Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh Báo Ân Phẩm

LỜI TỰ DẪN

Báo Ân Phẩm là một phẩm thứ 2 trong 13 phẩm(1) của toàn bộ “ĐẠI THỪA BỔN SANH TÂM ĐỊA QUÁN KINH”, do ngài Thái Hư giảng tại viện Mân Nam Phật Học, tháng Chạp năm Dân Quốc thứ 21.

Đại thừa

Đối với Tiểu thừa nên gọi rằng Đại thừa nghĩa là bực lớn bực chân tu thực chứng, đã tự độ mình, lại độ cả chúng nữa. Tỷ như cỗ xe lớn vận tải được nhiều người.

Đây, như cái cảnh học, tu quán tưởng pháp Đại thừa, thực hành pháp Đại thừa, sự kết quả trên tinh thần tiến hóa, tức hay vận pháp thuyền phổ tải từ địa vị phàm phu tiến lên đến đại quả Vô thượng Bồ-đề Niết-bàn, công chở mình đã tròn, công chở chúng cũng không cùng tận, nên gọi là Đại thừa(2).

Bổn sanh

Là một trong mười hai phần giáo, bổn sanh đây là chỉ về nhân quả bổn sanh cả ba vô số kiếp của đức Thích-ca-mâu-ni.

Chính trong kinh đây, tự phẩm nói: “Một tiền thân của đức Thích-ca từ đời trước, thuở làm một nhà vua hiệu là Quang Minh, trước nhứt phát tâm học tu bực vô thượng, chánh đẳng chánh giác…; nhẫn đến ngồi nơi cội cây lâm vồ Bồ-đề, đắc thành Phật đạo; giữa rừng cây đôi ta-la vào nơi Niết-bàn. Cả trong chặng giữa ấy đã trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp, tu tiến tất cả từ bi hỷ xả, tám vạn bốn ngàn ba-la-mật…”.

Căn cứ đoạn văn trên, có thể rõ biết rằng “Bổn sanh” là chỉ về sự bổn sanh những đời trước của đức Phật Thích-ca-mâu-ni tu hành từ quá khứ ba A-tăng-kỳ và, hiện tại tám tướng(3) thành Phật, cho đến vị lai kiến thiết tháp tự, thế là trải qua vô số kiếp phát Bồ-đề tâm, từ chỗ địa vị phàm phu, đến bực cứu cánh thành Phật độ sanh; chính là rất hiển nhiên đem cả nội dung, những đặc sắc trong bổn sanh của đức Thích-ca đều biểu hiện ra cả.

Tâm địa quán

Kinh đây, trong phẩm Quán Tâm nói: “Cả tam giới lấy tâm làm chính, người mà năng quán tâm thì, được cứu cánh giải thoát, trái lại thì vẫn ở trong cảnh triền phược”.

Tâm, nó phổ biến trong tất cả các pháp (pháp giới vạn pháp, vũ trụ vạn hữu), nó có công năng biến hóa chuyển hiện, sở dĩ lấy đại địa tỷ dụ cái tâm mà, tâm tên là tâm địa.

Lấy địa dụ tâm, có hai ý nghĩa:

Một, năng sanh: tâm nó năng sanh ra thiện pháp, ác pháp, nhân quả cho tất cả chúng hữu tình và vô tình của thế gian và xuất thế gian, nhẫn đến hết thảy các pháp vô lậu vô vi của chư Bồ-tát. Tỷ như cả thảy cỏ cây, lùm rừng đều nương trên miền đại địa để sanh trưởng.

Hai, sở y: hết thảy nước suối ao sông biển, tất cả núi ngũ nhạc, núi quần đảo, động vật và thực vật, với mỗi mỗi đồ đạc mà nhân loại thụ dụng, đều lấy nơi đại địa làm chỗ y trú. Tâm cũng lại như thế nó hay làm chỗ cho tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn y chỉ.

Vì có hai nghĩa năng sanh, sở y đó, sở dĩ dụ cái tâm là đại địa, rằng tâm địa.

Cứ đó, khá rõ biết rằng pháp quán sát tâm địa nó khẩn yếu biết là dường nào. Ví dẫu tu pháp quán tâm mà rõ biết được thực tướng cả các pháp của tức tâm tự tánh thì, rõ biết được tâm vương và tâm sở pháp là, nó không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở chính giữa. Với trong các pháp tìm chẳng thể được nó, nên tâm tánh vẫn là không, nên nó bất sanh bất diệt, vô khứ vô lai, nó không có những hình tướng thượng hạ sai biệt mà, nó chỉ là bình đẳng, bình đẳng.

Bởi khéo quán sát và không khéo quán sát bất đồng nhau, nhân đó mà có chư Phật cùng chúng dị sanh sai biệt, bởi các sự sai biệt do tâm sanh khởi, nương tâm mà trụ, nếu người khéo quán tâm thì, có thể sáng suốt cả chân tướng của các pháp, cũng giải thoát được luôn.

Người mà khéo quán tâm, cũng tức rõ thấu tất cả nhân quả tà chánh của cõi thế gian và cõi xuất thế gian; đã rõ thấu tất cả nhân quả tà chánh của thế xuất thế gian, tức rõ thấu được pháp tướng của các pháp; đã rõ thấu pháp tướng của các pháp, tức có thể y nơi như thực rõ biết đó mà tu tập phước trí, nhẫn đến tức có thể chứng đặng Niết-bàn cứu cánh, vì y nơi nghĩa đó, nên gọi là tâm địa quán.

Cũng tức là quán cái cảnh giới Đại thừa, tu cái hạnh phẩm Đại thừa, nhẫn đến chứng cái quả vị Đại thừa và, cũng tức là nói rõ các sự nghiệp, trong bổn sanh của đức Thích tôn.

Dịch gia sử
Bổn kinh đề rằng:
Đường Kế Tân Tam tạng Bát-nhã đang dịch

Chữ Đẳng là còn nhiều nhà dịch nữa, khá thấy rằng kinh này chẳng chỉ một cá nhân dịch.

Xét, lời tự của vua Đường Hiến Tông nói: “… xuống lời chiếu vời các nhà nghĩa học ở kinh sư, Đại đức Kế Tân Tam tạng Bát-nhã và cả tám người cùng phiên dịch kinh chỉ, sai các quan Giám nghị Đại phu Mạnh Giản cả bốn người cũng nhuận sắc kinh văn sắp làm tám cuốn, chung thành một bộ”.

Thế là ghi rõ sử thực phiên dịch kinh này.

Sách Trinh Nguơn Tân Định Thích Giáo Mục Lục quyển 17 nói: “Pháp sư tên Bát-lặc-nhã (trí huệ), xuất thân nước Ca-tất-thí (Kế Tân), bắc Thiên Trúc, họ Kiều-đáp-ma, thời nhân xưng tặng là thần đồng, 7 tuổi quy y Tam bảo, học tu tại bổn quốc 18 năm”… Đó là lược kể nhân duyên xuất gia của Bát-nhã pháp sư.

Về năm, đời phiên dịch kinh này: Căn cứ sách Trinh Nguơn Tân Định Thích Giáo Mục Lục thì, dịch vào năm Trinh Nguơn thứ 6 (790) tuế thứ canh ngũ. Đó là về đời vua Đường Đức Tông (780-802).

Kinh đây, từ đức Thích Tôn ở tại Linh Sơn, đối với các Bồ-tát mà Phật ngài thuyết pháp; sau khi kiết tập, lưu thông qua đảo Tích Lan. Về thời đại vua Đường Cao Tông (650-683) lại được lưu thông qua Trung Hoa, sau nhân vua Đường Hiến Tông (806-820) lòng nhiệt thành hoằng hộ Phật pháp, và Tam Tạng pháp sư Bát Nhã cùng các vị nỗ lực phiên dịch thành ra chữ Nho của Trung Hoa. Thế là lịch sử phiên dịch kinh đây mười phần xác thực đấy.

Nhẫn trên là lời tự dẫn trình bày lai lịch.

BÁO ÂN PHẨM XỨNG TÁNH ĐỐN TUYÊN

Ân tức là đức huệ, phàm với bổn thân ta mà có thể được người giúp ích cho đạo đức, học vấn, và những sự cần dùng đều gọi là ân, kia đã có ân huệ với ta thì, ta phải luôn luôn nhớ đến điều “cây có cội, nước có nguồn”, chẳng thể lửng quên cái căn bản ấy, nên phải nhớ mà lo báo đáp.

Phẩm tức phẩm loại, tức là văn nghĩa của một bộ kinh có các món tánh cách ý chỉ; nay đem một phần giống nhau mà lược nhóm lại làm một phẩm, nên gọi là Báo Ân Phẩm.

Ân có bốn thứ, tức ân của cha mẹ, ân của chúng sanh, ân của quốc vương và ân của Tam bảo. Vì bốn hạng ấy, đối với chúng ta đều có ân huệ nên phải báo đáp.

Song phẩm Báo Ân đây, ban đầu có một đoạn: Phật từ thiền định ra bảo ngài Di-lặc Bồ-tát…, là đoạn văn “xứng tánh đốn tuyên”, dù để ở trước bổn phẩm mà, nghĩa nó chẳng đồng với sự báo ân. Nhưng, cũng nhân có một đoạn văn ấy, mới kéo ra văn dưới do ông trưởng giả Diệu Đức nghi hỏi…

Văn ấy dù chẳng làm cái thân nhân duyên cho Báo Ân Phẩm, mà là làm cho tăng thượng duyên thì không nghi gì.

Lại, về đoạn “xứng tánh đốn tuyên” ấy câu văn rất ít, nên không thành là riêng phẩm ra, mà để trước phẩm Báo Ân đây, cũng như kinh Pháp Hoa đốn tuyên thực tướng của chư pháp Thập Như Thị để ở đầu phẩm Phương Tiện.

Bấy giờ đức Thế Tôn từ thiền định yên lành thức dậy, bảo ông Di-lặc Đại Bồ-tát rằng: “Hay thay! Hay thay! Ông cùng các đại sĩ, các thiện nam tử vì muốn thân cận Từ phụ của thế gian, vì muốn nghe hiểu pháp xuất thế gian, vì muốn suy nghĩ lý như như, vì muốn tu tập trí như như, đều đến chỗ Phật cung kính cúng dường.

Ta nay diễn nói pháp mầu tâm địa, để đem chúng sanh khiến vào trí Phật. Pháp mầu như thế, các đức Như Lai qua vô lượng kiếp mới có một thời nói ra.

Như Lai Thế Tôn xuất hưng nơi đời, như bông Ưu-đàm(4) rất khó gặp! Ví dẫu Như Lai xuất hiện nơi đời, mà với diệu pháp ấy, cũng khó có dịp nói! Sở dĩ là sao? Vì tất cả chúng sanh, xa lìa hạnh nguyện của Đại thừa Bồ-tát, hướng theo quả Bồ-đề của Thanh văn, Duyên giác, bởi chán lìa sanh tử vẫn vào cảnh Niết-bàn(5) của Tiểu thừa, chớ chẳng thích quả mầu thường lạc của Đại thừa.

Song, các đức Như Lai chuyển pháp luân là xa lìa 4 điều quá thất, nói pháp tương ưng: 1- Chúng không quấy, 2- Thời không quấy, 3- Đồ không quấy, 4- Pháp không quấy.

Theo bệnh cho thuốc, lành đã như xưa, đấy là đức bất cộng của Như Lai. Thanh văn, Duyên giác chưa được tự tại cảnh bất công của các chúng Bồ-tát, do nhân duyên ấy nên khó thấy nghe được pháp môn tâm địa của chánh đạo Bồ-đề.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, với pháp mầu đây, một phen nghe lọt vào tai rồi, thu niệm quán tâm trong một giây phút, huân tập thành giống vô thượng Bồ-đề, chẳng bao lâu sẽ được ngồi trên bảo tọa kim cang(6) nơi cây chúa Bồ-đề, đắc thành Phật quả.

Đức Như Lai sở dĩ đặc biệt cáo thị nơi ngài Di-lặc, đó là, nhân vì Bồ-tát đây chẳng bao lâu nữa sẽ thành Phật, lại là bổ xứ kế vị Phật sau đức Thích Tôn tại thế giới này.

Tuy còn có các vị Đại Bồ-tát kia, nhưng đức Thích Tôn muốn phú chúc Phật pháp tức là ở nơi Di-lặc; nên rốt phẩm đây có nói: “Nếu có người phát tâm ấn tống lưu bố phẩm Báo Ân đây, vừa mạng chung liền được vãng sanh lên nội cung của Di-lặc và đến Long Hoa tam hội được Ngài thọ ký cho thành Phật, tức là ý đây.

“Hay thay! Hay thay!” là lời ngợi khen rốt bực. Đối với Tam bảo phàm tất cả chúng sanh hay trồng các căn lành thì, đều gọi là “Thiện nam tử”. “Từ phụ của thế gian” tức chính chỉ đức Như Lai, nhân vì đức Như Lai ngài hay đem sự yên vui xuất thế gian ban cho thế gian chúng sanh.

“Pháp xuất thế gian” tức là diệu pháp bất tư nghì. Còn tất cả các pháp của thế gian đều chẳng rời những niệm tìm, nghĩ, xét, đo, vì những tìm nghĩ xét đo ấy nó chẳng qua là những phân biệt với ngôn luận của vọng tâm giả lập, luống dối so đo nên có thể bị phá hoại; mà pháp bất tư nghì của xuất thế gian, lìa cái giả danh hư vọng kế đoạn và ngôn luận, bèn là đức Phật đà ngài tự thân chứng đắc cái lý tánh chân thật thường trú bất tư nghì bất biến hoại như như, cũng tức là cái “căn bản tâm địa” trong bổn sanh kinh.

Trong vũ trụ tất cả các pháp hữu tình vô tình, đều nhiếp thu ở trong “căn bản tâm địa” đây, làm cảnh sở hiện của “căn bản tâm địa” đây.

Phân tách mà nói, tức là lấy cái trí huệ của căn bản tâm địa năng quán mà chứng đắc cái lý thể của căn bản tâm địa sở quán.

“Cái lý như như” tức là cái lý thể sở quán của căn bản tâm địa. Cái trí như như tức là cái trí huệ năng quán của căn bản tâm địa.

Chừ hiệp lại nói rõ nếu muốn tư duy cái lý như như, ắt trước phải nghe hiểu cái pháp xuất thế, đã nghe được pháp xuất thế rồi, rất phải cần gia công dụng để tu tập cái lý như như; cái trí như như đã thành thì, cái lý như như liền hiển hiện. Như như thì như trí tức là lý; như lý tức là trí, hai mà chẳng hai, chẳng hai mà hai. Rút lại, tức là cái “nhứt chân pháp giới” vô phân biệt.

“Pháp mầu tâm địa” tức là trong căn bản tâm địa sở hữu có pháp rất vi diệu khó thể suy nghĩ đặng, chính trong kinh Pháp Hoa chỉ gọi “Pháp ta mầu khó nghĩ”, cũng là ý đây.

Với tâm địa diệu pháp dây, bất luận là tâm năng chiếu (như Phật phóng ra hào quang sắc vàng), vô luận là cảnh sở chiếu (như hư không…), đều là cái cảnh trí vô phân biệt, năng sở đều vong, duyên quán đều tịnh nên phi tất cả cái tâm niệm tà vọng phân biệt có thể biết được. Vì tà vọng phân biệt xây dựng trên cái ý niệm phân biệt, còn cái diệu pháp của căn bản tâm địa bèn là sở hành vô phân biệt trí. Duy chỉ nó như thế, nên có thể phù hợp nhau với sự lý, chẳng đồng với lông rùa sừng thỏ là hoàn toàn không tướng không dụng.

Song, với tâm địa diệu pháp đây, nó vẫn là thậm thâm vi diệu khó thể nghĩ bàn, chỉ muốn khiến cho chúng sanh được biết pháp ấy, nên Phật lại không thể không mượn cách phương tiện hay khéo để nói ra, đặng dẫn dắt chúng sanh, khiến cho từ nơi nghe mà nhớ, từ nơi nhớ mà tu để tiến vào trí huệ của Phật; cũng tức Pháp Hoa kinh bổn.

“Đức Như Lai vì khiến tất cả chúng sanh đều được khai, thị, ngộ, nhập Tri kiến của Phật, nên Phật ngài phải xuất hiện nơi đời.”

Với diệu pháp như thế, đến thời phải nói mới nói ra được, vì căn cơ của chúng sanh đã tiến đến bực kham thụ pháp Đại thừa.

Lìa bốn quá thất:

1- Vô phi xứ: dùng lý mà nói, tức là với chân tức nói là chân, với giả tức nói là giả, nhẫn đến hữu vô thị phi, đâu chẳng đều thích hợp với lý; nếu nói về sự, tức là phải ở giữa đại chúng, hễ có lời nói năng, đều thích ứng với hoàn cảnh chỗ ở, nên nói là vô phi xứ.

2- Vô phi thời: thì giờ không quấy, nếu lấy thắng nghĩa đế nói, tức pháp của Như Lai sở thuyết đều là sơ thiện, trung thiện và hậu cũng thiện luôn, điều nên nói thì thuyết ra cái giáo vô tướng, giáo hữu tướng, và cái giáo trung đạo phi hữu phi không cũng thế. Nếu y theo nơi thế tục đế mà nói, tức Phật ở nơi Lộc Dã Uyển và Kỳ Viên, Linh Sơn… Ngài nói ra các pháp, đâu chẳng thích nghi với đương thời, nên nói vô phi thời.

3- Vô phi khí: Khí: đồ, tức là căn khí, chỉ về những chúng sanh thụ lãnh giáo pháp. Nếu nói về thắng nghĩa đế, tức tất cả chúng sanh đều có cái pháp khí(7) thành Phật, là chỗ bảo “Nhứt thế chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nên chi pháp của Phật thuyết ra, đều thích hợp với tâm của chúng sanh, đâu chẳng đều khiến cho thành Phật cả. Nếu lấy pháp đời mà nói, tức là kẻ chưa trồng căn lành khiến họ phải trồng, kẻ đã trồng thiện căn khiến họ làm tăng trưởng lên, kẻ đã tăng trưởng khiến họ được thành thục; hoặc tùy theo sở thích của năm tánh(8) mà thuyết cho đều được tùy tâm mãn nguyện, nên nói là vô phi khí.

4- Vô phi pháp: nếu lấy thắng nghĩa đế(9) mà nói, tức nhứt thiết pháp đều chân như, đều tất cánh là không, là vô nguyện, là vô tướng, bất sanh bất diệt, bất đồng bất dị. Nếu lấy thế tục đế(10) mà nói thì, tức Như Lai ngài thuyết ra các pháp tứ đế, thập nhị nhân duyên, ngũ căn, ngũ lực, thất giác, bát chánh đạo, tứ vô lượng và lục độ, đều do nơi “Tối thanh tịnh pháp giới” mà đưa ra bằng cách bình đẳng, cũng đâu chẳng khiến tất cả chúng sanh (hoặc Thanh văn, hoặc Duyên giác, hoặc Bồ-tát) mỗi đều tùy nơi sở thích của mình mà trở về với tối thanh tịnh pháp giới (Phật tánh).

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.