1. Ăn lông ở lỗ
Trong tiếng Việt, ăn lông ở lỗ thường dùng để miêu tả lối sống hoang dã của loài người vào thời tiền sử, như thường thấy trong lối giải thích có trên mạng, thông thường xóa bỏ hay không cần bàn rõ đến những ý nghĩa đằng sau của từng chữ trong đó. Ăn lông ở lỗ thường được hiểu dưới dạng bề mặt là sinh sống (ở) trong hang động (lỗ) và ăn thịt súc vật luôn cả da và lông . Thật ra lối chuyển ngữ nầy chỉ dựa vào ngữ nghĩa bề mặt, dựa vào ngữ nghĩa theo lối ráp vần của thiết kế Taberd [15], nhưng vẫn thiếu thốn chứng liệu, bởi chữ ở lỗ thay cho sinh sống trong hang động có vẻ ít thấy trong ngôn ngữ thường dùng, và chuyện ăn thịt thú vật luôn cả lông chỉ có thể xem là phỏng đoán, chứ không hề được quan sát, ghi nhận vào thời tiền sử trong tính cách thường xuyên, tức kể cả việc thường ăn thịt gà, thịt vịt, thịt ngan, thịt cừu, luôn luôn ăn cả lông.
Nói một cách khác, nếu đối ứng với hai ngữ nghĩa theo định để, tức chỉ chú trọng đến ngữ âm và ngữ nghĩa bề mặt, nhất là không để ý đến ngữ nghĩa tương ứng hoặc có trước, của lông và lỗ, thì ăn lông ở lỗ rất khó mang ngữ nghĩa nào khác ngoài nghĩa sinh sống trong hang động (ở lỗ). và ăn thịt thú vật ăn luôn cả lông (ăn lông).
Phân tích ngôn ngữ tránh dựa vào học thuật hiện có, có thể xem ăn lông ở lỗ như một từ ngữ mang 4 âm, giống như ăn nên làm ra, ăn tươi nuốt sống, ăn xổi ở thì, ăn dầm nằm dề, cà rịch cà tang, liên thoa liên thuyên, ba cọc ba đồng, chổng cọng chổng càng, ăn vóc học hay, tai vách mạch rừng, và trong đó có các từ hai âm mang ngữ nghĩa như nhau hay gần giống nhau, như làm
ăn, ăn ở, được tách ra và kèm với hai từ khác cũng mang ngữ nghĩa gần giống nhau, tạo nên từ 4 âm (ăn nên làm ra, ăn lông ở lỗ). Phân tích kiểu nầy có vẻ luôn bị vướng mắc bởi một phán ngôncủa các học giả Tây Phương, gần như dính chặt vào học thuật về tiếng Việt, cho rằng tiếng Việt là tiếng đơn âm, và như vậy những từ như ăn lông ở lỗ sẽ xem như, hay nên gọi là, cụm từ. Thật ra những từ như ăn ở có thể xem như từ 2 âm có một nghĩa chính là to live, to dwell, to exist, tức nói chung chung là sống, hoặc ăn ở mang một nghĩa nữa dựa vào chữ ở là nghĩa giống như to be, to stay: ở vậy chứ không lấy chồng, ở trần ở truồng. Cũng giống như từ 2-âm ô dù có thể mang gần sát với protégé / patron (có người đỡ đầu / che chở), chứ không giống với ô hay dù đứng riêng một mình. Giống như khác nhau giữa any way (trong bất cứ cách nào) và anyway (tuy nhiên), và any (bất kì) và way (đường, phương cách), trong tiếng Anh. Để ý tiếng Việt ngày nay, thông thường nằm dưới dạng song thể / độc thể (A là A), hay một dân tộc / một ngôn ngữ, sẽ dẫn đến ngữ âm [ăn] trong tính độc thể chỉ mang một nghĩa bề mặt trong tiếng Việt là to eat.
Kiểu lí giải nầy sẽ đưa đến chuyện rất khó chứng minh, theo học thuật xưa nay, là ăn ở một động từ 2 âm phải mang nghĩa là to live, to dwell, to exist, tức sống, sinh sống: ăn ở với nhau= sống với nhau. Kiểu lí giải theo nguyên lí độc âm hoặc/và nguyên lí một chủng tộc / một ngôn ngữ, lúc nào cũng hàm chứa một giả định (assumption), tuy cũng có vẻ mang tính chắc chắn, xác định, là chữ ăn là chữ của tiếng Việt, mang nghĩa to eat.
Theo kiểu nầy, tức dựa vào nghĩa đơn và bề mặt của ăn là to eat, những thứ từ hai âm có âm ăn, trừ chữ ăn uống, như ăn mặc, ăn vận, ăn bận, ăn nằm, ăn khớp, ăn mặc, ăn mòn, làm ăn, ăn chơi, ăn nhằm, ăn nhậu, ăn năn, ăn bàn cờ, ăn cá, ăn xài, ăn hiếp, ăn mày, v.v., sẽ trở nên tối nghĩa và gây lộn xộn không ít với ngữ âm [ăn] ở trong đó. Cũng theo nguyên lí độc âm và độc thể (ăn là ăn, là to eat), chữ ăn khớp (to match, to suit, to fit, appropriate) có thể trở nên lổng chổng, và cũng ở những lí do nầy, nhiều người viết rành rọt về tiếng Việt đã áp dụng triệt để nguyên lí độc âm, thu gọn ăn khớp thành khớp, đứng riêng một mình. Nhưng chữ khớp, đứng một mình, rất dễ nhầm với khiếp (sợ) hoặc ấn tượng mạnh, nể phục, (thấy) phát khớp, gần giống như awe tiếng Anh. Tương tự, khi tra cứu chữ đồng nghĩa với ăn trong các tự điển các tiếng Mon-Khmer, cũng như các tiếng Lao, Myanmar (Burmese) [1] sẽ thấy hiện thể nhiều từ của nhiều tiếng khác nhau, có nghĩa chính là ăn, nhưng ứng với rất nhiều ngữ nghĩa khác nhau mang nghĩa của từ hay âm thứ hai đi theo sau những từ 2 âm như kiểu ăn mặc, ăn khớp ở trên. Như chữ စ [cɛˀ] (ăn) tiếng Mon
[2], hoặc စ ား [sa:] (ăn) tiếng Burmese
[3], hay ກິ ນ [kìn] (ăn) tiếng Lào
[4], tất cả đều mang nghĩa chính là ăn, nhưng cũng mang nhiều nghĩa khác, giống nghĩa như nhiều từ 2 âm bắt đầu bằng ăn tiếng Việt, như ghi ở trên.
Cấu trúc của những từ 2 âm trong tiếng Việt, bắt đầu bằng ăn có thể phân tích tiêu biểu bằng chữ ăn khớp, một từ “thuần Việt” biến chuyển xa xa từ chữ thích hợp (ăn= thích / khớp= hợp), xuyên qua tầng lớp các thứ tiếng trong khu vực, theo dòng thời gian và dòng hợp ngữ, nhất là theo cấu trúc Pidgin-Creole trình bày phía sau. Nói một cách khác, và xin phép nhấn mạnh, lối truy tầm từ tương ứng hay từ tương âm (sound correspondence) không dựa vào quan sát tương âm như thường thấy trong sách vở, nhưng phần lớn dựa vào tương nghĩa, tức ngữ nghĩa giống nhau của hai ngữ từ có ngữ âm khác nhau, rồi suy ra rằng ngữ âm nầy chính là một trong những ngữ âm cũ của ngữ từ kia (thường thuộc vào tiếng hỗn hợp tạo nên ngôn ngữ sau nầy), giữ vững những ngữ nghĩa thời ban sơ, thường thường là nghĩa chính hay nghĩa tổng quát. Phân tích tương âm kiểu nầy dựa sát vào ngữ âm, và nhất là ngữ nghĩa, thời chưa có chữ viết, hay chữ viết không phải là một dạng ngôn ngữ phổ quát, so với lối xác định tương âm (sound correspondence) dựa vào chữ viết hay lối kí âm thiết lập sau nầy, như của IPA (International Phonetic Alphabet). Nói rõ và đơn giản, cả hai từ ăn (trong ăn khớp) và thích (trong thích hợp) cùng mang âm [sik] tiếng Quảng Đông, một [sik] 食 mang nghĩa ăn, tức thực, tự, sực, xực, theo quốc ngữ, còn [sik] kia chính là thích 適, trong thích hợp. Còn âm [khớp] hay [hợp] là âm quốc ngữ ứng với cùng một chữ viết 合 [cáp][hợp][hiệp], mang nghĩa chính là hợp trong thích hợp hay khớp trong ăn khớp. Cả hai âm [khớp] [hợp] đều ứng với rất nhiều âm của các thứ tiếng phía Bắc, xưa và nay, như [he] [ge] [khep] [gap] [gheh] [kheh], đặc biệt âm [khớp][hạp][hợp] tiếng Việt, rất gần âm [kap][gap][hap] 合 tiếng Hakka [5], với 合 [hap] mang nghĩa hợp trong thích hợp. Nếu hiểu chữ hai âm ăn khớp mang một nghĩa hiểu theo tiếng Anh là to be well suited to, hay to match, thì với phương tiện ngôn ngữ ở thời internet, có thể thấy trong tiếng Burmese (Miến Điện, Myanmar), có chữ စ ား [sa:] mang rất nhiều nghĩa, trong đó có ăn (eat), và ăn khớp, thích hợp hoàn toàn, tức to suit well, to match well, theo tiếng Anh [3]. Cũng để ý, âm [khớp] tức [hợp][hạp] trong ăn khớp (thích hợp) lại giống âm [hap] tiếng Mon [2] mang nghĩa là ăn, ăn bằng tay.
Trở lại chữ hai âm ăn ở. Có thể nói lí giải cho chữ hai âm ăn ở không phải khó vì không có dữ liệu dồi dào đầy đủ, nhất là với phương tiện internet ngày nay, nhưng sẽ khó vì những nguyên lí hay tiền đề nằm chằn chịt trên khắp đường hướng học hỏi hay nghiên cứu, cũng như rãnh kiến thức, tạo dựng bởi những học giả, Đông cũng như Tây, bản địa cũng như nước ngoài. Ở phương
diện nầy, cũng cần để ý, học thuật về ngôn ngữ ngày xưa đặt trọn chú tâm vào một hiện thể, gọi là tiếng mẹ đẻ. Ý niệm tiếng mẹ đẻ có vẻ thay đổi rất nhiều vào khoảng cuối thế kỉ 20, sau những cuộc di dân toàn cầu do ở chiến tranh và loạn lạc, mà hiện nay hãy còn tiếp diễn. Tiếng mẹ đẻ vào thế kỉ 21, rất khó phân biệt với tiếng cha nuôi, và tiếng cha nuôi dùng để chỉ ngôn ngữ được xử dụng tại quốc gia, hoặc nơi chốn mà người xử dụng nó, ra đời ở một nơi khác, được lớn lên và ăn học, làm việc, hay tiếp xúc thường xuyên với người bản địa. Hiện thể nầy chỉ xảy ra rầm rộvà được quan sát vào cuối thế kỉ 20, sau sự ra đời của rất nhiều lí thuyết ngôn ngữ. Nói như vậy, cũng có nghĩa là hầu hết những lí thuyết ngôn ngữ, xây dựng trên nền tảng một dân tộc / một ngôn ngữ, gắn liền với nguyên lí của tiếng mẹ đẻ và nguyên lí định để, rất khó được áp dụng và theo sát, để tìm ra lí giải cho những phức tạp của ngôn ngữ, nhất là nếu chỉ xử dụng ngữ nghĩa hay ngữ âm bề mặt của từ vựng.
Lí giải dành cho từ hai âm ăn ở, tạm gác sang một bên nguyên lý một dân tộc một ngôn ngữ, cũng giống như việc truy ra ngữ âm [sa:] của tiếng Myanmar cho chữ ăn khớp, tức truy về những ngữ âm của những thứ tiếng trong khu vực, tuy khác với ngữ âm quốc ngữ [ăn] và [ở] nhưng lại mang nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có nghĩa của cả ăn và ở. Thí dụ như chữ ăn xài, thì ngữ âm [ăn] có thể xem như gần với [?in] hay [?aam] (eat) tiếng Shan, hoặc [êng] tiếng Triều Châu (rất gần với âm [ăn]), hay [ing] tiếng Phúc Kiến, ứng với từ 用 [yong], tức chữ dùng (用) có phát âm Hakka [yung] mang nghĩa ăn hay uống, ngoài nghĩa thông thường là xử dụng. Trong khi đó, ngữ âm [xài] (spend, use) gần với ngữ âm [tsaaj] tiếng Shan, mang nghĩa tương tự, và tiếng Lao có ngữ âm [sȅːp] mang các nghĩa ăn, uống và xài, với âm [xài] gần với ngữ âm [sâi] tiếng Lao, mang nghĩa giống như xài (spend, use), ngoài nghĩa khác là trưng dụng, tuyển dụng, nhân dụng (employ). Chữ ăn ở trong nghĩa to exist, to live sẽ đồng nghĩa với chữ ກິ ນ [kìn] tiếng Lao, ngoài nghĩa ăn (to eat), uống (to drink) và những nghĩa khác. Những ngữ nghĩa khác nhau, ăn, uống, xài, sống, ở, ăn ở với nhau, ở vậy (nuôi con), ưa lui tới, thắng cuộc (ăn bài, ăn ván cờ), ăn mòn, ăn nằm, ăn chia, ăn khớp, ăn hối lộ, ăn tiền trợ cấp, v.v., đều có thể tìm thấy trong những chữ như: សេព [saep] (Khmer), ເສບ [sȅːp] và ກິ ນ [kìn] (Lao), စ ား [sa:] (Miến Điện), hoặc စ [cɛˀ] (Mon) (xem [1]-[4]). Đặc biệt, trong chữ ăn vận hay ăn bận (wear), chữ ăn biến thái vẫn giữ ngữ nghĩa của ngữ âm [khat] mang nghĩa to wear, cùng với [kat] (ăn từng miếng nhỏ, nibble) tiếng Lao; hoặc [si:] (wear) tiếng Miến, giống âm [si:] (eat) tiếng Khmer; trong khi vận (ăn vận) có âm gần với [wən] tiếng Bahnar, [wan] tiếng Khmu, hay bận (ăn bận) mang ngữ âm gần với [bɨʌn] [biːɲ] [pɑːn] [pəːŋ] tiếng Katu, v.v., tất cả mang ngữ nghĩa giống như to wear, xem [6]. Còn chữ hai âm ăn ở có âm [ăn] chứa nghĩa của ở, tức sống tại, sinh sống (to live, to exist) cùng với nghĩa của ăn có thể tìm thấy từ những chữ thuộc các thứ tiếng trong khu vực kể trên, nhưng mang ngữâm khác với [ăn] tiếng Việt. Còn ở với những nghĩa như cư ngụ, ở tại, sinh sống ở, sống (ở trên đời), chia sẻ ngữ âm với tiếng Nam Kinh [u] (寓) hay Ngô [ua?], Nam Kinh [ho] (活), hoặc Phổ thông [yu] 寓 [7], giống [yuu] Thai [8], [dú] Tay-Nung [9], cũng như những ngữ âm [?oj] tiếng Bahnar, [?at] tiếng Katu, [ʔæ̃h] tiếng Nicobar, hoặc [ʔǒt] tiếng Palaung [6]. Và ăn ở khi dùng như một từ 2 âm sẽ mang ngữ nghĩa chính giống như ở, và là từ thuần Việt, với lí do đơn giản là người nói tiếng Việt hằng ngày sẽ hiểu rõ nguyên trọn ngữ nghĩa của ăn ở, cũng như không thể tra chữ ăn ở có âm và nghĩa gần giống như vậy trong bất cứ tự điển nào, trừ những tự điển hay văn bản tiếng Việt.
Nguyễn Văn Ưu