Ngôi sao điện ảnh Phật tử Richard Gere

Báo chí Phương Tây và châu Á đều quan tâm đến ngôi sao điện ảnh của Hollywood này, khi anh bỏ ngang việc đóng phim và đến Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ tu học 6 tháng với các vị Lạt ma Tây Tạng vào đầu năm 1996. Trở lại Hoa Kỳ sau nhiều tháng ở Ấn Độ và Mông Cổ, người ta đều nhận thấy anh càng trẻ hơn, yêu đời hơn so với cái tuổi 48 của anh rất nhiều. Phải chăng đó là kết quả của sự thanh lọc thân tâm sau một thời gian dài ở phương Đông? Bất cứ khi nào anh xuất hiện trước công chúng, với trang phục bình dị: quần Jean đen bóng và áo T-Shirt màu xám tro cùng với nét mặt hoan hỷ, tươi tắn và nở nụ cười thật khả ái. Đó là diễn viên Richard Gere, một ngôi sao điện ảnh thế giới, một trong số 20 người đàn ông hấp dẫn nhất trên thế giới (được bình chọn bởi các tạp chí Paris Match, Vital, Jeune et jolie, Elle kết hợp với viện BCV trưng cầu trên 500 ý kiến của giới phụ nữ 18 tuổi trở lên).

richard_gere_dalai_lamarichard_gere_dalai_lama 7richard_gere_dalai_lama 6Thật ra, việc Richard Gere đến với Phật Giáo (PG) không phải mới đây, mà anh đã nghiên cứu và quy y theo PG từ lúc anh 18 tuổi (năm nay anh 48 tuổi) anh nhớ lại thời điểm ấy: “Lúc đó tôi rất mê sách triết học, lúc nào rãnh tôi cũng dạo các nhà sách. Hai quyển sách mà tôi thích nhất lúc bấy giờ là “Being and Nothingness” (có và không) của Jean Paul Sartre, và quyển “Crack in the Cosmic Egg” (Vết rạn trên quả cầu vũ trụ). Tiếp đó tôi chú ý đến chủ nghĩa duy tâm (Idealism), và tôi cho rằng đây là đòn bẩy cuối cùng đưa tôi đến với PG. Khởi đầu, tôi tìm sách Phật để đọc, giáo lý Tứ Thánh Đế (Four Noble Truths) đã lập tức chinh phục được tôi. Tiếp đó, tôi đến học thiền ở một trung tâm thiền tại New York. Nhưng tại đây, tôi không tìm được người thầy thực sự và rồi tôi tìm đến lão sư Sasaki, một thiền sư người Nhật ở Trung Tâm Thiền ở bang California và đó là người thầy đầu tiên của tôi”.

Richard Gere đã tham gia khóa tu nhiếp tâm đầu tiên kéo dài trong 3 ngày, anh được dạy cả thiền chỉ quán và thiền công án (Koan) theo truyền thống thiền Nhật Bản. Đặc biệt là tọa thiền chỉ quán là một cực hình đối với anh lúc ban đầu. Anh nhớ lại, “Tôi đau nhức toàn thân, đau ở lưng và hai chân, tôi muốn thét lên vì sự tê nhức. Tôi ngu dốt nghĩ rằng mình đã lạc đường và sẽ không đến Trung Tâm nữa. Tuy nhiên nhờ sự khuyên dạy của Lão sư Sasaki mà tôi đã vượt qua tiến trình nhọc nhằn đó”. Hiện nay dù bận rộn ở phim trường, anh vẫn giữ thói quen tốt đẹp này, tọa thiền hai giờ mỗi ngày.

Cuối thập niên 80 anh du lịch sang Tây Tạng gặp Đại sư Dudjom Rinpoche, rồi tiếp xúc với Đức Dalai Lama ở Dharamsala và anh bắt đầu quay sang nghiên cứu và tu theo PG Tây Tạng. Được hỏi anh có hòa hợp được giữa lối tu Mật giáo và thiền Nhật bản không? Anh nói rằng “Thiền và Mật đều là những phương pháp tu tập để gạn lọc thân tâm, cả hai pháp môn này đều giúp tôi có thêm sức mạnh và an lạc ở mọi lúc mọi nơi”.

Như mọi diễn viên khác, Gere rất quan tâm đến công tác từ thiện xã hội, anh đã phát tâm ủng hộ tài chánh dài hạn cho nhà xuất bản PG Wisdom ở bang Massachusetts, tài trợ chính cho nhiều công trình phiên dịch kinh điển và xây dựng tự viện ở Ấn Độ và tại Mỹ. Mới đây anh còn đứng ra tổ chức bữa tiệc tại Hollywood để gây quỹ cho PG. Thành phần thực khách của buổi tiệc phần lớn là các nhà sản xuất phim, các tài tử gạo cội và có cảm tình với PG, chẳng hạn như Steven Seagal, Hasrison Ford, Sharon Stone, Meg Ryas, Dennis Quard, Shirley Maclaine Oliver Stone, Stephen Dorff, Leonard Nimoy, Tim Nabors, Michael, Garry Shandling, Michael tipe, v.v… và kết quả bữa tiệc gây quỹ đã đem lại hơn 600.000 đô la để giúp xây dựng trường học, bệnh viện và tự viện PG tại Ấn Độ. Thành quả này là nhờ sự nỗ lực hoạt động của Richard Gere. Chưa hết, hiện nay anh đang thủ vai phụ của bộ phim PG “Kundun” của tác giả Martin Scorsese do chính Hollywood dàn dựng, cuốn phim nói về PGTT và cuộc đời hành đạo của Đức Dalai Lama.

Có thể nói rằng Richard đã trở nên nổi tiếng hơn, được chú ý nhiều hơn từ khi anh để lộ cho mọi giới biết anh là Phật tử. Rõ ràng anh một diễn viên điển hình cho những đổi thay của một con người từ lúc đang bê tha trụy lạc, một tài tử hào hoa lắm tật nhiều tài nhất của Hollywood, để rồi cuối cùng giác ngộ quay về với Đạo Phật và hiện tại anh đã trở nên một Phật tử thuần thành và là một nhà hộ pháp đắc lực của Phật Giáo.

Tạp chí Shambhala Sun phỏng vấn Richard Gere về hoạt động Phật sự của anh.

Richard Gere, sanh ngày 29-8-1949 tại Philadelphia, Hoa Kỳ, trong một gia đình gồm năm anh chị em. Tốt nghiệp Trung học năm 1967, được cấp học bổng cho bộ môn thể dục thể thao tại Đại học Massachussetts, tuy nhiên anh đã chọn môn Triết và Kịch nghệ để học. Sau hai năm ở Đại học anh đã bỏ ngang và bắt đầu sự nghiệp ca nhạc và điện ảnh, đến nay đã đóng được 33 bộ phim. Năm 1980, anh đoạt được giải thưởng Theatre World Award. Năm 1982, anh đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính thức trở thành Phật tử. Năm 1988, anh thành lập Tibet House tại tiểu bang New York để ủng hộ cho tiến trình dân chủ, độc lập và bảo tồn văn hóa của người Tây Tạng. Năm 1991, anh kết hôn với siêu người mẫu cô Cindy Crawford, nhưng đến năm 1995, cuộc hôn nhân này đã tan vỡ. Hiện nay mặc dù rất bận rộn đóng phim nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian để tu tập và đóng góp nhiều mặt để phát triển Phật giáo ở phương Tây.

Melvin Mcleod, phóng viên Tạp chí Shambhala Sun (Hoa Kỳ) đã gặp Richard Gere tại văn phòng làm việc của anh tại New York, để thực hiện bài phỏng vấn này.

Melvin Mcleod: Điều gì khiến cho anh đến với Đạo Phật ?

Richard Gere: Có hai lý do. Thứ nhất, khi tôi thích Phật học, và hai là gặp được Thầy của tôi. Nhưng trước đó tôi thích triết học phương Tây. Thực sự lúc ấy tôi rất mê sách triết học, lúc nào rãnh tôi cũng dạo các nhà sách. Hai quyển sách mà tôi thích nhất lúc bấy giờ là “Being and Nothingness” (có và không) của Jean Paul Sartre, và quyển “Crack in the Cosmic Egg” (Vết rạn trên quả cầu vũ trụ).

Melvin Mcleod: Rất nhiều người thích đọc hai tác phẩm này. Anh đã tìm thấy điều gì trong ấy ?

Richard Gere: Cả hai tác phẩm đều có nội dung lãng mạn như một quyển tiểu thuyết, vì thế bạn có thể bị nó cuốn hút, nhưng đồng thời nó cũng cung cấp cho bạn những kim chỉ nam để sống hạnh phúc và an lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Tôi không biết. Tôi chỉ nói lên ý tưởng của tôi, rằng bạn có thể sống bây giờ và ở đây, vượt ra ngoài sự chi phối của thời gian, đó là một cuộc cách mạng.

Phật giáo, đặc biệt Phật giáo Tây Tạng, đã hoàn toàn cuốn hút tôi, nhưng truyền thống đầu tiên tôi theo là thiền của Phật giáo Nhật Bản. Thầy Bổn sư của tôi là thiền sư người Nhật Sasaki Roshi. Nhớ lại lần ấy, tôi đến tham dự khóa tu thiền ba ngày (Sesshin) ở Los Angeles, tiểu bang California. Tôi đã cẩn thận chuẩn bị tập co giãn đôi chân trước cả tháng. Nhờ vậy mà tôi đã vượt qua khóa tu một cách dễ dàng.

Tôi có một kỷ niệm thật đẹp về Thầy Sasaki, đó là kinh nghiệm thật sự của đời tôi. Tôi nhận ra rằng Phật Pháp là đường đi của đời tôi, nó không phải là pháp thuật hay lãng mạn mà là cuộc sống. Đó là một việc không thể xem thường cho tâm trí của tôi. Đó là một phần quan trọng trong cuộc đời của tôi.

Thầy Sasaki Roshi có cung cách lạ thường và là một bậc thầy gương mẫu. Ngày ấy, tôi hoàn toàn là người sơ cơ và không biết gì cả. Tôi là người có tính hay tự mãn, bồng bột và thô lỗ. Nhưng tôi thích tìm tòi và học hỏi. Điều này đã đưa tôi đến với khóa tu. Tôi đã gặp khó khăn để giải đáp một công án (Koan) được phổ biến trong khóa tu. Thầy Sasaki đã mỉm cười và bảo rằng : “Bây giờ chúng ta bắt đầu thực tập”.

Melvin Mcleod: Anh gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên vào dịp nào ?

Richard Gere: Tôi là một thiền sinh khoảng năm hoặc sáu năm trước khi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ. Qua một vài câu xã giao và rồi Ngài nói: “Thì ra anh là diễn viên à ?”. Ngài suy nghĩ một giây rồi tiếp : “Như vậy khi sánh vai, anh giận dữ, anh có thật là giận dữ hay không? Khi anh khóc, anh có thật sự khóc không?”. Tôi đã giải thích cho Ngài những câu trả lời của một diễn viên. Ngài đã nhìn sâu vào mắt tôi và rồi cười lớn. Ngài cười lớn trong một ý tưởng mà tôi tin rằng đó là tình cảm thật sự, rằng Ngài đã hiểu vì vai trò mà tôi đã giận dữ và khóc lóc.

Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy ở Dharamsala (miền Bắc Ấn Độ) trong một căn phòng yên tĩnh mà cho đến bây giờ chúng tôi vẫn thường gặp. Tôi không thể nói rằng cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp Ngài đã thay đổi nhưng thật sự cuộc sống của tôi đã bắt đầu thay đổi từ cuộc gặp gỡ ấy. Điều đó không giống như tôi cảm thấy: “Tôi phải từ bỏ tất cả tài sản để vào sống hẳn trong Tu viện”. Nhưng một cách tự nhiên tôi cảm thấy rằng tôi bị một động cơ nào đó thúc giục tôi phải làm việc với các bậc Thầy, tham gia các khóa tu, học Phật Pháp như tôi đã từng, mang chính tôi đến với tất cả những điều ấy. Tuy nhiên tôi không hoàn toàn giữ mình trọn vẹn trong con đường này.

Melvin Mcleod: Mối liên hệ giữa anh và Đức Đạt Lai Lạt Ma ?

Richard Gere: Không có vấn đề Đức Đạt Lai Lạt Ma là Thầy Bổn sư (Root Guru) của tôi. Tôi đã phải giải thích với mọi người nhiều lần về vấn đề này. Ngài giống như một tấm gương để phản chiếu cái bản lai diện mục của tôi.

Melvin Mcleod: Tiến trình tu tập của anh là gì ? xin anh đề cập trong phạm vi có thể về Kim Cang Thừa ?

Richard Gere: Tôi hơi ngại khi đề cập đến vấn đề này, vì vốn hiểu biết của tôi không nhiều, tuy nhiên tôi có thể chia xẻ với mọi người bất cứ những gì mà thiền tập, và các giáo lý khác mà tôi từng học tập và hành trì.

Về phần Mật giáo thì hơi khô khan đối với tôi. Đó là một trạng thái khá lý thú trong tiến trình khi pháp môn tu tập đặc biệt này trở nên bình thường và gần gũi. Tôi không nói là nó bình thường và nhạt nhẽo, nhưng tôi có cảm giác nó thật bình thường như những gì mà tôi đã áp dụng. Tôi tin vào điều ấy.

Melvin Mcleod: Những cuốn sách Phật học nào quan trọng đối với anh ?

Richard Gere: Nhiều người luôn hỏi tôi về vấn đề này. Tôi hay đề nghị mọi người nên đọc các tác phẩm mà tôi thích như: “Thiền tâm và Sơ tâm” (Zen Mind, Beginner’s Mind), họ nói : “Tôi phải bắt đầu thế nào?”, tôi lại đề nghị họ đọc quyển “Tử tế, trong sáng và từ bi” (Kindness, Clarify and Compassion) của Đức Đạt Lai Lạt Ma hay quyển “Sự độc đáo của Mật giáo” (The Tantric Distinction) của Jeff Hopkin, rất lợi ích và nhiều đặc thù ở trong đó. Còn nhiều quyển khác nữa.

Melvin Mcleod: Anh thường đến Ấn Độ, một môi trường yên tĩnh, anh có nhiều thời gian để học hỏi không?

Richard Gere: Rõ ràng là nơi ấy ít quay cuồng hơn ở phim trường. Nhưng cũng gặp những khó khăn, vì nhiều người đến tôi tìm được sự giúp đỡ và tôi không thể nói lời từ chối. Đó không phải là thời gian yên tĩnh của tôi. Tuy nhiên, tôi đã sống giữa bầu không khí thiêng liêng, thánh thiện, nơi mọi người khắp bốn phương trời trở về để học hỏi và tu tập dưới sự dẫn dắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Melvin Mcleod: Khi anh ở Dharamsala, anh có cơ hội để học Phật Pháp với Đức Đạt Lai Lạt Ma và những vị Thầy khác không ?

Richard Gere: Tôi đã và đang cố gắng tìm học trực tiếp với Ngài và các bậc Thầy. Một số vị đang nhập thất tu trên núi, nhưng họ sẽ hạ sơn khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tổ chức những khóa tu. Đó là cơ hội để mọi người tiếp xúc với họ.

Melvin Mcleod: Ở nước Mỹ, tên tuổi của anh đã gắn liền với điện ảnh mà người ta nghĩ rằng điều đó rất thương mại, thậm chí những cuốn phim anh đóng với giá cắt cổ?

Richard Gere: Đó là sự thật. Cũng giống như cuộc sống của bao người khác thôi.

Melvin Mcleod: Anh có lưu tâm đến việc cố gắng đưa Chánh Pháp vào điện ảnh không? Anh có vượt ra ngoài phạm vi cho phép không?

Richard Gere: Ổ rất nhiều. Không ít khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng.

Melvin Mcleod: Đó là sự thật và cũng là những thử thách lớn lao mà chúng ta phải đối đầu. Tôi tự hỏi nếu anh cố gắng đưa Phật Pháp vào phim trường của thế giới thì tuyệt vời biết bao.

Richard Gere: Trong phim, chúng tôi phải theo đúng kịch bản và đạo diễn, không thể làm theo ý của mình được. Phim là phản ảnh đời sống thực ở ngoài, nhưng không thực có trên phim. Không có gì ở đó cả. Chúng tôi phải dùng nhiều xảo thuật điện toán hiện đại để có một bộ phim hay. Chúng tôi phải làm sao để người xem có cảm giác tất cả những hoạt cảnh trên phim đều là thật dưới con mắt của khán giả. Do đó phim của Phật giáo rất khó thực hiện theo hướng này. Tuy nhiên chúng ta sẽ cố gắng trong tương lai.

Melvin Mcleod: Anh có cảm thấy thoải mái ở trong vai trò của một người giảng giải giáo lý Phật Đà không?

Richard Gere: Giảng Pháp ư? Không bao giờ và chưa bao giờ tôi chấp nhận vị trí này. Đơn giản vì tôi thiếu những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho lĩnh vực này.

Melvin Mcleod: Nhưng anh luôn bị chất vấn là một Phật tử kia mà ?

Richard Gere: Tôi chỉ có thể nói về những gì mình đã áp dụng, những gì mà Chánh Pháp đã giúp thay đổi và làm mới lại cuộc sống của tôi.

Melvin Mcleod: Khi anh được hỏi về Phật Pháp, có nhiều đề tài mà anh cảm thấy bản thân mình có lợi ích cho mọi người, chẳng hạn như lòng từ bi ?

Richard Gere: Tôi sẽ có thể thảo luận về từ bi và trí tuệ trong một vài hình thức, đó là hai địa hạt mà chúng ta đang khai phá để mở rộng tâm trí của ta.

Melvin Mcleod: Tôi vừa đọc một bài viết của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài nói rằng tình thương và lòng từ bi của người mẹ là biểu tượng đẹp đẽ nhất cho mọi thứ tình, vì nó hoàn toàn vô tư, không phân biệt.

Richard Gere: Mật hoa (nectar). Mật hoa chính là nó. Ở trong việc thực hành Kim Cương thừa, trạng thái hỷ lạc của tâm hành giả được cảm nhận như vị dịu ngọt của mật hoa. Tình thương ấy được ví như dòng sữa của người mẹ, đó là quyền năng đến từ người mẹ.

Melvin Mcleod: Anh rất dè dặt khi nói về giáo lý, nhưng anh lại là một phát ngôn viên rất tha thiết về vấn đề nhân quyền và tự do cho Tây Tạng.

Richard Gere: Tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm về việc này. Cơn bực tức của tôi về việc này hai mươi năm trước bây giờ đã khác rồi. Tất cả chúng ta đều như nhau, Hitler, người Tàu, anh và tôi, những gì chúng ta từng gây ra ở Trung Mỹ. Không ai không biết những hậu quả để lại. Ở đây, người Tàu đã gây ra một tương lai tồi tệ cho chính họ và không ai có thể thương xót cho kiếp sống của họ ở mai sau.

Khi tôi nói về người Tây Tạng, những con người bị giam hãm trong cô độc hơn hai mươi năm qua, họ với tôi hoàn toàn từ trái tim của họ, vấn đề ấy còn lớn hơn những gì mà họ chịu đựng dưới bàn tay của những kẻ tra tấn họ. Họ cảm thấy thương xót và tội nghiệp cho những con người này, những người hành xử như thú tính. Một khi đã đánh mất loại trí tuệ này của tâm, họ sẽ không bao giờ tìm lại được.

Melvin Mcleod: Vi phạm nhân quyền là một vần đề mà thế giới luôn phải đương đầu, ở Tây Tạng và Nam Phi đang khủng hoảng trầm trọng. Anh nghĩ gì về tương lai của Tây Tạng ?

Richard Gere: Tôi thấy rằng vấn đề hoạt động chính trị của Đức Đạt Lai Lạt Ma vô cùng phức tạp. Đó là phong trào bất bạo động và Đức Đạt Lai Lạt Ma kiên trì theo đuổi đường hướng của Thánh Gandhi. Vì thế chúng ta phải làm gì để giải tỏa cuộc khủng hoảng này. Đây không phải là một màn kịch. Tôi nghĩ phạm vi của lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm cho bản thân Ngài to lớn đất nước Tây Tạng. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải thưởng Nobel về hòa bình, đó là một điểm sáng trên con đường tranh đấu cho tự do. Ngài không còn là người Tây Tạng nữa mà là tùy thuộc về cả thế giới. Tôi sẽ tiếp tục kêu gọi tự do cho Tây Tạng và sẽ không bỏ dở tiến trình này. Chúng ta cứu giúp chúng sanh như bảo vệ đôi mắt của chính mình bằng mọi giá. Tây Tạng rồi sẽ được độc lập. Cố nhiên có một số vấn đề cần phải được giải quyết cấp thời. Chúng ta phải kiên trì và liên tục với công việc này. Dù chúng ta hơi thất vọng về các cuộc đàm phán với nhà cầm quyền Trung Hoa được mở ra theo sau cuộc viếng thăm Bắc Kinh của tổng thống Mỹ Bill Clinton đã không đem lại kết quả như ý. Tuy nhiên, với người Tây Tạng và với tiến trình dân chủ hóa của thế hệ trẻ Trung Hoa sau cuộc khủng hoảng Thiên An Môn đã cho chúng ta nhiều lạc quan và hy vọng.
richard_gere_7

Melvin Mcleod: Câu hỏi cuối cùng, hiện nay anh có đóng góp gì cho sự phát triển Chánh Pháp ở phương Tây không ?

Richard Gere: Tôi đang bảo trợ nhiều chương trình khác nhau như xây dựng cơ sở tu học, in ấn kinh sách… đây là những công tác rất quan trọng đối với tôi. Phiên dịch và in ấn kinh điển, để đưa giáo Pháp đến cho người tín đồ là cần thiết và phải làm thường xuyên. Nhưng cái quan trọng hơn là tôi tài trợ để tổ chức những khóa tu ở Mông Cổ, Ấn độ, Mỹ và những nơi khác. Không có gì tạo cho tôi thích thú hơn là những Phật sự này.
Hiện tại chúng tôi đang tiến hành chương trình trong mùa hè năm nay là khóa tu Mật tông Kalachakra mười ngày do Đức Đạt Lai Lạt Ma làm đàn chủ, được tổ chức tại thành phố Bloomington, tiểu bang Indiana từ ngày từ ngày 17-21/8/1999. Trước đó một khóa thuyết giảng bốn ngày cũng được tổ chức tại rạp hát Beacon, New York, từ ngày 12 đến 14 tháng 8. Nơi này có thể dung chứa 3000 người, nếu ai không lấy vé kịp, có thể đến nghe giảng tại Central Park vào ngày 15/8. Chúng tôi dự tính có khoảng hai mươi đến bốn mươi ngàn người đến dự, bất cứ ai, nếu thích đều có thể tham dự. Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ giảng về Tám phép luyện tâm (Eight verses of mind training), một giáo lý thâm diệu của Lojong, một trong những pháp tu mà tôi thích nhất, rồi Ngài sẽ truyền Pháp Wang, một pháp luyện trường thọ đầy quyền năng của Tara trắng. Tôi từng chứng kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền pháp tu này và không có ai tham dự mà không khóc. Ngài đã chạm trúng đến con tim của từng người một. Ngài từng truyền pháp này tại Bodh Gaya (Ấn Độ) với một bài kệ rất dài… bây giờ tôi nhớ lại, lúc ấy tôi bắt đầu khóc… quá đẹp đi. Khi Ngài giảng về ”Tán Dương Bồ Đề Tâm” (Praise of Bodhicitta) của Lạt Ma Khunu, tất cả chúng tôi như thể được ở trong tâm của Ngài, một điều kỳ diệu quá mà bình thường ta không thể cắt nghĩa, không thể đọc, không là gì cả, ta chỉ hiện hữu nơi đó với chư Phật mà thôi. Tôi đã được nhiều Thầy dạy về pháp tu tuyệt vời nầy, nhưng để thấy mọi người xúc động thật sự như thế thì chưa thấy bao giờ. Tôi tin lần này Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ truyền dạy pháp này tại New York và mọi người sẽ tìm thấy sự an lạc thật sự qua lời dạy của Ngài.

Phật tử Việt Nam muốn tham dự hoặc muốn biết thêm chi tiết về khóa tu đặc biệt này tại Hoa Kỳ, xin liên lạc trực tiếp về số: 212.780.1999 (tại New York) và 812.334-4156 (tại Indiana) hay qua email : kala@tibetancc.com
Thích Nguyên Tạng  dịch theo Shambhala Sun, Buddhism Culture Meditation Life, (U.S.A) May 1999.

TT. Thích Nguyên TạngRichard Gere

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.