Tâm Chư Phật Sẽ Thành

Trong Phật giáo, xuất gia hay tại gia, dù có sinh hoạt trong chốn Thiền môn hay không, chắc hẳn nhiều người cũng có nghe nhắc lại hoặc biết đến câu nói, từ kim khẩu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngay khi chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác sau 49 ngày đêm thiền tọa dưới cội bồ đề:

“Ta là PHẬT đã thành – Chúng sanh là PHẬT sẽ thành”.

Có nghĩa là Đức Phật tuyên bố đã thành Phật ngay rạng sáng hôm đó và tất cả chúng sanh trong sáu cõi, gồm: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh, đều sẽ thành Phật trong tương lai. Trong hiện tại, tất cả đều là nhân, là hạt giống, nếu biết tu tập theo đúng chánh đạo, hành đúng chánh pháp, tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, trở thành một vị Phật.

Ở đây, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được vai trò của cõi người đang sống và phải chịu trách nhiệm về số phận nghiệp duyên và nhân quả của chính mình. Bao giờ thì thành Phật, hay mãi mãi là chúng sanh? Câu hỏi nầy có bao giờ con người nghĩ đến hay chưa?

Ngày nào đó với tâm thái trầm mặc, an bình, con người chọn cho riêng mình một không gian tĩnh lặng, hít thở nhẹ nhàng, ngồi xuống thiền tọa, chân xếp hình hoa sen, sau đó thực tập­ làm Phật vài ba phút.

TÂM CHƯ PHẬT ĐÃ THÀNH

Phật tại “Tâm”, không phân biệt “Tướng” – xuất gia tại gia, nam nữ, đẹp xấu, giàu nghèo. Phật Tâm không cố chấp, không phiền, không giận, không trách. Ai tôn kính, ai không tôn kính cũng chẳng khác gì nhau, chính là nghĩa pháp môn bất tùy phân biệt. Tâm Phật là tâm bình đẳng, thanh tịnh tuyệt đối. Lòng từ bi của Chư Phật là vô ngã vị tha, thương chúng sanh như cha lành thương con.

Phật là Tâm sáng suốt, trí tuệ hiểu biết tất cả thiện ác trong thế gian một cách rõ ràng, không nghi, nhưng bất tùy phân biệt. Pháp là Tâm chân chánh, thấu rõ chánh tà, thiên viên, đại tiểu, chân ngụy, nhưng bất tùy phân biệt. Tăng là tâm thanh tịnh, nội cần khắc niệm, ngoại hoằng bất tranh, nhưng bất tùy phân biệt.

Tâm Phật sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh, không phê phán, không chê trách, không thiên vị riêng tư một cá nhân hay một tôn giáo nào, không kết án vội vã một ai, không tranh cãi, không hận thù, không tà niệm, yêu thích người thiện, bỏ mặc người ác, khen mình chê người, không dùng lời phỉ báng nặng nề bất chấp sự đau khổ của người để thỏa mãn cái tôi – tự ngã.

Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đắc đạo ngay nơi cõi ác thế Ta Bà “ngũ trược” (tức là cõi có 5 điều dục vọng và si mê):

1. Kiếp trược: Nhiều căn bịnh hành hạ đau đớn, nạn đói, chiến tranh, thiên tai.

2. Kiến trược: Nhiều tà kiến, sai trái, dụ dẫn tạo nghiệp ác, cuồng tín si mê.

3. Phiền não trược: Nhiều tham vọng, tâm lăng xăng điên loạn, không tự chủ.

4. Chúng sanh trược: Chúng sanh chưa hiểu suốt nhân quả thiện ác, nên gây thù oán, thân quyến tương tàn.

5. Mệnh trược: Thọ mệnh chúng sanh ngắn ngủi, vô thường biến đổi, luân hồi sanh tử đau khổ muôn trùng.

Đức Phật vì lòng từ bi, không nhập Niết Bàn sau khi chứng đạo. Ngài ở lại thế gian thuyết muôn vạn pháp môn tu và chỉ dạy con đường tu thành Phật bằng thân giáo. Cử chỉ và hành động đầy khiêm tốn, bình đẳng, từ bi và hết sức tế nhị.

Trong thời gian Đức Phật còn tại thế, nhiều người không hiểu biết thế nào là thành Phật. Có những vị còn không tiếc lời phỉ báng và nhiều lần muốn giết Đức Phật để giành ngôi Thế Tôn. Giá trị tình thương chúng sanh và đức độ kham nhẫn trong tâm lý hoằng pháp của Đức Phật là bậc trí tuệ tuyệt diệu và thâm sâu vô cùng.

Chư Phật và Chư Tổ thường dạy:

Lấy từ bi và trí tuệ làm thăng tiến đạo nghiệp
Lấy sự hy sinh và phụng sự làm niềm hạnh phúc
Lấy bao dung và hỷ xả để cư xử với mọi người
Lấy sự nghiệp giác ngộ và giải thoát làm cứu cánh.

Chư Phật tùy duyên thuyết pháp, cứu độ cho tất cả những ai thật sự mong cầu một đời sống thánh thiện tốt đẹp. Chúng sanh nghe lời dạy của Chư Phật, phát tâm tìm hiểu rõ ràng chân lý của đạo giác ngộ và giải thoát.

Sau đó, con người thực hành ba chặng đường VĂN, TƯ, TU (nghe hiểu, suy nghĩ, thực hành). Phát sanh trí tuệ sáng suốt mới mong vượt ra khỏi sự trói buộc đau khổ của luân hồi sanh tử.

“Như Lai là người chỉ con đường chứng được cứu cánh Niết Bàn tịch tịnh. Thế Tôn là vị đã đoạn trừ phiền não của thế gian và đem lại nhiều thiện pháp cho chúng sanh”.
(Tăng Chi Bộ Kinh)

Phật Tánh không do cầu khẩn van xin mà có, cũng không phát sinh từ lòng ái dục, hay tình cảm hạn hẹp ích kỷ. Phật Tánh phát xuất từ tâm từ bi, bao la tươi nhuần và bình đẳng như tâm Chư Phật vậy. Đó là những giây phút vô cùng trân quí, khi tâm vô trụ, vô chấp, đạt được an nhiên và tự tại, hạnh phúc và giải thoát.

Bản tâm thanh tịnh của Chư Phật không tạp niệm, không tà ý, ví như mặt biển thái bình lặng yên lúc không sóng không gió, mọi thời mọi khắc đều an nhiên tự tại và hạnh phúc giải thoát.

Nói chung tất cả niệm do tâm chấp, tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm đố kỵ, tâm khinh khi, tâm lúc thuận lúc nghịch, lúc thân lúc thù, khi thương khi ghét, đó là những tạp niệm vọng tâm vọng chấp mà Chư Phật đã hoàn toàn chế ngự, điều phục được tất cả, nên Chư Phật là những vị “Phật đã thành”.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.