Anh Vũ văn Bảo Không Quân email hỏi tôi về tin tức anh Ngô văn Trung, biệt hiệu Trung gà, bay A37, phi đoàn 524, có người nhờ anh tìm. Anh Trung đã ra người thiên cổ, đã nằm sâu trong lòng đất mẹ Việt Nam từ năm 75 rồi, sao bây giờ mới có người tìm anh.
Như một cuộn phim, đầu óc tôi quay về năm 75.
Tháng 3 năm 75, tôi đem các con theo ngân hàng Việt Nam Thương Tín di tản vào Sài Gòn. Sau đó, bao gia đình của 524 cũng được lệnh di tản nên lần lượt họ ra đi hết, chỉ còn các anh ở lại Nhatrang và Phanrang.
Dọng vào Sàigon, trên người chỉ có bộ đồ bay. Dọng ôm tôi:
– Có lệnh bỏ Nhatrang rồi!
Trong giọng nói của anh, tôi nghe như có pha nước mắt. Chúng tôi ôm nhau và im lặng để nghe tim mình rướm máu! Mất thật rồi! Còn đâu Nhatrang quê hương yêu dấu! Nơi tôi đã sanh ra rồi khôn lớn. Tất cả đều để lại nơi chôn nhau cắt rốn, Thầy cô, bè bạn, người thân! Tôi nhớ từng con đường, từng hàng cây, từng viên gạch.
Tối đó, Dọng đưa tôi đến nhà bác gái, mẹ của chị Quý, vợ anh Ngô Đức Cửu cùng phi đoàn, anh chị vào Saigon và ngụ ở đấy.
Bốn người chúng tôi ngồi bên nhau không nói nên lời. Anh Cửu lên tiếng:
– Chị Dọng, Nhatrang của chị vẫn còn nguyên.
Lệnh ban ra chuyến bay này gồm Trung tá Bùi Gia Định (có vợ người Nhatrang là chị Đồng Minh, tiếp viên hàng không), Thiếu tá Đinh Xuân Ninh (có vợ cũng người Nhatrang là chị Chiếu Xuân, con dân biểu Lê Bá Chẩn), Thiếu tá Nguyễn văn Dọng (cũng có vợ Nhatrang là chị), Thiếu tá Ngô Đức Cửu (vợ người Saigon, cưới nhau rồi ra ở Nhatrang từ ngày đó đến nay, nên Nhatrang cũng là quê hương của chúng tôi).
Anh Cửu nói tiếp, giọng thật trầm buồn:
– Hôm nay, bay phi vụ cuối cùng trước khi bỏ Nhatrang, lần đầu tiên trong đời phi công, chúng tôi không tuân theo lệnh trên ban xuống. Nhatrang có trung tâm huấn luyện Không Quân, trung tâm huấn luyện Hải Quân, trung tâm huấn luyện Hạ Sĩ Quan ở Đồng Đế. Chúng tôi bay theo quốc lộ số 1, ra Dục Mỹ. Huấn luyện khu Dục Mỹ gồm có 3 trường:
– Trường Lam Sơn huấn luyện và bổ sung cho các đơn vị Bộ Binh.
– Trường Biệt Động Quân (bao gồm Nhảy dù và Thủy Quân Lục Chiến) huấn luyện quân nhân là hạ Sĩ quan và Sĩ quan.
– Trường Pháo Binh huấn luyện Sĩ quan, hạ Sĩ quan thuộc binh chủng Pháo Binh.
Còn Sình lầy và Mưu Sinh huấn luyện ròng rã 42 ngày cho các binh chủng khác. Những quân trường này cung cấp Sĩ quan và hạ Sĩ quan chuyên môn cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nhatrang là thành phố với bãi biển đẹp và thơ mộng. Đó cũng là nơi có nhiều trung tâm đào tạo nhân tài ưu tú của Việt Nam, những trái tim nóng bỏng vì lòng yêu nước vô biên, họ bảo vệ từng tấc đất, từng hải lý của quê hương, họ chỉ muốn hoàn thành trách nhiệm trong thời ly loạn . Bay từ Nhatrang ra Ninh Hòa, Dục Mỹ, Khánh Dương, những tỉnh miền Trung mà Cộng sản chưa vào chiếm đóng, nhìn xuống thấy đồng bào mình bồng bế nhau đi. Chị có biết không, họ di chuyển bằng mọi phương tiện. Lính và dân cùng ngồi trên những chiếc xe nhà binh, người ta cũng ngồi xếp đống nhau trên mui những chiếc xe chở chuyên hành khách, xe Honda cũng chất người lên mà chạy. Chúng tôi bay thật thấp, thấy đồng bào mình vẫy tay vui mừng, họ đâu biết rằng chúng tôi được lệnh phải thả bom sập cầu. Đồng bào sợ chế độ cộng sản tìm về cùng một giới tuyến với Việt Nam Cộng Hoà, nên họ đang di tản. Làm sao chúng tôi có thể đang tâm phá sập cầu! Họ đã quá khốn khó rồi! Không thể làm cho họ khổ hơn. Đó là đồng bào ruột thịt của mình mà. Phi công chúng tôi mỗi ngày ra đi là để bảo vệ quê hương chứ không thể hủy hoại quê hương. Từ trên cao nhìn xuống, quê hương mình đẹp quá!
Cầu Xóm Bóng Nhatrang trong bình minh thật đẹp, tháp Bà Ponagar một nền văn hóa của Champa di tích oai nghiêm, bãi biển trải dài sóng biếc mộng mơ, Cầu Đá râm ran nụ cười của ngư dân chất chứa sự ân cần thân thiết. Nơi nào cũng đáng yêu và tràn đầy kỹ niệm. Bay qua các trung tâm huấn luyện, lòng dâng lên niềm thương nhớ những ngày từ giã ghế nhà trường để bước vào đời lính. Nơi đó đào tạo nghề chuyên môn cho chúng tôi song song với tác phong của người lính trong tình yêu thương đồng bào và đất nước. Ngày ra trường, tất cả các trung tâm đều có điểm giống nhau là những khóa sinh phải quỳ xuống thệ nguyền, không màng tánh mạng, đem thân mình chở che cho Tổ Quốc thiêng liêng.
Cuối cùng, 4 chiếc chúng tôi đều trút bỏ tất cả những trái bom xuống biển cả xa khơi. Tôi biết các chị sẽ khóc nhiều, kể cả vợ tôi, và sẽ giận hờn nghiêm trọng nếu chúng tôi làm Nhatrang của các chị bị tổn hao.
Những giọt nước mắt đã chảy dài thay lời cảm ơn sâu sắc. Các anh đã giữ gìn Nhatrang không sứt mẻ trước khi được lệnh rời bỏ Nhatrang. Hôm sau Bùi Gia Định đến nhà chúng tôi, vì có lệnh đưa vợ con của những người trong phi đoàn di tản.
– Chị Dọng, hỏi anh của chị xem tình hình hiện giờ ra sao?
Tôi có ông anh họ làm phụ tá đặc biệt cho thủ tướng, anh ấy cũng yêu nước, cả gia đình đều ở lại và anh cũng đi tù miền Bắc.
Anh Định nói nếu nước nhà không phải về tay cộng sản thì những phi công đều muốn ở lại để đem tài sức mình xây dựng quê hương, vì đào tạo một phi công vô cùng tốn kém.
Những người bạn của tôi, những chàng trai hào hùng, những trái tim đầy nhiệt huyết và một tấm lòng yêu quê hương tha thiết, mỗi ngày các anh cất cánh ra đi, tung bay bốn phương trời hầu bảo vệ từng tấc đất, tôi hiểu và kính trọng các anh.
Chúng tôi đều ở cư xá không quân. Nhà anh chị Cửu và anh chị Định gần nhau, nhà chúng tôi thì ở phía trong. Tối nào các anh cũng đến nhà chúng tôi tề tựu, mỗi người cầm trong tay một tờ báo để xem và không nói với nhau một tiếng nào. Riêng bọn đàn bà chúng tôi tâm sự với nhau đủ chuyện. Sau này anh chị Ninh dọn về villa của cha mẹ ở đường Yersin, bây giờ đã biến thành khách sạn 5 sao của nhà nước cộng sản.
Thời thế đã đổi thay, những chàng trai có trái tim một lòng vì nước thương dân đã vào tù nơi miền Bắc. Cộng sản không dùng những nhân tài, các anh không còn cơ hội đem sức mình để dựng xây đất nước.
Vì các anh muốn góp tài góp sức để làm lợi ích quê hương nên các anh ở lại. Chúng tôi, những người vợ cũng là dân Việt, chúng tôi cũng muốn góp một bàn tay nên chúng tôi cùng ở lại.
Ôi Bùi Gia Định! Một thiên tài! Lúc còn ở ghế nhà trường anh là một sinh viên y khoa, nhưng anh xếp bút nghiêng theo việc đao binh. Anh nhỏ tuổi nhất trong 4 người mà cấp bậc anh cao nhất. Anh bay giỏi và thả bom chính xác, anh đã diệt không biết bao nhiêu chiếc xe tăng của địch. Trên áo bay vẽ một ngôi sao là anh hạ một xe tăng. Anh bay giỏi đến nỗi Bộ Tư Lệnh Không Quân bắt anh phải nghĩ bay đi dưỡng sức ở Đalat vì sợ anh hăng quá sẽ gãy cánh . Gần mười năm anh mới được ra trại tù, vậy mà khi qua đến đất nước tự do anh học lại và lấy được mảnh bằng Tiến sĩ. Những năm lao tù miền Bắc, các anh đã hiểu người cộng sản và các đối xử giữa người với người ra sao rồi.
Đàn bà chúng tôi ở lại quê nhà sau năm 75 tuy không ở nhà tù nhỏ như các anh, mà ở nhà tù lớn hơn một chút, đến giờ này vẫn không trách giận các anh mà còn yêu kính các anh hơn.
Dọng và Định đã ra đi rời cõi điêu linh hay trở về một nơi an bình thật sự, chẳng còn gì toan tính cho cuộc đời này. Quê hương đó là cả thế giới bao la đại đồng, chỉ còn sự hài hòa ung dung trong tình thương hồn nhiên thanh tịnh.
Ninh và Cửu vẫn còn đây, các anh vẫn liên lạc hỏi thăm nhau. Tấm lòng các anh vẫn rộng như bầu trời các anh đã bay qua, chữ Tổ Quốc và Không Gian nay không còn trên áo các anh mà đã khắc sâu vào trái tim, đã in dấu ấn đậm đà trong tiềm thức. Một thời qua, các anh từng quên luôn bản thân mình, quên cả thân bằng quyến thuộc như vợ con để đem hết khả năng làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của quân nhân trong thời chiến.
Thời thế đã đổi thay nhưng mấy chị em vợ của những chàng phi công ngày nào vẫn liên lạc, hỏi thăm lo lắng giúp đỡ nhau trong mọi tình huống, để rồi nhìn nhau với những nụ cười trên khóe mắt của tuổi xế chiều, trong ánh bình minh đầy màu sắc trên bãi cát trắng phau đượm mùi hương của sóng gió. Mọi việc không còn gì cả, nhưng NhaTrang vẫn là của chúng mình. NhaTrang vẫn mãi ở trong lòng chúng mình phải không các bạn thương mến của tôi.
Diệu Ngọc