Thuyết Bốn Ðế – Phần VI

IV. ÐẠO ÐẾ

Ðạo đế là chơn lý về con đường đạo dẫn tới Niết Bàn, dập tắt mọi khổ đau, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, giác ngộ và giải thoát tối hậu.

Sách Phật nói 37 phương pháp, cấu thành con đưòng đạo này, gọi là 37 đạo phẩm, cũng gọi là 37 phần Bồ đề (Bồ đề phần). Cụ thể là Bốn niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám con đường đạo (Bát chánh đạo). Nay sơ lược giải thích như sau:

1. Bốn Niệm xứ:

Cũng gọi là bốn niệm trú, tức là mục chánh niệm trong Bát chánh đạo, Bốn niệm xứ là bốn đối tượng của tư duy và quan sát không bao giờ quên. Ðó là thân (kaya), thọ (vedana), tâm (citta), và pháp (dhamma). Luôn luôn nhớ thân, cảm thọ, tâm và các pháp đều là vô thường, khổ và vô ngã. Nếu phân biệt thì quan sát thân là không trong sạch, mọi cảm thọ là khổ, tâm là vô thường, và mọi pháp là vô ngã, không thực thể.

Theo kinh tạng nguyên thủy, thì bốn niệm xứ là con đường độc nhứt (ekayana magga), đưa người tu hành đến sự giáe ngộ và giải thoát hoàn toàn.

2. Bốn chánh cần:

Trong Bát chánh đạo, gọi là Chánh tin tấn (sách Hán còn gọi là Tứ chánh đạo, tứ chánh thắng, tứ ý đoạn). Gồm có bốn mục là:

a. Ðoạn trừ điều ác đã khởi lên.

b. Gắng sức để cho điều ác mới không sinh ra.

c. Gắng sức để cho điều thiện mới được sinh ra.

d. Nổ lực để cho điều thiện đã khởi lên được tăng trưởng.

Thiện ở đây là mọi cái gì lợi cho lý tưởng tu đạo, và ác là mọi cái gì trở ngại cho lý tưởng tu đạo. Cho nên, theo quan niệm đạo Phật mà nói nỗ lực làm ác, chính là lười biếng chứ không phải là tinh tấn siêng năng.

3. Bốn thần túc :

Sách Hán cũng gọi là tứ như ý túc, là bốn điều như ý được đầy đủ. Ý tứ là muốn có phép thần thông đầy đủ, thì học tập bốn phương pháp này, tức là:

a. Dục thần túc: tức là lòng muốn có được thiền định.

b. Tinh tấn thần túc: nỗ lực để có được thiền dịnh.

c. Tâm thần túc: tức là nhiếp tâm đầy đủ để có được thiền định.

d. Tư duy thần túc : tức là để có thiền định, phải biết tư duy quan sát.

(Có sách gọi tứ như ý túc hay tứ thần túc là:

a. Dục thần túc,

b. Niệm thần túc,

c. Tinh tấn thần túc,

d. Tuệ thần túc. )

4. Năm Căn:

Tức là Tín, lòng tin. Cần là tinh tấn, Niệm là nghĩ nhớ điều phải (chơn lý), như lý vô thường, vô ngã… Ðịnh và Tuệ. Gọi năm mục này là năm căn tức là năm cái gốc để cho người tu tiến tới mạnh mẽ trên con đường đạo. Trong năm cái gốc này thì tín (S.Saddha P.Sraddha) đứng hàng đầu, vì lòng tin chân chánh và chân thành là động lực của mọi nỗ lực tu đạo và hướng thiện tránh ác.

Nên phân biệt năm căn tín … với năm căn mắt, tai,.. (năm căn này thường gọi là năm căn năng).

5. Năm Lực :

Năm căn nói trên, khi dược phát huy thì biến thành năm sức mạnh, tức năm lực.

6. Bảy giác chi :

Thất giác chi, sách Hán cũng dịch là Thất Bồ Ðề phần, bảy phần Bồ đề, hay Thất giác phần, tức là bảy chi phần của giác ngộ.

a. Niệm giác chi: sati-samboijhanga

b. Trạch pháp giác chi: dhammavicayasamb jjhanga, tức là biết lựa chọn phải, trái, chân ngụy, thiện ác…

c. Tinh tấn giác chi s. viriya s. nỗ lực hướng tới giác ngộ.

d. Hỷ giác chi s.piti. lòng hoan hỷ (trong tu đạo và độ sanh).

e. Khinh an giác chi s. passaddhi. Kinh A Hàm gọi là Ỷ giác chi, tức thân tâm nhẹ nhàng, khinh khoái.

f. Ðịnh giác chi s. samadhi.

g. Xả giác chi s. upekkha.

Trên đây là bảy hạng mục tu hành, có liên hệ đến thiền dịnh. Trong kinh tạng Nguyên thủy, sau khi thực hành phép anapanasati (niệm hơi thở ra vào) để thành tựu sự thống nhứt nội tâm, hành giả tu sang phép bốn niệm xứ, và bảy giác chi mà được giác ngộ, giải thoát. Như vậy, có thể thấy bảy giác chi là những mục tu hành cao cấp trên con đường tu đạo.

7. Bát chánh đạo:

Bát chánh dạo tức là tám con đường đạo hay là con đường đạo tám nhánh.

a. Chánh kiến: samma-ditthi, tức là kiến giải chính xác, tín ngưỡng chính xác.

b. Chánh tư duy: samma-sankappa. Tư duy và lập chí chính xác đúng đắn.

c. Chánh ngữ: samma-vaca, tức không nói dối, không nói lời ác, không nói chia rẽ, không nói lời vô nghĩa. Trái lại, chỉ nói lời chơn thực, lời dịu hiền, lời đoàn kết, lời có ích đối với người nghe.

d. Chánh nghiệp: samma-kammanta, tức là các hành vi không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm…. thực hành việc tôn trọng sự sống, bố thí, sống trong sạch không trái đạo lý.

e. Chánh mạng: samma-ajiva, tức là sống bằng nghề nghiệp chính đáng lương thiện. Nói rộng ra, tức là theo một nề nếp sinh hoạt lành mạnh, giúp cho sức khỏe, tăng năng suất lao dộng, khiến thân tâm luôn được thư thái, nhẹ nhàng.

g. Chánh tinh tấn: samma-viriya, nỗ lực chính đáng, hướng tới lý tưởng của đạo, siêng làm điều thiện, siêng trừ bỏ ác.

h. Chánh niệm: samma sati, nghĩ nhớ không quên, lý tưởng tu đạo, tỉnh táo, cảnh giác dù là trong những việc nhỏ, đừng để phạm lỗi, vì những lỗi nhỏ có thể đem lại hậu quả tai hại lớn. Luôn luôn nghĩ nhớ: các pháp là vô thường, vô ngã, mọi cảm thọ đều là khổ, không được mê đắm.

i. Chánh định: samma-sammadhi, người tu đạo hằng ngày có gắng giữ tinh thần an tịnh, tư tưỏng tập trung không tán loạn thì mọi việc làm mới mong có kết quả như ý. Ngoài ra, người tu đạo cũng tu tập thiền định, mong đạt tới một nội tâm trong sáng thuần tịnh như gương, không còn niệm, không còn tưởng.

BÁT CHÁNH ÐẠO VÀ BA MÔN HỌC GIỚI, ÐỊNH, TUỆ

Bát chánh đạo thực ra là một thể thống nhứt, sở dĩ chia ra tám hạng mục là để cho tiện thuyết minh, giảng giải mà thôi. Phật giáo Nam phương thuyết minh mọi quan hệ giữa Bát chánh đạo và ba môn học như sau:

Chánh kiến và Chánh tư duy…………………Tuệ học

Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng… Giới học.

Chánh tinh tấn…………………………………. thông cả ba môn học.

Chánh niệm, chánh định…………………….. Ðịnh học.

Về chánh tinh tấn, có sách quy về định học, có sách quy vào tuệ học- Thứ tự tu học các hạng mục trong Bát chánh đạo như thế nào?

Theo logic, thì phải là thứ tự giới, định, tuệ. Thế nhưng trong bát chánh đạo, lại sắp xếp: Tuệ, giới, định, vì sao?

Thực ra sau tám mục còn có hai hạng mục nữa là Chánh trí và chánh giải thoát, tổng hợp lại thành 10 pháp vô lậu học.

Chánh trí và chánh giải thoát thuộc về tuệ học. Như vậy, thứ tự logic của 10 pháp vô lậu học là tuệ, giới, định, tuệ.

Hai mục chánh tri kiến và chánh tư duy thực ra là chánh tín đối với những người mới nhập môn. Do đó, toàn bộ thứ tự sẽ là:

Tín – Giới – Ðịnh – Tuệ.

QUAN HỆ GIỮA 37 PHẨM BỒ ÐỀ VÀ BA MÔN HỌC

Tín căn và tín lực không cho cả ba môn giới, định, tuệ. Vì tất cả mọi pháp tu hành đều xuất phát từ niềm tin (tín) dựa vào chánh tri kiến và chánh tư duy. Niệm căn, niệm lực, niệm giác chi đều thông cả định học và tuệ học.

Giới: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Ðịnh: Bốn như ý túc, định căn, định lực, định giác chi, xả giác chi, chánh định.

Tuệ: Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, tinh tấn cán, tuệ căn, tinh tấn lực, tuệ lực, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn.

V. BA MÔN HỌC (Tam học)

V.1. GIỚI HỌC:

Giới học tức là môn học đạo đức Phật giáo, hay là luân lý Phật giáo.

Nghĩa từ Giới: Giới, chữ Sanskrit là Sila. Giới là các khuôn mẫu ứng xử, phòng sai, tránh ác của đạo Phật.

Các loại giới: giới ngăn điều ác gọi là chỉ ác giới. Chỉ có nghĩa là ngăn chặn. Cũng gọi là luật nghi Samvara.

Có hai loại giới: Giới hữu lậu thế gian và giới vô lậu xuất thế.

Bộ phận hữu lậu giới gọi là Biệt giải thoát luật nghi, giúp cho người tu hành hướng thiện, tránh ác ở cõi Dục giới, đồng thời cũng hướng tới giải thoát.

Bộ phận hữu lậu giới, gọi là Tĩnh lự luật nghi, giúp cho hành giả mau chứng các cấp thiền thuộc sắc giới.

Giới xuất thế gọi là luật nghi vô lậu.

Biệt giải thoát luật nghi lại chia thành giới tại gia và giới xuất gia. Giới tại gia gồm có 5 giới ưu bà tắc và ưu bà đi, hằng ngày cần giữ gìn không phạm, và tám giới cần giữ, trong các ngày gọi là Bát trai.

Giới xuất gia gồm có 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ Kheo ni, 10 giới của Sadi, 6 giới của chánh học nữ.

Ưu bà tắc là chữ Phạn Upasaka. Hán dịch nghĩa là cận sự nam.

Hữu lậu giới Biệt giải thoát luật nghi (dục giới)
Chỉ ác giới Tĩnh lự luật nghi (sắc giới)
Vô lậu giới Vô lậu luật nghi (xuất thế gian)
Giới tại gia 5 giới Ưu bà tắc, Ưu bà di
Biệt giải thoát 8 giới trong các ngày trai
luật nghi Giới xuất gia 10 giới cho sadi và sadi ni
6 giới cho chánh học nữ
250 giới cho Tỳ kheo
348 giới cho Tỳ kheo ni

Thế nhưng, tác dụng của giới cũng không phải chỉ là tránh ác, mà còn là hành thiện nữa. Giới làm điều thiện còn gọi là tác trì giới, hay tác thiện giới.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.