn là đặt mua bánh pizza giao tại nhà vậy và cũng không phải trả tiền. Cho nên những con cá trong bể không bị cái đói đe dọa.

4. Thời tiết bốn mùa luôn thay đổi, sông và hồ phải chịu các nhiệt độ khắc nghiệt. Vào mùa đông thì lạnh buốt và có thể bị tuyết che phủ. Mùa hè khí hậu lại rất nóng, đôi lúc bị khô cạn đối với cá. Nhưng cá trong hồ thì như ở trong phòng có máy điều hòa không khí, nhiệt độ nước trong bể luôn được giữ không thay đổi và dễ chịu cả ngày, quanh năm suốt tháng. Như thế con cá trong bể có được tự do thoát khỏi thời tiết nóng lạnh bất thường.

5. Trong tự nhiên, khi cá bị bệnh, chẳng có ai chăm sóc và chữa trị. Còn cá trong bể thì có bảo hiểm y tế. Khi đau ốm, chủ nhà liền mời bác sĩ đến khám bịnh và chúng cũng chẳng cần phải đi bịnh viện nữa. Như thế con cá trong bể được tự do thoát khỏi mối nguy cơ mắc bệnh tật và không có bảo hiểm sức khỏe.

Vị Sư lớn thứ hai tóm tắt ý tưởng lập luận của mình: Làm thân cá trong bể được hưởng nhiều thuận lợi. Mặc dù chúng không được tự do bơi lội đi đây đi đó theo đuổi các sở thích của mình, nhưng chúng được tự do thoát khỏi nhiều mối hiểm nguy và nỗi khó khăn trong cuộc sống.

Vị Sư lớn tiếp tục giải thích rằng những người sống cuộc đời tu hành cũng thế. Ðúng là họ không được tự do theo đuổi các dục vọng và thỏa mãn mọi ham muốn, nhưng họ tự do thoát khỏi những khổ đau phiền lụy của cuộc đời. Nói tóm, tự do là bằng lòng với nơi chốn mình đang sống. Nhà tù là nơi bạn không muốn ở. Thế giới tự do là thế giới mà người ta ham thích sinh sống. Tự do thực sự là giải thoát khỏi ái dục chứ không bao giờ là tự do thỏa mãn ái dục. Vậy thì bạn muốn thứ tự do nào?

(Trích dịch từ “Who Ordered This Truckload of Dung?”)

Nguyên tác: Ajahn Brahm – Chuyển ngữ: HT.Thích Trí Chơn

http://www.trungdao.net

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.