Giảng Giải Thêm về Bốn Tầng Thiền Định (Jhāna)
Bây giờ tôi sẽ nói với các bạn nhiều chi tiết hơn về bốn tầng tầng thiền định (Jhāna). Khi giảng giải về Chánh Định, Đức Phật nói đến bốn tầng thiền. Chú Giải giải thích rằng: bốn tầng thiền không phải chỉ là những tầng thiền thế tục mà còn là các tầng thiền siêu thế. Như vậy, Chánh Định không phải chỉ là Jhāna thế tục mà còn là Jhāna siêu thế. Tóm lại, Chánh Định là bốn tầng Thiền. Bốn tầng thiền (Jhāna) không phải chỉ là những Jhāna thế tục như ta nghĩ mà bao gồm cả Jhāna siêu thế.
Để hiểu rõ điều này, chúng ta hãy hiểu thế nào là Jhāna. Trước tiên, Jhāna là những trạng thái tâm cao hơn. Những trạng thái tâm này được kinh nghiệm bởi người hành Thiền Định. Như vậy, Jhāna có thể đạt được qua việc hành Thiền Định (Samatha). Có nhiều đề mục được xử dụng trong Thiền Định để đạt Jhāna.Chẳng hạn như thiền sinh hành Thiền Định lấy một cái đĩa bằng đất làm đề mục. Thiền sinh nhìn vào cái đĩa bằng đất rồi nhớ trong tâm. Có thể nói rằng: thiền sinh học thuộc lòng hình ảnh này nó và giữ nó trong tâm. Nghĩa là tạo hình ảnh một đĩa đất trong tâm. Rồi thiền sinh chú tâm vào đó nhiều lần cho đến khi hình ảnh này trở thành rõ ràng. Thiền sinh chú tâm vào đó cho đến khi đạt được Jhāna. Vào lúc đạt được Jhāna thì hình ảnh đĩa bằng đất được lưu giữ liên tục trong tâm một thời gian. Như vậy, khi Jhāna khởi sinh sẽ lấy đĩa đất làm đối tượng.
Đĩa bằng đất chỉ là một ví dụ. Có rất nhiều đề mục khiến Jhāna khởi sinh, lấy hình ảnh trong tâm hay tướng này làm đối tượng. Trong khi tâm lấy tướng này làm đối tượng thì phiền não được đẩy đi một thời gian. Điều này có nghĩa là Jhāna không thể tiêu diệt hay diệt trừ một chút phiền não nào mà chỉ tạm thời chế ngự phiền não trong một thời gian. Đó là bản chất của Thiền Định. Tóm lại, Jhāna lấy đề mục làm đối tượng, chú tâm vào đấy để đẩy phiền não đi một thời gian. Jhāna không thể tiêu diệt vĩnh viễn một loại phiền não nào khiến chúng không còn phát sinh trong tương lai nữa.
Khi thiền sinh trú trong các tầng thiền hay Nhập Định (Jhāna), thiền sinh kinh nghiệm được an lạc, hạnh phúc. Hạnh phúc mà thiền sinh kinh nghiệm được trong thời gian nhập định an lạc, thanh tịnh hơn hạnh phúc của dục lạc ngũ trần. Đó là bản chất của Jhāna.
Có bốn tầng thiền thế tục. Chữ Jhāna chỉ cho sự kết hợp của một số tâm sở hay yếu tố tâm. Trong tầng thiền thứ nhất có năm yếu tố hay năm tâm sở: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, và Định. Khi đề cập đến tầng thiền thứ nhất có nghĩa là chúng ta nói đến nhóm năm tâm sở này. Tầng thiền thứ hai chỉ có Hỷ, Lạc, và Định. Tầng thiền thứ ba chỉ còn Lạc, và Định. Tầng thiền thứ tư thì Lạc được thay thế bởi Xả nên trong tầng thiền thứ tư có Định và Xả.
Năm yếu tố hay năm tâm sở này được gọi là năm chi thiền. Trong số các chi thiền này có hai chi thiền cũng là hai chi của Bát Chánh Đạo, đó là: Tầm và Định. Chi thiền Tầm là Chánh Hướng Tâm (Chánh Tư Duy).
Chân Lý Cao Thượng thứ tư hay Đạo Đế gồm tám yếu tố được gọi là Bát Chánh Đạo. Nhưng thực sự tám chi này chỉ gọi là Bát Chánh Đạo khi chúng khởi sinh với Đạo Tâm. Có thể nói lúc chúng ta dùng tám chi này để thực hành thì được gọi là Bát Chánh Đạo, nhưng khi Giác Ngộ mới được gọi là Bát Thánh Đạo.
Tại sao các tầng thiền thế tục có thể kết hợp với Đạo Tâm siêu thế?
Một vấn đề cần lưu tâm ở đây là tại sao các tầng thiền thế tục có thể kết hợp với Đạo Tâm siêu thế? Nếu là tầng thiền thế tục thì không phải là Đạo Tâm, nếu Đạo Tâm thì không phải là tầng thiền thế tục. Tại sao trong siêu thế lại có tầng thiền thế tục? Khi giải thích Chánh Định, Đức Phật nói đến bốn tầng thiền thế tục.
Chú Giải giải thích rằng: Chúng ta phải hiểu đây là Tầng Thiền Siêu Thế. Thế nào là Tầng Thiền Siêu Thế? Thật ra khi nói các tầng thiền (Jhāna), chúng ta chỉ nói đến các tầng thiền thế tục. Nhưng có Tầng Thiền Siêu Thế bởi vì vào lúc Giác Ngộ thì Đạo Tâm khởi sinh. Và khi Đạo Tâm khởi sinh thì khởi sinh cùng với ba mươi sáu tâm sở. Trong số ba mươi sáu tâm sở đó, có các tâm sở Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định, và các tâm sở khác. Như vậy, khi Đạo Tâm khởi sinh thì năm chi thiền cũng ở trong đó. Bởi vì Đạo Tâm có năm chi thiền trong đó nên Đạo Tâm được gọi là “Đạo Tâm Nhất Thiền”. Có nghĩa là Đạo Tâm giống với tầng thiền thứ nhất. Đó là bởi vì, nếu là Jhāna thì không phải là Magga, và nếu là Magga thì không phải là Jhāna. Ở đây, Đạo Tâm được gọi là “Tầng thiền thứ nhất” bởi vì Đạo Tâm giống với tầng thiền thứ nhất thế tục.
Nếu một người chỉ thuần hành Thiền Minh Sát, không phối hợp với Thiền Định và Giác Ngộ thì Đạo Tâm của người này vào lúc Giác Ngộ cũng phải được đi kèm với năm chi thiền; bởi vậy Đạo Tâm này được gọi là “Đạo Tâm Nhất Thiền”, Đạo Tâm
giống với tầng thiền thứ nhất.
Nếu một người hành Thiền Định, và đạt được Jhāna trước khi hành Thiền Minh
Sát thì khi hành Thiền Minh Sát, người này có thể chọn một trong hai cách:
a. “Chỉ thuần hành Thiền Minh Sát, không phối hợp với Thiền Định”.
b. “Hành Thiền Minh Sát, phối hợp với Thiền Định”.
Có nghĩa là họ vào Jhāna (tầng thiền thế tục) trước, rồi ra khỏi Jhāna để hành Thiền Minh Sát trên Jhāna (tầng thiền) thứ nhất. Kết quả của việc hành thiền như thế này Đạo Tâm khởi Như vậy, khi Đạo Tâm phát sinh thì phát sinh cùng với năm chi thiền (Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định) và những tâm sở khác. Bởi vậy Đạo Tâm này được gọi là “Đạo Tâm Nhất Thiền”, có nghĩa là Đạo Tâm có năm tâm sở giống với tầng thiền thứ nhất. Một thiền sinh có đủ bốn tầng thiền (Jhāna); vị này có thể nhập tầng thiền thứ hai. Ra khỏi tầng thiền thứ hai, thiền sinh hành Thiền Minh Sát trên tầng thiền thứ hai và đạt Đạo Tâm. Đạo Tâm của thiền sinh này chỉ được đi kèm với ba chi thiền (Hỉ, Lạc, Định) bởi vì Jhāna thứ hai chỉ có ba chi thiền căn bản cho Thiền Minh Sát. Như vậy, khi Đạo Tâm này phát sinh thì phát sinh cùng với ba chi thiền (Hỉ, Lạc, Định) và những tâm sở khác. Bởi vậy Đạo Tâm này được gọi là “Đạo Tâm Nhị Thiền”, có nghĩa là Đạo Tâm có ba tâm sở giống với tầng thiền thứ hai. Tương tự như vậy, “Đạo Tâm Tam Thiền” phát sinh cùng với hai chi thiền (Lạc, Định)…
Như vậy, khi nói “Đạo Tâm Nhất Thiền”, thực ra chúng ta muốn đề cập đến “Đạo Tâm” chứ không phải là “Thiền Tâm”, nhưng Đạo Tâm giống như “Thiền Tâm” (có thiền chi giống nhau). Bởi vì giống như “Thiền Tâm” nên được gọi là “Thiền Siêu Thế”. Thật vậy, “Thiền Siêu Thế” lấy Niết Bàn làm đối tượng chứ không lấy hình ảnh trong tâm hay các đối tượng khác của Thiền Định làm đối tượng.
Như vậy, khi những chi thiền khởi sinh với Đạo Tâm thì lấy Niết Bàn làm đối tượng, nhưng khi các chi thiền này khởi sinh với Thiền Tâm thế tục thì lấy các đề mục là tướng trong tâm hay các đề mục của Thiền Định làm đối tượng.
Như vậy, do đề mục khác nhau mà khi là Thiền Tâm thế tục khi là Thiền Đạo Tâm. Nếu là những tầng thiền thế tục thì các chi thiền lấy các đề mục là tướng trong tâm hay các đề mục của Thiền Định làm đối tượng. Nhưng khi các chi thiền này khởi sinh với Đạo Tâm thì lấy Niết Bàn làm đối tượng.
Đạo Tâm có khả năng tiêu trừ phiền não trong tâm. Đạo Tâm không phải chỉ tạm thời đẩy phiền não sang một bên mà diệt trừ phiền não hoàn toàn, không để chúng khởi sinh trong tương lai nữa. Khi thiền sinh đạt Đạo Tâm, rồi đạt Quả Tâm, thiền sinh hưởng hạnh phúc an tịnh tĩnh lặng. Và sự an tịnh tĩnh lặng, hạnh phúc này vượt trội hơn hạnh phúc trong các tầng thiền (Jhāna), đáng kể chi đến hạnh phúc do dục lạc ngũ trần đem lại. Đây là hạnh phúc và thanh tịnh tĩnh lặng cao tột.
Như vậy, các Jhāna Thế Tục và các Jhāna Siêu Thế khác nhau ở chỗ các Jhāna Thế Tục lấy hình ảnh trong tâm hay các đề mục Thiền Định làm đối tượng, tạm thời loại trừ phiền não; còn các Jhāna Siêu Thế lấy Niết Bàn làm đối tượng và vĩnh viễn loại trừ phiền não. Hạnh phúc và an tịnh tĩnh lặng kinh nghiệm được vào lúc đạt Đạo và Quả là hạnh phúc và an tịnh tĩnh lặng tuyệt diệu nhất.
Như vậy khi nói Chánh Định là bốn tầng thiền thì chúng ta phải hiểu đó là bốn tầng thiền thế tục và siêu thế. Bốn tầng thiền thế tục là bốn tầng mức “chuẩn bị” hay “sơ khởi”, bốn tầng thiền siêu thế là bốn tầng mức của Đạo Tâm Giác Ngộ. Bởi vì có bốn tầng thiền ở cả hai tầng mức chuẩn bị lẫn siêu thế nên Chú Giải nói rằng: có nhiều Jhāna trong cả hai tầng mức: tầng mức chuẩn bị lẫn tầng mức đạt Đạo.
Để hiểu rõ tại sao Chú Giải nói có nhiều Jhāna trong cả hai tầng mức, chúng ta hãy xét đến Chánh Tinh Tấn. Các bạn hẳn còn nhớ có bốn loại tinh tấn: loại trừ điều ác đã khởi sinh, ngăn ngừa điều ác chưa khởi sinh, duy trì điều thiện đã khởi sinh, phát triển điều thiện chưa khởi sinh.
Bốn loại tinh tấn này khởi sinh ở tầng mức sơ khởi cũng như ở tầng mức đạt Đạo. Trong tầng mức sơ khởi, bốn loại tinh tấn này mỗi lần chỉ xuất hiện một loại, và không theo thứ tự đặc biệt nào, có thể là tinh tấn loại một, tinh tấn loại hai, tinh tấn loại ba, tinh tấn loại bốn. Nhưng ở tầng mức đạt Đạo thì chỉ có một loại tinh tấn tổng quát. Chúng ta không thể nói đây là tinh tấn loại một khởi sinh với Đạo Tâm, và đây là tinh tấn loại hai khởi sinh với Đạo Tâm… mà chỉ nói tinh tấn khởi sinh với Đạo Tâm mà thôi. Chú Giải nói rằng: có nhiều loại tinh tấn trong tầng mức sơ khởi, nhưng ở tầng mức đạt Đạo thì chỉ có một loại tinh tấn.
Đối với Chánh Định thì khác. Có nhiều loại Jhāna cả tầng mức sơ khởi lẫn tầng mức đạt Đạo.
Bây giờ tôi sẽ hỏi các bạn một số câu hỏi.
- Jhāna có hoàn toàn diệt trừ phiền não không?
Không? Jhāna chỉ tạm thời loại trừ phiền não. Jhāna chỉ tạm thời đẩy phiền não đi một một thời gian thôi. Jhāna không thể diệt trừ hoàn toàn các loại phiền não. Đây là vấn đề thứ nhất.
- Vấn đề thứ hai là: Thiền sinh có nhất thiết phải đạt các tầng Thiền Định trước khi hành Thiền Minh Sát không?
Không.Thiền sinh có thể đạt hay không đạt các tầng Thiền Định trước khi hành
Thiền Minh Sát.
Đó là hai vấn đề quan trọng cần sáng tỏ:
- Jhāna không thể diệt trừ hoàn toàn các loại phiền não, Jhāna chỉ tạm thời đẩy phiền não đi một một thời gian thôi.
- Và thiền sinh không nhất thiết phải đạt các tầng Thiền Định trước khi hành Thiền Minh Sát
Jhāna có thể tạm thời đẩy phiền não đi một thời gian. Thời gian này dài bao lâu? Vài giờ? Vài Ngày? Vài tuần? Vài tháng? Jhāna có thể đẩy phiền não đi trong một gian dài hơn thế. Các bạn có biết dài bao lâu không? Sáu chục năm!
Có một vị thầy rất nổi tiếng, ở Tích Lan ngày xưa, vị này đạt tất cả các Jhāna và có thần thông. Bởi thế, thầy tưởng rằng: mình là một vị A La Hán. Thầy dạy rất đông học trò, và nhiều học trò của thầy đã trở thành A La Hán. Nhưng thầy vẫn còn là người thế tục (puthuj-jana).
Một người học trò nhỏ tuổi của thầy, đã đắc A La Hán, đọc được tâm thầy và thấy thầy mình vẫn còn là người thế tục. Người học trò muốn giúp đỡ thầy, làm thầy tỉnh thức, nên đến gặp thầy. Thấy người học trò nhỏ đến, thầy hỏi: “Con đến đây làm gì? Người học trò trả lời: “Con muốn hỏi thầy vài câu hỏi”. Rồi người học trò hỏi vài câu hỏi. Vị thầy trả lời ngay tức khắc, không một phút giây do dự. Người học trò nhỏ nói: “Thầy thật tuyệt diệu, thật siêu việt, thầy trả lời ngay câu hỏi của con không cần phải suy nghĩ chút nào cả. Thưa thầy, thầy đạt được khả năng này bao lâu rồi? (Người học trò hỏi như vậy vì biết rõ lâu nay thầy mình tưởng lầm là đã đắc A La Hán) Vị thầy trả lời: “Ô, khoảng sáu mươi năm rồi”. Trong vòng sáu mươi năm nầy, thầy không hề thấy phiền não khởi sinh trong tâm mình; đó là lý do tại sao thầy tưởng mình đã là một vị A La Hán. Thầy có thể đẩy phiền não đi trong vòng sáu mươi năm. Thế nhưng, những phiền não này chưa được tận diệt bằng Đạo Tâm nên chúng còn có thể trở lại.
Tiếp đó, người học trò nhỏ yêu cầu:
“Thưa thầy, thầy có thể làm thần thông cho con xem được không?
Vị thầy thấy thương người học nhỏ nên trả lời:
“Ô, việc này đối với thầy thật dễ dàng!” Người học trò lại yêu cầu:
“Thưa thầy, xin thầy tạo ra một con voi, vòi vươn cao, rống lớn tiếng, rồi chạy mau về phía thầy, giống như muốn húc vào thầy vậy”.
Vị thầy tạo ra một con voi như lời học trò yêu cầu. Nhưng khi hình ảnh con voi do thầy tạo ra tiến sát đến thầy, muốn húc thầy, thầy cảm thấy sợ, và nhổm dậy khỏi ghế. Thầy sợ hình ảnh thầy đã tạo ra. Người học trò nhỏ nắm y thầy và nói:
“Thưa thầy, A La Hán mà còn sợ sao?”
Cho đến bây giờ vị thầy mới biết rằng: mình chưa phải là một vị A La Hán. Vị thầy liền nói với học trò:
“Con hãy làm người hướng dẫn cho thầy”.
Người học trò nhỏ nói:
“Con đến gặp thầy nhằm mục đích đó”.
Thế rồi người học trò nhỏ hướng dẫn thầy hành Thiền Minh Sát. Thầy hành thiền, và Giác Ngộ Đạo Quả A La Hán.
Như vậy trong sáu mươi năm, Jhāna có thể đẩy phiền não đi. Trong vòng sáu mươi năm, phiền não không khởi sinh trong tâm vị thầy nầy, nhưng khi có điều kiện phiền não lại khởi sinh. Khi vị thầy thấy con voi do chính thần thông của mình tạo ra, tấn công thầy, thầy cảm thấy sợ, lúc bấy giờ phiền não tiềm ẩn có cơ hội phát khởi.
Như vậy Jhāna hay các tầng Thiền Định thế tục không thể vĩnh viễn loại trừ phiền não, chỉ có Jhāna siêu thế mới vĩnh viễn loại trừ phiền não. Jhāna thế tục chỉ có thể loại trừ phiền não trong một thời gian ngắn. Trường hợp vị thầy này là một trường hợp đặc biệt, phiền não có thể bị tạm thời loại trừ một khoảng thời gian dài đến sáu mươi năm.
Tôi nghĩ rằng: tôi đã giảng giải tương đối đầy đủ về Chánh Định. Sự giảng giải này cũng giúp các bạn hiểu rõ Bốn Chân Lý Cao Thượng (Tứ Diệu Đế) và Bát Chánh Đạo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một mẫu nước đá nhỏ của khối băng đảo to lớn, còn rất nhiều điều cần phải hiểu về Bốn Chân Lý Cao Thượng (Tứ Diệu Đế) và Bát Chánh Đạo.
Theo theravada.vn