Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch). Thật vậy cách đây hơn hai ngàn năm trước, sau sáu năm khổ hạnh tu tập, Đức Bổn Sư của chúng ta đã chứng đạo dưới cội Bồ Đề, thuộc vùng Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) gần thị trấn Gaya (nay là Bodhgaya – Bồ Đề Đạo Tràng), tiểu bang Bihar, đông bắc Ấn Độ.
Sự giác ngộ, chứng đạt chân lý tối thượng của Ngài là một sự kiện vô cùng trọng đại, một chương mới mở ra cho lịch sử tư tưởng của nhân loại, một ánh sáng chân lý mới xuất hiện ở đời này. Nhân ngày kỷ niệm thành đạo của Ngài, chúng con cần ôn lại một vài điều quanh sự kiện giác ngộ của Ngài để nhắc nhở, củng cố thêm niềm tin Chánh Đạo của mình trên bước đường tu tập.
Pháp tu khổ hạnh
Trải qua một thời gian dài lang thang khắp lưu vực sông hằng để cầu học những bậc Thầy danh tiếng, rồi cuối cùng khép mình vào những kỷ luật khắc khe nhất trên thế gian. Đó là theo pháp tu khổ hạnh, chỉ ăn mỗi ngày một hạt kê, một hạt mè, và uống một ngụm nước, để sống cầm hơi trong suốt sáu năm dài, nhưng Ngài vẫn không thấy ánh sáng giác ngộ qua lý thuyết và cách thực hành ấy. Thân hình đẹp đẽ, tráng kiện xưa kia, nay trở thành suy nhược, da xanh nhợt nhạc, máu cạn, gân rút, thịt teo, mắt mờ, chỉ còn lại bộ da bộc xương, cái chết đang tiến đến gần, nên Ngài đã từ bỏ Khổ hạnh lâm (Dungsiri) và thay đổi pháp môn tu khác, Ngài chọn con đường Trung đạo để tìm đến áng sáng giác ngộ.
Tiếp đó Ngài đến sông Ni Liên Thiền (Neranjara), tắm rửa sạch sẽ để sửa soạn cho một cuộc hành trình mới. Hành động tắm gội ở đây là một biểu tượng cho quyết tâm loại bỏ một pháp tu lệch lạc và bắt đầu một cuộc tìm kiếm chân lý khác. Để khởi đầu lộ trình này, không gì hơn là phải tẩy sạch tất cả những bụi bặm trên thân xác và tinh thần của Ngài.
Ngài khó khăn lắm mới bước được lên bờ và nhận được một bát sửa của nàng Sujata (Tu-sà-Đa) dâng cúng. Không ai rõ lý do nào mà nàng Sujata, một người con gái của vị Trưởng làng Tuna gần đó, dâng tặng bát sửa cho Ngài, tuy nhiên, chính nhờ bát sửa ấy mà Đức Phật đã nhanh chóng lấy lại sức khỏe và sinh lực, để tiếp tục con đường còn lại cho tiến trình tìm kiếm chân lý của mình. Tiếp đó, Ngài cũng nhận được một bó cỏ Cát tường của Svastika, một cậu bé chăn trâu trong làng, Ngài tự tay trải làm tọa cụ dưới cội Tất Bát La (ngày nay gọi là Bồ Đề) và ngồi kiết già, quay mặt về hướng Đông và phát một lời đại nguyện rằng: “Thân tứ đại này dù mai kia có biến thành cát bụi, nhưng Đạo quả chưa đạt thành, tòa cỏ này quyết không đổi thay”.
Sau khi phát lời đại nguyện xong, Đức Phật bắt đầu thiền tọa dưới cội Bồ đề, với tư thế ngồi “liên hoa” hay “kiết già”, đây là cách ngồi tiêu chuẩn của pháp môn Thiền Định. Ở tư thế này, hai chân bắt chéo, bàn chân này nằm ngửa trên lòng bàn chân kia, hai tay thu trước bụng, lòng bàn tay ngửa, tay trái đặt trên tay phải. Đây là tư thế ngồi được xem là ổn định nhất, vững chắc nhất, giúp cho ta có cảm giác chắc chắn, đôi tay và đôi chân luôn được kiểm soát và tâm trí không bị buông thả.
Ngài đã trải qua bảy tuần lễ tu tập thiền định như thế, quán chiếu nội tâm, thấy rõ được thật tướng của vạn pháp là vô ngã giai không, và cuối cùng, đêm thứ bốn mươi chín, trong trạng thái đại định, với tâm thanh tịnh, Ngài đã chuẩn bị bước vào ngôi vị chứng đắc thì Ma Vương (Màra) xuất hiện cản trở tiến trình tu tập của Ngài.
Nhiếp phục Ma Vương
Trong giáo lý nhà Phật rất thường đề cập đến vấn đề Ma vương (Màra) (1) và cho rằng đây là một loại thử thách khó khăn hàng đầu trước khi đạt được Chánh quả. Ở đây việc cám dỗ của Ma vương có tầm quan trọng lớn lao đối với việc hiểu được Phật, bởi vì Đức Phật đã bước lên ngôi vị Chánh Đẳng Giác chỉ sau khi đánh bại được sức mạnh cám dỗ của Ma vương và đạo quân của chúng.
Trong Kinh mô tả rằng, lúc Đức Phật sắp bước vào ngôi vị Phật Vương, Ma Vương tỏ ra hãi hùng, vì sợ mất tầm ảnh hưởng thống trị của chúng, nên đã tìm cách ngăn cản, không cho Ngài chứng đạo và chuyển pháp luân :
“Này đạo sỹ, thân thể của ông gầy còm, da dẻ xám xanh, gần kề với cái chết. Cơ may sống còn của ông là một phần ngàn, ông phải sống, vì có sống mới có thể làm được việc có ích. Dù gì đi nữa, những nỗ lực của ông hôm nay cũng hoài công vô ích, vì con đường đến với chân lý là gian khổ, đau đớn và không bao giờ đến được”. (Lược theo Sutta Nipata – Padhana Sutta)
Nói xong, Ma vương đã tiến hành biến hóa ra trăm ngàn ma quỷ để tấn công nhằm khuất phục được Phật, nhưng Phật không chút sợ hãi hay dao động. Đức Phật đã lên tiếng để nhiếp phục vị Ma Vương này như sau :
“Này Ma Vương, ngươi đến dây chỉ vì mục đích riêng của các ngươi. Ta không cần danh vọng, ngươi hãy nói những điều đó với những kẻ hám danh vọng. Ta có niềm tin, lòng dũng cảm và trí tuệ. Tại sao ngươi lại đòi ta phải sống giống như mọi người ? (…). Khi xác thịt hao mòn, tâm ta trở nên an tịnh. Khi ta sống như vậy, ta đạt được cảm thọ cuối cùng, tâm ta không còn tham dục. Hãy biết rằng sự thanh tịnh luôn ở nơi ta. Tham dục là ma quân thứ nhất của ngươi. Hai là đố kỵ. Ba là đói khát. Bốn là ái dục. Năm là hôn trầm, thùy miên (lười biếng, uể oải). Sáu là sợ hãi. Bảy là hoài nghi. Tám là phỉ báng và cố chấp. Chín là sự thành đạt, danh tiếng, và vinh quang. Mười là tự khen mình và khinh chê kẻ khác. Này Ma Vương, đội quân của nhà ngươi là thế, chúng luôn trú ẩn trong những con người xấu xa đê tiện, kẻ hèn yếu sẽ không thể nhiếp phục được chúng, nhưng nếu hàng phục được chúng sẽ đạt được chân hạnh phúc. Ta thà chết vinh trong chiến trận còn hơn sống mà thất bại…”. (Lược theo Sutta Nipata – Padhana Sutta)
Nhằm muốn đè bẹp Đức Phật, nên Ma Vương đã thay đổi chiến thuật dữ dội hơn, bằng cách cho các ái nữ xinh đẹp nhất để cám dỗ hầu lôi kéo Phật trở về với chúng, nhưng dưới con mắt thanh tịnh của Phật các nàng đều biến thành xấu xí và bất tịnh. Cuối cùng Ma vương đành thối lui và tuyên bố rằng: “Sau bảy năm đã theo đuổi bước chân chàng trai dòng họ Thích, ta vẫn không sao tìm cách để vào phá được vị Đại giác siêu phàm này. Giống như chú quạ bay qua một mỏm đá lại mơ tưởng đó là miếng mồi béo bở, ngọt ngào. Làm sao thấy được vị ngọt ở nơi mỏm đá ấy, quạ phải bay đi…”. (Lược theo Sutta Nipata – Padhana Sutta).
Ánh sáng Giác Ngộ
Sau khi chinh phục được ma quân, Đức Phật đã từng bước đi vào bốn tầng bậc thiền để tiến đến giác ngộ. Pháp thiền này giúp cho tâm trí hành giả có khả năng đạt được giác ngộ. Bốn giai đoạn thiền này được mô tả trong Kinh Trung Bộ như sau: Giai đoạn thứ nhất: (sơ thiền) là loại bỏ dục vọng và các bất thiện pháp và đạt được trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. Giai đoạn thứ hai, (nhị thiền): diệt trừ tạp niệm, phát triển nội tỉnh và nhất tâm, đạt được trạng thái hỷ lạc do định sanh. Giai đoạn thứ ba, (tam thiền): vượt qua niềm hỷ lạc, đạt đến bình thản và an lạc. Giai đoạn thứ tư, (tứ thiền): diệt trừ các cảm thọ lạc và khổ, đạt tới cảnh giới thanh tịnh không còn vui buồn, âu lo và hoan hỷ.
Sau khi tinh thông qua bốn tầng thiền trên, tâm trí của Đức Phật trở nên sáng suốt, thanh tịnh và linh hoạt một cách lạ thường, hướng tâm đến Tam Minh (Te-vijja), Ngài thấy rõ được chân tướng, gốc rễ của khổ đau, Ngài biết rõ rằng:
“do cái này có, nên cái kia có; do cái này sanh mà cái kia sanh; do vô minh có hành, do hành có thức, do thức có danh sắc, do danh sắc có lục nhập, do lục nhập có xúc, do xúc có thọ, do thọ có ái, do ái có thủ, do thủ có hữu, do hữu có sinh, do sinh có lão tử và sầu bi khổ ưu não“.
Do quán chiếu như vậy mà Ngài đã bước vào quả vị thứ nhất, Túc Mệnh Minh (Pubbe-nivàsànussati Nàna) vào canh đầu (khoảng chín giờ tối đến nửa đêm) Ngài nhớ lại tất cả những kiếp quá khứ mà Ngài đã trải qua.
Sau khi loại bỏ được màn vô minh dầy đặc của bóng đêm quá khứ khổ đau sinh tử, Ngài đạt đến Thiên Nhãn Minh (Cutùpapàta Nàna) ở canh thứ hai, thấy rõ những đời sống quá khứ của hết thảy chúng sanh với hành nghiệp thiện và ác của họ. Ngài biết rằng một người do hành động, lời nói và ý nghĩ hướng đến điều ác xấu, thì kết quả khổ đau, cay đắng sẽ đeo đuổi họ như cổ xe luôn theo sau con vật kéo. Cũng một người với hành động, lời nói và ý tưởng hướng điều thiện lành, có đức tin chân chánh, có nếp sống lành mạnh, kết quả an lạc và hạnh phúc sẽ đến với người ấy như bóng theo hình. Với loại trí tuệ này, Ngài thấy rõ được tình trạng tan rã và nhóm hợp trở lại của chúng sanh.
Đến canh cuối, Đức Phật tác ý nghịch chiều duyên khởi như sau :
“Do cái này không có, nên cái kia không có, do cái này diệt, nên cái kia diệt, do vô minh diệt nên hành diệt, do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt, do lục nhập diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên tho diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sinh diệt, do sinh diệt nên lão tử và sầu bi khổ ưu não diệt”.
Lúc ấy ánh sao mai vừa ló dạng, Ngài ngộ được chân lý tối thượng, chứng đắc Lậu Tận Minh (Àsavakkhaya Nàna), đoạn tận gốc rễ của lậu hoặc (2). Và khi sao mai hửng sáng rõ ràng, Ngài cảm thấy sức sống của mình như bừng nở và trong chớp nhoáng Ngài nhận ra cái hiện thực tối thượng của mọi sự vật, trong khoảng khắc ấy Ngài chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (3), trở thành Phật (4), một vị giác ngộ ngay giữa cõi đời khổ đau này, cánh cửa bất tử (the door of deathlessness) đã mở cho tất cả chúng sanh từ thời điểm ấy, trang sử Phật cũng bắt đầu từ đấy, con đường giải thoát và giác ngộ mà trước đây chưa một ai tìm thấy, nay đã hiển lộ. Ngài liền nói cảm giác vui sướng của mình rằng : “Giải thoát đã đạt trọn vẹn, đây là đời sống cuối cùng, sẽ không còn tái sanh nữa” (My emancipation is assured, this is my last birth, there will be no more re-becoming) (MN 26.21).
Ngài cũng đề cập đến cảm tưởng sau khi đạt giác ngộ như là mình như vừa thoát khỏi ngục tù:
“Lang thang bao kiếp sống
Trong sanh tử luân hồi
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Người xây dựng nhà này
Tái sanh thật khổ thay.
Ôi người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi
Ngươi không làm nhà nữa,
Đòn tay ngươi gãy rồi
Kèo cột người tan nát,
Tâm ta đạt an ổn
Tham ái thảy tiêu vong”
(Pháp Cú 153 & 154).
(Through many births I have wandered in the samsàra round
Seeking, but not finding the buider of the House,
Painful is birth again and again.
O House Builder, I have seen you. You shall build no house again,
All your rafters are broken and your ridge – pole is shattered.
The mind ar rest in Nibba2na, has attained the destruction of cravings)
(Dhammapada verse 153 – 154)
Lúc ấy trời đất hân hoan, chim chóc reo vui, chư thiên trong mười phương rải hoa cúng dường, chào đón Đức Thế Tôn, bậc Thầy của chư thiên và loài người vừa xuất hiện. Thật đúng là:
Đêm trăng tròn ánh sao mai vừa điểm
Cây Bồ Đề rực rỡ ánh hào quang
Khắp nơi nơi ngào ngạt tỏa thiên hương
Nhạc thành đạo cả bầu trời vang động
Sáu ngã luân hồi vui không xiết kể
Mười phương hướng về chào đón Thế Tôn
Hoa Từ Bi lòng người đều bừng nở.
(Thơ của Thích Quảng Thiệp)
Đêm ấy là ngày trăng tròn tháng Tithakhu (theo lịch của Ấn Độ), tức nhằm ngày mùng tám tháng 12 theo lịch của Trung Hoa. Đó là năm Ngài 35 tuổi, đúng vào năm 590 trước Tây Lịch, tại tụ lạc Ưu Lâu Tần Loa (Uruvelà), cách thành phố Già Da (Gaya) về phía Đông Nam khoảng 7 dặm, thuộc nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Vì lý do ấy, nơi đó về sau nơi này được gọi là Phật Già Da (Buddha-Gaya), ngày nay gọi Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya) thuộc tiểu bang Bihar, đông bắc Ấn Độ.
Kể từ thành đạo Bồ Đề
Sau khi Đức Phật thành đạo, ánh sáng giác ngộ của Ngài đã chiếu khắp mọi nơi, hàng vạn người dân Ấn, từ sỹ, nông, công, thương, mọi tầng lớp của xã hội Ấn đều thừa hưởng được kết quả giác ngộ của Ngài. Đến cuối đời của Ngài, Chánh Pháp đã có mặt ở khắp Ấn Độ và lan tỏa đến các quốc gia láng giềng. Từ hạ lưu của sông Hằng đi về phía đông, phía nam tới bờ sông Caodaveri, phía tây tới bờ biển Arập, phía bắc tới khu vực Thaiysiro, đâu đâu cũng có sự ảnh hưởng của giáo lý Phật Đà, và người dân nơi ấy sống trong sự hòa bình và hạnh phúc. Trong triều đại của Hoàng Đế Asoka thuộc vương triều Maurya (thế kỷ thứ 3 trước TL), Phật giáo đã bắt đầu truyền bá sang các vùng biên giới của đại lục, đông tới Miến Điện, Nam tới Tích Lan, tây đến Xyri, Ai Cập…. Và cuối cùng Phật giáo đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo thế giới.
Phật giáo Nam Truyền (Theravada) xuất phát từ miền nam Ấn độ, Phật giáo được truyền sang Tích Lan, rồi từ Tích Lan truyền qua Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào…. Đạo Phật Nam Truyền được lan tỏa đến các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào… PG tại các quốc gia này tụng Kinh bằng ngôn ngữ Pali.
Phật Giáo Bắc Truyền (Mahayana), từ miền Bắc Ấn Độ vượt qua dãy núi Hindu và sông Amua ở miền Trung Afghanistan, rồi vượt qua cao nguyên Pamia, vào Tân Cương Trung quốc, từ đó đến Hà Tây, Trường An và Lạc Dương. Tiếp đó PG từ Trung Hoa truyền đến các nước lân cận như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Và một con đường khác là từ Ấn Độ truyền sang Nepan, vượt qua dãy núi Hymalaya, vào Tây Tạng, rồi từ Tây Tạng truyền vào một số tiểu quốc của Trung Hoa và một số vùng thuộc bộ tộc Buryat của Mông Cổ và Xiberi. PG trong các quốc gia này tụng Kinh phần lớn bằng ngôn ngữ Sanskrit hoặc được dịch sang tiếng mẹ đẻ của mình.
Và đến cuối thế kỷ thứ 18, Đạo Phật được chính thức truyền sang các nước Châu Âu (1788) và Châu Mỹ (1875), và đến cuối thế kỷ thứ 20, PG lại được truyền qua Châu Phi. Như vậy Chánh Pháp đã có mặt ở khắp hoàn cầu tính cho tới thời điểm này.
Lời kết
Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác của Đức Phật, cuộc đời của Đức Phật là một minh chứng hùng hồn, một cảm hứng tuyệt vời cho tất cả chúng ta. Ngài là một nhà triết học và một nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại. Qua kho tàng kinh điển của PG, ta thấy rằng Đức Phật không đơn giản chỉ là một nhà lãnh tụ tôn giáo kiệt xuất, một triết gia, một nhà xã hội, một nhà giáo dục, mà còn là thầy thuốc thiên tài trong trường đời, có khả năng chữa khỏi tất cả các loại bệnh trên thế gian này. Chúng ta cần phải khắc sâu hình ảnh của Ngài, nếu không chúng ta sẽ lúng túng trước một kho tàng giáo lý khổng lồ do chính Ngài diễn giảng về con đường tu tập và kết quả chứng đắc liên quan.
Quả thật vậy, ngày nay khi bàn về câu chuyện thành đạo của Ngài chúng ta vô cùng lúng túng, khó hiểu, khó thấu, khó đạt được trọn vẹn trên mặt văn tự, huống hồ việc áp dụng, chứng đạt như Ngài.
Biết rõ điều này, nên Đức Phật đã hơn một lần trấn an cho chúng ta rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành”. Trên tinh thần đó, không gì hơn là chúng ta phải bắt tay vào việc, tu học và thực hành theo giáo pháp mà Ngài đã để lại. Nếu học đúng và áp dụng đúng pháp, chúng ta sẽ chứng đạt như Ngài.
Tóm lại tu tập và đạt được giác ngộ, giải thoát là giấc mơ bất tận của mọi đệ tử Phật. Dù biết rằng con đường ấy quả thật đầy chông gai và thử thách, nhưng không phải chúng ta không có, không đủ khả năng để đạt được, vấn đề là mỗi người chúng ta có khởi sự ngay từ bây giờ hay là không. Nguyện cầu cho tất cả chúng ta có đủ sức khỏe, nghị lực và quyết tâm để tiếp tục theo đuổi con đường mà Đức Phật đã đi qua và thành đạt hơn hai ngàn năm trước.
Melbourne, Mùa Thành Đạo 2000
Thích Nguyên Tạng – quangduc@eisa.net.au
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/129-thanhdao.htm
______________________________________________________
Ghi chú :
(1) Màra (Ma Vương) nghĩa là kẻ giết chóc, kẻ hủy diệt. Màra là hiện thân của thần chết, tượng trưng cho thế lực ngăn cản con người muốn đạt được giác ngộ, muốn làm điều tốt (Kushala) hay muốn tiến bộ trên con đường giác ngộ. Ma Vương, tên là Ba Tuần, được xem là vua của tầng trời thứ sáu của Dục giới (Desire realm). Hình tượng của Ma Vương được mô tả là có 100 cánh tay, cưỡi voi. (Lược theo The Encyclopedia of Eastern Philosophy and Religion, USA, 1989). Còn theo quan điểm của Đại Thừa thì Bồ Tát dùng thần lực phương tiện lớn, hiện ra làm ma vương để giáo hóa chúng sanh. Mặt khác, trong giáo lý Đạo Phật không xem ma quỷ là một thế lực ghê gớm ở bên ngoài mà chính là những thế lực xấu ác luôn trú ẩn đâu đó trong mỗi con người, đó chính là: Phiền não ma, Ngũ ấm ma, Pháp hành ma, Tử diệt ma và Chư thiên ma.
(2) Lậu Hoặc: Lậu (àsava) là chỉ cho phiền não. Thân tâm thấm trược phiền não tham sân si, sự tiết lộ làm cho thân tâm nhiễm ô vì cảm xúc Lục căn với Lục Trần. Lậu có 3 thứ là Dục lậu (Kàmàsava – sự nhiễm ô qua dục), Hữu lậu (Bhavàsava – sự nhiễm ô qua sự tồn tại) và Vô minh lậu (Avijjàsava- nhiễm ô qua vô minh). Đoạn tận ba lậu trên sẽ đắc quả A-la-hán. Kinh Niết Bàn viết: “Phiền não là các mối lậu. Đức Như Lai dứt hết tất cả các phiền não”. Hoặc là chỉ cho cái tâm mê vọng, chấp vào cảnh sở đối mà bị điên đảo, vọng. Hoặc cũng đồng nghĩa với phiền não, lậu, cấu, kiết sử. Hoặc có 3: Kiến tư hoặc (chỉ chung cho phiền não trong tam giới, là nguyên nhân khiến chúng sanh phải chịu sinh tử luân hồi); Trần sa hoặc (các mối kiến tư của chúng sanh nhiều như cát bụi) và Vô Minh hoặc (đối với tất cả các pháp không thông hiểu, vì nặng nghiệp chướng, căn bản phiền não ăn sâu).
(3) Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác: viết theo tiếng Phạn là Anuttara Samyak Sambuddha (dịch âm: A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề), đây là quả vị cao nhất trong các quả chứng mà Đức Phật đạt được trong đêm thành đạo. Bậc Chánh Đẳng Giác là người giáo hóa chúng sanh về những gì tự mình đã chứng ngộ.
(4) Phật : dịch từ chữ Buddha (Pali và Sanskrit) dịch ra Hán là Phật Đà, Việt Nam gọi là Bụt hay Bụt-đà, nghĩa là Bậc giác ngộ, người thoát khỏi sinh tử luân hồi. Một vị Phật sau khi tịch diệt không còn tái sinh nữa. Để đạt được quả vị Phật, một vị Bồ tát (Bodhisattva) phải phát nguyện trước một vị Phật, quyết tâm tu tập và đạt ngộ. Trải qua vô lượng kiếp các Ngài đã thực hành Bồ tát hạnh. Khi sinh ra lần cuối, vị ấy phải trải qua một thời gian giáo hóa ở cung trời Đâu Suất (Tusita), rồi khi sinh ra lần cuối cùng, vị Phật ấy luôn có đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Thông thường, các vị Phật sinh ra thì mẹ của các Ngài sẽ qua đời sau đó bảy ngày. Lúc trưởng thành, khi nhân duyên khế hợp, các Ngài sẽ xuất gia, giác ngộ, và giáo hóa chúng sanh.