34 Công Thức Châm Cứu Thường Dùng

NHÓM THỨ 21

a) Phối huyệt: Túc Tam lý, Lao cung

b) Hiệu năng: thanh tả Hoả khí trong Tâm và Vị, khai được sự nghẽn tắc ở ngực, giáng được khí nghịch.

c) Chủ trị: trị Tâm và Vị có nhiệt khí, Tâm hoả bốc lên trên đưa đến làm cho Tâm thống, phản Vị, phiền muộn, muốn ói. Bệnh thương hàn kết ở ngực, bĩ khối làm cho bứt rứt, trướng mãn, hay ợ không dễ chịu, nuốt nước chua, mệt mỏi.

d) Phép châm và cứu: châm Lao cung sâu từ 3 đến 5 phân. Châm Túc Tam lý sâu 1 thốn, đều dùng phép tả, không cứu, lưu kim 5 phút.

e) Giải phương: lao cung là huyệt huỳnh của kinh Thủ Quyết âm Tâm bào lạc. Chữ “huỳnh” có nghĩa là nước từ mới trong suối ra còn chảy rất nhẹ, nó chữa được huyết khí uất trệ do sự mệt nhọc làm thương tổn, nó làm cho thư làm cho thông sự uất kết của thất tình, nó sở trường về vai trò làm nhẹ được nhiệt khí làm bứt rứt và trướng mãn ở lồng ngực. Nó dẫn Hoả đi xuống, phối với Túc Tam lý, có thể thăng, có thể giáng, có thể khai có thể bế. Nó sở trường về tả được Hoả tà ở Tâm và Vị, giảm khí xung nghịch, giáng tà nhiệt mà không có hậu quả xấu, kết quả rất thần tốc.

Khi châm tả Lao cung có thể làm thanh được Tâm hoả, nó chỉ có thể trục được hoả ra khỏi bên ngoài Bào Lạc mà thôi, nó không thể làm cho Hoả giáng xuống và ra ngoài thân thể. Như vậy Lao cung chỉ thanh tả Hoả ở Thượng tiêu còn Túc Tam lý làm giáng được Hoả từ Trung Tiêu. Hai huyệt này phối lại nhau có thể chữa bệnh ngang hàng với “Tả lâm thang”.

NHÓM THỨ 22

a) Phối huyệt: Tam Âm giao

b) Hiệu năng: tư âm, kiện tỳ, bổ huyết, ích tinh.

c) Chủ trị: trị các chứng hư lao, ho, nguyệt kinh không đều, bế kinh, băng lậu, kinh huyết khô thiếu, phúc thống, sán, hà, trưng, tụ, chuyển bào…

d) Phép châm và cứu: châm Tam Âm giao sâu 3 phân đến 1 thốn. Bệnh hư thì bổ, bệnh thực thì tả, thông thường bình bổ bình tả, hoặc tiên bổ hậu tả, hoặc tiên tả hậu bổ, tất cả đều nên biện chứng cho rõ trước khi châm, châm bổ hư thì sau khi châm nên cứu 3 đến 5 tráng, lưu kim 15 phút, châm tả thực thì không lưu kim, không cứu.

e) Giải phương: Tam Âm giao là hội huyệt của 3 kinh Túc Thái âm Tỳ, Túc Thiếu âm Thận, Túc Quyết âm Can. Tuy nó thuộc vào kinh Tỳ nhưng cũng là giao hội huyệt của Túc Tam Âm kinh cho nên nó có thể tư Can Âm, còn có thể bổ Thận Dương, là 1 trong những huyệt quan trọng của phụ khoa. Nó làm thông được khí trệ, sơ tán khí ở Hạ tiêu, điều hoà huyết thất ở tinh cung, phù chính đuổi tà, … Các phương như “Lý trung”, “Kiến trung” và “Bát trân thang” còn kém nó.

f) Ghi chú: huyệt Tam Âm giao còn có thể dùng để bảo vệ sức khoẻ, xem phần cứu dưỡng sinh.

NHÓM THỨ 23

a) Phối huyệt: Tam Âm giao, Chí âm

b) Hiệu năng: tuyên thông Hạ tiêu, lý khí, vận hành được ứ huyết.

c) Chủ trị: trị các chứng nan sản, tử thai, bào y không ra, chuyển thai vị, kinh bế…

d) Phép châm và cứu: Tam Âm giao, châm sâu từ 5 phân đến 1 thốn, tiên bổ hậu tả. Châm huyệt Chí âm sâu 1 phân, tả. Sau khi châm cứu 3 đến 5 tráng, lưu kim 5 phút. Nếu muốn chuyển thai vị, không châm chỉ cứu 3 đến 5 tráng là được.

e) Giải phương: Chí âm là Tỉnh huyệt của kinh Túc Thái dương Bàng quang. Tỉnh là nơi khi khí xuất ra, ví như dòng nước từ nguồn chảy ra. Bàng quang và Thận cũng làm biểu lý nhau. Nay châm và cứu Chí âm là điều lý khí ở Hạ tiêu, đuổi được ứ huyết (khí) sinh ra khí mới.

Tam Âm giao là giao hội huyệt của Túc Tam Âm mà cũng là nơi then chốt của Tam Âm kinh. Khi phối huyệt này có thể lý khí, điều huyết, tuyên thông Hạ tiêu, ích Âm khí để Âm khí hạ hành…

Phó Thanh Chủ nói: “Nam sản là do ở huyết hư”, “nan sản là do ở khí nghịch”. Khí nghịch mà được điều lý, huyết hư mà được bổ, ích, thai nhi làm sao không xuống được.

f) Ghi chú: làm hạ thai (bao gồm cả tử thai) nên phối 4 huyệt sau đây sẽ rất hiệu nghiệm.

Bổ Đơn điền, tả Túc Tam lý, Tam Âm giao, tiên bổ hậu tả, sau đó là tả Chí âm. Sau khí châm Chí âm dùng cây ngải cứu to bằng hạt lúa mạch cứu 3 tráng.

NHÓM THỨ 24

a) Phối huyệt: Đại chùy, Nội quan

b) Hiệu năng: khai hung, lợi khí, ôn Dương hoá khí, trừ đàm ẩm

c) Chủ trị: ho, nhiều đàm, khí suyễn, hung cách đầy, phiền muộn, hoặc thở gấp,  đàm kéo khò khè, cách tích thủy…

d) Phép châm và cứu: châm Đại chùy sâu từ 5 đến 8 phân, tiên bổ hậu tả. Châm Nội quan sâu từ 3 đến 5 phân, tiên tả hậu bổ. Tất cả đều lưu kim 10 phút cứu 3 tráng.

e) Giải phương: đại chùy là hội huyệt của Thủ Tam Dương kinh và Đốc mạch. Nội quan là huyệt lạc của kinh Thủ Quyết âm Tâm bào lạc, nó vận hành riêng vào với kinh Thủ Thiếu dương Tam tiểu, tương thông với Âm duy mạch, khởi lên ở giữa lồng ngực thuộc vào Bào lạc, đi xuống dưới xuyên qua cách đến bụng, thông cả Thượng tiêu, Trung tiêu và Hạ tiêu. Các đường kinh Âm đi từ tức lên trên đến bụng, xuyên qua cách đến ngực, vì thế nó trị các tật bệnh thuộc vùng ngực.

Thủ Đại chùy nhằm điều hoà khí của Thái dương khi mà khí được điều hoà thì thủy sẽ tự nó được lợi Châm phối với Nội quan là nhằm tuyên thông Dương khí ở Tâm, thông lợi được các màn mỡ (Tam tiêu) sơ thông được ứ tắc. Khi mà Tam tiêu được thông sướng thì nước uống sẽ đi tới Bàng quang, đàm sẽ tự trừ. Phối huyệt có thể sánh với “Đại Thanh long”, “Tiểu Thanh long thang” và “Linh quế truật cam thang”…

f) Ghi chú: Kinh Thủ thiếu dương Tam tiêu và Thủ Quyết âm Tâm bào lạc cùng quan hệ lạc thuộc. Tam tiêu là 1 trong lục phủ, là 1 phủ mà ngoại vi rộng nhất trong các phủ. Nan kinh nói: “Tam tiêu là con đường thông lộ, con đường chung thỉ của khí”. Nội kinh nói: “Tam tiêu là quan năng khai thông lạch nước, đường thủy đạo xuất ra từ đây”. Như vậy là Tam tiêu đã thống lãnh nguồn khí, có tác dụng sơ thông thủy đạo. Phàm khi uống nước thành chứng thủy ẩm, đàm tích, khí trệ, phần lớn có quan hệ với Tam tiêu. Khi thủy nhập vào Vị, từ Vị thẩm thấu ra, trải qua con đường của Tam tiêu để đạt xuống tới Bàng quang, vì thế Tam tiêu có vai trò sơ thông thủy đạo. Nếu thủy đạo được thông sướng, lạch nước không bị bế tắc thì con đường nước chảy sẽ không có lý do “đọng” lại. Giả sử con đường “màu mỡ” của Tam tiêu bị tắc trệ không thông thì con đường nước chảy cũng sẽ bế tắc, như vậy là khí hoá không vận hành gây nên chứng “ẩm” vậy.

Do đó khi thủ huyệt Nội quan để tuyên thông Dương khí ở Tâm, để sơ lợi Tam tiêu, rồi phối thêm Đại chùy để điều hoà khí của Thái dương. Dùng 2 huyệt này sẽ trừ được chứng “đàm ẩm” rất tuyệt.

NHÓM THỨ 25

a) Phối huyệt: Ngư tế, Thái khê.

b) Hiệu năng: Tuyên Phế khí, thanh nhiệt khí, tư Âm, giáng Hỏa.

c) Chủ trị: các chứng hư lao, cốt chưng, phát nhiệt, ho, khạc ra huyết…

d) Phép châm và cứu: châm Thái khê sâu 3 phân, bổ. Châm Ngư tế, sâu 2 phân, tả, không cứu, lưu kim 10 phút.

e) Giải phương: huyệt Ngư tế là huyệt huỳnh của kinh Thủ Thái âm Phế, đây thuộc huyệt Hoả trong ngũ du. Khi châm tả huyệt này là làm thanh Phế Hoả. Thái khê là du huyệt của kinh Túc Thiếu âm Thận, nó cũng là 1 trong 12 Nguyên huyệt thuộc Thận kinh. Châm bổ huyệt này là để tư Thận Âm, toái hư nhiệt, thượng thì thanh, hạ thì tư, làm cho Âm Dương giao nhau theo que Thái. Nó có giá trị như “Thanh táo cứu Phế thang”. Thủ Ngư tế là làm thanh Phế, nhuận Phế; Châm Thái khê là bổ Thận Âm nhằm chế Tâm Hoả. Khi Hoả không còn bốc lên thì kim sẽ không bị khắc, các chứng hư lao sẽ được bình…

f) Ghi chú: phối huyệt này còn trị được sự tổn thương do tửu sắc gây ra, điều lý được ý niệm dục tính. Các chứng bệnh thuộc hư lao như thân thể gầy yếu, ngũ tâm phiền nhiệt, ho khan, khạc ra huyết, Tâm hồi hộp, khí thở ngắn, cốt chưng lao nhiệt. Truy ra nguyên nhân gây bệnh, chúng ta thấy nó do ham mêm sắc tửu, tư lự quá độ, nguyên nhân này đã chiếm đến 8 hoặc 9 phần 10. Sự ham muốn trên làm thương cả Tỳ lẫn Thận, Âm tinh hao tổn, Vị không còn thọ nạp, cơ nhục bị khô cằn. Thận hư tinh tổn, Thủy không còn nuôi dương Mộc, Mộc lại sinh Hỏa, như vậy là Mộc Hỏa “hình” kim, bốc lên đến Phế. Phế là 1 tạng mềm, non, khi nó bị Hoả khắc sẽ mất đi khả năng tiêu giáng gây nên bệnh. Do đó, châm Thái khê làm “quân” tư bổ Thận Âm, châm huyệt Ngư tế làm “thần” nhằm tả Kim Hoả. Thần phụ cho quân, quân trợ cho thần, quân và thần hợp lực, đó là phép trị.

NHÓM THỨ 26

a) Phối huyệt: Thiếu thương, Thương dương, Hợp cốc.

b) Hiệu năng: thanh nhiệt giải độc, tuyên Phế, làm lợi cho yết (thực quản).

c) Chủ trị: trị các chứng cổ họng bị sưng to, hầu tý, sưng quai bị, ho nghịch, chứng nhũ nga của trẻ con, nhức răng, mất tiếng nói, đau mắt…

d) Phép châm và cứu: châm Thiếu thương và Thương dương xuất huyết, châm Hợp cốc sâu 5 phân đến 1 thốn, tả, không lưu kim, không cứu. Nói chung, căn cứ vào bệnh tình cụ thể để nhiệt thì thanh, thực thì tả, hư thì bổ, vận dụng 1 cách linh hoạt.

e) Phép gia giảmnếu là kiêm thêm bệnh ngoại cảm phát nhiệt, yết hầu sưng đau, Tâm phiền, tiểu màu đỏ, trước hết nên châm xuất huyết các huyệt Tỉnh và Thập tuyên, sau đó châm các huyệt trên.

  • Nếu bị nhiệt độc nặng, châm thêm Quan xung, Trung xung, Thiếu trạch, xuất huyết.
  • Nếu cổ họng đau kéo dài không hết, châm thêm Chiếu hải sâu 3 phân, tiên bổ hậu tả, lưu kim 10 phút.
  • Nếu nội thương do ẩm thực đến thành thổ tả, châm thêm Trung hoãn, sâu 5 phân, Túc Tam lý sâu 5 phân đến 1 thốn, tiên tả hậu bổ, lưu kim 10 phút.
  • Nếu nhiệt cực sinh Phong, làm lo sợ, co giật, cắn răng, nghiến răng, mặt tái xanh, ngó thẳng lên trên…, châm thêm 12 Tỉnh huyệt, Thập tuyên và bát tà. Như bệnh tình chuyển thành nguy hiểm, châm thêm Thủy câu, Phong phủ. Nếu đã châm như trên mà chưa thấy hồi chuyển gì thì châm thêm Bách hội, Phong phủ, Phong trì, Tiền đỉnh, Tố liêu, Mệnh môn.

f) Giải phương: Thiếu dương là huyệt Tỉnh của kinh Thủ Thái âm Phế, huyệt này thuộc Mộc, mạch khí của Phế kinh xuất ra từ đây, đi theo huyệt huỳnh, du, kinh để rồi sau đó đến huyệt Hợp là Xích trạch, sau đó, lại tập hợp vào tạng. Châm cho xuất huyết nơi đây là để tà khí nhiệt độc của nội tạng. Thương dương là huyệt Tỉnh của kinh Thủ Dương minh Đại trường, huyệt này thuộc Mộc? (Kim), mạch của nó lạc với Phê châm xuất huyết nó sẽ làm thanh Phế và lợi cho cổ họng (yết), làm sơ tiết tà nhiệt.

Châm Hợp cốc là để thông giáng kinh khí của  Dương minh, nhiệt đi từ Dương minh giáng xuống dưới để giả làm thanh được Phế khí.

Phối cả 3 huyệt nhằm thanh nhiệt giải độc, khai phát mao khiếu, thanh Phế lợi yết, sơ tiết Trường Vị, nhằm chữa các chứng ở yết hầu, đầu mắt.

g) Ghi chú: phối huyệt này trị các chứng ở yết hầu rất hiệu nghiệm, nhất là đối với 1 số bệnh của trẻ con càng hiệu nghiệm hơn. Tất cả lấy việc làm cho thanh tiết khí nhiệt độc của Thủ Thái ẩm Phế kinh là chính. Đó là vì Phế là cái nắp đậy, là trưởng của trăm mạch, chỗ ở cao mà vận hành xuống thấp. Nếu kinh Dương minh bị nhiệt hay là bị tà khí Phong nhiệt ngoại cảm, trước hết tà khí này phạm vào Phế. Khi mà Phế khí uất bế thì nhiệt độc công lên trên đến yết hầu. Trẻ em là thuộc khí thuần Dương, phần lớn là có nội nhiệt, tạng phủ lại rất mềm non, Vị khí chưa được sung vì thế dễ bị ngoại cảm mà cũng dễ bị nội thương. Vì thế ta thấy chúng thường bị chứng phát nhiệt, ho, nhũ nga, quai bị.  Phép châm trên rất kiến hiệu.

This entry was posted in Sức Khỏe, Đời Sống. Bookmark the permalink.