Thanh Tịnh Đạo – Chương XVI

THE PATH OF PURIFICATION – VISUDDHIMAGGA

Luận Sư: Bhadantacariya Buddhaghosa – Chuyển Dịch Từ Pàli Sang Anh Ngữ: Trưởng Lão Nanamoli

– Chuyển Dịch Từ Anh Ngữ Sang Việt Ngữ: Thích Nữ Trí Hải

Phần III: Tuệ

CHƯƠNG XVI- MẢNH ÐẤT CHO TUỆ TĂNG TRƯỞNG: CĂN ÐẾ

(Indriya – Sacca – Niddesa)

A. Căn

1. Căn được liệt kê kế tiếp giới, là 22 căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, nữ căn, nam căn, mạng căn, thân lạc, thân khổ, (lạc căn, khổ căn), hỉ căn, ưu căn, xả căn, tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, vị tri đương tri căn, cụ tri căn, dĩ tri căn.

2. Sau đây sẽ bàn: ý nghĩa, tính chất, vv., thứ tự, khả phân và bất khả phân, nhiệm vụ, cảnh giới.

3. Trước hết về ý nghĩa, thì mắt, vv. đã được giải thích ở đoạn 3 Chương XV. Về ba căn cuối cùng, vị tri đương tri căn: sở dĩ được gọi thế vì nó khởi lên ở giai đoạn đầu của Dự lưu đạo, nơi một người đã nhập lưu (vào dòng thánh) như sau: “Ta sẽ biết trạng thái bất tử, hay pháp về bốn chân lý chưa được biết đến”, và vì nó mang ý nghĩa của căn. Kế đến là dĩ tri căn, vì sự biết rốt ráo, và vì nó mang ý nghĩa của căn. Thứ ba là cụ tri căn, vì nó khởi lên nơi một vị đã đoạn trừ lậu hoặc, có tri kiến rốt ráo, công việc biết rõ Bốn chân lý nơi vị ấy đã xong, và vì nó mang ý nghĩa của căn.

4. Nhưng ý nghĩa của căn đây là gì? Một là dấu hiệu của chủ tể, hai được dạy bởi vị chúa tể, ba được thấy bởi vị chúa tể, bốn được chuẩn bị bởi vị chúa tể, năm được nuôi dưỡng bởi chúa tể. Tất cả ý nghĩa ấy đều áp dụng ở đây trong trường hợp này hay khác.

5. Ðức Thế Tôn, đấng Toàn giác là một vị chúa tể (Indra), vì ngài làm vị chủ tối thượng. Cũng vậy là những nghiệp thiện và bất thiện, vì không ai có quyền chủ tể trên các loại nghiệp. Bởi thế các căn do nghiệp sanh là dấu hiệu của thiện và bất thiện nghiệp. Và vì chúng do nghiệp chuẩn bị, cho nên chúng là căn, theo nghĩa dấu hiệu của chủ tểđược chuẩn bị bởi một chủ tể, Nhưng vì chúng đã được làm hiển lộ một cách chân chánh, được khải thị bởi Ðức Thế Tôn, nên chúng là căn theo nghĩa được giảng dạy bởi vị chúa tểđược thấy bởi vị chúa tể. Và bởi vì một số căn đã được đào luyện bởi Ðức Thế Tôn, đấng chúa tể trong các vị thánh, nên chúng là căn theo nghĩa được nuôi dưỡng bởi vị chúa tể.

6. Lại nữa, chúng là căn theo nghĩa chúa tể hay ưu thắng. Vì sự nổi bật của mắt, vv. được bao hàm trong sự sinh khởi nhãn thức, vv. vì thức chỉ bén nhạy khi căn bén nhạy, thức chậm lụt khi căn chậm lụt. Ðấy là trình bày về ý nghĩa.

7. Về đặc tính, v.v. Sự trình bày về các căn này cần được xét về phương diện đặc tính, nhiệm vụ, tướng, nhân gần vv… Nhưng những điều này đã được nói trong phần mô tả các uẩn (Ch. XIV, đ. 37). Với 4 căn khởi từ tuệ căn, ý nghĩa chỉ là vô si.

8. Về thứ tự, ở đây chỉ có thứ tự giáo lý được áp dụng. Các thánh quả (Dự lưu, vv.) được đạt nhờ liễu tri các nội pháp, nên nhãn căn và những căn còn lại (bao gồm trong tự ngã) được dạy trước tiên. Kế đến là nữ căn, nam căn, để chỉ rõ cớ gì tự ngã ấy được gọi là “đàn bà” hay “đàn ông”. Kế tiếp là nạng căn để chỉ rằng mặc dù tự ngã có hai, nhưng sự hiện hữu nó liên kết với mạng căn. Kế đến là lạc căn, vv. để chỉ rằng những cảm thọ này không ngừng nghỉ nếu tự ngã ấy còn tiếp diễn, và mọi cảm thọ cuối cùng đều là đau khổ. Kế đó là tín căn vv.để chỉ ra con đường, vì những căn này cần được tu tập để làm cho nỗi khổ ấy chấm dứt. Kế đến là vị tri đương tri căn để chỉ rằng, đạo lộ ấy không phải trống rỗng khô cằn, vì chính nhờ đạo lộ này mà trạng thái ấy được hiển lộ đầu tiên trong chính chúng ta. Kế tiếp là dĩ tri căn, vì nó là hậu quả của căn vừa rồi, và bởi thế cần được tu tập sau đó. Kế tiếp là cụ tri căn, quả báo tối thượng được dạy sau cùng để chỉ rõ rằng, nó được đạt đến nhờ tu tập, và khi đã đạt đến nó, thì không còn việc gì phải làm. Ðấy là thứ tự.

9. Về phương diện khả phân và bất khả: ở đây chỉ có sự phân chia về mạng căn, có hai thứ là mạng căn sắc và vô sắc. Những căn khác không có phân chia.

10. Về nhiệm vụ: Nhiệm vụ các căn là gì? Trước hết do câu “Nhãn xứ là một duyên kể như căn duyên cho nhãn thức giới và các pháp tương ưng”, nhiệm vụ nhãn căn là phát sinh ra nhãn thức và các tâm sở tương ưng, với tính bén nhạy hay chậm lụt của nó. Tai mũi lưỡi thân cũng vậy. Còn nhiệm vụ ý căn là làm cho các pháp cu sanh chịu sự chi phối của nó. Nhiệm vụ mạng căn là các pháp cu sanh. Nhiệm vụ nữ căn và nam căn là định dấu hiệu, tướng, công việc, đường lối cư xử của nữ giới và nam giới. Nhiệm vụ các căn lạc, khổ, hỉ, ưu, là thống trị các pháp cu sanh và san sẻ sắc thái đặc biệt của chúng cho những pháp ấy. Nhiệm vụ xả căn là san sẻ cho các pháp cu sanh sắc thái an tĩnh, cao thượng và trung tính. Nhiệm vụ tín căn vv. là vượt qua chướng ngại và san sẻ với các pháp tương ưng sắc thái tin cậy, vv… Nhiệm vụ của vị tri đương tri căn là vừa từ bỏ ba kiết sử vừa đối dầu với các pháp tương ưng bằng sự từ bỏ ba kiết sử. Nhiệm vụ của dĩ tri căn là vừa giảm bớt và từ bỏ tham sân vv. và đưa các pháp cu sanh đến địa vị tự chủ. Nhiệm vụ của cụ tri căn vừa là từ bỏ nỗ lực trong mọi công việc, vừa làm điều kiện cho các pháp tương ưng khiến cho gặp gỡ được Bất tử.

11. Về cảnh giới: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nữ, nam, lạc, khổ, ưu, 10 căn này chỉ thuộc Dục giới. Ý căn, xả căn, mạng căn, tín, tấn, niệm, định, tuệ, tám căn này thuộc cả bốn cảnh giới. Hỉ căn thuộc ba cảnh giới là dục, sắc và siêu thế. Ba căn cuối chỉ thuộc siêu thế.

Tỷ kheo nào biết được
Cần chế ngự các căn
Bằng cách liễu tri chúng,
Sẽ chấm dứt khổ đau.

12. Trên đây là giải thích chi tiết về các căn.

B. Mô Tả Về Ðế

13. Kế tiếp căn là đế tức bốn thánh đế: thánh đế về Khổ, thánh đế về Tập khởi của khổ, thánh đế về Khổ diệt, và thánh đế về Ðạo diệt khổ

14. Sau đây sẽ trình bày theo thứ tự giáo lý: loại, từ nguyên, tính chất, ý nghĩa, nguồn gốc ý nghĩa, chỉ chừng ấy không hơn hay kém, thứ tự, giải thích, nhiệm vụ, nội dung, tỉ dụ, nhóm bốn, sự trống rỗng, đơn độc, dị đồng.

15. Trước hết về loại: ý nghĩa các chân lý về khổ tập diệt đạo được phân tích thành bốn trong mỗi trường hợp, những chân lý “thực, không hư ngụy, không thể khác” (S. v, 435), và cần được thâm nhập bởi những người thâm nhập khổ đế, vv. như Luận nói:” Khổ với nghĩa bức bách, hữu vi, bốc cháy, biến đổi, đó là bốn nghĩa của thánh đế về khổ, chân thật, không hư ngụy, không thể khác. Nguồn gốc hay tập khởi của khổ với ý nghĩa tích tập, căn nguyên, trói buộc, chướng ngại… Diệt với nghĩa thoát ly, tách rời, vô vi, bất tử… Ðạo với nghĩa lối ra, nguyên nhân, thấy, ưu thắng. Ðấy là những nghĩa của đạo trong thánh đế về đạo, chắc thật, không hư ngụy, không thể khác. (Ps. ii, 104). Cũng thế, ý nghĩa khổ kể như bức bách, hữu vi, đốt cháy, biến đổi, là ý nghĩa của nó về sự thâm nhập.

16. Về từ nguyên, và phân theo tính chất: Từ nguyên của Dukkha (Khổ):Du là xấu xa (kucchita), như người ta gọi đứa trẻ hư là Dupputta. Chữ Kham có nghĩa là trống rỗng (tuccha), khoảng trống gọi là Kham. Chân lý thứ nhất là “xấu” vì nó là nơi thường lai vãng của nhiều hiểm nguy và nó trống rỗng vì không trường cửu, không đẹp, không vui, không có tự ngã.

17. Tập (Samudaya): Samlà liên kết như trong các từ Samàgama (tập hợp) sameta (nhóm họp) vv. Chữ U chỉ sự dấy lên, khởi lên, như trong các từ ngữ Uppanna (sanhkhởi), Udita (đi lên) vv. Chữ Aya chỉ lý do (kàrana). Và chân lý thứ hai này là lý do cho sự khởi lên của khổ khi phối hợp với những duyên còn lại. Bởi thế nó được gọi là Dukkha Samudaya (khổ tập, tập khởi của khổ hay nguồn gốc khổ), vì nó là lý do phối hợp (với những duyên khác) để làm phát sinh khổ.

18. Diệt (Nirodha): Chữ Ni chỉ sự vắng mặt, Rodha là nhà tù. Chân lý thứ ba vắng mặt mọi sanh thú (cõi tái sanh) nên ở đây không có sự bức não của khổ được xem như nhà tù; hoặc, khi chứng diệt, thì không còn nỗi khổ tái sinh được ví như nhà tù. Và bởi nó là đối nghịch với nhà tù nên được gọi là Dukkha-Nirodha) khổ diệt. Hoặc, nó được gọi là khổ diệt, vì là một duyên cho sự diệt khổ gồm trong sự không tập khởi.

19. Ðạo diệt khổ (Nirodha-Gamini-Patipadà): Vì chân lý thứ tư đưa đến sự diệt khổ do chạm mặt với diệt kể như đối tượng, và vì nó là con đường đưa đến sự chấm dứt khổ, nên gọi là Khổ diệt đạo (đạo lộ diệt khổ).

20. Cả bốn chân lý được gọi là thánh đế bởi vì chỉ có những bậc thánh mới thâm nhập những chân lý này, như kinh nói:”Này các tỷ kheo, có bốn thánh đế này. Gì là bốn? Ðó là Khổ thánh đế… “(S. v, 425). Vì các bậc thánh thâm nhập các chân lý ấy, nên gọi là bốn thánh đế.

21. Lại nữa, những sự thật cao cả gọi là những sự thật thuộc về những bậc thánh, như kinh nói: “Này các tỷ kheo, nhờ tìm ra bốn sự thật cao cả này mà Như lai được tôn xưng là bậc A-la-hán chánh đẳng giác.” (S. v, 433).

22. Lại nữa, thánh đế là những chân lý cao cả. Cao cả có nghĩa là không hư ngụy, không lừa dối, như kinh nói:”Này các tỷ kheo, bốn thánh đế này là chân thực, không hư ảo, không thể khác, nên gọi là thánh.” (S. v, 435).

23. Chân lý về khổ có đặc tính làm sầu muộn đau khôû. Nhiệm vụ nó là đốt cháy. Nó biểu hiện bằng sự sanh khởi. Tập đế có đặc tính sản xuất. Nhiệm vụ nó là ngăn sự gián đoạn. Nó được biểu hiện bằng chướng ngại. Diệt đế có đặc tính là bình an thanh tịnh. Nhiệm vụ nó là không chết. Nó được biểu hiện bằng sự vô tướng (không có tướng năm uẩn). Ðạo đế có đặc tính là ngỏ ra. Nhiệm vụ nó là từ bỏ cấu uế. Nó được biểu hiện bằng sự nổi lên khỏi cấu uế. Hơn nữa, bốn chân lý còn có những đặc tính theo thứ tự là sanh và làm cho sanh (khổ, tập); không sanh và làm cho không sanh (diệt, đạo). Hoặc những đặc tính là hữu vi, tham (khổ, tập); vô vi, thấy rõ (diệt, đạo).

24. Về ý nghĩa, trước hết đế là cái mà đối với những ai xét nó với con mắt tuệ, nó không làm cho lạc lối như ảo giác, không lừa dối như ảo ảnh, không phi thực thực như cái ngã mà ngoại đạo chấp. Ðúng hơn, đó là lãnh vực của thánh trí, cái tình trạng thực tế không thể lầm lẫn, với những khía cạnh là đau buồn (khổ đế), sản sinh (tập đế), an tịnh (diệt đế), và lối ra (đạo đế). Chính cái tính chất hiện thực không sai này mới cần được hiểu là ý nghĩõa của “đế’, như nóng là đặc tính của lửa, và như tính tự nhiên trên đời là vạn pháp đều bị sanh già chết chi phối, vì Kinh nói:”Này các tỷ kheo, khổ này là thực, không hư dối, không thể khác”. (S. v, 430).

25. Lại nữa,

Không có niềm đau nào ngoài khổ
Và không gì làm đau mà không phải khổ
Ðiều chắc chắn là khổ làm đau buồn
Ðó là chân lý được nói ở đây

Không có nguồn khổ nào khác hơn tham ái
Nguồn ấy không đem lại cái gì ngoài khổ
Ðiều chắc chắn này về nguyên nhân khổ
Là lý do nó được mệnh danh là chân lý

Không có niềm an tịnh nào ngoài Niết bàn
Niết bàn chỉ có nghĩa là an tịnh
Ðiều chắc chắn Niết bàn là an ổn
Ở đây được xem là chân lý

Không có lối thoát nào ngoài chánh đạo
Chánh đạo quyết định là ngõ thoát
Tính chất đạo lộ chính là ngõ thoát
Làm cho nó được công nhận là chân lý

Ðặc tính chân thật không lỗi lầm này
Tâm điểm cốt tủy của bốn chân lý
Là điều mà bậc trí tuyên bố
Về ý nghĩa của “đế” chung cho cả bốn.

26. Thế nào là sự dò tìm dấu vết của nghĩa? Danh từ Sacca (đế) được thấy trong nhiều đoạn với những nghĩa khác nhau, như:” Hãy để y nói sự thật, đừng giận dữ.” (Dh. 224), đây là sự thật bằng lời. Trong những đoạn như:”Sa môn, bà la môn căn cứ trên sự thật”, đó là sự thật không nói láo, kiêng nói dối. Trong đoạn:”Tại sao chúng tuyên bố những sự thật khác nhau?” đó là sự thật với nghĩa là quan điểm. Và trong đoạn “Chân lý là một, không có thứ hai” (Sn. 884), đó là Niết bàn và đạo lộ, kể như chân lý theo nghĩa tối hậu. Trong đoạn: “Trong bốn chân lý, có bao nhiêu là thiện?” thì đấy là nói về thánh đế. Ðấy là theo dấu nghĩa của đế.

27. Chỉ chừng ấy, không thêm bớt: Nhưng tại sao chỉ có bốn thánh đế được nói? Vì không cón có đế nào khác, và vì không thể bỏ bớt cái nào. Như kinh nói:”Này các tỷ kheo, không có thể một sa môn, bà la môn nào đến nói được rằng:”Ðây không phải là khổ đế, khổ đế là một cái khác, tôi sẽ để qua một bên khổ đế này, và công nhận một khổ đế khác.”…

28. Lại nữa, khi tuyên bố sự sinh khởi (quá trình sinh), Ðức Thế Tôn tuyên bố nó có một nguyên nhân, và ngài tuyên bố sự vô sanh cũng có một phương tiện để đạt tới. Bởi thế, những chân lý được công bố có bốn, là số tối đa, đó là sự sanh, vô sanh, và nguyên nhân mỗi thứ. Cũng thế, chúng được công bố là có bốn, vì chúng cần được liễu tri (khổ), đoạn tận (tập), chứng đắc (diệt), và tu tập (đạo). Và vì chúng là căn để của tham ái, sự tham ái, diệt ái, và con đường đi đến ái diệt. Lại nữa, vì chúng là sự lệ thuộc, lạc thú trong sự lệ thuộc, sự từ bỏ lệ thuộc, và phương tiện đưa đến từ bỏ lệ thuộc.

Trên đây trình bày tại sao chỉ có bốn đế không thêm bớt.

29. Về thứ tự: đây cũng thế, chỉ có thứ tự giáo lý. Khổ đế được nêu trước tiên, vì nó dễ hiểu, vì nó thô phù, vì nó chung cho tất cả chúng sinh. Chân lý về nguồn gốc khổ được nêu kế tiếp để chỉ rõ nguyên nhân. Rồi đến chân lý về diệt để hiển thị rằng, với sự chấm dứt nguyên nhân, có chấm dứt hậu quả. Chân lý về đạo được nói sau rốt, để chỉ ra Con đường, phương tiện đạt đến Diệt.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.