Cần nói thêm nữa là, trong Phật giáo, im lặng đôi khi đó là sự “im lặng sấm sét”. Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma là một minh chứng hùng hồn với “cửu niên diện bích”, chín năm quay mặt vào vách đá. Sự im lặng của Ngài là một tiếng thét sấm sét làm bung vỡ cái vỏ bọc vô minh, u ám từ nhiều đời kiếp tan tành thành trăm ngàn mảnh, chỉ còn lại bản tánh Chơn Như Diệu Hữu, sáng suốt và giác ngộ.
Hay như thi sĩ Thiền Basho đã lịch nghiệm:
Chuông chùa đã lặng
Mà tiếng ngân còn vang khắp đồi hoa.
Vậy mới biết, một lời nói đúng như chánh pháp hay im lặng như chánh pháp như tiếng chuông chùa, dù đã lặng nhưng âm vọng vẫn còn ngân mãi ngân mãi đến muôn trùng.
Đức Phật còn khuyên rằng, ngoài sự thực tập Ái ngữ, chúng ta phải biết giữ tâm mình cho thăng bằng, an tịnh, không bị giao động bởi những tiếng thị phi, ác khẩu, những vu khống, mạ lị, lăng nhục. Giữ được trạng thái như vậy thì, dù cho người khác có cố ý ám hại, nói xiên xỏ đặt điều, nói bóng nói gió, nói thêu dệt lắm chuyện… mình vẫn an nhiên tự tại, xem đó như là thử thách trong bước đường tìm cầu đạo giải thoát của chính mình. Có câu chuyện kể rằng: Nhà hiền triết nọ có bà vợ bị bệnh nói nhiều. Một hôm, bà bị bệnh không thể nói nhiều được nữa. Hôm đó nhà hiền triết than là, ông đã mất cơ hội thực hành hạnh tu nhẫn nhục và hạnh lắng nghe.
Một điều không thể thiếu bên cạnh lời nói dễ thương, biết nhẫn nhục, giữ tâm thanh tịnh, đó là chúng ta cần thực tập lắng nghe, lắng nghe một cách sâu sắc mới có thể thấu hiểu hết được những nỗi đau, những điều u uất dồn nén từ lâu trong lòng họ, kể cả những người ác ý vu hãm mình, họ cũng có cái “biệt nghiệp” huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp của họ. Vì vậy, chúng ta cần có cái tâm vững chãi, tâm từ bi bao dung độ lượng để nhiếp phục họ, chuyển hóa họ. Nếu không chuyển hóa họ được, thì ít ra cũng không gây thù, chuốc oán thêm nữa. Thiền Tăng Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: “Người thế gian phỉ báng tôi, khích bác tôi, làm nhục tôi, cười tôi, khinh tôi, rẻ rúng tôi, lừa tôi thì làm thế nào để đối trị?” Thập Đắc trả lời: “Chỉ nên nhẫn họ, nhường họ, tránh họ, vì họ, nhịn họ, kính họ, không để ý đến họ rồi qua một thời gian đến thăm họ.”
Trong cuộc sống, ai mà chẳng có lúc phạm phải sai lầm. Nhưng nếu người phạm lỗi biết nhận lỗi, biết ăn năn hối hận, còn những người xung quanh thì biết bao dung tha thứ cho những người lầm lỗi đó thì đâu có xảy ra hận thù, đố kỵ, hiềm khích gây đau khổ cho nhau, mà ngược lại, người người sẽ sống hòa thuận, nhà nhà yên vui, gia đình hạnh phúc, xã hội an bình, thịnh vượng. Ôi, thật cao quý biết bao!
Khổ nỗi, chúng ta không làm được như thế, cứ mãi ngụp lặn trong hỷ, nộ, ái, ố, trong tham lam, sân hận, si mê rồi gây khổ cho mọi người và cho chính cả bản thân mình.
Đúng là:
Đường đời chật hẹp người chen lấn
Lối đạo thênh thang hiếm kẻ tìm.
Cho nên, đức Phật nhắc nhở chúng ta luôn luôn sống tỉnh thức, bên trong thì tinh cần nỗ lực, thúc liễm thân tâm, trau dồi trí tuệ; bên ngoài thì không bon chen danh lợi, không đua tranh hơn thua với ai, sống hòa ái, nhu mì, đức độ.
Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn có một đời sống an lạc, hạnh phúc thực sự thì chúng ta phải biết sống đúng như chánh pháp: biết ăn ở hiền lương, biết nói lời chân thật dịu dàng dễ thương hay nói khác hơn là thực hành Ái ngữ theo lời Phật dạy. Làm sao để mỗi lời nói của chúng ta sẽ thơm ngát như bông hoa, sẽ đậm đà như mật ngọt, ngõ hầu góp phần hóa giải phiền não, khổ đau, hận thù, đem lại lợi ích, an vui cho tất cả nhân loại.
Vậy thì, bạn còn chần chờ gì nữa mà không nói lời dịu dàng dễ thương ngay bây giờ?
Thiện Long-Hàn Long Ẩn
http://www.lieuquanhue.vn