Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào – Phẩm Quán Đốt Và Bị Đốt

Bài kệ 7

Nhược vị nhiên khả nhiên 若謂燃可燃
Nhị câu tương ly giả 二俱相離者
Như thị nhiên tắc năng 如是燃則能
Chí ư bỉ khả nhiên. 至於彼可燃

Nếu nói đốt bị đốt
Hai cái tách rời nhau
Cái đốt mới có thể
Đi tới cái bị đốt.

Nếu nói rằng cái đốt và cái bị đốt, hai cái có thể tách lìa nhau mà có thì cái đốt mới có thể tới được cái bị đốt.

Khi biết nhiên và nhiên liệu không thể nào là hai thực thể tách rời nhau thì chúng ta phải xét lại quan niệm của  ta về chuyện tái sinh và luân hồi, về chuyện địa ngục và thiên đường. Quan niệm của chúng ta đều bị đảo lộn hết tại vì quan niệm đó căn cứ trên sai lầm là lửa và nhiên liệu là hai cái khác nhau. Nếu quý vị học bài này mà thấy có một sự đổ vỡ trong người mình thì rất tốt, đó là sự đổ vỡ của cái kiến trúc tín ngưỡng lâu nay trong mình. Đây là một cơ hội để quí vị xét lại, để có thể đi sâu vào giáo lý và vào sự thực tập của mình.

Bài kệ 8

Nhược nhân khả nhiên nhiên 若因可燃燃
Nhân nhiên hữu khả nhiên 因燃有可燃
Tiên định hữu hà pháp 先定有何法
Nhi hữu nhiên khả nhiên? 而有燃可燃

Nhờ bị đốt có đốt
Nhờ đốt có bị đốt
Cái gì định có trước
Mới có đốt bị đốt?

Chúng ta nói, nhờ cái bị đốt mà có cái đốt và nhờ cái đốt mà có cái bị đốt, nhờ cái này mà có cái kia và nhờ cái kia mà có cái này (thử hữu tắc bỉ hữu, bỉ hữu tắc thử hữu). Nói như vậy thì lấy cái gì quyết định cho cái nào trước để rồi sau đó có cái kia? Để cây bút nằm ngang, ta thấy nó có bên phải và bên trái. Bên phải nhờ bên trái mà có và bên trái nhờ bên phải mà có, vậy thử hỏi bên nào có trước để bên kia nhờ vào? Nếu chưa có thì làm sao nhờ được?

Nhược nhân khả nhiên nhiên: Nếu anh nói do nhiên liệu mà có cái đốt.

Nhân nhiên hữu khả nhiên: Do cái đốt mà có nhiên liệu.

Rất là rõ ràng, như toán học, không khác một ly, một tí! Nếu anh nói, do cái bị đốt mà cái đốt có được và do cái đốt mà cái bị đốt có được tức là hai cái nương nhau mà có, như vậy thử hỏi:

Tiên định hữu hà pháp, trước đó quyết định cái nào có trước? Đốt có trước hay bị đốt có trước? Nhiên có trước hay nhiên liệu có trước? Nói là nhờ cái kia mới có được, nhưng cái kia đã có chưa mà nhờ? Nó chưa có thì nhờ vào đâu? Nói nhờ đốt có bị đốt hay nhờ bị đốt có đốt đều sai! Câu “vạn vật nương nhau mà sinh khởi” nghe hay như vậy nhưng chưa hẳn đã đúng. Nói như vậy có nghĩa là, trước đó phải có cái có trước thì cái kia mới nhờ vào rồi mới có hai cái, đốt và bị đốt.

Bài kệ 9

Nhược nhân khả nhiên nhiên 若因可燃燃
Tắc nhiên thành phục thành 則燃成復成
Thị vi khả nhiên trung 是為可燃中
Tắc vi vô hữu nhiên. 則為無有燃

Nhờ bị đốt có đốt
Đốt rồi phải đốt nữa
Và trong cái bị đốt
Lại không có cái đốt.

Nếu nói, trong cái bị đốt có đốt, vậy thì đốt rồi lại phải đốt thêm nữa. Nói ‘‘nhờ cái bị đốt’’ tức là cái bị đốt đã có sẵn thì cần gì phải đốt nữa? Điều đó không hợp lý, và người ta có thể nói ngược lại là trong cái bị đốt mà lại không có cái đốt.

Hai bài kệ thứ tám và thứ chín nói về đợi, cái này đợi cái kia để mà thành. “Ta đợi em từ ba mươi năm” – Vũ Hoàng Chương. (I have been waiting for you, my darling, for thirty years.) Lửa đợi nhiên liệu từ ba mươi năm! Nếu nhiên liệu đã là nhiên liệu thì nó đã có lửa ở trong rồi. Nếu không có lửa đang cháy thì nó không phải là nhiên liệu. Vậy thì, đợi một cái đã thành rồi thì rất vô lý! Cũng như phía trái có sẵn trước thì phía phải mới nương vào nó để thành lập. Nhưng nếu phía trái chưa có thì phía phải nương vào đâu để thành lập? Công thức “cái này nương vào cái kia mà có” ban đầu nghe giống như đúng, kỳ thực nó cũng chưa đúng lắm. Cái kia có rồi thì ta mới nương được, nhưng nếu cái kia có thì ta cũng có luôn trong đó rồi, ta khỏi sinh. Chúng ta đi đến vô sinh.

Bài kệ 10

Nhược pháp nhân đãi thành 若法因待成
Thị pháp hoàn thành đãi 是法還成待
Kim tắc vô nhân đãi 今則無因待
Diệc vô sở thành pháp. 亦無所成法

Cái cần cái khác thành
Cũng là cái khác đợi
Nay không nhân gì đợi
Cũng không pháp để thành.

Nhược pháp nhân đãi thành
Thị pháp hoàn thành đãi

Nếu một pháp nào đó do sự chờ đợi mà thành thì chính pháp đó cũng là cái mà các pháp khác đợi. Nếu nói một pháp đợi các pháp kia để thành thì chính pháp đó cũng là cái mà các pháp kia đợi để thành. Nó vừa là năng đợi vừa là sở đợi, nếu đốt đợi bị đốt thì bị đốt cũng đợi đốt, hai cái đợi nhau. Nhưng hai cái đó đã có đâu mà đợi? Ta chưa có thì người kia đâu có đợi ta được? Người kia cũng chưa có thì làm sao ta đợi người kia? Đợi cái gì?

Cái mà phải đợi cái khác mới có thể thành lập được, cái đó cũng là cái mà cái khác đang chờ đợi mới có thể thành lập được.

Ta đợi em từ ba mươi năm, giống như nàng đợi chàng từ ba mươi năm và chàng đợi nàng từ ba mươi năm. Trong khi đó thì cái kia đâu có đâu mà đợi và ta cũng vậy. Nếu các pháp do sự chờ đợi mà thành thì chính các pháp đó cũng bị các pháp khác chờ đợi. Tay phải đợi tay trái để được thành lập thì chính tay trái cũng đang đợi tay phải để được thành lập. Các pháp chờ đợi nhau để được thành lập thì chính ta cũng là đối tượng chờ đợi của các pháp khác.

Kim tắc vô nhân đãi
Diệc vô sở thành pháp

Xét cho kỹ, ta không thấy đối tượng của sự chờ đợi mà cũng không có hiện tượng “có thể phát sinh” hay “có thể thành lập”. Đốt và bị đốt có phải là hai hiện tượng tách rời nhau không? Nếu là hai hiện tượng tách rời nhau thì mới có chuyện cái này đợi cái kia hay cái kia đợi cái này. Bài kệ này lấy ra khỏi đầu chúng ta ý niệm đợi. Ý niệm đợi là một ý niệm sai lạc.

Bài kệ 11

Nhược pháp hữu đãi thành 若法有待成
Vị thành vân hà đãi 未成云何待
Nhược thành dĩ hữu đãi 若成已有待
Thành dĩ hà dụng đãi? 成已何用待

Nếu pháp đợi mà thành
Chưa thành làm sao đợi?
Thành rồi mà còn đợi
Thành rồi đợi làm gì?

Nhược pháp hữu đãi thành
Vị thành vân hà đãi

“Đợi” thì phải có người đợi, ai đợi mới được? Ta chưa được thành lập thì làm sao đợi? I wait for you, phải có I thì mới có wait for you. Nếu ta chưa được phát hiện thì ai là chủ thể của sự chờ đợi? Phải có chủ từ thì động từ mới có ý nghĩa. Mây bay. Phải cómây thì bay mới có ý nghĩa, nếu không có mây thì làm sao bay? “Đợi” cũng vậy. Phải có kẻ đợi thì đợi mới có ý nghĩa. Nói các pháp đợi mới biểu hiện ra mà nó chưa có thì cái gì đợi?

Nhược thành dĩ hữu đãi
Thành dĩ hà dụng đãi

Nếu các pháp thành rồi thì còn đợi gì nữa? Nếu các hiện tượng do sự chờ đợi mà thành, vậy trong thời gian nó chưa có mặt thì làm sao đợi? Vị thành là chưa thành hay chưa có mặt. Nếu các pháp đã có mặt rồi (dĩ thành) mà còn đợi nữa thì vô lý quá!

Tất cả chương này liên hệ tới ý niệm “tác và tác giả” (actor and action). Sự liên hệ giữa tác và tác giả là một ý niệm rất quan trọng. Chúng ta có giải thoát được sinh tử hay không là do ta có hiểu, có quán chiếu chỗ này hay không.

Bài kệ 12

Nhân khả nhiên vô nhiên 因可燃無燃
Bất nhân diệc vô nhiên 不因亦無燃
Nhân nhiên vô khả nhiên 因燃無可燃
Bất nhân vô khả nhiên 不因無可燃

Do bị đốt không đốt
Không do cũng không đốt
Do đốt không bị đốt
Không do không bị đốt

Bốn câu trên có nghĩa là: do cái bị đốt thì không có cái đốt mà không do cái bị đốt thì cũng không có cái đốt. Do cái đốt thì không có cái bị đốt mà không do cái đốt thì cũng không có cái bị đốt. Bài kệ này nói về do hay không do.

Thường thường chúng ta nói, cái này nương vào cái kia mà thành lập: Cái bị đốt nương vào cái đốt mà có. Xét cho kỹ, ta thấy rõ ràng là, không phải do cái bị đốt mà có cái đốt mà không do cái bị đốt cũng không có cái đốt. Do và không do đều không được thành lập. Câu này có nghĩa là: Nếu cái đốt đợi cái bị đốt để phát hiện thì cái đốt tự nó không có tự tánh. Nếu cái bị đốt đợi cái đốt để biểu hiện thì cái bị đốt tự nó cũng không có tự tánh. Nói nhờ cái đó (do) không được mà nói không nhờ (không do) cái đó cũng không được.

Hai câu sau của bài kệ giống hai câu trước nhưng thay vì nói đốt thì nói bị đốt, thay vì nói bị đốt thì nói đốt. Đó là một công thức lặp lại theo hai chiều, mục đích là lấy ra khỏi đầu mình ý niệm về do.

Những điều này đã được đề cập trong phẩm Khứ Lai (Đến và Đi) rồi, nếu chúng ta nắm được giáo nghĩa của phẩm Khứ Lai thì nó trở thành rất dễ hiểu.

Bài kệ 13

Nhiên bất dư xứ lai 燃不餘處來
Nhiên xứ diệc vô nhiên 燃處亦無燃
Khả nhiên diệc như thị 可燃亦如是
Dư như khứ lai thuyết 餘如去來說

Đốt không nơi khác tới
Nơi đốt cũng không đốt
Bị đốt cũng như thế
Như trong phẩm Khứ Lai.

Bài kệ này có nghĩa là: Nếu cái đốt không từ nơi khác tới thì nơi đang có cái đốt cũng không có cái đốt. Điều này cũng áp dụng cho cái bị đốt. Hai câu đầu nói về cái đốt và câu thứ ba nói về cái bị đốt. Cái bị đốt cũng không từ nơi khác tới, cho nên trong chỗ có cái bị đốt cũng không có cái đốt. Tất cả đều được giải quyết như trong phẩm Khứ Lai. Bài kệ này nói về xuất xứ, tức chỗ phát sinh ra cái đốt và cái bị đốt. Cái đốt không từ nơi khác tới và ngay chỗ có cái đang bị đốt cũng không phải là nơi xuất xứ của cái đốt.

Bài này động tới ý niệm về khứ lai mà ta đã học trong phẩm Khứ Lai. Chúng ta đi đến kết luận: Không có khứ, không có lai, không có năng, không có sở, tức là không có chủ thể và đối tượng.

Chúng ta nhìn dòng sông Seine hay sông Cửu Long. Cha ông ta ngày xưa đã sinh ra, lớn lên và thấy dòng sông đó. Bây giờ, ta sinh ra, lớn lên và cũng thấy dòng sông đó. Sau này, con cháu ta sinh ra và cũng sẽ thấy dòng sông đó. Dòng sông đó như là một thực tại. Ta có thể nói “dòng sông uốn khúc”. Uốn khúc là một động từ (action) và dòng sông là một chủ từ (actor). Dòng sông đã uốn khúc từ lâu rồi, từ khi ta chưa sanh, từ khi ông cha ta chưa sanh và sẽ uốn khúc tới khi chúng ta diệt. Chúng ta có cảm tưởng là có một dòng sông và nó sẽ uốn khúc như vậy hoài, giống như dòng sông có một thực tại miên viễn liên tục. Ta có thể gọi nó bằng một cái tên như Seine, Cửu Long hay Gironde.

Hợp thể ngũ uẩn của chúng ta cũng giống hệt như một dòng sông. Hồi nhỏ, chúng ta có chụp hình. Lớn lên, ta hai mươi tuổi có chụp hình và bây giờ ta ba mươi tuổi cũng có chụp hình. Tuy là hình có hơi khác nhau nhưng thật ra là một người. Người ta nghĩ rằng, qua thời gian như vậy có một chủ thể nằm trong đó, bất biến, bất diệt. Ta gọi là ta sống cũng như ta nói “dòng sông uốn khúc”. Ta là chủ từ và sống là động từ. Nếu sống mà không có cái ta thì ai sống? Sống phải có một cái ta, một chủ thể.

Nhìn kỹ vào dòng sông, chúng ta không thấy có một chủ thể thường tại trong dòng sông. Dòng sông được làm bằng những giọt nước, giọt nước này liên hệ với giọt nước khác. Ta không thể nào xuống tắm hai lần trong một dòng sông và được tiếp xúc với một thứ nước. Dòng sông biến chuyển trong từng giờ từng phút. Con người của ta cũng vậy. Những tế bào trong cơ thể ta cũng chỉ là những giọt nước đi qua. Cơ thể ta cũng là một dòng sông mà thôi, ta sẽ tìm không thấy có một cái gọi là chủ thể.

Đứng về phương diện hình hài, các tế bào diệt sinh trong từng giây phút. Đứng về phương diện tâm thức cũng vậy. Những cảm thọ, tri giác, tâm hành, nhận thức, chúng cũng chỉ là những giọt nước hay những tế bào của tâm. Tâm hành buồn, giận, lo, hạnh phúc… tất cả các tâm hành đều là những giọt nước trong dòng sông tâm thức. Trong đó không cần có cái ta, không cần có tác và tác giả, không cần có chủ thể và đối tượng. Tại vì chúng ta thường nói chủ thể là đốt, là lửa, và đối tượng là cái bị đốt, là nhiên liệu.

Bài kệ này để chúng ta quán chiếu về cái ngã, cái ta. Chúng ta nói thần thức làm cho hình hài sống, giống như lửa tới làm cháy cây đèn cầy. Đó là một quan niệm lưỡng nguyên: cây đèn cầy không thể nào cháy được nếu không có lửa. Phải có lửa tới thì đèn cầy mới thành ra một vật sinh động. Hình hài, thân xác của ta, nó là vật bị đốt, còn linh hồn của ta là lửa. Nhờ lửa tới mà hình hài sống được, tâm ta thường hay suy nghĩ như vậy! Chương này giúp chúng ta thấy quan niệm luỡng nguyên về đốt và bị đốt, về hình hài và tâm thức, về tác và tác giả, là một quan niệm sai lầm. Chừng nào chưa thấy được thì ta vẫn chưa vượt thoát được sợ hãi và chưa thật sự giải thoát. Khi một tâm hành giận nổi lên thì thật sự chỉ có tâm hành giận nổi lên thôi. Nếu phân tích thì giận bao giờ cũng là giận cái gì. Giận thầy, giận bạn, giận con mèo hay giận trời mưa? Phải có đối tượng giận và chủ thể giận.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.