Xuân Quý Mão

Năm mới tặng nhau một chữ THƯƠNG,
Để sau bù đắp cuộc vô thường.
Ân cần, trân quý khi còn gặp,
Biết vẫn còn chung một đoạn đường!
Xin chúc năm mới một chữ HÒA,
Đời không thuận ý hãy cho qua.
Phiền giận, riêng mình ôm mối khổ,
Thanh thản khi lòng niệm thứ tha.
Năm mới mọi người nhớ chữ TÂM,
Để cùng sống đẹp đến trăm năm.
Thiên đàng, địa ngục… từ Tâm tạo,
Hỷ, Xả, Từ, Bi, xóa lỗi lầm.
Xin chúc năm nới một chữ AN,
Giữa đời luôn biến động, gian nan..
Bình an khó gặp nơi trần cảnh,
Nương tựa trong ta, sống nhẹ nhàng..
Năm mới chúc nhau một chữ VUI,
Đời trăm yến tiệc cũng trôi xuôi.
Vui trong đạo lý, nơi điều thiện,
Vĩnh viễn hồn ta thắp nụ cười..
Năm mới chúc nhau một chữ THÀNH,
Thành công, thành tựu với thành nhân.
Hướng về phụng sự vui Tam Bảo,
Hạnh phúc miên trường… Tâm mãi Xuân…
(Thích Tánh Tuệ)

Tôi thảnh thơi yên lòng lên Adelaide ăn tết cùng gia đình con gái, vì lớp người trẻ Phật tử của chùa Hoa Nghiêm mấy năm nay đã đứng ra lo những công việc mà ngày xưa chúng tôi đã từng làm. Dâng cúng lên bàn Phật trong Chánh điện, các tôn tượng trong ngoài và trên Bảo Tháp như:

– Mỹ My gắn mai vàng, hoa đào.
– Tuyết chưng hoa.
– Thanh lo trái cây.
– Đoàn võ Vovinam cúng 18 chậu Vạn thọ.

Điện thoại reo liên tục và những hình ảnh được gởi tới tấp đến Diệu Ngọc làm cháu ngoại bật cười và nói: “Các con không nuôi của bà ngoại mỗi ngày đều gọi”.

– Bảy ơi! Bảy à.

– Bảy ơi, con đã lắc lá cây rồi, bây giờ còn gắn hoa. Bảy coi con gắn hoa đào có đẹp không? Đều không?

– Bảy ơi, kỳ này con quên đặt mua trước chậu cúc để chưng các tôn tượng, bây giờ làm sao? Con phải chạy đến farm khác, đắt một chút nhen Bảy.

– Con gởi hình nè, Bảy coi hoa này có đẹp không? Chưng các tôn tượng đẹp hén!

– Bảy ơi con mua được những chậu hồ diệp đẹp lắm! Bảy coi hình đi!

– Bảy ơi, con mua được mấy thùng cam rất đẹp, tươi, mừng quá Bảy ơi!

– Bảy ơi, mỗi bàn thờ chỉ chưng 2 trái bưởi, con tính lộn, hú hồn! Mua về nhiều chắc phải đem ra chợ bán quá. Bảy đừng cười nhen.

– Bảy ơi! Mừng quá! Bên võ Vovinam cử hai phụ huynh Loan và Hương tự đem Vạn thọ lên chưng trên chánh điện và các tôn tượng, nên con nhẹ lo phần đó. Khiêng Vạn thọ nặng lắm!

Chúc nhau trong đạo ngoài đời
Ý như vạn sự, người người an khang
Bao nhiêu thành đạt giàu sang
Không bằng một ánh đạo vàng trong tim
(Toại Khanh)

Những tấm hình của con dâu gởi lên, ông Châu (kiến trúc sư của chùa) làm nhà tranh. Trước nhà có cây Đu đủ, gánh lúa, 2 chậu Thanh long, rổ trái cây. Bên hông là cây lựu, dàn khổ qua, bầu. Tất cả đều có trái chín và trĩu nặng.

– Con chụp hình gởi rồi đó. Me coi đi, đẹp quá phải không, giống y như nhà ở quê Việt Nam.

Rồi Toàn bên võ gởi hình 6 con Lân, đặc biệt hình con Rồng.

– Cô Bảy, năm nay ngoài múa võ, múa Lân và đặc biệt có múa Rồng. Cô Bảy coi video, tụi nhỏ đang tập nè.

Vui quá! Nước mắt tôi chảy dài. Tuổi già dễ cảm động mũi lòng. Chùa Hoa Nghiêm là một phần đời còn lại của gia đình chúng tôi, ngày gia đình đoàn tụ năm 1983 qua Úc là bắt đầu gắn bó với chùa.

Lần đầu tiên đêm giao thừa gia đình tôi không có mặt ở chùa, nhưng mùi tết vẫn như đâu đây. Hình ảnh bình hoa, những đĩa trái cây, lư hương, nhang đèn, đồ ăn chay, bánh tét, mai vàng, nụ đào sắc thắm… Tất cả vọng mùi của quê hương Việt Nam yêu dấu. Chùa đại điện cho quê nhà, đem những đứa con xa xứ kết lại gần nhau, thân mật tình thương yêu.

Năm mới ngày mỗi mới
Tâm tỏa sáng viên minh
Thấy pháp thường như thị
Tịch tịnh giữa hư vinh
(Viên Minh)

VỀ đội võ của Vovinam, lần đầu tiên nhìn các em múa võ lồng theo những lời nhạc, chúng tôi những người lớn tuổi có người đã bật khóc, tôi nỗi gai ốc khắp người.

Các em nhỏ đứng trước, lớn đứng sau. Đai từ màu xanh dần chuyển sang màu vàng, đầu cúi chào, tay để lên trái tim có dấu hiệu nước Việt Nam cùng múa võ bài Dòng Máu Lạc Hồng của Lê Quang.

Dòng máu lạc hồng, bốn ngàn năm
Dòng màu đỏ tươi, chảy trong tim mình
Nòi giống Lạc Hồng, giống rồng tiên nguyện ôm bao đời đất mẹ
Nhịp trống hào hùng, mãi còn vang, bao lớp người đi ra biên thùy.
Hình bóng mẹ già đứng đợi con, tạc vào sử sách…hào hùng…

ĐK
Việt Nam ơi! Yêu mến ngàn đời,
Yêu lũy tre xanh,có còn sông chảy quanh.
Nào ta hát khúc hát Lạc Hồng.
Là muôn cánh chim bay rợp biển Đông.
Việt Nam ơi ! Hãy nắm chặt tay.
Trên bước đi lên, viết thêm trang sử vàng.
Nào ta hát, khúc hát Việt Nam, con cháu Rồng Tiên.
Con cháu Lạc Hồng, tự hào hai tiếng Việt Nam.

Lời nhạc vang lên thật hùng tráng, các em lớn nhỏ, trai gái cùng múa võ hoà điệu theo từng lời hát nhịp nhàng, lúc mạnh mẽ, lúc nhanh, lúc xoay vòng, bước tới, bước lùi đều nhau thật đẹp.

Những lần múa Lân của đội võ Vovinam lúc trước:

Màn kịch về 3 con Lân

Ba con Lân, tím, xanh dương và màu cam múa theo tiếng trống, thể hiện Phúc, Lộc, Thọ chúc lành cho mọi người.

Lân màu xanh dương nhảy cao và múa thần thái thật uy dũng bức phá. Các em này điều khiển đai vàng trong đội võ.

Lân tím đi theo điệu nhạc êm đềm, gợi hình ảnh quê hương mùa xuân, những cây hoa đua nở đủ màu sắc.

Lân dạo chơi và ngửi thấy mùi hương lạ, không phải mùi của các hoa đẹp, và nhìn thấy một cái bình đẹp và to, lắc lắc, mở ra, thấy mùi lạ của nước nên nếm và uống thử, uống thử, rồi đi theo dáng người say rượu nhưng không biết mình say. Cách múa diễn tả thật tuyệt vời.

Lân cam xuất hiện điệu múa nhẹ nhàng và ngạc nhiên khi thấy Lân Tím nằm ngủ ngon lành, kêu mãi bạn không dậy. Chẳng hiểu tại sao bạn ngủ kêu không dậy. Thấy cái bình bỏ gần đó và tò mò mở ra, cũng lắc, cũng nếm thử và cũng say như bạn.

Cách diễn tả của một người say thật đúng và hay. Ta không say, ta đi đây, rồi té xuống ngủ bên bạn.

Ông Địa xuất hiện, chuông, trống vang ầm lên, tiếng phèn la. Ông Địa cái bụng thật to và dùng cái quạt, quạt lia lịa kêu 2 con Lân thức dậy.

Lân xanh dương xuất hiện. Ba con Lân múa, nhảy, đội nhau lên cao. Màn múa Lân thật đẹp mắt và và điêu luyện vì các em đều biết võ.

Nay đến Màn múa Rồng.

Dân Việt Nam theo truyền thuyết là con cháu Rồng Tiên.

Con Rồng của đội võ Vovinam đài 10 mét do 10 em múa. Điều khiển Rồng, thêm một em cầm cây cao có trái châu.

Múa rồng không nhảy cao và trèo lên nhau như múa Lân mà là chạy nhanh. Mỗi em cầm cây giữ phần thân của Rồng, chạy nhanh và lên xuống theo thân hình uốn khúc điêu luyện của Rồng làm cho lòng người thanh thản, tinh thần phấn chấn vui vẻ và tràn đầy cảm xúc.

Mỗi khúc thân Rồng có gắn đèn chớp sáng nên khi rồng uốn lượn thì đèn chớp sáng đổi màu liên tục. Rồng múa theo nhịp trống và theo người cầm trái châu điều khiển.

Các vị trí trong đội hình múa Rồng từ ngay ban đầu, ai giữ vị trí nào thì cầm nguyên vị trí đó, không thể hoán đổi cho nhau được, người giữ đầu, đuôi và cầm trái châu phải là người cứng nghề nhất, dày dạn kinh nghiệm nhất mới biểu đạt được thần thái, uy phong của Rồng. Từng động tác trong màn múa Rồng là niềm tự hào dân tộc, mang tính nghệ thuật cao, có tính tập thể rất thống nhất, nhịp nhàng, mềm dẻo.

Cháu Nội tôi trong đội múa Rồng, cháu than mệt lắm! Chúng tôi an ủi:

– Ráng đi cháu, mình là con Rồng cháu Tiên mà.

– Bà Nội ơi! Sao mình làm con Rồng cháu Tiên mà chi, múa mệt lắm đó!

– Múa lân- sư- rồng vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn và giá trị của vốn có của nó. Lúc đức Phật Giáng sinh, Long vương Nan Đà, Long vương Ưu Ba Nan Đà ở trên hư không phun một dòng nước ấm, một dòng nước mát trong sạch tắm cho Thái tử. Truyền thuyết này còn lưu giữ mãi.

Cùng với sự phát triển của lịch sử, từ lâu các nước phương Đông phổ biến về con rồng, tổng hợp trong con vật linh thiêng này là tín ngưỡng, niềm tin, lý tưởng, nguyện vọng và sức mạnh đó con.

Cọp đi, nhường chỗ cho mèo
Để về ngắm bóng trăng treo cuối rừng
Buồn vui bỏ hết sau lưng
Bao lo toan…chạm điểm dừng thì lui
Về rừng xưa ngó suối trôi
Lên non cũ ngắm mây trời vong thân
Cuối năm lòng chợt bâng khuâng
Bình sinh mộng ảo có ngần ấy thôi!
(Toại Khanh)








Diệu-Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.