Người Tây Tạng Nghĩ Về Cái Chết: Người Chết Đi Về Đâu – Chương V

Nhìn qua một chuỗi các vị Ðạt-lai Lạt-ma tái sanh nối tiếp nhau hơn 6 thế kỷ, những người thiếu đức tin hẳn không khỏi phải khởi lên sự hoài nghi vì không sao hiểu được. Tuy nhiên, cuộc đời thực của mỗi vị đều chứng tỏ xứng đáng với tư cách của một đấng giáo chủ tái sanh, cho dù họ rất thường sanh ra trong những gia đình nghèo hoặc trung lưu mà thôi. Riêng đức Ðạt-lai Lạt-ma thứ 14 hiện nay vẫn đang tiếp tục công việc hoằng hóa Phật pháp khắp nơi trên thế giới, và ngài đã nhận được giải Nobel hòa bình năm 1989 nhờ vào những nỗ lực đóng góp thực tiễn cho một nền hòa bình thế giới.

Tính chất bí ẩn trong sự tái sanh của các vị Ðạt-lai Lạt-ma sẽ trở nên dễ hiểu hơn khi chúng ta biết rằng tất cả các ngài đều rất am tường những điều được truyền dạy trong Luận vãng sanh này. Khi giữ được một tâm trạng vững vàng sáng suốt sau khi chết, các ngài có thể tùy theo hạnh nguyện của mình mà chủ động tái sanh trở lại thế giới này để tiếp tục công việc hoằng dương chánh pháp. Chính Ðạt-lai Lạt-ma thứ 14 đã có lần thừa nhận rằng ngay trong khi còn đang sống, ngài vẫn thường xuyên nhập vào thiền định và chủ động trải qua trạng thái khi chết nhiều lần trong ngày để tự chứng nghiệm giáo lý này.

]

Nội dung tập luận này tạo ra ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi cách nói xác quyết và thẳng tắt của nó. Không một chút hoài nghi, phân vân nào có thể được tìm thấy ẩn khuất sau những lời văn. Vấn đề được diễn đạt một cách chắc chắn như thể là ta đang mô tả về những gì được nhìn thấy trong lòng bàn tay mình. Mặc dù vậy, sự phù hợp và dung hòa của những nội dung được trình bảy ở đây với những phần giáo lý khác của đạo Phật có thể làm cho người đọc phải kinh ngạc.

Với những gì được trình bày trong luận này, chúng ta có thể  dễ dàng hiểu được vì sao trước đây nó chỉ được mật truyền giữa các vị Lạt-ma qua nhiều thế hệ mà không được truyền dạy rộng rãi cho mọi tín đồ. Hơn thế nữa, nó chỉ được các ngài dùng để đọc cho người chết nghe hơn là giảng dạy cho người sống. Sự cô đọng của giáo lý nơi đây rất dễ đưa đến ít nhất là hai điều tai hại nếu nó được truyền bá rộng rãi.

Một là sự nghi ngờ, thậm chí kinh chê của những kẻ thiếu đức tin hoặc chưa hiểu biết nhiều về Phật pháp.

Hai là sự lệch lạc khi diễn giải giáo lý này theo hướng phủ nhận các phần giáo lý cơ bản khác của Phật giáo. Ðiều thứ hai này rất dễ xảy ra đối với những người thiếu một sự hiểu biết toàn diện và có hệ thống về Phật giáo khi tiếp cận với luận này.

Ðể tránh điều tai hại thứ nhất, cần thấy được rằng luận này không hề mâu thuẫn với bất cứ kinh điển nào trong Phật giáo. Sự hiện hữu của một thân trung ấm sau khi chết quả thật đã được Phật đề cập đến trong quyển 8 của kinh Thủ Lăng Nghiêm.[29] Và cũng trong kinh này, chúng ta tìm thấy sự giảng giải về tác động của ác nghiệp khiến cho mỗi chúng sanh phải thọ sanh vào các cảnh giới khổ não khác nhau như địa ngục, ngạ quỷ… Người nào đã từng đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm trước đây, nay được xem tập Luận vãng sanh này, nếu đọc lại kinh Thủ Lăng Nghiêm chắc chắn sẽ có một sự cảm nhận mới mẻ, sâu sắc hơn và tất nhiên là cũng tích cực hơn. Hơn thế nữa, sự biến hiện của tâm thức tạo thành những cảnh tượng huyễn hóa khác nhau cũng được đề cập rất rõ trong kinh này.

Một trong những ấn tượng mạnh mẽ nhất của tập luận này có lẽ là những mô tả nhấn mạnh về tầm quan trọng của giây phút hấp hối, khi đời sống sắp sửa chấm dứt. Tuy nhiên, vấn đề này không phải hoàn toàn mới mẻ khi được nêu ra ở đây, mà chính là khái niệm về cận tử nghiệp[30] vốn không xa lạ mấy với những người đã từng nghiên cứu giáo lý đạo Phật. Trong bài văn cảnh sách của tổ Quy Sơn, chúng ta cũng đọc thấy câu này: “Trút hơi thoát khỏi cuộc đời, như con chim bay xuyên qua dải lụa,[31] nghiệp lực dắt dẫn thần thức trôi lăn. Như người nhiều nợ lắm chủ theo đòi, ai mạnh được trước; tạo nghiệp đã nhiều, phải tùy theo chỗ nặng nề nhất mà thọ thân gánh chịu.”[32]

Như vậy, mặc dù nhân quả được xác định như bóng với hình, không hề sai chạy, nhưng sự tác động của nghiệp lực ngay trước khi chết quả thật đóng một vai trò quan trọng mà nhiều vị chân sư đã từng xác nhận. Ðức Ðạt-lai Lạt-ma thứ 14 nói về vấn đề này như sau:

“Con người chết với một trong ba tâm trạng: thiện, ác và trung tính. Trong trường hợp đầu thì người chết chú tâm đến một đối tượng thiện tính như Tam bảo hoặc một vị chân sư, và vì thế tự tạo cho mình một tâm trạng đầy niềm tin sâu thẳm, hoặc phát lòng từ, bi, hỉ, xã vô lượng, hoặc tư duy về tính không. Người ta chỉ có thể thực hiện những đều này khi đã từng trau dồi tu tập trong đời sống. Nếu trước khi chết mà người ta có thể phát khởi những tâm thiện thì một sự tái sanh hạnh phúc hơn được xem như là chắc chắn.

“Nhưng cũng có khi thân quyến làm xao động tâm trạng của người sắp chết và làm cho người ấy vô tình khởi lên tâm sân hận. Hoặc có khi thân quyến tụ họp vây quanh, khóc lóc than thở làm cho người chết khởi tâm quyến luyến, tham ái. Nếu người chết với một trong hai tâm trạng trên, và hơn nữa, nếu người ấy rất thường phát triển những tâm trạng này trong đời sống trước đây, thì đó là một mối nguy lớn.

“Cũng có người chết với một tâm trạng trung tính: không thiện không ác… Trong mọi trường hợp, tâm trạng trước khi chết đều rất quan trọng. Ngay cả khi một người có chút ít tiến triển trên con đường tu tập, cũng có thể không tự chủ để tâm tán loạn trước khi chết, trực tiếp tạo điều kiện cho tâm sân hận và ái luyến khởi lên. Nguyên nhân là những nghiệp,[33] những chủng tử[34] vốn đã được huân tập[35] từ lâu đời, chỉ chờ đợi những điều kiện thuận lợi để sanh khởi. Chính những chủng tử này tạo điều kiện để người chết tái sanh trong ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh… Tương tự, một người dù là thường nhật làm nhiều việc ác, nhưng khi chết với một tâm thiện cũng có thể tái sanh trong một cảnh giới tốt đẹp hơn…

“Trong một cuộc sống sinh hoạt bình thường thì các tâm trạng như tham ái, sân hận, ganh ghét… được sanh khởi ngay cả với những duyên rất nhỏ nhặt. Ðó là những trạng thái tâm lý đã khắc sâu đến tận cốt tủy của con người. Ngược lại, một trạng thái tâm lý mà người ta không thường trải qua, nếu muốn được sanh khởi thì phải cần có một sự kích thích mạnh mẽ, chẳng hạn như sự tư duy, tập trung cao độ. Vì thế mà khi sắp chết, những tư tưởng đã ăn sâu vào cốt tủy của mỗi con người sẽ thường là trạng thái tâm lý chính, là yếu tố quyết định sự tái sanh…”[36]

Như vậy, rõ ràng những nội dung được trình bày ở đây không phải là sự chế tác của bất cứ một vị hậu sanh nào, mà vốn dĩ đã tiềm tàng trong giáo lý do Phật giảng dạy. Chính điều này đã đảm bảo tính tương hợp của nội dung tập luận với các kinh điển được công truyền.

Ðiều kỳ lạ hơn nữa trong bản văn này là sự kết hợp hài hòa yếu nghĩa của các phần giáo lý mà xưa nay vẫn thấy được trình bày riêng rẽ trong các kinh điển khác nhau, thuộc các tông phái khác nhau của Phật giáo. Cách đặt vấn đề một cách chắc chắn mà không cần giải thích lý luận, có thể sẽ làm cho một số người nào đó cảm thấy khó chấp nhận, nhưng ngược lại nó cho phép những ai có đầy đủ đức tin sẽ thể nhận được các phần tinh yếu của những giáo lý khác nhau, nhằm nhắm tới mục đích duy nhất sau rốt là sự giải thoát.

Trong bản văn này, giáo lý Duy thức được vận dụng ở mức độ rốt ráo nhất, khi toàn bộ những cảnh giới mà người chết trải qua được xác quyết là hoàn toàn không thực có, chỉ do sự biến hiện của tâm thức với những chủng tử tích chứa từ nhiều đời. Nhưng đồng thời, lời khuyên chủ yếu xuyên suốt trong toàn bản văn là“hãy niệm Phật”. Ở đây, giáo lý Tịnh độ được trình bày ở dạng cô đọng, súc tích nhất, với sự đảm bảo là bất cứ ai, cho dù là người đã tạo nhiều nghiệp bất thiện, chỉ cần thành tâm niệm Phật đều sẽ được vãng sanh về tịnh độ. Một khác biệt nhỏ ở đây là, các cõi tịnh độ được mô tả xuất hiện ở tất cả các phương, với nhiều vị Phật khác nhau, thay vì chỉ có Phật A-di-đà như trong giáo lý của Tịnh độ tông. Và điều khác biệt – nhưng không hề mâu thuẫn – này đã chuyển hướng tập luận đi theo một cách nhất quán với tông chỉ của Thiền tông, khi mà chư Phật, Bồ Tát được hình dung như là những đối tượng thiền quán của hành giả.

Khi phân tích nội dung Luận vãng sanh này theo hướng như trên, sự nghi ngờ về những gì được thuyết dạy ở đây sẽ bị phá tan. Cho dù tập luận này có hoặc không có một nguồn gốc rõ ràng, những gì chúng ta học được ở đây thật sự là không hề nằm ngoài giáo pháp mà Phật đã truyền dạy.

Chúng ta trở lại điều thứ hai đã nói đến ở trên, tức là sự lệch lạc có thể có khi diễn giải tập luận này theo hướng phủ nhận các phần giáo lý cơ bản khác của Phật giáo. Theo chủ quan của người viết, có lẽ đây là một trong những lý do chính khiến cho tập luận này phải được giữ kín trong một thời gian dài, không được truyền dạy cho tất cả mọi tín đồ.

Một trong những sai lầm dễ rơi vào nhất là sự phủ nhận giáo lý về nhân quả, nghiệp báo. Theo như tập luận này, nghiệp lực dường như không tác động đến tâm thức người chết ngay sau khi chết, và trong suốt giai đoạn mang thân trung ấm thì nghiệp lực chỉ hoàn toàn chi phối thần thức vào thời điểm quyết định tái sanh. Trước đó, nếu chịu nghe và hiểu những lời khai thị của luận này, thần thức hoàn toàn có khả năng được giác ngộ, giải thoát, hoặc vãng sanh về cõi tịnh độ của chư Phật. Ðiều này đồng nghĩa với việc rũ bỏ hoàn toàn mọi ác nghiệp đã làm trong đời sống trước đây. Và như vậy có thể dẫn đến sự hiểu sai về giáo lý nhân quả, nghiệp báo.

Những điều vừa nói trên là một sự diễn giải có vẻ như chính xác theo những gì đọc thấy trong tập luận. Tuy nhiên, tôi đã cố tình dùng hai chữ “dường như”, bởi vì theo tôi thì đây chính là mấu chốt của vấn đề. Khi xem xét kỹ lại bản văn, chúng ta sẽ thấy rõ sự diễn giải như trên là không đúng.

Mặc dù bản văn mô tả sự lóe sáng của ánh sáng giác ngộ vào thời điểm thần thức rời khỏi xác thân, và xác quyết rằng sự thể nhập vào ánh sáng đó sẽ dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát cho thần thức, nhưng đồng thời chúng ta cũng được biết là không phải tất cả các thần thức đều có thể dễ dàng thể nhập vào trong đó. Chúng ta hãy nhớ lại lời khai thị đầu tiên trong giai đoạn này:

“… giờ đây pháp thân đang chiếu sáng rực rỡ trước mắt ngươi, hãy nhận biết rõ. Giờ đây thức của ngươi đang trở về bản tánh chân như, rỗng không vắng lặng, vô ngã, vô tướng, không màu sắc, không âm thanh. Nhưng tâm thức này không phải là sự rỗng không của cái không, nó tự tại, diệu dụng, biến hóa không cùng. Hai mặt này của chân như chính là từ bi và trí huệ, thể của nó là không. Nó chính là pháp thân bất hoại. Sắc và không không rời nhau, trong dạng hào quang rực rỡ, vô sanh vô tử. Ðó cũng là Phật tính. Hãy nhận rõ điều này, đó là điều quan trọng duy nhất. Nếu ngươi nhận rõ tâm thức tịch tịnh của ngươi bây giờ chính là tâm Phật, thì ngươi đã thể nhập cõi Phật, cõi tịnh độ…”

Lời khai thị ở đây đập vỡ mọi khái niệm chấp thủ của thần thức về đời sống, về sự tham luyến, si mê, sân hận… Bời vì, sau khi chỉ rõ tính chất sáng suốt, rỗng rang vô ngại và thường tồn bất biến của pháp thân thường trú, của chân tâm, Phật tính, lời khai thị nhấn mạnh: “Hãy nhận rõ điều này, đó là điều quan trọng duy nhất”.

Tuy nhiên, một câu hỏi có thể được đặt ra tiếp theo sau đó: “Vì sao có những thần thức không thể hiểu và tin nhận được những lời khai thị này?”

Mấu chốt của vấn đề là ở điểm này. Ðể có thể tin nhận được lời khai thị rốt ráo ở đây, người chết cần phải có một quá trình tu tập hoặc tích lũy thiện nghiệp từ trước đó. Và như thế thì rõ ràng là dù trực tiếp hay gián tiếp, thần thức cũng không thể vượt ra khỏi sự chi phối của nghiệp lực mà mình đã tạo ra. Hay nói khác đi, không hề có chuyện sai lệch về nhân quả xảy ra ở đây.

Mặt khác, việc hội đủ nhân duyên để được nghe biết đến Luận vãng sanh này, xét cho cùng vốn tự nó đã là một quả lành không thể tự nhiên mà có được.

Trong hầu như tất cả những lần khai thị vào các giai đoạn nối tiếp sau đó, cho đến lúc thần thức đứng trước thời điểm chuẩn bị nhập mẫu thai, bản văn cũng luôn mở ra một khả năng dự phòng là thần thức có thể không nhận hiểu được lời khai thị do nơi sự che lấp, thúc đẩy của những ác nghiệp đã làm, và vì thế mà khuyến cáo vị chủ lễ cần phải kiên trì tụng đọc Luận vãng sanh này cho đến giai đoạn cuối cùng có thể có của thân trung ấm, được xác định là vào khoảng 49 ngày sau khi chết. Nghi thức cầu siêu cho người chết mà hầu hết các chùa ở Việt Nam hiện nay đang áp dụng cũng dựa theo khoảng thời gian này, với 7 lần tuần thất, mỗi lần cách nhau 7 ngày, tổng cộng là 49 ngày thì đến lễ chung thất.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.