Trở vào trong nhà, bà vú già cầm lấy tờ báo. Ngẫm nghĩ thế nào, một hồi bà vú già đặt tờ báo xuống chiếc võng. Bà lật đật đi ra ngoài khoá cổng nhà lại. Bà lẩm bẩm một mình:
– Sao tàu hoả bây giờ chạy nhanh thế? Thôi chết… Mải đọc báo tí nữa thì quên khoá cửa. Mà tàu chạy nhanh thế chết người có gì lạ. Mình có quê đâu mà về?…
Bà vẫn hàng ngày đi ra đi vào khoá cửa. Khoá cửa là bổn phận của bà. Bà khoá cửa cho một ngôi nhà luôn luôn mở, một ngôi nhà rất hiếm khi yên lặng, một ngôi nhà buổi sáng hàng hoá đến, người ta nhộn nhịp ra vào cùng với tiếng đếm tiền đếm bạc…, nhưng rất có thể buổi chiều sẽ là ghen tuông, lớn tiếng, cộc cằn…, nên bà đi ra đi vào cũng thành quen. Nếu không có công việc này chắc bà buồn lắm. Tiếng còi xe hơi, tiếng còi xe máy, tiếng ổ khoá va vào cổng sắt và tiếng bánh xe cửa sắt lăn đều, tiếng í ới kêu… Tất cả những âm thanh ấy không có gì hơn việc mọi người được thoả mãn sự cô đơn của ngôn ngữ và những ý nghĩa, ý nghĩa hiểu người, hiểu đời mà chưa chắc đã hiểu mình. Nhưng bà vẫn thấy nó như tiếng nhạc, cho dù nó là nhạc khổ, nhạc vui, nhạc tình, nhạc sầu, nhạc hận… Với bà, chẳng có gì khác nhau từ những tiếng nhạc ấy. Bà cảm thấy thế, cuộc đời 50 năm làm vú nuôi của bà cảm thấy thế… Ngoài kia có con mèo đói nhìn vào trong nhà, mặt nó lườm lườm. Bà liếc nhìn nó một cái rồi lẳng lặng cầm lấy tờ báo.
– Trời ơi, chết say nhiều quá!
Có tiếng chuông cửa reo. Bà lại lật đật đi ra và những âm thanh cũ lại vang lên. Bà mỉm cười… ngày nào bà cũng mỉm cười. Bà cười không phải để làm vui lòng người khác mà vì cười là đối thoại của bà với cuộc sống của chính bà. Bởi bà có vui thì cuộc đời bà mới vui, con mèo đứng ngoài kia mới vui… Quen thế rồi. Bà cười với chiếc bàn, với cái ghế gãy mất một chân, với chùm chìa khoá, với đôi dép dày cộm bằng cao su… Có lẽ bà cười với chùm chìa khoá và với đôi dép là nhiều nhất bởi cả hai thứ ấy hơn cả chục năm rồi mà nó chỉ mòn đi có một tí thôi. Mọi người trong nhà cũng hay cười với bà lắm, nhưng cười như thế thì có đi được tới đâu đâu trong cuộc sống này. Đời vẫn chỉ loanh quanh với mấy tiếng cười ngọt nhạt…
Bà lại đóng cửa vào và liếc nhìn con mèo một cái. Con mèo vẫn với cái mặt lườm lườm liếc nhìn vào trong nhà. Mở ra và đóng vào, cái gì sẽ đi ra, cái gì sẽ đi vào…đi ra đi vào…, đi vào đi ra… Rồi đi đâu về đâu? Ai biết?…
Bà kéo chiếc ghế gãy cho dựa vào góc cửa và ngồi xuống, vai bên trái của bà lệch hẳn sang một bên. Không phải bà đang dùng sức để đọc báo mà là bà đang dồn sức nặng về phía bên này cho nhẹ phần bên chiếc chân ghế đã bị gãy. Giở tờ báo, bà buột miệng:
– Sinh ra mà bệnh thế này, khổ quá. Bà móc túi ra đếm tiền, một tờ hai chục nghìn, một tờ năm nghìn, một tờ hai nghìn, sáu tờ một nghìn, ba tờ năm trăm, bốn tờ hai trăm. Tất cả là ba nhăm nghìn ba trăm đồng. Bà vuốt mấy đồng tiền cho thật thẳng. Tiền mà chuyền tay nhau nhiều nó nhiều nếp gấp lắm. Có tiếng gọi cửa, bà nhét vội số tiền vào túi và lật đật đi ra mở cửa. Chiếc ghế lăn đùng ra cửa. Con mèo vẫn còn ngồi đó. Lần này thì nó kêu meo meo. Bà lại liếc nhìn nó một cái:
– Không kêu thì tốt hơn. Chuyện cười khóc ở đời này có liên quan gì đến ngươi đâu mà kêu.
Con mèo kêu mỗi lúc một to.
– Mày không thích tao nói thế hả? Chưa đến giờ đâu. Mai kia theo tao đi ra ngoài thì mới đói ăn mệt ngủ được meo ạ.
Con mèo thôi không kêu nữa. Bà lại liếc nhìn nó một cái và đi vào trong nhà, vừa dựng lại chiếc ghế bà vừa nói:
– Đã cố dựng thẳng rồi mà vẫn ngã ra. Thay mày đi làm sao được, còn mày, tao còn điều chỉnh được mình, cần phải nặng bên nào, nhẹ bên nào… Hồi nhỏ tao rất thích ăn những quả chín đã bị chào mào ăn mất một góc. Thế nên đời tao vẫn thế, chẳng khi nào tròn vành cả. Nhưng tao vui vì nếu tròn vành thì tao sẽ chết đấy, mày có hiểu không?
Nói đến đây bà bưng mặt khóc, lần đầu tiên bà khóc với cái ghế… Con mèo như chợt hiểu ra điều gì, nó nhảy phóc lên khe tường rào, nhìn bà kêu meo meo. Thấy thế, bà xua tay:
-Tao biết rồi…
Con mèo lại nhảy ra ngoài. Ngồi ghế gãy thì ngồi chứ chưa bao giờ người ta thấy bà ngồi đất. Vậy mà hôm nay bà ngồi đất. Một cơn gió lùa làm bay tung những tờ báo. Bà đi nhặt lại mấy tờ báo. Không may, chân giẫm trúng phải một tờ báo có in hình một người danh giá. Bà nhấc chiếc dép cao su ra khỏi mặt báo. Vết dép in vào mặt người danh giá. Bà lấy tay phủi phủi…
Chiếc ghế lại ngã lăn ra. Bà chép miệng:
-Cố giữ đến mấy rồi thì không có hơi người là nó lại ngã ra. Con mèo ở ngoài lại kêu meo meo. Bà nhướng tai
-Ừ thì nghe lời mày vậy. Bà nhấc cái ghế đẩu ba chân lên và úp mặt nó xuống để chèn chồng báo. Và đi ra cổng:
-Mày muốn nói gì với tao đây. Con mèo kêu to tiếng hơn.
-À thì ra là bảo già không nên nói tao mày như thế chứ gì. Phải nói lịch sự với nhau hả? Con mèo không kêu nữa. Bà lão gật đầu:
-Tao biết phải nói gì với mày bây giờ?
Con mèo vừa kêu vừa đưa tay lên mũi quệt quệt. Bà vú già cười:
Thế mày nghĩ nói lịch sự là thế nào?
Có tiếng chuông cửa reo. Bà liếc con mèo một cái và đi ra mở cửa. Bà chủ nhà nhăn mày nói:
-Vú nói chuyện với ai mà chẳng nghe thấy gì thế?
Tiếng guốc nẩy đanh trên mặt đá lát sân. Bà vú mỉm cười. Những tiếng quen thuộc hàng ngày cất lên, những lời than, những câu đổ lỗi, sự bực dọc, tiếng cười, tiếng an ủi, tiếng uống nước, tiếng nhai cơm, tiếng đếm tiền, tiếng giũa móng tay, tiếng hát, tiếng người, tiếng mèo, tiếng chúc, tiếng im lặng… Đối với bà, tất cả chẳng có âm thanh nào không phải là nhạc.
Như thế đấy…
NGUYỄN NGỌC QUÝ – Theo tapchivanhoaphatgiao.com