Chấp Nhận Chính Mình

Quả là một hiện tượng lạ khi con người thường thấy rất khó để yêu thương chính bản thân mình, vậy mà chúng ta vẫn thường nghĩ rằng việc này dễ nhất trên đời vì có ai mà không thường xuyên quan tâm đến chính mình. Lúc nào chúng ta cũng bận tâm đến việc chúng ta làm được bao nhiêu tiền, thành quả công việc của mình tốt đẹp ra sao, chúng ta thấy thoải mái như thế nào. Chẳng phải Đức Phật đã từng dạy rằng: “Chúng sanh yêu chính mình hơn ai hết ” sao? Vậy tại sao chúng ta lại cảm thấy thực sự khó để yêu thương chính mình?

Yêu thương chính mình không có nghĩa là dễ dãi với chính mình. Yêu thương bản thân mình một cách thực sự là một thái độ mà hầu hết mọi người chẳng ai có, bởi vì chúng ta ai cũng biết mình có nhiều những cái thật chẳng dễ ưa. Mỗi người ai cũng có vô số quan điểm, những sự phản ứng, những cái thích và không thích của riêng mình, và sự thật rằng rằng nếu chúng ta không có những thứ này chắc hẵn cuộc đời chúng ta sẽ khá hơn. Chúng ta phán xét, đánh giá khi chúng ta thích/ không thích những thái độ tích cực/ tiêu cực của người khác, việc này đồng thời cũng dẫn đến thái độ tự đè nén đối với những cái mà chúng ta cảm thấy không hài lòng về chính mình. Chúng ta không muốn biết những khuyết điểm này và chúng ta cũng không muốn thừa nhận chúng. Đó là cái cách mà chúng ta thường xử sự với chính mình, và điều này bất lợi cho việc trưởng thành của chúng ta.

Một sai lầm khác nữa là chúng ta không thích một điều gì đó của chính mình xem ra có vẻ tiêu cực, và mỗi khi cái điều không khả ái, khả hỷ này xuất hiện chúng ta lại tự trách móc mình, việc này làm cho sự việc xấu gấp đôi hơn trước vì nó sẽ đem đến cho chúng ta sự sợ hãi và lắm khi là một sự xung đột trong nội tâm. Nếu chúng ta muốn đối xử với chính mình một cách quân bình, không nên vờ vịt rằng những điều không khả ái, khả hỷ đó – chẳng hạn những xu hướng như hay công kích người khác, khó chịu, ưa thích khoái lạc, tự cao tự đại- là không hiện diện trong chính chúng ta. Nếu chúng ta có thái độ vờ vịt như vậy, chúng ta sẽ sống xa rời thực tại , chúng ta dựng lên một cái hàng rào để tách đôi con người của chúng ta. Mặc dù một con người như vậy có thể hoàn toàn lành mạnh, nhưng họ có bề ngoài không thành thực. Chúng ta ai cũng đã từng gặp những con người như vậy, họ quá ngọt ngào, quá dễ thương đến độ khó tin, đó là kết quả của sự sống không thành thực và tự đè nén chính mình.

Đổ lỗi cho người khác cũng chẳng ích lợi gì. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều tự chuyển những phản ứng của chính mình sang cho người khác. Chúng ta đổ lỗi cho người khác về những khuyết điểm của họ, có thể đó là những khuyết điểm có thực hoặc do chúng ta tưởng tượng ra, hoặc chúng ta không coi họ như những con người bình thường. Mọi người đều sống trong một thế giới không thực do bị cái ngã đánh lừa, nhưng việc này lại càng đặc biệt không thực hơn nữa bởi vì mọi thứ được xem như hoặc là quá hoàn hảo hoặc là quá tệ hại.

Chỉ có một điều duy nhất là thực đó là mỗi người chúng ta có sáu loại căn tánh khác nhau: Ba thiện căn và ba bất thiện căn. Ba bất thiện căn là tham, sân, và si; đối nghịch với chúng là ba thiện căn: rộng lượng, từ bi và trí tuệ. Hãy quán chiếu cho kỹ vấn đề này, nếu chúng ta thực sự hiểu nó và không còn thắc mắc gì về nó, ta sẽ dễ dàng chấp nhận sự hiện diện của sáu loại căn tánh này trong mỗi con người chúng ta.

Sẽ chẳng còn khó khăn gì nữa một khi chúng ta đã nhìn thấy được chúng (sáu căn tánh) trong chính bản thân của chúng ta. Chúng là căn nguyên của mọi hành động, cung cách đối xử của chúng ta. Hiểu được như vậy chúng ta sẽ có thể soi lại chính mình một cách trung thực hơn, chúng ta sẽ không còn trách móc mình về những thói xấu, cũng như không tự khen ngợi mình về những tánh tốt, chỉ đơn giản chấp nhận sự hiện hữu của tất cả chúng- xấu lẫn tốt- trong chính chúng ta. Và do vậy, chúng ta cũng có thể chấp nhận người khác một cách sáng suốt hơn cũng như dễ dàng thông cảm với họ hơn. Chúng ta sẽ không còn đau khổ vì những thất vọng và chúng ta sẽ không đổ lỗi do bởi chúng ta không còn sống trong một thế giới nơi mà chỉ có sự hiện hữu của trắng hoặc đen mà thôi – một thế giới mà chỉ có sự hiện diện rạch ròi của ba bất thiện căn hoặc ba thiện căn đối nghịch. Một thế giới như vậy sẽ không hiện hữu ở bất kỳ nơi đâu và chỉ một con người duy nhất có khả năng tự rạch ròi như vậy, đó là một bậc A-la-hán.

Vấn đề chủ yếu ở đây là ranh giới giữa các thiện căn và bất thiện căn trong mỗi con người chúng ta. Ranh giới phân biệt này được chúng ta điều chỉnh một cách hết sức vi tế, vì vậy chỉ có một sự khác biệt rất nhỏ giữa chúng không đáng để chúng ta coi trọng. Điều quan trọng là chúng ta đều có cùng một công việc phải làm: đó là nuôi dưỡng những thiện căn và nhổ tận gốc những gì bất thiện.

Nhìn bề ngoài chúng ta rất khác nhau. Đó cũng là một ảo tưởng. Thật ra, chúng ta đều có cùng những vấn đề và các khó khăn để giải quyết. Điều khác nhau duy nhất giữa mỗi chúng ta là bề dày của quá trình tu tập của mỗi người. Việc tu tập có thể đã diễn ra trong nhiều đời kiếp trước trước đó sẽ giúp cho chúng ta có khả năng quán chiếu rõ ràng hơn, chỉ vậy thôi.

Suy nghĩ sáng suốt chỉ đến khi chúng ta thanh lọc được các cảm xúc của chính mình và đây là một công việc khó khăn mà chúng ta cần phải làm. Nhưng việc này chỉ có thể thực hiện và có được sự thành công khi động lực của nó không bắt nguồn từ một sự chấn động về mặt cảm xúc, mà đơn thuần là một sự quán chiếu rõ ràng, trung thực mà chúng ta làm vì chính bản thân mình.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.